Nhật ký thời đi tu

Thứ bảy - 02/05/2020 02:58 |   936
Xin trích đăng một vài đoạn nhật ký… thấy hay hay, để cùng nhau thư giãn:
Nhật ký thời đi tu

Nhật ký thời đi tu

Như đã viết hôm trước, trong bài Lan man:

“Nhớ ngày xưa, khi ở trong chủng viện, các Cha giáo bắt viết nhật ký mỗi ngày, mình cho là vớ vẩn. Sáng, trưa, chiều, tối, ngày nào cũng như ngày nấy, rập khuôn theo một thời khóa biểu nhất định, chẳng có gì đáng viết cả.

Chẳng có gì đáng viết cả. Nhưng rồi ngày nào cũng phải viết. Xem lại thấy hay hay, toàn chuyện đơn sơ, chân thực đến là ngộ nghĩnh.”

Xin trích đăng một vài đoạn nhật ký… thấy hay hay, để cùng nhau thư giãn:

Ngày…tháng…năm 1970

Nó lại khóc. Giờ kinh tối hôm nay nó lại khóc thút thít. Nó nhớ mẹ.

Mình nhìn sang. Nó vội lấy tay chùi nước mắt. Mắt nó đỏ hoe.

Mình muốn nói một câu để an ủi nó, nhưng có cái gì đó chặn ngang cổ họng mình. Mắt mình cũng cay cay. Hình ảnh mẹ hiện ra mờ ảo. Mẹ ngồi may áo. Dáng mẹ dịu hiền. Nước mắt mình lăn dài trên má, thấm vào môi, mằn mặn. Mình tự nhủ lòng: Không được khóc. Mình đã lên lớp 6 rồi cơ mà. Đi tu, không được khóc.

Nó quay sang nhìn mình hỏi nhỏ: “Cậu cũng nhớ mẹ à?”

Mình gật đầu. Lặng thinh. Hình ảnh mẹ nhạt nhòa.

 

Ngày…tháng…năm 1970

Hôm nay mẹ đến chủng viện thăm mình, dẫn theo cả mấy đứa em. Chúng nó bảo: “Nhà của anh to thật đấy! Thích quá!” Rồi chúng tung tăng chạy khắp nơi.

Mẹ thì cứ nắm chặt tay mình. Mình bẽn lẽn gỡ tay mẹ ra: “Mẹ, chúng bạn con nó cười kìa.” Mẹ mắng yêu, rồi soạn quà trong giỏ đặt lên bàn. Nào là cam, chuối, khoai gieo (khoai lang luộc rồi sấy khô),… toàn những thứ ở vườn nhà, những món mình thích. Nhưng, bây giờ mình đi tu rồi mà. Bố mẹ mấy đứa bạn lên thăm, vừa cho tiền vừa cho quà bánh, tuyền loại văn minh, đóng hộp đàng hoàng.

Mình nói: - “Lần sau mẹ đừng mang những thứ này cho con nữa.”

- “Sao thế? Ở nhà con thích lắm cơ mà.”

Mình định nói: “Mẹ đúng là quê mùa”, nhưng thấy mắt mẹ buồn, lại thôi.

Mình nắm tay mẹ, đôi bàn tay chai sạn, sần sùi. Con thương mẹ quá! Mẹ ơi!

 

Ngày…tháng…năm 1970

Lễ kính thánh Augustinô, bổn mạng Cha Giám đốc. Cuối bữa điểm tâm, ngài ban lệnh “sorti libre” toàn trường. Mình rủ mấy anh bạn về nhà chơi. Mẹ mình mừng lắm, vội xách giỏ đi chợ làm cơm đãi… “khách”.

Còn cả bọn kéo nhau ra vườn. Vườn nhà mình rộng, tha hồ leo cây, hái trái, làm gẫy cả cành, vui đùa thỏa thích.

Đến bữa, mẹ ra gọi cả bọn vào ăn cơm. Toàn thức ăn ngon, nóng sốt, nhưng chả ăn được mấy. Trước đó, đứa nào cũng ních no một bụng trái cây. Mẹ cố ép mỗi đứa ăn thêm một bát nữa mới được đứng dậy.

Mẹ bảo: “Cơm nước xong, ra vườn hái thêm trái cây mang về cho các bạn ở nhà nữa.”

Mấy anh bạn nhận xét: Mẹ thật tốt bụng, vui tính và hiền.

 

Ngày…tháng…năm 1970

Thật là trớ trêu! Mình vừa bị Cha Giám luật phạt quỳ ở phòng khách được một lúc thì thấy mẹ đến thăm. Dáng đi tất tả của mẹ cùng với mấy đứa em tung tăng từ cổng đi vào làm mình phát hoảng. Mẹ và các em mà biết mình nghịch ngợm đến nỗi phải phạt quỳ thì thật là xấu hổ. Mẹ sẽ trách mắng, còn các em thì có còn quý mình nữa không?!

Thật nan giải. Đang lúc bấn loạn mình lại nghĩ ra một cách. Đúng là “cái khó, ló cái khôn”. Mình nhớ tới cỗ tràng hạt. Thế là như một con chiên ngoan đạo, mình lâm râm lần chuỗi.

Lúc mẹ đến nơi, mình nói dối mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay đến phiên con đọc kinh trực phòng khách. Mẹ phải vào trình Cha Giám luật giúp con. Đấy, cái phòng thứ 3, bên trái ấy.”

Một lúc sau, mẹ đi ra cùng với Cha Giám luật. Cha ra hiệu cho mình đứng lên tiếp mẹ.

Chẳng biết, Cha Giám luật có kể tội mình với mẹ không? Chỉ thấy mắt mẹ gợn chút buồn.

ghi chép: VDB
 

Nhật ký thời đi tu (2)

Nếu như những câu chuyện sau đây có động chạm đến ai, thì xin rộng lòng lượng thứ. Bởi, cũng chỉ là những dòng Nhật ký thời đi tu còn lưu lại. Có thể, có những câu chuyện chẳng ai còn nhớ tí gì do lúc đó mới 12-13 tuổi mà bây giờ thì đã… già rồi!

 

Xin trích đăng một vài đoạn nhật ký… thấy hay hay, để cùng nhau thư giãn:

 

Ngày…tháng…năm 1970                    

Ông Trò chuyên làm trò. Chẳng biết tên ông nên ai cũng gọi ông là ông Trò. Cả ngày chẳng thấy bóng dáng ông đâu, nhưng cứ chiều chiều lại thấy ông xuất hiện. Chỉ độ 5-10 phút thôi cũng đủ làm “các chú” vui, đỡ nhớ nhà.

Thực ra, ông chẳng có trò gì hay, chỉ nhảy lò cò, múa may vậy thôi, nhưng nhìn mặt ông là đã vui rồi. Người ông nhỏ thó, da nhăn nheo, miệng móm xọm chìa cả chiếc cằm nhọn ra đằng trước như chọc cười thiên hạ.

Chiều nay, nghe nói ông Trò bị ốm. không biết ông ở đâu để đến thăm. Cầu xin Chúa cho ông chóng khỏi bệnh. Mình nhớ ông Trò, chẳng nhớ nhà.

 

Ngày…tháng…năm 1970                    

Lớp mình có Nguyễn Công Chính. Hắn to con, da ngăm đen; ai đó đặt cho hắn biệt danh Chính Khơ-me. Mọi người lôi biệt danh ra gọi hắn chả bảo sao. Hễ mình gọi thì hắn đuổi đánh. Đuổi thì mình chạy. Hắn chạy thua mình. Nhưng lần này thì hắn quyết đuổi cho kỳ được. Mình đuối sức, sắp bị hắm túm cổ thì Trần Xuân Điện chặn hắn lại. Mình đứng xa xa, thấy hai tên giằng co một lúc rồi mỗi tên đi mỗi ngả. Nguyễn Công Chính dứ dứ nắm đấm về phía mình. Mình cóc sợ. Hễ đuổi, mình lại chạy. Hắn có to khỏe cũng chẳng làm gì được mình.

 

Ngày…tháng…năm 1970                    

Trong bàn ăn của mình có 1 tên xấu tính. Vừa nguyện kinh xong, không cần lau đĩa, hắn vơ ngay lấy thau cơm, ấn đầy vào đĩa của hắn. Thức ăn cũng vậy.

Hôm trước, phiên mình dọn bàn, mình xát ớt vào đĩa, vào thìa của hắn cho chừa thói tham ăn. Vậy mà hắn vẫn tỉnh bơ như không. Lại còn vừa ăn vừa rung đùi “cạch cạch” đến là khó chịu.

Hôm nay, lại đến phiên mình dọn bàn, sẵn có món rau muống luộc, mình chọn những cọng to bằng chiếc đũa, nhét đầy ớt vào để bên trên. Rõ ràng hắn lấy hết những cọng rau có ớt. Hắn nhai ngon lành như chẳng có chuyện gì sảy ra cả. Lại còn rung đùi “cạch cạch” thật to nữa chứ. Tức quá!

 

ghi chép: VDB
 

Nhật ký thời đi tu (3)

Ngày…tháng…năm 1970                    

Sắp đến Noel, ngoài việc làm đèn, hang đá, Cha Phong yêu cầu mỗi chú vẽ một bức tranh chủ đề tự do. Đối với mình, bảo vẽ hình tròn, hình vuông thì được, còn bảo vẽ mây trời, phong cảnh thì chịu thua. Vẽ tự do lại càng không thể.

Có mấy bức tranh được chọn. Bức tranh của anh Đỗ Kim Châu vẽ hai linh mục trẻ, khuôn mặt dài ngoằng.

Cha Phong hỏi: “Sao mặt linh mục lại dài ngoẵng thế kia?”

Anh Châu trả lời: “Thưa Cha, khuôn mặt dài biểu hiện nét suy tư của linh mục đứng trước thời cuộc nhiễu nhương của Tổ quốc hiện nay, biểu hiện sự lo lắng cho thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam tương lai không biết rồi sẽ ra sao”.

Câu trả lời của anh Châu được khen ngợi quá chừng. Mình cũng hãnh diện, vì anh Châu cùng xứ Kim Mai với mình mà!

 

Ngày…tháng…năm 1970                    

Từ lúc nghe tin tối nay được xem xi-nê, mình cứ thấp thỏm đợi chờ. Vừa đến giờ, mình chạy sang phòng chiếu đầu tiên, thấy anh Thành gồ đang phụ Cha Đức lắp cuộn phim to bằng cái mâm cơm vào máy. Anh Thành giỏi thật! Mình đứng xa xa, không dám đến gần.

Tiếng máy chạy xè xè. Hình ảnh xuất hiện trên tường. Cha Đức điều chỉnh cho hình vào giữa khung vải. Thật là diệu kỳ! Cả trường chăm chú ngồi xem. Một buổi tối quá vui.

 

Ngày…tháng…năm 1970                    

Sáng nay, Cha Phong đưa cả trường sang thăm trại lính pháo binh. Trại ở ngay bên kia đường, đối diện với Chủng viện. Các chú chủng sinh được đón tiếp long trọng theo kiểu nhà binh. Mấy ông sĩ quan thuyết trình gì gì đó mà mình chẳng hiểu. Mình thấy ở trong trại lính cái gì cũng lạ lẫm.

Lúc ra ngoài công sự, được sờ vào khẩu ca-nông to dềnh dàng, mình vừa sợ, vừa thích. Ông sĩ quan chỉ dẫn về công năng, công dụng của súng, về hỏa lực, về tác xạ, v.v… Mấy chú lính nhanh nhẹn thao tác, cho đạn vào nòng. Bọn mình bịt tai lại, chờ…

Ông sĩ quan ra lệnh cho mấy chú lính tháo đạn ra khỏi nòng súng. Ông nói: “Mỗi quả đạn khi bắn đi đều có mục tiêu và đúng hiệu lệnh tác chiến”. Mình chẳng hiểu.

 

Ngày…tháng…năm 1970                    

Giờ nguyện ngắm mỗi buổi sáng sớm thức dậy do Cha giám đốc hướng dẫn. Giọng Cha cứ đều đều, nói về nhân đức của Thánh Bênêdictô làm mình liên tưởng đến những câu chuyện ba mình hay kể về Dòng Châu Sơn ở Nho Quan, Ninh Bình.

Giờ nguyện ngắm chỉ có ít phút vào mỗi buổi sáng sớm nhưng có tác dụng mạnh mẽ cho cả một ngày dài, giúp mình hướng thiện, hướng đến Chân, Thiện, Mỹ.

 

ghi chép: VDB
 

Nhật ký thời đi tu (4)

 

Ngày…tháng…năm 1970                    

Lớp Vô Nhiễm anh nào cũng giỏi; Anh Thành gồ biết chiếu xinê, biết lái máy cày, máy cắt cỏ,… Anh Nhứt, anh Khánh chuyên gia máy điện, máy nước; Anh Châu đàn hay, vẽ giỏi; Anh Khôi chơi trống thiện nghệ như nghệ sĩ thứ thiệt; Anh Định vừa soạn kịch vừa làm diễn viên, kịch nào cũng bá cháy; Anh Tuấn đánh máy chữ rào rào như múa bằng cả 10 ngón tay, thật điêu luyện…

Còn mình, nghĩ mà tủi, suốt đời quét hành lang, chẳng biết đến khi nào mới đổi đời. Ngày hôm qua quét sạch rồi, ngày hôm nay lại phải quét. Cứ thế, ngày này qua tháng nọ. Quét rồi lại có bụi bẩn. Thôi thì ráng làm cho tròn bổn phận vậy!

 

Ngày…tháng…năm 1970       

Giờ ngủ trưa đối với mình là một cực hình, mấy tháng rồi mà vẫn chưa quen. Nghe lời Cha Giám đốc, lấy khăn đắp lên mặt cũng chẳng ngủ được. Mắt kín rồi nhưng tai vẫn cứ nghe rù rì đâu đó. Thỉnh thoảng lại có tiếng cười rúc rích, không cưỡng được trí tò mò lại hé mắt ra xem. Thường thì chẳng có chuyện gì cả, chỉ do chú nào cũng nằm không yên, ngọ ngoạy tí thôi.

Giá như giấc trưa được nằm dưới tán lá ngoài kia mà thả hồn theo mây gió thì tuyệt biết bao.

 

Ngày…tháng…năm 1970       

Giờ chơi buộc. Thoạt đầu nghe nói giờ chơi buộc mình lấy làm lạ. Học không buộc, đọc kinh không buộc mà chơi thì buộc. Đang tuổi ăn tuổi chơi, nhiều người muốn chơi chẳng được, đàng này buộc chơi. Thế có lạ không chứ!

Nhưng hôm nay lại khác, mình không muốn chơi. Giá đừng có giờ chơi buộc thì hay biết mấy. Số là chân mình có ghẻ. Giờ chơi buộc phải mặc quần đùi, lộ ghẻ ra chúng nó nhìn thấy phao ầm ra cả trường, rồi chết cái tên B. ghẻ là toi đời!

Mà nào có phải do mình ở bẩn đâu cơ chứ! Ngày nào cũng tắm, tắm bằng xà bông đen chính hiệu. Thế mà ghẻ nó vẫn bám. Rõ khổ!

 

Ngày…tháng…năm 1970       

Nửa đêm về sáng, đang ngon giấc bỗng nghe tiếng động lạ. Đúng là tiếng ai đó… tè vào thau, xát ngay giường mình. Tiếng kêu rất lộ. Thật khó chịu.

Không trách hắn được vì nhà vệ sinh quá xa, chỉ chê là hắn kém thông minh. Phải mình thì đã khác. Mình sẽ bỏ quần áo dơ vào thau, ai biết mình làm gì nào? Chẳng sợ ồn ào gây phiền hà, làm mất giấc ngủ hàng xóm.

Dự định sẽ nói cho hắn biết nhưng sáng ra quên mất tiêu!

ghi chép: VDB
 

Nhật ký thời đi tu (5)

 

Ngày…tháng…năm 1970                    

Mình vô ý giẫm phải đinh, đinh xuyên qua dép đâm vào chân, máu chảy đầm đìa. Đau, nhức. Lỗi tại mình. Các Cha đã cấm không được vào khu nhà đang xây, vậy mà mình cứ vào. Đáng đời!

 

Mình chẳng dám nói cho ai biết, sợ đến tai các Cha, lại bị phạt. Mình cố lê ra sau nhà, lấy lá cỏ hôi nhai dập, đắp vào vết thương. Cầu xin cầm máu, khỏi đau nhức. Cầu xin đừng bị tê-ta-nốt. Cầu xin đừng ai biết chuyện.

 

Ngày…tháng…năm 1970                    

Cha Giám đốc coi luôn cả phòng bệnh. Mình hay ốm nên gặp Cha suốt. Lần nào khai bệnh, ngài cũng bắt mình ngậm ống đo nhiệt độ, để dưới lưỡi. Mình nhát uống thuốc, sợ chích; nhưng riết rồi cũng quen. Khiếp nhất là bị bơm… đít.

Sáng nay, sốt cao, 40 độ. Cha Giám đốc hỏi:

- Chưa đi cầu mấy ngày rồi?

- Dạ, 2 ngày.

Thế là bơm đít. Cũng bình thường thôi, nhưng một lúc sau thì bụng sôi ọc ọc, rồi tống hết mọi thứ ra ngoài.

Cha Giám đốc cười khà khà:

- Đến chiều là khỏe ngay. Các chú chỉ lo ăn, lo chơi, tích trữ chất độc trong người, ốm là phải rồi. Nhớ đi vệ sinh hằng ngày, nha con.

 

Ngày…tháng…năm 1970

Hồi mới nhập học, mình vần đầu, được phân công làm trưởng lớp, mặt lúc nào cũng vênh vênh, thích sai phái đứa nào thì sai, oai ra phết.

Bây giờ bầu lại, chẳng đứa nào bầu mình, thế là “mèo lại hoàn mèo”. Giá như lúc đang làm trưởng lớp mình khôn khéo hơn, được các bạn quý mến thì giờ cũng đỡ quê. Nhưng xét cho cùng, làm lớp trưởng cũng chẳng lợi lộc gì. Làm “mèo” cũng được. Tha hồ nghịch!

 

Ngày…tháng…năm 1970                    

Vậy là mình đã trêu Tiến địa đến quá tam ba bận. Mấy lần trước hắn dọa “méc” Cha giám luật; mình “cóc” sợ. Hôm nay hắn làm thật. Mình lẻn đi theo, đứng ngoài cửa nghe lén. Hắn kể tội mình với giọng điệu tức tối. Không thấy mặt Cha giám luật lúc ấy thế nào, chỉ nghe Cha nói: “Cáo tội người khác là muốn chứng tỏ mình hơn người ta; muốn chứng tỏ mình hơn người ta là phạm tội kiêu ngạo.” Cha còn thuyết giảng cho hắn một trận tơi bời hoa lá, nào là phải biết khiêm nhường, nào là phải biết hòa đồng, nào là phải biết tha thứ, rồi đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm, v.v…

Lúc hắn đi ra, mình lấy tay ngoác miệng trêu hắn. Hắn chẳng nói gì. Có lẽ hắn đang suy nghĩ có nên chìa má bên kia cho kẻ đã tát mình không?

Ghi chép: VDB
 

Nhật ký thời đi tu (6)

Ngày giỗ 2 năm anh Lương, mấy chị trong Ca đoàn LBT hỏi sao Nhật ký thời đi tu đang hay bỗng dưng tắc tị vậy? Có chị lại thắc mắc mấy ông nhà tu sao “quậy” quá vậy?

 

Xin thưa:

- Nhật ký thời đi tu bỗng dưng tắc tị là do hổng thấy ai hưởng ứng hết nên người viết tự dưng cụt hứng!

- Mấy ông nhà ta đi tu để bớt “quậy”. Nhiều ông tu hổng nổi, “quẫy” dzăng ra ngoài. Nhờ đó mới có Nhật ký thời đi tu.

Hôm trước anh Nga đến Châu Sơn thăm Cha giáo Quốc văn, anh khen phương pháp dạy học của ngài giúp các học trò hình thành nhiều thói quen tốt, ví dụ như chuyện viết nhật ký. Bây giờ mở cuốn Nhật ký thời đi tu ra xem lại mới thấy anh Nga khen là… thừa. Xin trích đăng một vài đoạn nhật ký… dở ẹc, để cùng nhau thư giãn:

 

Ngày…tháng…năm 1970

Nhớ lại cả ngày hôm nay chẳng có gì lạ.

Chuông leng keng. Thức dậy. Đọc kinh dâng mình. Chạy thật nhanh xuống nhà tắm. Vệ sinh cá nhân: Đánh răng, súc miệng, rửa mặt… À! Thể dục nữa chứ! Vừa kịp giờ lễ. Sau đó: Ăn sáng. Học riêng. Học chung. Ăn trưa. Ngủ trưa. Lại học riêng. Học chung. Chơi buộc. Kinh chiều. Ăn tối. Kinh tối. Học riêng. Đi ngủ.

Đúng là hôm nay chẳng có gì lạ.

 

Ngày…tháng…năm 1970

Mỗi tuần phải xưng tội một lần. Cha linh hướng phán như vậy.

Ngoài tội nói chuyện trong phòng học, mình chẳng biết xưng tội gì khác. Lần nào cũng: “Thưa Cha, con xưng tội được một tuần. Con có nói chuyện trong phòng học khoảng 20 lần. Xin Cha tha tội cho con.” Xét mình kỹ lắm cũng chỉ có thế!

Lần này mình phải xưng thêm tội nào đó cho khác đi một chút. Tội nói chuyện trong nhà nguyện chẳng hạn. Đúng là hôm qua mình có ý định nói chuyện trong nhà nguyện thật, chỉ là mình chưa thực hiện thôi.

Mình đã nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần, vậy mà lúc vào tòa giải tội, lại quên mất tiêu. “Thưa Cha, con xưng tội được một tuần. Con có nói chuyện trong phòng học khoảng 20 lần. Con có… con có… con có… Xin Cha tha tội cho con.”

Trí nhớ mình kém thật!

 

Ngày…tháng…năm 1970

Lớp mình có cuốn Sổ Tự Giác để mỗi người tự giác ghi lỗi mà mình đã phạm vào đó. Hơn một tháng rồi nhưng cuốn sổ vẫn trắng tinh. Lớp mình đâu phải thánh thiện gì, chứng tỏ: thiếu tự giác hoặc thiếu can đảm.

Mình trở thành tên tội phạm đầu tiên có tinh thần tự giác, do mấy đứa bạn khích tướng: “đứa nào ghi vào Sổ Tự Giác trước thì làm cha”.

Không biết có được làm cha không hay lại “rìa” sớm!!!?

Ghi chép: VDB
 

Nhật ký thời đi tu (7)

Đọc Nhật ký thời đi tu, mấy chị trong Ca đoàn LBT đánh giá chú tiểu ngày xưa “quậy quá sá”. Thật là oan! Bởi, lần giở lại tập nhật ký dày cộp chỉ thấy toàn chuyện thánh thiện, tu thân tích đức. Soi mãi mới lựa được vài ba chuyện “dữ dằn” đăng lên trang web để “câu view” và để đáp ứng theo yêu cầu thị hiếu của quý chị cùng quý vị độc giả.

Ngày…tháng…năm 1970

Lễ sáng Chúa nhật, tất cả đều phải mặc đồng phục sạch sẽ, chỉnh tề: quần đen, áo trắng, giầy bata trắng. Thế nhưng trong nhà thờ lại bốc mùi thum thủm???

Hóa ra, có nhiều đôi giầy bị ai đó đổ nước mắm vào từ tối hôm qua.

Mình đoán ra ngay thủ phạm. Hắn chơi thân với mình, lại là “con ông cháu cha”. Khai ra có khi hắn không bị gì mà mình thì lãnh đủ.

Im lặng là vàng! Le silence est d’or!

 

Ngày…tháng…năm 1970

Hắn dúi cho mình gói sữa bột. Mình ngạc nhiên, hỏi:

- Ở đâu vậy?

- Bí mật!

- Mày không nói, tao méc Cha Giám luật.

Câu dọa có vẻ “ép-phê”. Hắn nói:

- Tao chui vô kho, Bà xơ bắt được.

- Chết! rồi sao?

- Bà xơ nói: “Chị thấy mấy hôm nay em lảng vảng ở đây, đoán là em thích ăn sữa bột, chị gói sẳn cho em đấy!”

- Bà xơ tốt thật. Vậy, lát nữa xuống xin thêm để dành.

- Cho thêm vàng tao cũng chả dám. Một lần là tởn đến già!

 

Ngày…tháng…năm 1970

Thằng Q. rủ mình đi ăn chuối. Băng qua sân banh, men theo nhà máy điện, nhìn trước ngó sau rồi chun vô vườn cây rậm rạp của cụ Khả. Hắn lôi ra buồng chuối to, còn non, chín ép. Hắn nói:

- Ăn đi. Ngon lắm!

- Coi chừng Cha Giám luật.

Có tiếng nói nhẹ nhàng ngay sát bên:

- Cha đây. Cứ ăn đi. Nhưng lần này thôi đấy nhé!

Hai đứa giật thót người, nhìn lên. Đúng Cha Giám luật thật. Chắc là ngài có phép thần thông.

Ghi chép: VDB
 

Nhật ký thời đi tu (8)

 

Ngày…tháng…năm 1971

Mùa Chay. Cha Giám đốc kể về việc giữ chay ở Tu viện kia: Suốt 40 ngày Mùa Chay không ai được nói chuyện. Khi thật cần thiết chỉ được ra dấu hiệu bằng tay như những người câm điếc. Đến nỗi, bên ngoài cổng, ai đó ghi hàng chữ thật to: “Nơi đây là mồ chôn kẻ sống”.

 

Ở Tu viện hay ở Chủng viện, việc ăn chay kiêng thịt thì quá dễ dàng. Bởi muốn ăn thêm ăn dặm, ăn này ăn kia cũng chẳng có mà ăn. Chắc vì thế mà Bề trên “làm khó” tu sinh bằng cách cấm nói?

Giờ cơm trưa hôm nay bắt đầu áp dụng luật giữ chay nghiệt ngã này: vừa ăn, vừa nghe đọc sách đến hết bữa ăn. Ai ăn xong rồi vẫn phải ngồi yên dỏng tai lên nghe. Nghe tai này lọt qua tai kia, chẳng hiểu gì sất, nhưng vẫn cứ phải làm bộ chăm chú lắng nghe. Muốn nói chuyện với thằng bên cạnh, hắn đưa ngón trỏ lên miệng “suỵt” rõ to làm mình điên tiết. Thế là mất chay. Khổ thật!

 

Ngày…tháng…năm 1971

Ai bảo ăn chay là khổ? Ăn chay sướng lắm chứ!

Ngày ăn chay, phần ăn có giảm đi đôi chút. Mình quen ăn ít nên chẳng sao. Nhìn mấy tên to khỏe quen ăn nhiều, thấy mà thương. Mới giờ học thứ ba mà mặt tên nào cũng ỉu xìu, bộ dạng cứ y như “người cùng khổ”! Giá mà mình có cái gì ăn được, dứ ra trêu chúng nó thì hay biết mấy.

Giờ chơi buộc lại càng thấy tội nghiệp. Mọi ngày chúng nó xông pha là thế, hôm nay tên nào cùng đờ ra. Mình tha hồ tung hoành. Thậm chí đá vào gôn 2 phát. Ngày ăn chay thật là vui.

 

Ngày…tháng…năm 1971

Thứ Sáu Tuần Thánh. Bầu khí tang thương bao trùm cả Chủng viện.

Nhớ hồi năm ngoái, khi mình chưa đi tu, còn giúp lễ cho Cha Oánh, cũng vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ở xứ Kim Mai nhộn nhịp diễn lại Cuộc Thương Khó. Mình không hiểu gì, chỉ thấy vui. Cha Oánh đóng vai Chúa Giêsu không giống mấy. Chắc do Cha hơi mập. Ba mình mà giả làm Chúa Giêsu thì giống hơn nhiều do Ba mình gầy, khuôn mặt khắc khổ.

Nhắc đến Ba, mình thấy nhớ nhà. Nhớ Mẹ. Nhớ mấy đứa bạn hàng xóm. Nhớ hôm Tết được về nhà, ai cũng tấm tắc khen mình béo khỏe, trông lớn hẳn ra, ăn cơm Nhà Chúa có khác.

Ghi chép: VDB
 

Lần giở cuốn nhật ký cũ mèm, thấy có vài chuyện nói về “hắn”. “Hắn” trong nhật ký có tên tuổi rõ ràng, lớp Truyền Tin. Để tránh phiền phức, cứ gọi là “hắn” cho… tiện. Hắn bây giờ đã lên ông lên bà rồi, nghe kể lại chuyện quậy phá ngày xưa đôi khi cũng dị ứng. “Người trong cuộc” không thích, nhưng “người ngoài cuộc” lại muốn biết. Mà sự thật thì nó khá... trần trụi!

Nhật ký thời đi tu (9)

Ngày…tháng…năm 1970

Hôm nay đến phiên “hắn” giúp lễ, tên này là vua… nghịch. Mới đầu lễ, từ phòng mặc áo bước ra, hắn đã bị Cha chủ lễ nắm cổ áo kéo lại: “Chậm thôi! Đi ăn cướp à”.

Lúc đưa rượu nho cho Cha rót vào chén thánh xong, hắn cầm chai rượu giơ lên cao, ý nói: “Chà! Cha rót quá tay rồi đó nha!”.

Cuối lễ, lúc trở về phòng áo, hắn cố tình đi chậm, nhích từng chút, từng chút, Cha chủ lễ bực mình thưởng cho hắn một đá: “Có đi nhanh không thì bảo”.

Chỉ có hắn mới dám giỡn mặt… tử thần như vậy. Chắc hắn thuộc loại COCC!

 

Ngày…tháng…năm 1970

12 tuổi, sống trong nhà tu, mỗi tuần phải xưng tội một lần nên chẳng biết xưng tội gì. “Thưa Cha con không có tội” thì… kỳ quá!

Thấy Cha giải tội để chiếc đồng hồ “hớ hênh” trên ghế, “hắn” nảy sinh ý định lấy trộm để có tội mà xưng. Chắc chắn, Cha giải tội bắt trả lại theo phép công bằng. Hắn sẽ nói:

- “Thưa Cha đây ạ!”.

Cha bảo:

- “Con cầm về đưa cho người ta”.

- “Nhưng họ không nhận thì sao ạ!”

- “Thì con giữ lấy mà dùng”.

Tưởng tượng thế thôi, chứ cả “hắn”, cả mình, cả các anh lớp trên trong chủng viện, chẳng đứa nào to gan đến thế!

 

Ngày 22 tháng 10 năm 1970

Sáng nay, Cha Giám đốc chủ lễ, ngài “phạt” không cho các chú rước lễ vì tội chậm trễ, đùn đẩy nhau, chứng tỏ là không cảm thấy “đói” Mình Thánh Chúa.

Tội là do “hắn”. Hắn ngồi ghế đầu, lẽ ra phải lên rước lễ trước, nhưng chắc đang lơ mơ ngủ, các chú phía sau cố đánh thức hắn nên phạm vào tội đùn đẩy.

… 7g40 thì xảy ra chuyện. Quả đạn M79 phát nổ ngoài sân banh. Ba chú bị nạn. Huề chết, Long và anh Kha (lớp Giuse) bị thương.

Không biết Cha Giám đốc có ân hận vì đã phạt không cho các chú rước lễ sáng nay chăng? Còn hắn thì áy náy mãi. Hắn nói với mình: “Chỉ vì tớ mà thằng Huề sáng nay không được rước lễ. Thương nó quá!”

Ghi chép: VDB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây