Ước mơ và hiện thực

Chủ nhật - 28/04/2024 08:13 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   177
Ước mơ và hiện thực là một chặng đường dài chứ chưa bao giờ đạt đích. Bởi hiện thực luôn đòi hỏi cao hơn ước mơ.
Ước mơ và hiện thực

 

Người ta thường nói: “Ước mơ chỉ là mơ ước”. Ước mơ và hiện thực là một chặng đường dài chứ chưa bao giờ đạt đích. Bởi hiện thực luôn đòi hỏi cao hơn ước mơ.

Ngày ta chịu chức linh mục, hay sống cuộc đời thánh hiến, ta ước mơ sống cuộc đời thánh thiện. Thực sự khi bắt đầu thực hiện ước mơ, ta đã thấy ước mơ dường như chỉ là mơ ước. Ngày ngày bắt đầu ta luôn đối diện giữa chữ con và chữ người. Sống chất người cho đúng nghĩa là cuộc chiến khởi đầu. Lúc nào cũng cần tập bước cơ bản của bài ca đức ái: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cor 13, 4 – 7). Trong cuốn nhật ký tập tành nhân đức đã không ít lần sống đầy chất con giữa người, lúc nào cũng đầy tính chất hơn thua, quyền lợi hơn trách nhiệm.

Vốn dĩ dù là tu sỹ hay bắt đầu sống ơn gọi linh mục, ta vẫn là những con người mang tính chất mỏng giòn, yếu đuối. Khi bắt đầu cam kết điều gì là khi bắt đầu bị lôi kéo ngược lại với điều cam kết. Hằng ngày ta phải đối diện với những bất trắc đó. Có người thầy dậy tu đức, nói với ta: “Tập những thói quen tốt ngược lại với thói xấu”.Điều này cơ bản, thói quen tốt luôn là những gì được lặp đi lặp lại, tập mãi đến khi trở thành thói quen. Từng bước nhỏ để thực hiện ước mơ, một ước mơ nên thánh lại càng nhẫn nại hơn.

Những bước đi trong đời sống tu luyện, đâu thiếu những lần bị cám dỗ sai đường. Ví như tập mãi không xong, thôi buông mặc nó, cám dỗ thôi phó mặc cho Chúa. Không cộng tác với ân sủng của Chúa nên cuộc đời cứ kéo lê trong đời sống chẳng vui gì trong dâng hiến. Hoặc có khi lấy cái đạo đức bên ngoài là cái áo che cái tù túng trong tâm hồn. Lúc nào cũng phải gồng mình để sống giả hình, mất đi cái tự nhiên, niềm vui thật sự trong đời.

Kiên nhẫn trong tập luyện nhân đức và đời sống thiêng liêng là điều cần thiết thực hiện ước mơ.

Chúa dạy luôn tỉnh thức và sống đời sống cầu nguyện. Đời tu không thể thiếu cầu nguyện vì cầu nguyện là hơi thở của tâm linh.Trong lâu đài nội tâm, Thánh nữ Têrêsa chỉ ra bước đầu trong đời sống cầu nguyện ở cư sở thứ nhất, thường gặp phải: “Mặc dầu đây không phải là một giai đoạn xấu nhưng thời điểm này thường bị chi phối nhiều bởi những vấn đề của trần gian và thường bị quyến rũ bởi những của cải trần thế, bởi những vinh dự và những công việc làm ăn; mặc dầu con người mong mỏi được chiêm ngắm và vui hưởng vẻ đẹp của chính điện, những vấn đề ấy không cho phép họ dễ dàng lẫn trốn những ngăn trở này.”

Thực hiện ước mơ luôn đòi hỏi tiến bước chứ không thể dừng lại. Ở cư sở thứ hai, cầu nguyện mang tính thân mật hơn, nhưng không thiếu đòi hỏi. Ta được nghe tiếng Chúa, nhưng tiếng Chúa gọi cần sự đáp lại của ta. Mỗi khi đáp lại tiếng Chúa mời gọi, ta sẽ cần chấp nhận sự xáo trộn. Đổi mới có nghĩa là phá cái cũ làm cái mới, nên đòi hỏi sự hy sinh, đón nhận những vật lộn với chính mình, chết đi cho cái cũ, sống sự sống mới.

Thông thường ta sẽ dừng lại ở cư sở thứ ba sau thời gian dài tập luyện. Đó là nơi cư sở thứ ba, nhận ra sự bình an trong tâm hồn, một bình an không ai lấy mất được. Thánh Têrêsa nhận định: “Có rất nhiều người trưởng thành đang sống trong giai đoạn này. Những người này có một cuộc sống tương đối bình an và ổn định. Họ đặt vấn đề cầu nguyện và bí tích lên cao trong cuộc sống của họ và chú tâm nhiều hơn trong những việc phục vụ anh chị em mình”.

Có lẽ đời thánh hiến hay đời linh mục của ta cũng thực hiện ước mơ bấy nhiêu là được. Đòi hỏi lên cao hơn nữa lại cần cố gắng hơn nữa, hoặc nhờ ơn Chúa lôi kéo mạnh hơn nữa để tiến tới những cư sở cao hơn.

Dù sao, ước mơ và hiện thực luôn đòi hỏi từng ngày trong đời sống tu luyện: “Con tự hiến thánh con, để họ cũng được hiến thánh” (Ga 17, 19).

 

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây