Hoa phượng nở sớm

Thứ sáu - 24/04/2020 04:30 |   1188
Ngày 09-5-2010, Chúa nhật VI Phục sinh.
Hoa phượng nở sớm

Hoa phượng nở sớm – 1975

Ngày 09-5-2010, Chúa nhật VI Phục sinh.

Sáng sớm hôm nay, tôi sửa soạn chuẩn bị cho thánh lễ ngày chủ nhật của Giáo họ. Vừa ra khỏi cổng, cây phượng già căn nhà đối diện đập vào mắt tôi một màu đỏ thắm, màu đỏ của những bông hoa phượng, màu đỏ của loài hoa man mác buồn nở vào mùa hạ nắng, hoa của mùa học trò chia tay cuối sân trường; Màu hoa mà khi còn là chủng sinh tôi vẫn mong chờ khi hè về. Bài hát: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương, màu hoa phượng thắm như máu con tim…” khiến người học trò cảm thấy nao nao…

Đứng nhìn màu đỏ thắm của loài hoa học trò, bỗng dưng tôi chợt nhớ đến tổ ấm năm xưa. Nơi ấy giờ đây không còn màu hoa phượng nữa, người ta đã phá hết để xây dựng những ngôi nhà cao tầng. Anh em chúng tôi cũng ra đi để hòa vào giòng đời, bỏ lại nơi ấy những cánh phượng hồng mang bao kỷ niệm của tuổi học trò.

Chuẩn bị dọn bàn thờ, hôm nay tôi và vài chị em trong  giáo điểm đặt trên bàn thờ một giỏ hoa với rất nhiều hoa phượng như để dâng lên Chúa màu đỏ thắm của cuộc đời hôm nay không còn tuyệt vọng và khóc than nữa, có còn chăng chỉ là Thương và Nhớ.

- Thương vì có xót xa cho những lần lầm lỡ,

- Nhớ vì có mong chờ, có gởi đi và mong mỏi hồi âm.

Trên bàn thờ, cây Thánh giá rực đỏ qua ánh đèn điện chiếu xuống lẵng hoa đầy phượng đỏ, những giọt sương còn đọng lại trên cánh phượng như giọt nước mắt của niềm hạnh phúc trào dâng. Trên thập giá đỏ thắm hôm nay như mời gọi chúng tôi về một chuyện tâm hồn, một chuyện tâm tình giữa chúng ta và Thiên Chúa, một tâm tình đầy “niềm thương và nỗi nhớ”.

- Thương vì đã có lỗi phạm

- Nhớ vì đã có thứ tha

- Có đau buồn mà không tuyệt vọng

- Có nước mắt nhưng hạnh phúc tràn đầy

- Có đôi chút xót xa nhưng cũng có vỗ về an ủi

Màu đỏ thắm của cây thánh giá trên bàn thờ và giỏ hoa phượng đỏ bỗng cho tôi một cảm giác bâng khuâng, nhớ nhung về một màu đỏ thắm cuộc đời mà tôi đã đi qua của một mùa chia tay, khi mà những cánh phượng hồng chưa kịp khoe sắc, khi mà những chú ve sầu chưa kịp chào đời để hát cho chúng tôi nghe bài ca chia tay mỗi khi hè về... Đã có một “mùa chia  ly” khi mùa hè chưa đến, khi những cánh phượng chưa kịp nở như thế!!!

Vậy mà thấm thoát đã 35 năm..., hơn một phần ba thế kỷ!

Sáng Chúa nhật, mồng 09-3-1975

Hôm nay là ngày Chúa nhật, như mọi ngày Chúa nhật, nhưng khác một chút là ngày hôm nay, tất cả chủng sinh được đi chơi tự do, mà ngày ấy chúng tôi gọi là: SORTI LIBRE. Tất cả đều bình thường, không ai có thể nghĩ  rằng chiến tranh đang đến...

Sáng thứ hai, mồng 10-3-1975

Rạng sáng ngày hôm ấy, trời còn tối lắm, không biết là đã mấy giờ rồi, chúng tôi (Đinh Ngọc Châu, Nguyễn Vĩnh Thành, Trịnh Kim Hàm và tôi) rủ nhau ra ngoài lan can nhà phơi để nhìn về phía thị xã Banmêthuột, nơi đó ánh chớp lóe sáng liên hồi hòa lẫn cùng tiếng ùng oàng của đạn pháo. Chúng tôi bàn luận: “chắc lại pháo kích vào phi trường L.19 rồi!”

Sáng hôm đó, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, lớp chúng tôi vẫn học 2 tiết đầu là môn Pháp văn. Đến khoảng hơn 9 giờ sáng, đã có lác đác một số người từ hướng Hòa Bình vào trong khuôn viên Chủng viện để tránh bom đạn. Chúng tôi học mà mắt cứ để ra ngoài cửa sổ nhìn đoàn người kéo đến ngày càng đông. Sau hai giờ Pháp văn, Cha Giám đốc cho chúng tôi nghỉ hai giờ cuối và phân công việc cho từng lớp. Tất cả bàn ghế của các lớp được xếp lại gọn ghẽ, các chủng sinh được phân công để giúp đồng bào đến trú ngụ. Khoảng 1 giờ chiều, tiếng bom đạn nổ ngày càng gần hơn, phía bên kia đường, những khẩu đại pháo của Tiểu đoàn 230 pháo binh bắn đi liên hồi, đoàn người lánh nạn đến ngày càng đông, tất cả các phòng học đều kín người. Phía đường quốc lộ 26 đi Nha Trang, từng đoàn xe nối đuôi nhau đi tìm đường lánh nạn. Lúc này ai cũng lo lắng vì biết chiến tranh đã thực sự đến rồi. Tất cả chúng tôi, ai nấy tự thu xếp tư trang cá nhân, lớp Truyền Tin chúng tôi được Soeur Anré giao 4 túi cứu thương trong đó gồm: bông gòn, băng, thuốc đỏ và kéo... Các anh lớp trên (Vô Nhiễm và Giuse) đang chuẩn bị cho một chuyến đi về hướng Phước An, còn một số chuẩn bị đi về một hướng khác. Càng về chiều, tiếng đạn nổ càng gần, phần nhiều tập trung ở phía rừng cao su và Trung tâm thực nghiệm. Cũng chiều hôm ấy, một quả đạn pháo đã nổ trong khuôn viên của Chủng viện (phía sau, giữa nhà máy phát điện và nhà máy cung cấp nước của Chủng viện). Đến chiều, tất cả chủng sinh đều tập trung về tiền sảnh của chủng viện và chia nhau vào phòng của cha Đậu, cha Toàn, cha Đạo, một số vào trong nhà W.C ở sát phòng cha Đạo, còn một số vào nhà kho dưới chân cầu thang. Tôi, anh Châu và anh Thành (lớp Truyền Tin) thì vào trong phòng khách của các cha... Tối hôm ấy, tiếng súng không còn gay gắt như buổi chiều nữa, chỉ có tiếng hú của những viên đạị pháo bay qua đầu. Một đêm yên lặng, một đêm nặng nề trôi qua…

Sáng thứ ba, ngày 11-3-1975

Sáng hôm ấy, mọi sự vẫn bình thường như không có gì xảy ra, chúng tôi còn kéo nhau lên sân thượng để xem súng đại bác của Tiểu đoàn 230 bắn qua trường Nông Lâm Súc và Trung tâm thực nghiệm, xem cảnh xe và người nối đuôi nhau trên quốc lộ 26A chạy về hướng Nha Trang... Nhưng đến khoảng 08 giờ, các loại súng thi nhau lên tiếng. Trên trời đã xuất hiện 1 chiếc L.19 và 2 chiếc oanh tạc cơ A.37. Tất cả đều hoảng hốt, chúng tôi vội vàng chen nhau chạy xuống cầu thang và về chỗ của mình ở tầng dưới.

Trong phòng khách của các cha, 3 anh em còn giành nhau khe cửa sổ để nhìn ra ngoài ngã ba nơi có hai chiếc xe tăng đang đứng ở đó, có một vài người lính trên xe tăng nhảy xuống xe và trèo qua hàng rào. Súng đại liên trên chiếc xe tăng bắn thẳng vào chủng viện. Sợ quá, chúng tôi nhào về chỗ cũ (bức tường sát hành lang) và nằm im (tôi nằm trên cùng, kế đến là Đinh Ngọc Châu, dưới cùng là Nguyễn Vĩnh Thành). Vừa nằm xuống, Châu nói: “Chắc là chết rồi, tụi mình lần hạt cầu xin Đức Mẹ đi”. Thế là chúng tôi cùng nhau lần chuỗi mân côi, thật ra miệng thì đọc nhưng đầu óc, tâm trí thì ở đâu đâu cũng không biết nữa. (lúc này khoảng 9 giờ hay 10 giờ sáng). Bỗng ngoài hành lang có tiếng hét thật to: “Xin đừng bắn! ở đây chỉ là học sinh”, và hầu như đồng loạt, chúng tôi hô theo “Xin đừng bắn! ở đây là học sinh”. Và như để trả lời chúng tôi, 2 tiếng nổ liên tiếp UỲNH...UỲNH… Một đám bụi màu cam mù mịt xen lẫn với một mùi khen khét trùm hết căn phòng. Tai tôi ù đi, không thở được. Tôi ngất đi và không biết gì nữa... và cũng không hiểu tại sao tôi tỉnh lại được. Mở mắt ra, tôi nhìn thấy một đống gach vụn, nền nhà phủ một lớp bụi dày, bộ bàn ghế salon bị lật đổ, gãy nát. Ngoài tiền sảnh, mọi người ào ào chạy ra ngoài sân banh, nhìn xuống dưới không thấy Châu và Thành đâu cả. Tôi vội vàng choàng túi cứu thương qua vai, đứng lên và chạy ra ngoài (cho đến lúc này tôi vẫn chưa biết mình bị thương). Mới đứng lên, chân phải của tôi đã khụy xuống và tôi cảm thấy đau ở phần mông, ngoái đầu nhìn lại, tôi thấy chỗ mình nằm có máu, đưa bàn tay sờ đùi thấy ướt, lúc này tôi biết mình đã bị thương. Cố nhào ra được đến cửa, mắt tôi tối sầm lại và cũng không biết mình ra được ngoài sân banh bằng cách nào.

Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm ở ngoài sân banh cùng với tất cả anh em. Phía trước và xung quanh là những người bộ đội tay cầm súng chĩa thẳng vào chúng tôi mặt đằng đằng sát khí miệng quát nạt những ngôn từ tục tĩu. Phía bên ngoài hàng rào của Chủng viện (ngay ở ngã ba) hai chiếc xe tăng T.54 đang đứng sừng sững, trên xe lố nhố những bóng người lính mặc áo xanh, nòng súng của chiếc xe tăng quay ngang, quay dọc, có lúc lại chĩa cả vào đám người vô tội đang nằm ở sân banh. Trên bầu trời, 1 chiếc L.19 và 2 chiếc oanh tạc cơ A.37 vẫn bay những vòng tròn trên bầu trời trong xanh của cái nắng tháng 3 một cách bình thản.

Bỗng nhiên, một vệt khói xanh được bắn ra từ chiếc máy bay L.19, hai chiếc A.37 đổi hướng, bay vút lên cao hơn và từ hướng thị xã Banmêthuột chúng lao thẳng về phía chúng tôi, một chiếc bay qua đầu chúng tôi, chúng bay quá thấp, tiếng động cơ và tiếng rít của máy bay nghe lạnh cả người, tất cả chúng tôi nằm úp mặt xuống. “Chắc là chết!” - Tôi thầm nghĩ. Nhưng không có gì, chúng tôi lại ngẩng đầu lên. Lại một chiếc thứ hai lao xuống, từ bụng chiếc máy bay này nhả ra hai quả bom đen trùi trũi, chúng cứ thế bay xuống... Hai quả bom ngày càng to dần lên, lùi lũi bay thẳng về phía chúng tôi đang nằm. Tiếng la ó, tiếng hét thất thanh, tiếng khóc của trẻ con, tiếng chửi rủa của những người lính. Đoàn người nhốn nháo hẳn lên, kẻ nằm úp mặt xuống đất, người chồm lên, kéo nhau chạy vào nhà tạo nên một quang cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Đủ loại súng thi nhau nhả đạn vào chiếc máy bay A.37 đang cất mình bay lên. ẦM...ẦM... Hai tiếng nổ vang trời, hai cột bụi đất bốc lên cao... May mắn thay, hai quả bom chỉ nổ ở ngoài ngã ba, nơi có hai chiếc xe tăng đang đứng. Bất chấp lời hăm dọa, nạt nộ của những người lính, không sợ cả những họng súng đang chĩa vào mình, đoàn người vùng dậy và nối đuôi nhau chạy vào khu vực nhà ăn. Và đã có tiếng súng nổ ở giữa đám đông (không biết có ai bị làm sao không?!)

Tôi đứng lên, hai bên là hai người bạn dìu tôi đi theo đoàn người (lúc đó tôi cũng không nhận ra ai đã dìu tôi nữa) chạy vào trong nhà, lúc này thực sự tôi không cảm thấy đau gì hết (có lẽ mình sợ quá nên không cảm thấy đau), nhưng tôi nhận thấy máu vẫn chảy qua cái cảm giác âm ấm ở đùi bên phải. Vào trong hành lang trước mặt nhà ăn, tôi thấy thấp thoáng bóng anh Châu (lớp Vô nhiễm) ở phía trước, một bên vai phải đầy máu, đang đi cùng với hai anh lớp trên. Khi đến cửa phòng cha Lan, tôi lại thấy cha Đậu và Hoàng Mạnh Trung đang được đặt nằm ở trước cửa. Sau đó, anh Châu nằm ở đó cùng cha Đậu và anh Trung để chăm sóc vì vết thương quá nặng, còn tất cả bị lùa ra sau vườn cao su (phía sau chủng viện). Ra đến đây, chúng tôi tập hợp lại theo lệnh của quân giải phóng, và sau đó lại là một cuộc thanh lọc. Tất cả những ai có thân hình lớn một chút được tách riêng ra, những ai nhỏ hơn thì được dồn sang một bên. (Lúc này tôi mới gặp được Nguyễn Vĩnh Thành, nó cũng bị thương ở cổ họng, nhưng không ghê gớm lắm). Khoảng nửa giờ, họ tập hợp tất cả những ai là người lớn và dẫn đi, không biết là đưa đi đâu (sau này mới biết là anh em bị đưa vào rừng) số còn lại, họ để nằm tại chỗ, không ai quản lý và cũng không ai canh gác. Lúc này mọi người mới được nằm nghỉ một chút, và cũng lúc này, tôi mới thấy đau và nhức kinh khủng. Vết thương của tôi giật giật lên từng đợt và cứ mỗi lần như vậy tôi lại cảm thấy ấm và nóng ở một bên mông. Tôi cố nhìn xem vết thương như thế nào nhưng không tài nào nhìn được. Hỏi bạn Hải (lớp Phanxicô) thì bạn ấy lắc đầu không nói. Chúng tôi nằm như vậy đến khoảng 5giờ chiều, nhìn quanh chẳng còn ai, đám đông bỏ đi hết, cũng không còn thấy bóng dáng quân giải phóng đâu cả. Chúng tôi tự động chui qua hàng rào và trở lại Chủng viện.

Về đến nhà, tôi và Nguyễn Vĩnh Thành được đưa vào ngay trong nhà bếp của Chủng viện. Soeur Anrê, anh Thuần, anh Hảo lau rửa vết thương ngay, soeur Anrê chích cho tôi 2 ống thuốc kháng sinh (thuốc gì mà đau thế!). Nằm trên giường, ngoái đầu ra đằng sau tôi nhìn thấy ống quần bên phải của tôi đen xịt và khô cứng lại, anh Thuần phải lấy kéo cắt bỏ, xong mới làm vệ sinh vết thương được. Nằm ở trong phòng này có tôi và Vĩnh Thành, còn cha Đậu, anh Châu, Trung ròm hình như nằm bên phòng của cha Lan.

Mấy ngày sau, cha Đậu và các anh được chuyển ra Nhà thương tỉnh để trị thương... Về đến nhà, một cảm giác an bình trong sự bao bọc, chở che của các cha, các soeur, các anh em và cả những bác giúp việc của Chủng viện nữa.

Đã lâu lắm rồi tôi chưa gặp lại Soeur Anrê, Soeur Lucie, Soeur Thiết, anh Thuần, anh Hảo và nhiều người mà suốt trong thời gian gần 2 tháng đã lo lắng, chăm sóc cho tôi như một người cha, người mẹ, người anh, người chị... Trả ơn ư? Làm sao trả được khi sự hy sinh, chăm sóc tận tình mà tất cả mọi người đã dành cho tôi quá to lớn. Giờ đây, qua những giòng chữ này, tôi xin gởi đến tất cả quí Soeur, các anh, các chị… lòng tri ân sâu xa, lòng biết ơn chân thành của tôi. Tôi luôn cầu xin và tin tưởng rằng: Thiên Chúa sẽ trả công cho tất cả mọi người một cách xứng đáng.

Xin tạ ơn Thiên Chúa đã nâng đỡ, che chở chúng con. Giờ đây và mãi mãi chúng con luôn cùng nhau hát lên bài ca:        

Hồng Ân Thiên Chúa bao la                                                            

Muôn đời con sẽ ngợi ca ơn người.

AMEN. 

Nguyễn Văn Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây