HÃY NĂNG LẦN HẠT MÂN CÔI
Hoàng Công Nga
Tháng 10, khi tiết trời vào cuối thu, những chiếc lá vàng rời cành rụng xuống, khí trời mát mẻ làm ảnh hưởng tới vạn vật và lòng người cũng ngập tràn thư thái, những hồn thơ như tìm được nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, vạn vật, những vần thơ tuyệt mỹ cũng được viết lên để dâng lời ca tụng:
Áng mây trời giăng ngang như giải lụa
Nụ Cúc vàng nở thắm gọi mùa Thu
Tháng Mười về sắc Mân Côi huyền diệu
Lời kinh vang xưng tụng Mẹ Chúa Trời
Tháng Mười được Giáo hội dành để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi. Mân Côi có nghĩa là hoa hồng. Những lời kinh kính mừng như những bông hồng được kết lại thành chuỗi hạt dâng lên Mẹ Maria. Tâm tình về Mẹ bàng bạc như áng mây trời được truyền lại từ thời các thánh Tông đồ. Khi các Tông đồ mệt mỏi trên đường sứ vụ quay trở về, các Ngài lại đến với Mẹ để được nghe những lời vỗ về an ủi. Có những điều không được ghi lại trong Thánh thư nhưng được truyền lại với một niềm tin chất chứa tình cảm sâu lắng, từ đó đến nay trong Giáo hội vẫn luôn tồn tại truyền thống đến với Mẹ Maria, nhờ Mẹ chuyển cầu lên Thiên Chúa. Mẹ luôn đồng hành cùng với Giáo Hội và đã giúp Giáo hội trải qua nhiều biến cố.
Tu sĩ Alan de la Roch, Dòng Đa-minh (thế kỷ XV) đã kể lại, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Đa-minh năm 1206, khi thánh nhân cầu xin Mẹ giúp đỡ trong việc chống lại tà thuyết Albigensianism. Đức Mẹ đã an ủi và trao cho ngài Chuỗi Mân Côi đồng thời truyền cho thánh Đa-minh quảng bá Chuỗi Mân Côi cho những người khác.
Lời Kinh Mân Côi bao gồm lời chào của Sứ thần trong mầu nhiệm truyền tin và lời khẩn nài của con cái đang trên đường dương thế xin Mẹ chở che lúc tại thế cũng như lúc cận kề trong giờ lâm tử. Lời kinh này đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng với Giáo hội Công giáo, và đã có tác động biến chuyển lòng người, biến bại thành thắng và thay đổi những sự kiện quan trọng của đời người cũng như thế giới.
Trên chuyến xe lửa từ Paris xuống miền nam nước Pháp, có 1 cụ già đang ngồi lâm râm lần hạt Mân Côi, cạnh đó có 1 chàng sinh viên trẻ trung, lịch lãm. Chàng cảm thấy khó chịu vì thái độ của cụ già bèn lên tiếng:
- Cụ ơi, thời buổi văn minh này mà còn tụng niệm mấy cái kinh nhảm nhí đó làm gì? Tại sao không đọc những tạp chí khoa học mới đúng với thời đại chứ.
Chàng sinh viên mở tờ báo đang cầm trên tay có đăng hình nhà bác học Louis Pasteur với công trình nghiên cứu về đề tài vi trùng học và trao cho cụ già xem. Cụ già thản nhiên đọc hết kinh kính mừng, chậm rãi đưa tay vào túi, rút ví lấy ra một tấm danh thiếp đưa cho chàng sinh viên. Chàng cầm tấm danh thiếp và đọc: “Bác Học Louis Pasteur, Giám Đốc Viện nghiên cứu vi trùng học quốc tế, Giáo sư chuyên khoa Đại Học hoá học và sinh vật học.” Chàng sinh viên so sánh hình chụp trong tờ báo khoa học, và hình ông Cụ nhà quê đang ngồi lần chuỗi Mân Côi và nhận ra rằng đó chính là vị Giáo sư mà mình hằng ngưỡng mộ… Chàng quỳ xuống bên cạnh Cụ già xin lỗi và thẹn thùng trở về chỗ ngồi, nét mặt đăm chiêu, suy nghĩ, trong khi đó Cụ già vẫn tiếp tục lần chuỗi Mân Côi…
Người ta kể rằng trên một chuyến tàu lửa từ Paris về Lộ Đức, một sinh viên ngồi cạnh một cụ già đang lần hạt. Chàng hỏi:
- Thưa cụ, chắc cụ biết ông Pascal chứ?
- Có, ông này thì tôi biết, biết rõ là đàng khác.
- Đã đến thời duy lý của Pascal rồi mà cụ còn lần hạt nữa sao?
- Thế cậu đã gặp Pascal lần nào chưa?
- Dạ, thưa cụ chưa ạ.
- Thế thì tôi là Pascal, người đang nói chuyện với cậu đây.
(Blaise Pascal là khoa học gia, đồng thời là triết gia người Pháp thế kỷ 17).
Rất nhiều mẫu chuyện kể các gương lần hạt Mân Côi, ngoài Louis Pasteur, Pascal còn có nhiều nhà khoa học và những nhà trí thức khác, đều yêu mến và tin vào sức mạnh của chuỗi Mân Côi. Điều đó chứng tỏ rằng đây là điều xác tín về một niềm tin và thể hiện một tình cảm tôn giáo đặc biệt đối với mẹ Maria, và điều này được người Công giáo thực thi thường ngày trong đời sống. Nhiều người đã được ơn từ việc lần Chuỗi Mân Côi. Thánh GH Gioan Phaolô II cũng thường xuyên lần Chuỗi Mân Côi những khi ngài đi bách bộ. Tại Fatima, Lộ Đức, Thánh địa La Vang và những nơi hành hương khác cũng như trong các gia đình và cộng đoàn, mọi người luôn lần chuỗi Mân Côi, đó chính là những tràng hoa hồng được kết lại của những tín hữu sốt mến dâng lên mẹ Maria, nhờ Mẹ chuyển cầu lên Thiên Chúa, là những bông hoa thơm ngát xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì tội lỗi của loài người…
Trong thời đại của chúng ta, niềm tin của con người dựa vào khoa học. Khoa học đã giúp cho đời sống của con người được thay đổi và nâng cao. Về một phương diện nào đó là phải biết dâng lời cảm tạ hồng ân của Đấng tối cao. Tuy nhiên con người với bản chất tự cao, tự đại đã tự xây cho mình những tháp Babel lòng kiêu hãnh để từ đó xa rời hồng ân của Thiên Chúa. Chủ nghĩa vật chất và hưởng thụ đang làm cho con người trở thành nô lệ đồng tiền và trở thành vô cảm… Mẹ Maria trong những lần hiện ra đã kêu gọi con người sám hối, ăn năn. Lời kêu gọi đó vẫn được lập lại thường xuyên và chuỗi Mân Côi với những lời kinh đơn giản đã trở thành món quà đẹp lòng Chúa. Trong 6 lần hiện ra tại Fatima với ba trẻ, cao điểm vào ngày 13.10.1917, Mẹ đã cho mặt trời quay cuồng trước sự chứng kiến của tất cả mọi người có mặt hôm đó. Ðức Mẹ đã xưng: "Ta là Ðức Bà Mân Côi và ban mệnh lệnh lần hạt mỗi ngày". Kể từ đó Tháng Mười đương nhiên thành Tháng Mân Côi Mẹ Maria.
Kinh Mân Côi như những làn hương trầm tỏa bay trước ngai Thiên Chúa, nhờ lời Mẹ chuyển cầu, kinh Mân Côi đã trở thành sức mạnh và chuyển hóa được những tâm hồn khô cằn và làm thay đổi được những điều tưởng chừng như không thể đối với thế giới hôm nay. Kinh Mân Côi chính là sự tổng hợp các mầu nhiệm Nhập Thể, Giáng Sinh, Ðời Sống và Khổ Nạn của Con Mẹ, cũng như các mầu nhiệm Sống Lại và Lên Trời. Đây chính là nguồn mạch ân sủng.
Chúng ta hãy năng lần hạt Mân Côi!
Hoàng Công Nga
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn