Học cách phân định thông tin thật giả

Thứ sáu - 26/04/2024 21:11 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh |   208
Trên Quan Lộ Cuộc Đời: Học cách phân định thông tin thật giả

Học cách phân định thông tin thật giả

QL 270424a


Những ngày chống dịch chôn chân ở nhà, mạng xã hội là nơi vừa giải trí vừa giết thời gian tốt nhất. Chỉ riêng Facebook với bao la bát ngát chủ đề, đã thu hút muôn người dạo chơi trong đó. Tham gia fb có nhiều hình thức: Dạo chơi xem thông tin và giải trí; vừa học cái hay vừa chia sẻ người thân những điều bổ ích; chủ động đưa tin nóng hổi cho thiên hạ chú ý…

Đang lúc dịch bệnh căng thẳng, fb trở thành bảo bối giúp ta “Ngồi nhà mà bao quát chuyện thiên hạ”. Một nơi ồn áo náo nhiệt, thật giả thị phi… đòi hỏi ai tham gia phải trang bị cho mình một kiến thức nhất định, không thì đủ mọi rắc rối đến với bản thân, mà nặng nhất là “Bệnh ảo” – Không thể phân biệt đúng sai thật giả. Hậu quả là mất niềm tin nơi chính mình và mọi người với nhau.


Dụng cơ của những tin giả, tin đểu (Fake news) nhằm câu like xả stress cũng nhiều, mà mục tiêu tung hỏa mù và lèo lái dư luận cũng không thiếu. Ví dụ cứ thấy fb xuất hiện “Lời bác Đam” tiên báo dịch bệnh hay quá, thế là share. Xảy ra đúng vậy không sao, khác đi là thấy báo nhà nước công bố đó là Tin Sai Sự Thật và túm vài em lên phạt 7,5t. Rồi lại thấy xuất hiện lời khác của bác í. Ngay cả báo chí nhà nước chính quy sáng công bố, chiều kêu tin đồn thất thiệt… Rồi những văn bản mơ hồ tung lên mạng, bao người đã vì nhanh tay mà ôm hận tiền phạt.

Có hôm sốt chuyện bác sĩ Khoa: “Rút ống thở mẹ mình để cứu sản phụ sinh đôi…” lấy được bao nước mắt. Những người tỉnh táo đọc kỹ tìm hoài không biết chuyện xảy ra ở cái Bệnh viện nào, sao phòng chữa Covid và phòng sanh lại kế nhau, mà hình đứa bé thì là hình ở bệnh viện Từ Dũ đã từng đăng, hai bé hai nơi ghép lại. Thông tin đầy mơ hồ… Họ làm vậy để làm gì? Câu like thôi ah! Chưa chắc… Có điều họ dạy ta tập kiểm chứng thông tin, đừng để “tay nhanh hơn não”.

Các bạn coi Youtube hài, họ lồng tiếng thầy trò Đường Tăng đi bán dép, chó mèo nói chuyện như người… thì việc cắt ghép các video VTV hay gì đó làm tin giật gân có gì khó. Mấy cái tin về Covid qua những đoạn thu âm và video không nguồn gốc, hay bài báo TT Xuân Phúc cho phép phụ nữ lấy nhiều chồng và quá 30t chưa lập gia đình bị phạt, nhìn là biết tin đểu nhưng được share chóng mặt. Chỉ khi nào bị lật kèo gọi lên
đóng 7,5t nhiều người mắt sẽ sáng và xem tin cẩn thận hơn.

Giáo hội thời công nghệ cũng chịu chung số phận. Lấy hình cha thầy sơ lập trang fb để bán thuốc đông y. Dựa danh con Chúa tung tin thất thiệt để kêu gọi từ thiện. Thậm chí lập thành các Group với tiêu đề rất đạo đức “Lòng Chúa Thương Xót”, “Học Hỏi Giáo Lý”, “Chia Sẻ Cầu Nguyện”… nhưng lại nhằm xuyên tạc đạo hay phê bình chỉ trích các mục tử trong đó…

Tin đểu, tin giả ít nhiều đều có dụng ý thâm sâu của người cố tình làm ra nó. Có thể là thăm dò phản ứng dư luận, có thể là lèo lái dư luận, và cũng có thể sàng lọc dư luận vào mục đích nào đó. Cái hay là giúp nhiều người ngày càng biết cẩn trọng sàng lọc thông tin. Cái dở là làm bao người mất niềm tin vào nhau và cả thể chế chuyên gian dối.

Những từ như “Xây dựng niềm tin”, “Thiết lập niềm tin”, “Củng cố niềm tin” dân ta ai cũng thuộc lòng. Đối nội đối ngoại đều phải khởi sự từ điều này… Tại sao vậy? Chắc ai cũng rõ nguyên nhân.

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây