Câu Chuyện Tương Giao

Thứ năm - 18/04/2024 00:09 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh |   150
Trên Quan Lộ Cuộc Đời: Câu Chuyện Tương Giao

Câu Chuyện Tương Giao

QL 180424a


Chuyện rằng có Sơ kia rất ngưỡng mộ hình ảnh các Linh mục mỗi khi gặp gỡ, cùng nhau trò chuyện tương giao… nhìn sao mà trí thức thanh cao quá! Sơ cũng không khỏi tò mò muốn biết các vị mỗi khi gặp nhau thường nói những gì... Dịp nọ trong bữa cơm thân mật, Sơ đánh liều hỏi Cha sở:

- Thưa Cha, mỗi khi gặp nhau các Cha thường hay nói chuyện gì vậy ạ?

Cha sở muốn Sơ vui nên trả lời liền:

- Thì chúng tôi nói chuyện cũng giống các Sơ gặp nhau nói vậy thôi!

Sơ tròn mắt ngạc nhiên, thốt lên rằng:

- Chúa ơi, sao các Cha nói bậy thế!

Đây chỉ là chuyện tiếu lâm nhà đạo, nhưng thú thực cảm giác ngưỡng mộ của Sơ đó rất giống tôi. Nhớ lại lúc còn là cậu giúp lễ, tôi thường đến nhà thờ chơi mỗi tối. Hình ảnh Cha xứ cùng Cha phó lần chuỗi chung, hay vừa đi vừa trao đổi công việc, luận bàn các vấn đề… sao mà đẹp quá! Cũng như Sơ kia, tôi thấy các vị lúc đó trông thật đạo đức, trí thức, xứng là bậc “cầm cân nẩy mực” cho đoàn chiên. Không cần phải nghe tôi cũng biết các vị khi thì bàn chuyện mục vụ, lúc tâm sự chuyện đạo chuyện đời.

Tôi thích xem họp Quốc hội ở những nước văn minh, nhất là Mỹ. Nhìn họ bàn thảo say sưa, trao đổi nhiệt tình, và đôi khi cả quá khích nữa. Dẫu cho họ có nói nhiều làm ít, nhưng chí ít thái độ đó cũng phản ánh ngoài trách nhiệm, họ còn thể hiện tâm huyết, ưu tư với đời sống nhân dân, vận mệnh đất nước. Thế giới không ngừng phát triển, thành ra muốn cập nhật hóa kịp, muốn sáng tạo đi trước thời đại thì mỗi cá nhân trong vai trò và trách nhiệm của mình phải luôn suy tư, tìm tòi, học hỏi. Cổ nhân có nói “học thầy không tày học bạn”, hay “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” cho thấy các cuộc tương giao luận bàn luôn rất hữu ích. “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”: Nhà khoa học gặp nhau bàn chuyện nghiên cứu phát minh, nhà văn ưu tư chuyện người chuyện đời, nghệ sĩ trăn trở với cái hay cái đẹp… Chủ đề tương giao luôn gắn liền với vai trò và trách nhiệm của mỗi người: Nhà tu thì khắc khoải chuyện “Trời”, người đời lo âu chuyện “Đất”.

Chủng viện, tương giao được xếp trong chương trình sống mỗi ngày. Đây là sinh hoạt rất quan trọng trong đào tạo. Có thể khẳng định: Không có khả năng tương giao thì không có ơn gọi tu trì. Tuy nhiên tương giao cũng có nhiều mặt khác nhau, xin nêu 3 kiểu nổi bật:

- Tương giao vô ích: Gặp nhau chỉ để nói chuyện khơi khơi, chuyện rẻ tiền… Đâu đó chúng ta vẫn thường nghe những phản hồi về nội dung trò chuyện của một số người tu: Nghe mãi mà không thấy Chúa, tìm hoài không gặp con người. Câu chuyện chỉ xoay quanh vật chất như xe cộ, tiền bạc… Chắc rằng người giáo dân khi nghe các đấng bậc của họ tương giao kiểu này sẽ cảm thấy thất vọng tràn trề.

- Tương giao tiêu cực: Chuyện thường thấy nơi một số người, cứ tâm sự một chút thế nào cũng chuyển qua nói xấu nhau. Thêm nữa, như qui luật bù trừ mà dân gian quan niệm “nhà tu thích chuyện tục, kẻ dục ham nói thanh”, lẽ thường ta dễ nghe, thích nói quyển Hạ hơn quyển Thượng.

- Tương giao tích cực: Nói chuyện cần nói, chuyện của nhau, chuyện thuộc về chuyên môn… Khi tương giao tích cực ta tạo nên một bầu khí của tình mến, cùng với lòng hăng say và sáng tạo. Ngoài sự quan tâm, hiểu biết, nâng đỡ nhau, chúng ta còn tích cực giúp nhau học hỏi, khơi rộng kiến thức, kích thích suy tư.

Dường như trong Chủng viện hay nhà tu, ít thấy các thầy tương giao về chuyên môn của mình. Nội dung hay gặp là chuyện thể thao cuốn lưới, chuyện cười rẻ tiền, chuyện buồn phiền anh em... Không phải không có những anh em rất cầu tiến, đầy nhiệt huyết, nhiều thao thức, nhưng hình như hơi khó kiếm người hay thời cơ để chia sẻ. Trong bữa cơm có ai khơi chuyện sách vở, thời sự, Giáo hội… thường là nhận được sự im lặng nơi người khác. Nơi ghế đá giờ tương giao, có anh em đang hăng say trình bày một vấn đề xã hội, Giáo hội… chợt nghe ai đó nói trống rằng “Không biết giờ này Đức Giáo Hoàng đang làm gì?”, “Tổng thống Mỹ ăn cơm chưa?”, thì biết khán giả không muốn nghe, đành phải đổi chủ đề hoặc im lặng. Nếu cho rằng do sự chênh lệch về lớp, tuổi tác, trình độ mà khó hòa nhập tư tưởng, đồng nhất suy tư… thì chúng ta vẫn có chung đó một lý tưởng, đường hướng đào tạo, mục tiêu theo đuổi đấy thôi!

Nội dung tương giao phần nào đánh giá mức độ trưởng thành của mỗi người. Giới thiệu cho nhau quyển sách hay, bày cho nhau chiêu thức sinh hoạt mới, kể nhau nghe thao thức mục vụ đang ấp ủ, cùng trăn trở với nhau về các vấn đề Giáo hội, xã hội, nơi cộng đoàn mình đang sống… mới thấy không thiếu chuyện để có một tương giao tích cực, hữu ích cho đời tu của chúng ta.

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây