Trái tim mới
Sau khi vua Đavit phạm tội, với tấm lòng tan nát khiêm cung, ngài đã thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.” (Tv 51, 12).
Một trái tim mới, một tâm hồn trong trắng, không còn lươn lẹo, ma mãnh để sống thực lòng với Chúa và với anh chị em. Một tấm lòng trong cũng là một tấm lòng ăn năn hối lỗi thật sự, khi nhìn thấy cuộc đời lấm lem bụi đất. Không còn xứng đáng ngước mắt nhìn Thánh nhan Chúa. Con người của sầu khổ vì lỗi phạm của mình quá lớn, chỉ dám xin Chúa: “Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;” (Tv 51, 14)
Tình yêu tinh tuyền là tình yêu cả kẻ thù.
Một khi đã trở lại cùng Chúa, như Chúa bảo Phêrô: “Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất đức tin. Phần con, một khi đã trở lại, thì hãy làm cho các anh em con nên vững mạnh (Lc 22, 31-32).
Chúa tha thứ, còn ta hãy cố gắng tập luyện để có trái tim tinh tuyền, như bài tập luyện tâm rất hay cổ xưa: Trong tám câu kệ luyện tâm của Langri Thangpa, người Tây Tạng vào thế kỷ 11 viết:
“Mỗi khi tôi hợp tác với ai, ước gì tôi nghĩ về mình như kẻ thấp kém nhất và coi người khác tôn quý tự đáy lòng tôi.
Khi tôi thấy người ta ác tâm, bị dồn ép bởi tội lỗi, bạo lực và hoạn nạn. Ước gì tôi được ôm lấy những con người đáng quý ấy như gặp được một kho báu.
Khi người khác do ghen tỵ, ngược đãi tôi bằng nhục hình, phỉ báng và những điều tương tự. Ước gì tôi chấp nhận thua thiệt để dâng chiến thắng cho những họ.
Khi có người mà tôi giúp đỡ lại làm tôi tổn thương đau đớn. Ước gì tôi xem người ấy như vị thầy của mình.”
Những lời ước nguyện trong câu kệ này cũng cho thấy họa lại đều răn mới của Chúa: “yêu thương nhau như chính Thầy yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
Chỉ có Chúa mới có trái tim tinh tuyền, yêu thương hết mực. “Xin ban cho con trái tim tinh tuyền” để con được yêu thương như Chúa đã yêu thương. Một tình yêu tinh tuyền là ôm lấy hết tội nhân, gánh hết tội đời, để chuộc tội và để tha thứ: “Để cứu chúng ta thoát khỏi cõi đời xấu xa hiện tại, Đức Giê-su Ki-tô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta” (Gl 1, 4).
L.m Giuse Hoàng Kim Toan