Tán tụng bình minh cứu độ.

Thứ tư - 24/04/2024 03:47 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   201
“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9)”.
Tán tụng bình minh cứu độ.
Tán tụng bình minh cứu độ.
 
 Đối lập với bóng tối là mặt trời, mặt trời được nhắc đến từ xa xưa của nhân loại. Đặc biệt trong kinh Rig – Veda của Ấn Độ, một loại kinh triết lý và thấm nhuần tôn giáo, có từ niên đại 2500 TCN (Winternit). Kinh Rig – Veda như một trường thơ ca tụng, một loại trường thơ để ngâm nga chủ ý để nghe chứ không để xem, được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ kia, mỗi thế hệ lại thêm vào thành lời ca lớn thêm[1].

Rig có nghĩa là tán tụng, Veda có nghĩa là tri thức. Rig – Veda có nghĩa là tán tụng bằng tất cả tri thức chiêm ngắm. Thần được chiêm ngắm tán tụng trên hết đối với người Ấn Độ là Thần Mặt Trời.

“Ôi mặt trời linh động, tinh anh, Người thấy tất cả, Người tạo ra ánh sáng, chính Người. Soi sáng không gian tất cả sáng ngời. Người mọc lên vì các vị thần. Vì nòi giống của con người: Vì tất cả, như thế, họ có thể nhìn thấy ánh sáng của Thiên đường.”

Tụng ca thần Mặt Trời chiếu sáng xua tan màn tối phủ vây làm lạc lối. Tán tụng là một hình thức tạ ơn và đồng thời cũng là lời cầu khẩn. Con người thấy mình bị quá nhiều bóng đen của sự dữ che phủ, cầu khấn Thần Mặt Trời đến để xua ta bóng đêm vì Thần Mặt Trời là vị thần tối thượng nhất. Từ nhận thức trực quan sang nhận thức thần linh là một sự chuyển đổi mạnh mẽ, một cảm nghiệm sâu xa về sự bất lực của con người trước sự dữ, con người cầu khấn thần linh trợ giúp.

Vượt qua sự dữ, chiến thắng được bóng tối, là một kinh nghiệm tích luỹ từ nhiều ngàn năm, từ khi có Mặt Trời, từ khi có Lửa. Những ánh sáng đầu tiên của ban ngày, họ nhận ra rằng sức mạnh vô song của Thần Mặt Trời, và sánh ví sức mạnh ấy như bảy con ngựa[2] hồng đưa Thần tới cai trị.

Ánh sáng từ mặt trời phát ra biểu trưng một trí tuệ vô song chiếu soi hoàn vũ. Vì thế, Thần Mặt trời được sánh ví như một tri thức siêu phàm, soi rõ và hiểu biết hết mọi tâm can, thấu suốt và lãnh hội hết mọi tri thức. Con người được đón nhận ánh sáng của Thần  là được chia sẻ nguồn tri thức vô biên ấy, cho nên đối với Người Ấn ánh sáng cũng là tri thức. Tri thức ban cho những người trong ngày thức tỉnh.

Đối với người Nhật Bản Mặt Trời mọc là biểu tượng quốc huy, đồng thời cũng là tên gọi của quốc gia (Nihon). Tại Cambodia, ông tổ của các triều đại Ankor có tên gọi là Bâlâditya (Mặt Trời mọc), đồng nhất hoạt động của vị vua này với hoạt động của mặt trời.

Trong các tôn giáo thờ Mặt Trời ở các nền văn minh lớn cổ xưa, mặt trời là biểu tượng người cha, một người cha vừa nghiêm khắc vừa giàu lòng thương. Người cha hướng dẫn và chỉnh đốn, người cha vừa nuôi, vừa dưỡng. Các nhân đức của người cha chiếu toả như vầng sáng mặt trời, sự khôn ngoan của người cha xua tan bóng đêm của tri thức. Mặt trời cũng được sánh ví là trái tim của vũ trụ, hình ảnh người cha trong sự khôn ngoan, thông tuệ của mình cũng là trái tim của những người con.

Tất cả những phấn khởi hân hoan đó, Ấn Độ đã tụng ca Nữ Hoàng Bình Minh bằng trường ca: Tụng ca nữ thần Rạng đông. (To Usha)[3]

“Bình minh ở trên chúng ta với sự phồn vinh, ôi Usas, người con gái của bầu trời, Bình minh rực rỡ huy hoàng, nữ thần, bà chúa của ánh sáng, bình minh tráng lệ và hào phóng.”

Chinh phục tất cả bằng ánh sáng chói lọi, Usas, con người vĩ đại, mạnh mẽ, Người giàu có bằng chính sự tàn phá và thịnh vượng.

Bài tán tụng Nữ hoàng bình minh với cảm nghiệm niềm cảm mến đó, Tagore phát biểu: “Tôi tin rằng hình ảnh thiên đường phải nhìn dưới ánh sáng mặt trời và mẩu xanh của trái đất, trong vẻ đẹp của bộ mặt người và sự giàu có của cuộc sống con người, cả trong những vật xem ra không đáng kể và chưa từng có trước kia. Mọi nơi trên quả đất này, tư tưởng thiên đường đang thức tỉnh, từ đó mà chuyển đi tiếng gọi. Nó đến bên trong tai ta mà ta không hề biết, tạo âm sắc cho cây thụ cầm của cuộc sống, truyền khát vọng đi bằng âm nhạc vượt qua cái hữu hạn, không những bằng lời cầu nguyện và mong ước, mà bằng những ngôi đền, là những ngọn lửa trong đá, trong tranh, là những giấc mơ được biến thành vĩnh cửu, trong điệu múa, là sự suy ngẫm say mê ở cái trung tâm tĩnh của chuyển động.[4]

Bình Minh cứu rỗi xuất hiện quả thật là ngày “Vinh danh Chúa trên các tầng trời” và là niềm mong được của toàn thể nhân loại đã bắt đầu thực hiện.

Thiên Chúa đã bước vào lịch sử và dường như một lịch sử mới của ngày bình minh luôn hướng về phía trước. Như trải qua ngàn năm vẫn mới, như ngày không còn chiều tà, không còn trở lại đêm tối. Như bình minh cứ từng giờ khắc, từng ngày đi qua, lịch sử của ánh sáng tiến dần về ngày không còn đêm. Thiên Chúa đã bước vào bóng đêm ngay chính trọng tâm của nó, làm cho quyền lực bóng tối bị rã tan, uy lực ngày càng yếu dần đi, cho đến khi hoàn toàn chịu quy phục.

Ngày của bình minh không bao giờ tàn lụi, ngày mới đã khơi mầm, Thiên Chúa, Người đã đến: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9)”.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan  
 
 
[1] Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Lá Bối, Sài Gòn, 1971, trang 7.
[2] Con ngưa Asha Ấn Độ theo nghĩa đen là  xâm nhập, biểu thị sự xâm nhập của ánh sáng.
[3] Veda Upanishad, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2001,Doãn Chính chủ biên.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây