Chuyện về cây đàn Accordion

Thứ tư - 22/04/2020 03:35 |   834
Mình vốn mê đàn nhạc từ thuở nhỏ. Hồi đó mặc quần đùi, đi chân đất nhưng bất cứ chỗ nào có tiếng đàn, tiếng hát là mình có mặt.

Chuyện về cây đàn Accordion

Trần Khánh Điệp


Mình vốn mê đàn nhạc từ thuở nhỏ. Hồi đó mặc quần đùi, đi chân đất nhưng bất cứ chỗ nào có tiếng đàn, tiếng hát là mình có mặt. Vào chủng viện LBT năm 1968, lớp Đệ Thất (bây giờ là lớp 6), trong thời gian này lớp Vô Nhiễm ở tại nhà Caritas và Tòa Giám mục BMT, vì chủng viện giờ mới bắt đầu xây dựng ở cây số 5.Trong phòng khách Caritas, có cây đàn Harmonium của Cha Phaolo Lê Thanh Thiên, luôn khóa kín. Chỉ lúc tập hát mới mở ra cho Trần Thái Linh đánh nốt nhạc, (cả lớp lúc đó chỉ có mình Linh biết Đồ, Mi, Fa)...  nhưng đàn ở xa quá, sát chỗ Cha Thiên tập hát nên mình không hiểu có cái gì trong đó, và sao nó kêu được. Cha Thiên làm quản lý, nhưng ngài là một người đa tài, vừa giỏi nhạc vừa là tay vợt bóng bàn nổi tiếng, sau này khi là Cha xứ Vinh Hương, ngài đã từng đi đấu giao hữu cấp tỉnh, cấp quân khu. Cha Thiên có một cây đàn Accordion màu đen, nghe Cha đàn với dáng ngồi rất thanh thoát, ung dung.... và mình cảm thấy mê mẩn cây đàn đó kể từ dạo ấy. 

Vào một chiều tối nọ, mình không nhớ là dịp lễ gì!, nhà dòng Nữ Vương Hòa Bình có tổ chức văn nghệ và lớp Vô Nhiễm cũng được mời tham dự. Nhìn lên sân khấu ngoài Ban nhạc nổi tiếng thời đó còn có Cha Phaolo Nguyễn Văn Hòa (Cha Linh hướng dòng NVHB, sau này là Giám Mục). Cha Hòa từng tốt nghiệp cử nhân Thánh nhạc bên Roma. Trời ạ! ngài đang sử dụng cây đàn Accordion nghe thật cuốn hút..., trong ánh đèn, màu đỏ lung linh của cây đàn tạo một ấn tượng cho đến giờ này mình vẫn không sao quên được hình ảnh ấy. Đêm hôm đó, nằm mơ thấy mình sở hữu một cây đàn y cheng!!!... Sáng mai thức dậy thấy thật buồn vì dù sao đó cũng chỉ là giấc mơ.

Sau này trong lớp học có Lê Văn Trọng (tục gọi Trọng cò, cũng sắm được 1 cây đàn Acc. Hiện giờ là Linh mục mục vụ tại nước Úc. Cách đây 10 năm, có dịp đi Úc mới biết Cha Trọng giờ là nhạc sĩ sáng tác rất nhiều ca khúc). Dịp hè hoặc lễ tết, mình hay ra nhà Trọng chơi. Trọng thường đưa đàn ra, khá vất vả khi thấy thân cò nhưng ôm cây đàn lại khá lớn tới 120 bass. Đàn màu đen, mỗi khi xong một bản nào đó, mình lại được Trọng mời ăn bánh kẹo.

Anh em trong chủng viện ở lại sau năm 1975, chắc vẫn còn nhớ Cha giáo Anrê Lê Trần Bảo, mỗi buổi chiều giờ chơi buộc đi qua phòng ngài luôn nghe tiếng đàn Acc. vang vọng ra. Tiếng đàn Acc. luôn có một âm thanh rất đặc biệt, không lẫn vào đâu được. Khi đi qua phòng ngài, mình luôn dừng lại một chút, lắng nghe thật thích thú. Ngặt một nỗi, ngài chỉ đàn hoài một bài: “Quỳ tôn nghiêm”, đến nỗi một số anh em hầu như thuộc lòng dòng nhạc. Hồi đó Cha giáo Aug. Hoàng Đức Toàn cũng sắm cho mình một cái kèn Clarinet, không biết giờ này ngài thổi đến đâu rồi!

Tháng 4 năm 1978, cùng với số đông anh em, mình khăn gói về với gia đình. Bẵng đi một thời gian dài sống với đồng ruộng, tình cờ gặp Nguyễn Thư Hùng (lớp Phanxicô, hiện giờ là Cha xứ Đức Hạnh, kiêm quản hạt Đăkmil). Anh em vui vẻ hàn huyên, trong câu chuyện mình kể về niềm đam mê, lòng mong ước có một cây đàn Acc, bỗng Thư Hùng vỗ trán đánh bốp: Để em giúp cho: sáng hôm sau Hùng dẫn mình ra gặp Cha Đaminh Hà Duy Khâm (lúc đó ngài là Cha chính giáo xứ Thánh Tâm, Cha Tổng đại diện và hiện giờ là Đức Ông). Nghe Thầy Hùng và mình trình bày, ngài vui vẻ nói: “Cây đàn Acc. này có lịch sử phong phú lắm, Đức Cha Hòa mua từ bên Ý, tiếng đàn của Đức Cha giúp thăng hoa cuộc sống mỗi ai đó được nghe. Sau này, đàn được lưu giữ ở dòng NVHB một thời gian trước khi về tay tôi”. Ngài nhượng lại cho mình với giá 1 chỉ vàng. Trời ơi! mình muốn hét lên sung sướng. Giá trị không nằm ở cây đàn nữa nhưng nó vô giá khi là vật sỡ hữu của những người nổi tiếng. Ôi! giấc mơ cách đây bao nhiêu năm giờ thành sự thật. Nhưng khi rờ túi mới thấy thực tế phủ phàng. Chẳng có đồng nào dính túi huống chi là cả 1 chỉ vàng. Biết vậy, Cha chính Khâm với nụ cười bao dung nói: “lúc nào có thì trả cho Cha cũng được”. Phải 2 năm sau mình mới hoàn tất vụ chuyển nhượng với ngài.

Về đến nhà không có sách học, lại phải lặn lội lên Giáo xứ Kim Châu tìm gặp Thầy mình là Cha giáo Anrê Lê Trần Bảo. Lạ một điều là mình học không vô được nữa. Hồi xưa cười Thầy mình với bài: “Quỳ tôn nghiêm”, còn bây giờ mình chỉ đàn được bài “Tết trung thu, cung Đô trưởng”. Mà cuộc sống không lẽ suốt năm là tết trẻ em. Thế là một lần nữa cây đàn lại ra đi về một phương trời khác, cuộc hành trình của nó không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Mình tặng cho Cậu em, và hiện giờ cây đàn đó ở Sàigon, Cậu em lại tặng lại nó cho một nhóm nhạc.

Đàn ơi! Ta nhớ đàn lắm! Mỗi lúc đêm về ta như nghe tiếng đàn du dương vang vọng bên tai, cho ta giấc ngủ ngon và một cuộc sống an lành.

Banmê... mùa hè 2017

Trần Khánh Điệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây