Phạt ngu!

Thứ hai - 16/03/2020 23:24 |   677
Nghe rằng những người tự tử, khi được đưa vào cấp cứu thì người nhà phải đóng cho bệnh viện mấy trăm ngàn tiền phạt, được bà con gọi nôm na là “tiền phạt ngu”, có lẽ vì cho rằng chỉ có người ngu mới tìm cách tự kết liễu cuộc đời trong thời buổi này?
Phạt ngu!

PHẠT NGU !

[01.05.2006 22:54]

Nghe rằng những người tự tử, khi được đưa vào cấp cứu thì người nhà phải đóng cho bệnh viện mấy trăm ngàn tiền phạt, được bà con gọi nôm na là “tiền phạt ngu”, có lẽ vì cho rằng chỉ có người ngu mới tìm cách tự kết liễu cuộc đời trong thời buổi này?

Chuyện của tôi thì hơi khác, vì lẽ tôi không tự tử, nhưng khi nhiều người gặp tôi cứ hay thắc mắc về những vết bầm tím trên cổ, hỏi “Cha bị gì dzậy?”, thì tôi cũng phải bóp bụng mà trả lời “đó là bị phạt ngu”. Mà đúng là ngu thật!

Cách đây đã mấy năm, khi thấy cổ mình cứng đờ ra, xương cốt nhức mỏi, phản xạ thì chậm như rùa, tôi bèn đi khám tại thành phố mang tên Bác. Vào phòng khám Thiên Phước, bà bác sĩ có đạo lấy búa (cao-su) gõ đầu gối, khuỷu tay, bắt tay chân co duỗi, bắt đi theo kiểu nhà binh cho bà ấy coi, xong xuôi bà phán một câu choáng váng: “Cha bị pắc-kin-xơn”. Bỏ phòng khám đi ra, lại chạy xuống Chợ Rẫy tìm bác sĩ giỏi hơn.

Cũng lại tái diễn gõ búa, co tay chân, đi đi lại lại… Rồi cuối cùng bác sĩ cũng phán “pắc-kin-xơn”. Lại càng tê tái hơn, vì mình nghĩ đó là căn bệnh của tuổi già, mắc bệnh đó thì cuộc đời đã đến lúc hoàng hôn, tàn đời rồi, “còn gì nữa đâu mà khóc với sầu”. Nhưng mà cái tự ái của cái thằng tôi trong người mình nó không chịu chấp nhận một sự thực phũ phàng như thế. Nó nghĩ rằng “có khi ông, bà bác sĩ lầm chăng? ta mới có bốn mươi lăm cái xuân xanh cơ mà!”. Rứa là lại chạy đi tìm thầy thuốc khác, lần này là thầy thuốc ta, bắt đầu cho cái “phạt ngu”.

Trong đầu nhớ cái địa chỉ bên quận 5, ngay kề cái ổ thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông của Sài Thành, hơn nữa, địa chỉ này lại là của một bà xơ giới thiệu, con nhà có đạo hẳn hoi (lại con nhà có đạo!). Tấp xe vào thềm cái cửa hiệu đề “Lương y……..” rồi, hiên ngang đi lại chỗ bà thầy ngồi khám. Bà này không gõ búa, không bắt đi đi lại lại, co tay co chân…, chỉ đo huyết áp, chăm chăm nhìn vào cái cổ bệnh nhân một hồi rồi phán: “cổ của cha to hơn bình thường, cha bị bướu!” bà còn thòng thêm một câu “vì bị bướu nên tay cha rung, chứ không phải là pắc-kin-xơn. Bây giờ cha để con chữa lành cái bướu thì tay cha hết rung thôi!”.

Nói thật, ngay lúc ấy cái thằng tôi gật gù đồng ý ngay, vì đang mong là không bị pắc-kin-xơn, thì được bà lang phán cho là không bị. Mình tin tưởng bà lang ngay lập tức, này nhé, có đầy đủ yếu tố để tin: có một phòng khám đông y ở ngay ổ thuốc đông y, có một bà xơ giới thiệu, lại có đạo nữa, xưng cha-con hẳn hoi. Rứa là sẵn sàng để bà lang chữa bướu. Bà lang yêu cầu cha nằm ngửa cổ để bôi thuốc, cam đoan 3 ngày cái bướu sẽ bị thuốc hút ra ngoài và sẽ xẹp đi (!), không phải mổ nguy hiểm.

Ba ngày, mỗi ngày đều đến bôi một thứ keo đen, nóng như lửa và giá đắt hơn các loại thuốc bình thường (vì có vàng trong đó, bà lang phán như vậy, cha thì tin hết cả linh hồn rồi nên không thắc mắc). Ba ngày, hầu như không ngủ được, vì thuốc đau rát ở cổ, trong người thì nóng hừng hực như lửa đốt (nhưng không sao, đó mới là thuốc đang có tác dụng, bà lang phán như vậy). Sau ba ngày, không trát thuốc vào cổ nữa, nhưng khi lột thuốc ra, thì da trên cổ đã có những chỗ bị cháy đen như bị phỏng (không sao, chỉ một tuần sau thì da non mọc ra, cổ sẽ trơn tru lại như thường, cha nhớ uống nhiều nước chanh vào cho mát, bà lang phán như vậy). Hỡi ơi ! hết một tuần, rồi một tháng và cho đến hôm nay, dấu “phạt ngu” vẫn còn; tất nhiên là bướu không hết (vì có cái nào đâu để mà hết) và pắc-kin-xơn thì mãi vẫn là pắc-kin-xơn!

Nhưng mà tại sao lại kể chuyện “phạt ngu” để đăng trong kỷ yếu của chủng viện? Ấy là vì cái thằng tôi xin thưa với quý ông, quý anh, nhất là quý cha LBT rằng một ông được gọi là cha, làm đầu một gia đình hay thậm chí một giáo xứ, hướng dẫn bao nhiêu người bằng sự khôn ngoan… thì lại chẳng khôn ngoan tí ti nào khi có việc xảy đến với mình. Mới hay rằng “errare humanum est, như các cha giáo ngày xưa thường nhắc, “làm người là lầm người đấy !”. Mới hay rằng sự khôn ngoan không ở nơi mình, mà ở nơi ơn Chúa Thánh Thần hoạt động.

Ngày mới làm linh mục cách nay đã hơn 10 năm lẻ, đến hàn huyên với cha già Hồ Hán Thanh, xin cha truyền cho ít kinh nghiệm của đời linh mục lâu năm của Cha. Cha già thủng thẳng nói: “Cha có biết người ta gọi kinh nghiệm là gì không? Gọi cho đúng thì kinh nghiệm là mắc dại! Anh mô vấp phải cái dại nhiều thì có kinh nghiệm nhiều”. Một chuyện “phạt ngu” nhắc mình phải khiêm nhượng hơn, và hi vọng “mua vui cũng được một vài trống canh” cho bà con thư giãn, như chuyện cảnh giác báo CA vậy.

Lm Nguyễn Công Minh, lớp Giuse

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây