Lan man
VDB
Lâu ngày không viết, bao nhiêu ý tưởng chồng chất trong đầu. Đến khi cầm bút viết lại chẳng biết viết chuyện gì trước, chuyện gì sau; Cứ chuyện nọ sọ chuyện kia.
Nhớ ngày xưa, khi ở trong chủng viện, các Cha giáo bắt viết nhật ký mỗi ngày, mình cho là vớ vẩn. Sáng, trưa, chiều, tối, ngày nào cũng như ngày nấy, rập khuôn theo một thời khóa biểu nhất định, chẳng có gì đáng viết cả.
Chẳng có gì đáng viết cả. Nhưng rồi ngày nào cũng phải viết. Xem lại thấy hay hay, toàn chuyện đơn sơ, chân thực đến là ngộ nghĩnh.
Sau này, trên trang web LBT, thỉnh thoảng anh Điệp kể lại những kỷ niệm thời tu học mới thấy cuốn nhật ký thật là giá trị. Tiếc rằng, thời gian đâu có quay trở lại!?
Người ta nói, khi về già hay nhắc chuyện đời xưa, nhưng trí nhớ mình kém, chẳng nhớ được chuyện gì. Hồi còn đi học mình ghét nhất môn học thuộc lòng, chuyên ăn zêrô. Trí nhớ đã kém lại còn ham chơi nên được xếp vào loại dốt. May mà thuộc hàng “con ông cháu cha” chứ không thì “rìa” lâu rồi. (con Cha Oánh cũng oách lắm chứ!)
Mới đây, có nhóm bạn đang tranh cãi về bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, mình hứng chí đọc một lèo từ đầu đến cuối không sai chữ nào. Ai cũng trầm trồ khen trí nhớ mình tốt, đâu biết rằng, hồi đó mình bị Cha giáo bắt chép phạt bài này 100 lần.
Năm kia, con mình chuẩn bị thi tốt nghiệp, mình lo lắm, nhìn sức học của con biết thế nào cũng rớt. Nhớ chuyện bị chép phạt, mình nảy ra cách nhờ con mình đánh máy “phao” thi. Đánh máy xong, mình delete hết, rồi nhờ đánh máy lại. Cứ thế… Năm ấy con mình thi đỗ. Hú vía!
Người ta nói, bọn trẻ bây giờ khôn hơn bọn mình hồi xưa. Bởi khôn nên mình nói chúng đâu có nghe! Cứ phải nói đi nói lại nhiều lần may ra chúng mới nhập tâm. Ở đời cũng thế, có những chuyện sai lè ra, nhưng nếu được nhai đi nhai lại, khi quen tai rồi, thiên hại lại tưởng rằng đúng. Như chuyện biển 4 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm do Formosa sả thải. Thế mà các cơ quan ngôn luận cứ tuyên truyền ra rả biển rất sạch trên các phương tiện truyền thông, ngày này qua ngày nọ, dần dà, ai cũng nghĩ biển sạch thật. Báo hại bao nhiêu người bị nhiễm chất độc vào người mà không hề hay biết.
Ước chi, tất cả mọi người chỉ biết nói lời chân thực và viết lời chân thực dù là viết lan man như viết nhật ký ngày xưa, thời còn để chỏm. Dù là những câu chữ tưởng như chẳng có gì giá trị cả nhưng cũng không hề gây hại đến ai.
Có lẽ khi đọc đến đây sẽ có ai đó bất chợt phì cười do tức; Tức là vì vớ phải bài viết lan man, chẳng ra gì. Cười là vì theo ý cụ Nguyễn Văn Vĩnh: người Việt Nam, gì cũng cười. Thế thì thành thật xin lỗi vậy.
VDB
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn