Về thăm Đăk Mót

Thứ bảy - 04/04/2020 04:47 |   621
Chúng tôi tìm về vùng Đak Tô – Tân Cảnh không giống như các chiến binh về thăm lại chiến trường ác liệt năm xưa.
Nhà thờ Đăk Mót
Nhà thờ Đăk Mót

Về thăm Đăk Mót

[02.07.2012 07:48]

(BBT)- Mới rồi có Nha Trang du kí và bây giờ là Dak Mot...vùng ngã ba biên giới thuộc địa phận Kontum. Anh Vũ Đình Bình, một cây bút quen thuộc và gắn bó từ lâu với độc giả, bạn bè trang web LBT, đã cho chúng ta có được những tìm tòi khám phá thú vị. Hi Vọng trong tương lai mọi người còn được thưởng thức nhiều bài viết và hình ảnh mà anh sẽ trình làng nữa.

Chúng tôi tìm về vùng Đak Tô – Tân Cảnh không giống như các chiến binh về thăm lại chiến trường ác liệt năm xưa. Chúng tôi về đây với tư cách khách mời dự Thánh lễ đặc biệt thông công cầu nguyện cho hơn 270 giáo dân Giáo xứ Đak Mót lần đầu tiên được rước Chúa vào lòng.

Cánh đồng truyền giáo Đak Mót được cha Bonnal gieo vãi hạt giống đức tin từ năm 1905 và phát triển khá mạnh mẽ cho tới năm 1972 vì chiến tranh giáo dân phải di tản về Phú Bổn và Dak Lak. Sau 1975, người dân dần dần trở về làng cũ cùng với số dân miền Bắc vào lập nghiệp, tái thiết vùng biên giới xa xôi hẻo lánh trở thành vùng kinh tế tiềm lực. Từ ngày Cửa khẩu quốc tế Bờ Y được mở mang, và tuyến đường Hồ Chí Minh thông thương nối liền Kon Tum với Đà Nẵng và Quốc lộ 1, vùng biên giới này đã có những chuyển biến đáng kể. Có thể nói Địa hạt Đak Mót hiện nay là một giáo điểm hết sức quan trọng trong chương trình loan báo Tin Mừng của Giáo phận Kontum.

Nhà thờ Giáo xứ Đak Mót xây dựng khá đẹp theo phong cách đặc trưng của người Tây Nguyên, vừa mới khánh thành ngày 21.3.2011, nằm trên địa bàn thôn 5, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, cách thành phố Kon Tum khoảng 67km về phía Bắc, cách đều biên giới Lào và Campuchia khoảng 20km. Như trên đã nói, Thánh lễ hôm nay là Thánh lễ đặc biệt dành cho hơn 270 em xưng tội rước lễ lần đầu, đa số là các em nhỏ nhưng cũng có rất nhiều em đã đến tuổi trưởng thành. Tâm sự với chúng tôi, soeur Mừng, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, nói: “…do địa bàn rộng, có những làng ở rất xa, không có Thánh lễ Chúa nhật; do không cùng ngôn ngữ, có nhiều sắc dân Sedang, Hơlăng, Cajong, Brau, Thái, Mường, Nùng…; do môi trường sống, có nhiều giáo dân không dám công khai sống đạo, nhiều gia đình sống trong tình trạng rối,… vì vậy để giúp các em học giáo lý, hiểu biết về lẽ đạo thật là gian nan, vất vả… Ngay như các Yao phu, trình độ hiểu biết về tín lý của họ cũng rất hạn chế… Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt…”

Nếu như chúng tôi không đến tận nơi, không chứng kiến tận mắt cuộc sống của những người đang xả thân phục vụ nơi đây thì không thể cảm nhận hết được những khó khăn mà họ đang phải nỗ lực vượt qua. Xin mượn vần thơ của Sr. Quỳnh Anh, FMA, để nói lên lời chia sẻ và mến phục những tông đồ nhiệt thành nơi vùng biên giới xa xôi ấy:

Những bước chân! Đẹp quá, những bước chân!            
Lội suối, trèo đèo, băng ngàn, vượt biển              
Tim hừng hực lửa tình yêu sốt mến          
Mang Tin Mừng gieo vãi khắp nhân gian.

Dấu chân xưa Giêsu từng dong duổi    
Xuôi ngược mọi miền Ngài đã đi qua               
Hiến thân mình nên tấm bánh bẻ ra       
Làm tươi mới mọi nơi Ngài hiện diện.

Vẫn còn đó dấu chân Ngài mời gọi         
Mãi còn đây bao nhân chứng Tin Mừng               
Hăng hái lên đường phục vụ tha nhân          
Như men muối ướp nồng đời hạnh phúc.

 

Vũ Đình Bình

 

Mời xem hình TẠI ĐÂY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây