BẢN TÌNH CA VÔ NHIỄM (7)
Giáo xứ Hòa Tiến mừng Lễ Sinh nhật Đức Mẹ
Hoàng Công Nga
Hòa Tiến là tên của một giáo xứ thành lập ngày 25/01/2005 thuộc thị trấn Đức An, huyện Daksong, tỉnh Daknong. Đây là một trong những giáo xứ được thành lập trong giai đoạn khó khăn của giáo phận Banmêthuột thời Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức, sau thời gian tỉnh Daknong vừa được thành lập năm 2004. Thị trấn Đức An nằm dọc theo quốc lộ 14, làng mạc, cư dân hầu như rải rác trên đỉnh đồi cao. Những tòa nhà kiến trúc của thị trấn dọc theo đường quốc lộ vào những năm đầu của thập niên 2000 làm những người lữ hành trên đường Bắc Nam liên tưởng tới hình ảnh của một Sapa rẻo cao hay một Đà Lạt mờ sương. Khung cảnh ở đây lãng mạn và hấp dẫn. Tuy nhiên cũng chỉ là những hình ảnh bề ngoài không thể che lấp được những cảnh sống thực tế còn nhiều khó khăn của bà con nông dân vùng cao. Giáo dân đa phần là người từ các địa phận Vinh, Bùi Chu, Phát Diệm vào lập nghiệp trong khoảng thời gian trước đó…
Chiếc xe của chúng tôi vượt qua con dốc dài tiến vào khu vực đầu cuối của thị trấn Hòa An, trung tâm của huyện Daksong. Thị Trấn Hòa An chạy dài dọc theo quốc lộ 14, tọa lạc 2 đầu của thị trấn là 2 giáo xứ: Hòa An và Hòa Tiến. Chúng tôi miên man với những câu chuyện đường dài, đề cập tới ý nghĩa tên gọi của các địa danh. Những giáo xứ lớn được hình thành sau năm 1954 thường gắn liền với nguồn gốc miền Bắc, ví dụ như các giáo xứ địa phận Vinh thường bắt đầu bằng chữ Vinh như: Vinh An, Vinh Hương, Vinh Đức, Vinh Hòa…, còn ở đây bắt đầu bằng chữ Hòa. Ý của những người thành lập xứ muốn cầu xin sự an hòa. Hòa An ý nghĩa đã rõ ràng, còn Hòa Tiến, có lẽ muốn thể hiện sự năng động trong đời sống, họ muốn phát triển cao hơn, xa hơn nhưng vẫn luôn cầu xin giữ được sự bình an trong Đức Kytô. Cha giáo Quốc văn nói chuyện với chúng tôi, nhưng tôi hiểu ý Ngài đang tìm những chất liệu cho bài giảng trong Thánh lễ.
Phạm Quang Bình rẽ xe vào con đường lớn bên phải, ai cũng nghĩ rằng chúng tôi đã đi đúng đường. Xe đi ngang qua những khu nhà có vẻ như là cơ quan dân vận. Biết lộn, tuy nhiên xe vẫn đi tiếp hy vọng sẽ có đường rẽ ở cuối. Khi gặp được người bộ hành, hỏi ra thì đã rẽ lộn đường. Chúng tôi vui vẻ quay lại. Cha giáo nói với chúng tôi: “con đường nào rồi cũng đưa ta về đến đích, đi là biết thêm một con đường”. Sự hóm hỉnh và triết lý của cha giáo làm chúng tôi rộ lên những ý kiến đan xen trước khi xe dừng lại nơi khuôn viên nhà xứ… Cha Hà Văn Ánh không dấu nổi sự vui mừng vì chắc chắn giờ này không còn nôn nóng nữa. Chúng tôi chào hỏi cha xứ, anh em trao đổi với nhau những lời thăm hỏi, trong khi một số người theo con đường dốc đi xuống khu vực dưới sâu để khám phá những góc khuất mà tầm mắt chỉ thấy loáng thoáng. Hóa ra dưới vực sâu là một hồ chứa nước lớn, có lẽ của những người dân ngăn dòng chảy, đắp dập chứa nước dự trữ tưới cho mùa khô. Lưng chừng con dốc là tượng đài Đức Mẹ hình vòng cung được xẻ khoảng trống ở giữa, ta có thể nhìn thấy không gian phía sau là một rừng cây thấp thoáng ánh sáng xen kẽ từ xa dọi tới, ta có cảm giác như Đức Mẹ đang hiện diện giữa đại ngàn. Đây có lẽ là công trình của cha xứ tiền nhiệm Antôn Lê Anh Tuấn, người đã có công gầy dựng giáo xứ Hòa Tiến trong thời gian đầu… Khuôn viên khu đất nhà thờ, nhà xứ có vẻ như còn nhiều diện tích trống, nhà thờ nằm khiêm tốn trong một góc nhỏ, các công trình khác cũng chưa có gì là ổn định và chưa có quy hoạch cụ thể. Có lẽ ý định của giáo xứ dành khoảng trống ở giữa cho nhà thờ mới trong tương lai…
Thánh lễ Sinh nhật Đức Mẹ được cử hành nơi giáo xứ Hòa Tiến vào lúc 10 giờ sáng, tuy nhiên sự tham dự của giáo dân cũng không phải là ít. Những người giáo dân được thông báo những người bạn cùng lớp của cha xứ sẽ mừng lễ hôm nay nên mọi người đã tập trung dự lễ. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên vì những người bạn của cha xứ trên đầu đã hai thứ tóc nhưng vẫn gặp nhau mừng lễ Mẹ hàng năm. Nhà thờ làm năm 2008, khiêm tốn tọa lạc ở một góc của khu đất rộng, có lẽ trong những năm đầu những người giáo dân cũng chỉ ước lượng làm nhà thờ tạm theo con số giáo dân ít ỏi ban đầu. Bây giờ thì số lượng giáo dân đã tăng lên nhiều và quy mô của giáo xứ cũng đã vượt xa khoảng thời gian trước… Cha Hà Văn Ánh cũng với tính cách giản dị, mộc mạc đã giới thiệu cha giáo của mình một cách trân trọng, trong lời giới thiệu cũng đã bộc lộ niềm hạnh phúc vì trong những năm gần đây luôn có sự hiện diện của cha giáo. Điều đặc biệt này cũng dễ hiểu vì trong 4 cha Ban Giám Đốc đầu tiên của chủng viện sau gần 50 năm chỉ còn lại một mình cha giáo Bùi Quang Đạo. Năm 1967 sau khi thụ phong Linh mục, cha đã về làm phó linh mục Nguyễn Quang Diệu, giáo xứ Vinh An. Năm 1968 thành lập chủng viện, cha về làm Giám luật và dạy Quốc văn. Vào năm 2017, cha sẽ mừng Kim khánh 50 năm Linh mục tại Châu Sơn.
Trong suy nghĩ của anh em lớp Vô Nhiễm, tinh thần của cha giáo vẫn luôn trẻ trung. Một giáo viên dạy Quốc văn luôn thể hiện sự lịch thiệp, hào hoa; một con người mở miệng là văn chương lai láng, tư duy theo chiều kích triết học và luôn có những câu chuyện dí dỏm hướng người khác tới một mục đích cao hơn. Những câu chất vấn thường được Thầy tôi đặt ra trong lúc trò chuyện, chúng tôi cũng đã quen và hiểu rằng đó là phương pháp để rèn luyện tài ứng biến trong bất kỳ mỗi tình huống. Không riêng gì trong lớp Vô Nhiễm, rất nhiều học trò của Thầy được thừa hưởng những kỹ năng rèn luyện này. Ngày xưa, đó cũng là những tố chất để đào tạo một linh mục trong thuyết giảng. Trong chủng viện xưa kia, cứ mỗi 2 tuần mỗi người phải đọc một cuốn sách học làm người, sau đó tóm tắt nội dung, phân tích và ghi lại các nhận định vào tập vở nộp cho cha giáo quốc văn. Cứ mỗi lần xem phim là phải tóm lược lại cốt truyện, phân tích các tình tiết, điều mà đạo diễn muốn chuyển tải, nhận định về nghệ thuật… Những môn học không có trong chương trình nhưng lại là phương pháp để đào tạo linh mục tương lai. Những lần thuyết trình, đóng vai những diễn giả để trình bày về một đề tài, tranh luận và phản biện với nhau những vấn đề được đặt ra… Quả là một cách giáo dục toàn diện! Những giờ huấn đức, những giờ viết nhật ký… đã đi sâu vào tiềm thức của chúng tôi để sau này cho dù có những người chỉ ở trong nhà Chúa một thời gian rất ngắn nhưng tư cách của họ cũng được trưởng thành và trở nên gắn bó với chủng viện. Riêng tôi dầu không chọn được phần tốt nhất nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận niềm hạnh phúc, mình đã thừa hưởng được những giá trị lớn lao để sau này trong những hoàn cảnh mới những tố chất tiềm ẩn đã được khai triển và sinh lời những nén bạc mà xưa kia anh em chúng tôi đã được lĩnh nhận. Cha giáo Bùi Quang Đạo là một trong những ân sư khai mở cho tôi những giá trị về văn chương…
Vào Thánh lễ, anh em chúng tôi lại sống với tâm tình của ngày xưa trong chủng viện, quây quần bên bàn thờ, hát lại những bài thánh ca quen thuộc, được nghe bài giảng với những tâm tình chất chứa. Cha giáo, thầy của chúng tôi giọng nói hôm nay có vẻ như sũng ướt, chia sẻ về mẹ Maria với tâm tình trìu mến, nói với học trò một cách thật thân thương. Thời gian không còn được bao lâu trong khi tứ trụ ban đầu của chủng viện đã mất 3, nay còn một. Chúng tôi tin rằng Thầy vẫn sống mãi, vẫn trẻ trung như Gioan tựa đầu vào lòng Chúa và vẫn viết tiếp bản Anh hùng ca trong Thánh lễ mỗi ngày… Bài ca truyền thống ‘Mẹ ơi con yêu Mẹ’ cất lên kết thúc Thánh lễ, chúng tôi ghi hình lưu niệm trong nhà thờ và cùng nhau ra ngoài.
Nhà xứ của giáo xứ Hòa Tiến tọa lạc trên một nền móng cao ráo. Những người thợ đã lợi dụng triền đất dốc tự nhiên để hạ xuống làm một tầng hầm, nên khi đứng trên nền nhà xứ ta có cảm giác rất cao nhưng thực tế cũng chỉ bằng mặt đất tự nhiên ban đầu. Phòng khách rộng rãi, các phòng ốc được bố trí cửa mở ra phòng trung tâm, cầu thang dẫn xuống tầng hầm được thiết kế gắn liền sau bức tường chính của phòng khách. Tôi có cảm giác đang đi xuống địa đạo nhưng thực tế lại khác. Tầng hầm rộng rãi gồm một phòng lớn dùng để làm phòng ăn, chung quanh thiết kế các phòng sinh hoạt. Không gian được mở ra phía sau thoáng đãng với khung cảnh tự nhiên ngập tràn màu xanh. Theo triền dốc đi xuống dưới và bên kia thung lũng là bát ngát rẫy cà phê…
Cha Ánh đã thiết đãi chúng tôi một bữa ăn ngon miệng đậm chất đồng quê. Trong thời tiết chuyển mùa, nhẹ nhàng với những cơn gió mùa Thu mang theo hơi lạnh, những ly bia đá không đủ tăng nồng độ. Nhìn qua bàn bên cạnh, Nguyễn Văn Minh đang rót cho anh em một thứ hơi cay tuyệt hảo, ‘huyết nhung tửu’! Đây là một loại đặc sản của vùng Châu Sơn mà hầu như không năm nào anh em Châu Sơn không mang theo. Với một tay chơi sừng sỏ như “Minh lùn”, kiến thức về các loại danh tửu không thể không biết tới, đã cho chúng tôi biết: Đây là loại rượu được pha với huyết nhung. Khi người ta cắt nhung nai, còn gọi là lộc nai, loại sừng non vừa mới nhú khoảng 20 cm, bên ngoài phủ một lớp lông mịn như nhung, người ta dùng rượu pha với huyết nhung để tạo thành loại huyết nhung tửu. Loại rượu này rất tốt để bồi dưỡng sức khỏe cho người lớn tuổi và trung niên, giúp cho họ có sức khỏe dẻo dai, cường tráng. Vì thế anh em Châu Sơn nhìn ai cũng rắn rỏi, khỏe mạnh ngoại trừ căn bệnh đau lưng vốn dĩ là bạn với nhà nông. Nguyễn Văn Minh, Trần Khánh Điệp, Phạm Quang Bình, Trần Thanh Hiệp và hầu như những gia đình ở Châu Sơn cũng đều nuôi một vài con nai trong chuồng nhà. Nếu có về Châu Sơn mà bỏ qua loại danh tửu này là một thiếu sót lớn…
Câu chuyện râm ran chuyển từ bàn này qua bàn khác, mọi người nhắc về những kỷ niệm cũ. Năm nay Bùi Trung Tuấn có mặt rất sớm cùng với cha Nguyễn Ý Định. Cha Định có vẻ băn khoăn nhiều tâm sự. Làm Linh mục, bộn bề với những công việc mục vụ, bị bao vây giữa sự kính trọng của giáo dân. Những dịp này như thoát khỏi vòng vây lễ giáo, được ngang hàng với bè bạn và tếu táo những câu chuyện vui thật thoải mái. Nữ nhân, duy nhất chỉ có 1 người, những năm về trước cả hai vợ chồng Minh Lương đều có mặt, năm nay Minh đại diện cho cả nhà. Ai cũng tế nhị không nhắc tới người đã khuất, sợ bạn buồn. Nguyễn Văn Báu, Nguyễn Hồng Ân lại tham gia đầy đủ. Một vài người vắng mặt như Phạm Trọng Đức, Nguyễn Nhứt, Nguyễn Văn Thái, Hồ Viết Khánh, mỗi người có một hoàn cảnh, nhưng càng lớn tuổi thì lại càng có những trở ngại về sức khỏe. Những người bạn xa xứ cũng chỉ trao đổi được qua email và điện thoại. Năm nay Trần Thái Linh gửi về cho anh em một ca khúc sáng tác mừng lễ Mẹ. Chiều mai anh em sẽ tới thăm Vũ Dức Thuần…
Thời gian đã đưa chúng ta đi vào tuổi 60, đã tròn một hệ can chi của đời người. Lớp Vô Nhiễm cùng với Chủng viện Lê Bảo Tịnh cũng chuẩn bị tròn 50 tuổi (1968 – 2018). Những ký ức vẫn luôn sống dậy nơi chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta trong những tình cảm cao đẹp. Ngày Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, một dịp dể ta hiệp thông với nhau trong tình yêu mến Mẹ. Xin Mẹ yêu thương gìn giữ chúng con.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn