Những mảnh ghép cuộc đời
Cũng giống như ngày qua, hôm nay trời lại tiếp tục mưa. Mưa rơi nhẹ nhàng, từng hạt nước rơi tí tách bên cửa sổ, rồi bỗng chốc mưa ào đến mang theo gió rít từng cơn, những cành cây trước nhà vặn vẹo trong giông lốc, tưởng chừng chỉ chực gãy đổ nếu như gió mạnh thêm chút nữa... Tự nhiên mình nhớ đến câu thơ: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".
Nhưng đây không có người buồn nên cũng chẳng ảnh hưởng chi đến cảnh vật cả, mà thời tiết mưa dầm là do đang "ăn theo" bão số 2, mặc dù bão xa tít ở Trung Quốc nhưng đã hút gió Tây nam, mang đến nhiều mưa làm món quà quý giá cho vùng đất Tây nguyên đang sống vật vờ vì nắng nóng. Chưa năm nào mà vào tháng 7 rồi còn ôm vòi tưới cà phê và tiêu.... Không để trí óc nghĩ ngợi lan man nữa, mà xin trở về với câu chuyện muốn chia sẻ với cả nhà.
Có lẽ nói đúng hơn là "Tức cảnh sinh tình", trời lành lạnh, gió nhè nhẹ trong cái không gian lãng đãng những giọt mưa làm mình nhớ đến bạn bè thật nhiều. Trải dài trong cuộc đời, chúng ta không ai không có những khuôn mặt thân quen dễ mến, mà hầu như luôn hiện diện gắn bó với mỗi người.
Trong lớp Vô Nhiễm, có 4 anh vần "Đ": Đặng, Điệp, Định, Đức. Đôi lúc ngồi một mình, tự nhiên lòng cảm thấy chút tự hào khi trong số ấy có 2 người là Linh mục: Cha Nguyễn Kim Đặng, Cha Nguyễn Ý Định, như vậy là đạt 50/50. Vẫn hơn nhiều anh em những vần khác, như vần "H" thì đầy: Hiến, 2 Hiệp, Hoàng, Hộ, 2 Hùng..... mà có mỗi Cha Hoàn, hay như vần "C": chỉ mình Cha Bùi Công Chính trong khi nào là Châu be, Cựu mỡ, Chương còm, Văn Chung....Tội nghiệp nhất cho những ai vần "T": nào là Thành gồ, Minh Thành, Trương Thành, Tám, Thái đen, Thông chua, Tuấn gấu, Thuần, 3 Tiến, Tình, Đức Trung, Tường rêu..(15 người), chỉ được mỗi Cha Trọng. Vào các dịp gặp gỡ, Cha Ý Định hay trải lòng: "mình làm Cha cũng nhờ anh em" có lẽ Cụ Định cũng muốn nhắc đến mấy đứa vần Đ như Điệp, Đức... chăng!! Cuộc đời Cha Định được ví như chiếc xe đường dài, khi trèo đèo, khi tuột dốc, và trong xe có lúc đầy trò vui tiếng cười nhưng cũng không thiếu những lần nước mắt rơi lả chả vì bầm dập, vì buồn khổ. Giống như trước đây có ai đó phát biểu: "Không biết Thành gồ thì chưa phải dân LBT", nhưng nói về mặt văn nghệ, có thể thêm câu: "Chưa thấy Định còm diễn kịch thì chưa phải dân LBT". Cũng là 1 cách nói ví von thôi, thực sự Ý Định rất có năng khiếu về sinh hoạt, nói theo kiểu bây giờ: "giỏi khuấy động phong trào".
Cha Nguyễn Ý Định là người sinh sau đẻ muộn của lớp, từ Tiểu chủng viện Thánh Giuse, Saigon, đã nhập vào lớp Vô Nhiễm bắt đầu năm học Đệ ngũ (lớp 8). Bản tính vốn lanh lẹ, năng động nên hòa nhập rất nhanh với mọi người, Định còm đôi khi còn là thủ lĩnh của những trò chơi tinh quái, chẳng hạn "chôm" 2 quả trứng của nhà bếp rồi cùng với Trọng Tuấn luộc chín trong lon sữa bò sau bể nước ... đến cuối năm thường được anh em chấm cho đi "tàu suốt", nghĩa là ra đi không hẹn ngày trở lại. Nhưng bù lại, Ý Định có được tinh thần tương thân tương trợ tuyệt vời, ví dụ hè năm lớp 9 (?) Nguyễn Huy Nhuận phải đổi hướng ơn gọi, Nhuận không dám về Gia Nghĩa (Daknông), vì bố Nhuận lúc đó là sĩ quan thiết giáp, tuyên bố là thằng Nhuận xuất tu sẽ không cho về nhà nữa. Như người sắp chết đuối vớ được phao cứu mạng khi nghe Định còm: - Nhuận, mày ở nhà tao. Về nhà Định ở Sàigon, hai đứa không dám nói thật là Nhuận "nghỉ" tu rồi, vì quan niệm rất khe khắt của thời ấy. Mãi sau này phải nhờ Cha tinh thần của Nhuận làm trung gian, Nhuận mới được phép về nhà. Mới đây Nhuận kể lại chuyện cũ: -Có gì đâu! vì hồi đó Nhuận đi tu nên bà con giáo dân gặp bố Nhuận là một Ông cố, hai Ông cố, vào nhà thờ cũng dành ghế riêng cho Ông cố.
Sau biến cố năm 1978, khi khoảng 50 anh em bị buộc phải rời bỏ chủng viện về sống tại gia đình. Riêng với Nguyễn Ý Định thì đây là giai đoạn gay go, thử thách nhất. Nhà ở Saigon phải đi kinh tế mới, bố đi học tập cải tạo vì là người của chế độ cũ (ngành Thông tin). Lang thang đi làm đủ mọi ngành nghề, nuôi bản thân đã khó huống chi thêm gánh nặng gia đình, vì Định là anh cả trong nhà, dưới trướng là một đàn em lóc nhóc. Tết nhất gần đến, có người bàn mưu cho Định đi buôn pháo, một vốn bốn lời. Gom góp tài sản trong nhà, Định còm mua rất nhiều pháo đủ các loại, và trên chuyến xe đò trở lại thành phố với quyết tâm đổi đời... một tương lai khá sáng lạn đang dần hiện ra trước mặt. Nhưng đúng vào giờ hành khách ăn trưa, bỗng đâu tiếng pháo nổ vang trời, chiếc xe đò bị bao phủ bởi một màn khói dày đặc. Định chết lặng! Khóc thầm! Tết này mẹ và các em sẽ sống ra sao đây? Đến giờ này Định vẫn chưa rõ nguyên nhân? khi bao niềm hy vọng đều tan theo xác pháo. Bẵng đi một thời gian cho nguôi ngoai nỗi sầu, Định còm quyết làm lại cuộc đời khi nghe lời chị hàng xóm chỉ cho con đường làm ăn: đó là đi buôn bánh tráng (bánh đa). Vay mượn chút tiền giắt lưng, Định lần mò xuống miệt Bến Tre, Trà Vinh.... đánh trận này chắc thắng không như đi buôn pháo, rủi ro đầy mình. Nhưng than ôi! khi dỡ những bọc bánh tráng lớn xuống khỏi xe để giao hàng như hẹn trước, thì Định suýt ngất xỉu khi không một chiếc bánh nào còn nguyên vẹn nữa. Người mua bỏ cuộc, và Định còm đành mang đống bánh tráng cùng nỗi buồn tan tác về nhà, báo hại cả nhà suốt mấy tháng ăn bánh tráng uống nước lã.
Nhưng không thể bỏ cuộc, nghe nói Banmethuot như một vùng đất hứa, biết bao người từ Bắc chí Nam đổ xô về làm ăn, khi cây cà phê như một phép mầu đổi đời nhiều số phận. Định còm trong số đó khi trở lên vùng đất đỏ Banme, dẫu sao cũng là quê mình chứ, nhiều năm sống ở đó giờ trở lại với bao niềm vui gặp lại các Cha, bạn bè. Và người tiếp đón, mời Định về nhà không ai khác là Lê Văn Cựu. Định ở nhà Cựu thời gian dài, cùng làm ăn sinh sống với các em Cựu như người nhà. Hồi đó có giờ rãnh mình thường ra nhà Cựu chơi, Cựu có mấy đứa em gái xinh đẹp hiền lành, đôi lúc mình thầm nghĩ hay là Ý Định sắp làm em rể Cựu? Nhưng rồi thời gian dần trôi, đến một lúc nào đó mảnh đất Buồn-muôn-thuở, Bụi-mù-trời không giữ được đôi chân Định còm nữa! và chàng quyết tâm ra đi. Với điều kiện về thông tin khó khăn lúc đó, coi như Định còm "mất tích"...... Bỗng một hôm, Kim cò lái xe Thu Đức đường dài về kể chuyện cho vài anh em vùng BMT: Tao đang đổ xăng gần Saigon, tự nhiên thấy đứa nào giống Định còm đi chiếc xe Dame cũng đến dừng đó. Đúng thật Định còm. - Chà! lâu ngày quá. Đi đâu đó Định? Nở nụ cười vui vẻ, Định nói: -Tớ đi Tĩnh tâm để chịu chức Linh mục. Kim cò tròn xoe mắt. -Ông mà làm Cha thì tui chết. Cũng thật may, Ý Định làm Cha được nhiều năm mà Kim cò giờ vẫn còn sống vui vẻ, khỏe mạnh. Mới đây khi nhắc lại chuyện đó, Cha Định tâm sự: -Hú hồn! khi gặp Kim cò, trong túi mình còn đúng 12 ngàn đổ xăng, xe chạy đến nơi Tĩnh tâm thì vừa lúc trong xe không còn một giọt.
Sau 37 năm rời xa chủng viện LBT, giờ đây Cha Nguyễn Ý Định đã là một Linh mục của Giáo phận Xuân Lộc. Cha đã đóng góp rất nhiều cho giáo phận trong cương vị phụ trách Giới trẻ,.... là Cha xứ Đông Hòa, Xuân Trà. Mỗi khi có dịp Cha lại trở về gia đình Lê Bảo Tịnh sống trong tình yêu thương, trong vòng tay ấm áp của các Cha, của bạn bè.
Chỉ với đôi dòng kể về một con người đã vượt khó, và ý Chúa nhiệm mầu đã cất nhắc Cha đến với Thiên chức Linh mục. Cuộc đời trước mắt với bao hy vọng, niềm vui tràn trề nhưng cũng đầy những vất vả, lo toan. Xin cầu chúc Cha luôn giữ trọn niềm hạnh phúc dâng hiến, son sắt một lòng với Chúa và phục vụ tha nhân.
Banmê... những ngày mưa
TK. Điệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn