Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 13/04/2024 20:09 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
331
Đi theo Chúa không phải dễ dàng. Ngày đó và hôm nay. Theo Chúa phải là một lựa chọn, phải luôn cố gắng, nhiều khi phải đánh đổi cả mạng sống của mình.
Đất Nước Mặt Trời Mọc
Nói đến Nhật Bản nhiều người nhớ đến Núi Phú Sĩ và Hoa Anh Đào (Có tới hơn 200 loại hoa Anh Đào, đủ mọi sắc thái và hình thức); nhớ đến Trà Đạo và Ikebana; nhớ đến Thiên Hoàng Minh Trị (1852- 1912), người đã canh tân đất nước Mặt Trời Mọc và Kawabata Yasunari (1899-1972), tiểu thuyết gia Nhật bản đầu tiên đoạt giải Nobel văn học năm 1968, là người châu Á thứ ba sau Rabindranath Tagore (Ấn Độ, Nobel văn học 1913) và Shmuel Yosef Agnon (Do thái, Nobel văn học 1966) với những tác phẩm nổi tiếng: Ngàn Cánh Hạc, Xứ Tuyết, Cố Đô…; nhớ đến 2 quả bom nguyên tử đầu tiên của nhân loại thả xuống Hiroshima và Nagasaki hay Samurai và Yakuza… Song tôi nhớ đến 2 cậu bé: một thời Đệ Nhị Thế Chiến và một thời hiện đại.
Cậu Bé Đứng Bên Lò Thiêu”
Thành phố Hiroshima và Nagasaki là hai trong số nhiều thành phố tại Nhật có xưởng chế tạo vũ khí và nhiều tài nguyên chiến tranh. Để sớm kết thúc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, cuộc chiến đã gây nên cái chết của khoảng 70 đến 85 triệu người, phe Đồng Minh đã quyết định thả những quả bom với những tác hại khủng khiếp để có thể chấm dứt chiến tranh.
Hiroshima Hiroshima nằm ở phía nam, dân số có lúc lên đến 381.000 người, tuy vậy cho đến trước khi bị ném bom, số dân đã giảm rất nhiều bởi sơ tán. Lúc quả bom nguyên tử được ném xuống, ước chừng 255.000 người trong thành phố. Ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên “Little Boy” đã được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, và theo ước tính, 140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó.
Nagasaki
Nagasaki là thành phố cảng lớn nhất của miền nam Nhật Bản và có vai trò hải quân rất quan trọng nhờ hoạt động công nghiệp đa dạng, từ việc sản xuất đạn dược, tàu bè, thiết bị quân sự đến các vật liệu chiến tranh khác. Theo ước tính, có khoảng 70.000 người trên tổng số 240.000 dân cư Nagasaki chết ngay và 60.000 người khác bị thương khi quả bom nguyên tử mang tên “Fat Man” được thả vào ngày 9 tháng 8 năm 1945.
Bức ảnh “Cậu bé đứng bên lò thiêu” được chụp bởi nhiếp ảnh gia Joe O’Donnell được quân đội Hoa Kỳ gửi đến Nhật để thu thập tài liệu về những tổn thất mà nơi đây phải gánh chịu sau 2 vụ ném bom nguyên tử liên tiếp. Thế là từ tháng 9.1945, ông đã có mặt ở Nhật Bản và đi khắp miền Tây nước này để ghi lại những gì còn sót lại sau thảm kịch, để cho mọi người có cái nhìn chân thật nhất về cuộc đời của những nạn nhân trong vụ ném bom, bao gồm người đã chết, người bị thương, kẻ vô gia cư và mồ côi. Khi đó, hình ảnh của những con người đau khổ này không chỉ được lưu trong thước phim của ông mà còn in đậm trong tâm khảm và trái tim của ông.
Một trong những bức ảnh ấn tượng nhất mà Joe chụp được trong chuyến đi công tác lần này là hình ảnh bé trai 9 tuổi cõng trên lưng đứa em 5 tuổi của mình. Sẽ không có gì đặc biệt nếu như đứa trẻ đang được anh địu đã chết. Ấn tượng với Joe là biểu cảm gương mặt của đứa trẻ lớn hơn. Dường như em đang cố gắng kìm nén nỗi đau bằng hành động cắn chặt môi trên gương mặt cứng đờ, có vẻ như đứa trẻ này cũng không hề muốn phải chia tay em mình tại nơi nghĩa trang lạnh lẽo. Joe tin rằng hình ảnh của cậu bé chính là biểu tượng tiêu biểu và đầy xúc động trong thảm kịch ném bom vừa qua. (1)
Trong một cuộc phỏng vấn Joe O’Donnell kể rằng cậu bé vì để khỏi bật khóc, cậu đã cắn chặt môi mạnh đến bật máu.
Khi người gác lò bảo cậu bé “ Hãy đưa cái đồ nặng trên lưng của của cháu đây”, cậu bé đã đáp lại “Em ấy không nặng, em ấy là em trai của cháu”.
Cậu bé trao lại xác của người em, và rời đi…
Tại Nhật Bản, thậm chí đến ngày nay bức ảnh này được sử dụng như là một biểu tượng của sự kiên cường.
Vào tháng 11 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Nhật Bản và Ngài dùng tấm ảnh này làm postcard để kêu gọi hòa bình. Nhiều người cũng cất công tìm kiếm cậu bé trong ảnh nhưng vẫn bặt âm vô tín.
Cậu Bé Trong Thảm Họa Ở Nhật
Động đất và sóng thần Tōhoku 2011 là một trận động đất mạnh 9,0 MW ngoài khơi Nhật Bản xảy ra lúc 14:46 giờ địa phương vào ngày 11 tháng 3 năm 2011. Trận động đất có vị trí chấn tâm nằm cách ngoài khơi bờ biển phía Đông bán đảo Oshika, Tōhoku 72 kilômét tại độ sâu 32 kilômét. Trận động đất đã gây ra sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và ít nhất 20 quốc gia, bao gồm cả bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ. Sóng thần cao đến 40.1 m đã đánh vào Nhật Bản chỉ vài phút sau động đất, tại một vài nơi sóng thần tiến vào đất liền 10 km.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã chính thức xác nhận có 15.893 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương và 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. (2)
Trong một lần cứu trợ, một người ghi lại tâm sự như sau:
“... Tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.
Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để vào thùng thực phẩm rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc, để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học, từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.” (3)
Sự kiên cường của 2 cậu bé trong nghịch cảnh làm tôi nhớ đến Giáo Hội Nhật Bản trong thời kỳ bách hại đạo Công giáo.
Thần Đạo Shinto, Tôn Giáo Bản Địa Của Nhật Bản
Shinto (神道) hay còn gọi là Thần đạo, là tôn giáo bản địa của người Nhật. Nó đã ra đời trước công nguyên, phát triển rất lâu ở Nhật Bản và ăn sâu vào tiềm thức cũng như trái tim của người dân.
Thần đạo, chữ Hán là 神道 (shindo). Kami (神) là các linh hồn hay vị thần hiện diện ở khắp mọi nơi. Thần đạo vẫn chưa có một cái tên chính thức cho đến khi Đạo Phật du nhập vào Nhật Bản vào thế kỉ thứ 6 và mọi người thấy cần đặt tên cho Thần đạo để phân biệt. Người Nhật chỉ đơn giản làm theo các lễ nghi và đức tin mà họ coi là hiển nhiên trong thế giới mà họ sinh sống.
Không giống như các tôn giáo khác chỉ tin vào một vị thần tối cao, Thần đạo theo lối “đa thần”. Có đến 8 triệu vị thần. Chữ Shin(神)chỉ nhằm phân biệt giữa con người với những linh hồn, thần linh mà con người tin vào, chứ không nhằm chỉ một vị thần cụ thể nào. Thế giới trong Thần đạo là một dòng chảy liên tục của sự sáng tạo, từ những linh hồn sống cao tít trên thiên đàng đến những linh hồn trú ngụ trong cây, đá, bụi và tất cả những gì xung quanh. Tất cả mọi vật đều có linh hồn và có tiếng nói của riêng mình. Con người chẳng qua cũng chỉ là một phần trong dòng chảy đó.
Linh hồn (Kami) có ở mọi nơi và có thể là bất cứ cái gì hiện hữu. Những vật tự nhiên như đá, cây cối, núi sông, thác nước,... đều có thể là linh hồn, nhất là với những vật hoặc hiện tượng có phần kì lạ và nổi bật.
Mỗi ngôi đền đều được xây dựng để dành riêng cho một Thần. Sau đây là những thần chính trong truyền thuyết:
* Ame-no-Minakanushi (Thiên Ngự Trung Chủ) là vị thần đầu tiên, là khởi nguồn của vũ trụ, một trong ba Tạo hoá tam thần (ba vị thần tạo hoá ra vạn vật).
* Izanagi (Y Trang Nặc) là một trong những vị nam thần đầu tiên, chồng của Izanami. Ông cùng vợ đã tạo ra nước Nhật.
* Izanami (Y Trang Nhiễm) là vị nữ thần đầu tiên, vợ của Izanagi. Khi Izanami sinh ra thần lửa Kagutsuchi, lửa bốc cháy khiến bà bị thương và chết. Inazagi nổi giận và dùng kiếm chém vào đầu của Kagutsuchi và chặt thành 8 khúc. Các phần của Kagutsuchi trở thành những núi lửa bao bọc nước Nhật.
* Amaterasu-Ōmikami (Nhật Thần hay Thần Mặt Trời) là vị nữ thần được sinh ra từ mắt trái của Izanagi khi ông rửa mặt sau khi trở về từ Suối Vàng. Amaterasu mang lại ánh sáng và hơi ấm cho vạn vật…(4)
Giáo Hội Công Giáo tại Nhật Bản
Vào thế kỷ XVI, năm 1549, Thánh Phanxicô Xaviê đã bắt đầu truyền giáo ở Nhật tại Kagoshima thuộc đảo Kyushu. Thánh Phanxicô nhận ra rằng, phải thích nghi cao độ với các tập quán và thể chế của đất nước này.
Năm 1563 các lãnh chúa theo đạo và kéo theo dân chúng theo đạo hàng loạt, nhất là trên đảo Kyushu với trung tâm là Nagasaki.
Năm 1569: Nhà thờ đầu tiên được mở cửa tại thành phố Nagasaki.
Năm 1587: Sứ quân Toyotomi Hideyoshi, người thống nhất nước Nhật, ra chiếu chỉ cấm đạo Kitô.
Năm 1588, Giáo phận Funay được thiết lập, trung tâm là thành phố Nagasaki.
Năm 1597: Cuộc tử đạo của chủng sinh Phaolô Miki (パウロ三木みき (Phaolô Tam Mộc/ Pauro Miki) và các bạn bị đóng đinh ở Nagasaki. Tổng cộng có 26 vị: 6 Linh Mục Thừa Sai dòng Phanxicô: 4 vị Tây Ban Nha, 1 vị Mễ Tây Cơ gốc Tây Ban Nha và 1 vị Ấn Độ gốc Bồ Đào Nha; 3 tu sĩ Dòng Tên người Nhật và 17 giáo dân Nhật Bản, phần lớn thuộc Dòng Ba Phanxicô, trong đó có 5 giáo lý viên và 3 thiếu niên).
Năm 1613: Con số ước lượng các Kitô hữu lúc đó là 250 đến 300 ngàn người, trên tổng số 20 triệu dân.
Năm 1622: 55 linh mục và giáo dân bị xử tử ở Nagasaki.
Năm 1622: Bắt đầu lệnh án Fumi-e (buộc bước qua các ảnh của Đức Kitô hay ảnh Đức Mẹ để dò xét các Kitô hữu ẩn trốn).
Năm 1633: lệnh bế quan tỏa cảng (kể từ đó đã được ban hành nhiều lần).
Giữa năm 1578-1873, hơn hai thế kỷ rưỡi cuộc bách đạo, con số nạn nhân lên tới hàng chục ngàn.
Năm 1858: Tự do tôn giáo của người nước ngoài được chính quyền công nhận, việc thờ phượng cũng được phép với những hạn chế theo những nhượng bộ.
Năm 1862 Giáo hoàng Piô IX tuyên thánh cho Phaolô Miki và các bạn.
Năm 1865: Các Kitô hữu trốn tránh tại Urakami đến gặp linh mục Petịtean của Hội Thừa Sai Paris. Họ bí mật xuất hiện tại nhà thờ Ouratenshudo xây cho người Pháp tại Nagasaki. Thật kỳ diệu suốt trong 250 năm bị cấm và hầu như không có mặt các nhà truyền giáo mà công giáo vẫn được bảo tồn.
Năm 1867 (7.5), Giáo hoàng Piô IX nâng 205 vị tử đạo Nhật Bản lên hàng chân phước.
Năm 1868: Cuộc phục hưng của Thiên Trị Minh Hoàng đưa Nhật Bản bước vào kỷ nguyên tân tiến, nhưng cuộc bách hại các Kitô hữu vẫn tiếp diễn. Hàng trăm tín hữu Urakami đã bị bắt và 13 giáo dân đã bị tử hình.
Từ năm 1868-1870: Hơn 3000 tín hữu bị tống giam và bị lưu đầy.
Năm 1873: Sắc chỉ cấm đạo không còn gắn trên các thông báo chính thức (Luật mặc nhiên cho phép ngầm).
Năm 1889: Hiến pháp của Meiji (Thiên Hoàng Minh Trị) bảo đảm tự do tôn giáo.
Năm 1927, giám mục đầu tiên có quốc tịch Nhật Bản, Đức cha Januarius Kyunosuke Hayasaka.
Năm 1947: Thi hành Hiến pháp Nhật Bản, tự do tôn giáo được cho phép.
Năm 1981: Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Nhật Bản lần đầu tiên với tư cách là Giáo hoàng.
Năm 1987 (18.10) thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong hiển thánh cho Lorenzo Ruiz, Dominic Ibáñez de Erquicia Pérez de Lete, Iacobus Tomonaga Gorōbyōe, và 13 người bạn đồng hành (1633–1637).
Năm 1989 (23.4), thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng 2 vị tu sĩ tử đạo dòng Augustinô (1632) lên hàng chân phước.
Năm 2008 (24-11), 188 vị tử đạo được phong chân phước đều là người Nhật và bị giết vì đạo từ 1603-1639 tại Nagasaki. Trong số 188 vị chỉ có 4 Linh Mục và 1 Tu Sĩ, còn lại là 183 giáo dân thuộc các thành phần xã hội khác nhau, từ các trẻ thơ đến các cụ già: 21 em tuổi từ 1 đến 6 và 9 thiếu niên tuổi từ 7-15.
Năm 2019: (11) Giáo hoàng Phanxicô thăm Nhật Bản. (5) (6) (7)
Năm ngày bốn đêm lang thang theo đoàn du lịch trên nước Nhật tôi cố ý nhìn xem có ngôi thánh đường nào không? Chỉ duy nhất một lần nhìn thấy được một nóc nhà thờ với cây thánh giá thấp thoáng từ xa.
Giáo hội Nhật Bản là một cộng đoàn nhỏ, mặc dầu có tới đến 437 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Năm 2019, dân số Nhật Bản khoảng 115 triệu người, Giáo hội Nhật Bản có 536 ngàn tín hữu, tương đương khoảng 0,42% dân số, chủ yếu theo Thần đạo và Phật giáo. Giáo hội có 16 giáo phận, bao gồm ba tổng giáo phận Nagasaki, Osaka và Tokyo với 1407 linh mục và 859 giáo xứ. Sứ thần Tòa Thánh hiện nay tại Nhật Bản là Tổng giám mục người Ấn Độ, Đức cha Joseph Chennoth. (8)
Đọc lại lịch sử của Giáo Hội Nhật Bản nhất là trong thời kỳ bách hại đạo khủng khiếp, tôi lại nhớ đến lịch sử Giáo Hội Việt Nam cũng có những nét tương đồng như thế.
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Trong “Khâm Ðịnh Sử Việt Thông Giám Cương Mục” ghi nhận: “Năm Nguyên Hoà nguyên niên (1533), tháng ba, đời vua Lê Trang Tôn, có người Tây Dương tên InêKhu lén vào Ninh Cường, xã Quần Anh, huyện Nam Chân, và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, âm thầm truyền bá Da Tô tả đạo. Và đây cũng là khởi điểm cho việc truyền giáo tại Việt Nam.
Năm 1550 các giáo sĩ dòng Ða Minh Luis de Foncesca, Grégroire de la Motte và Gaspar de Santa Cruz rao giảng Tin Mừng tại Hà Tiên.
Năm 1583, tại Ðàng Ngoài, các giáo sĩ Diego Doropesa, Bartolomeo Ruiz, Pedro Ortiz, Francisco de Montila và bốn trợ sĩ đến từ tỉnh dòng Ða Minh Phi Luật Tân, truyền đạo tại vùng An Quảng (Quảng Yên).
Năm 1591: Cha Pedro Ordoñez de Cevallos Rửa tội cho công chúa Mai Hoa (Maria Flora). Bà là chị của vua Lê Thái Tông.
Năm 1615: (18/01) Đoàn truyền giáo đầu tiên của dòng Tên đến cửa Hàn, Đà Nẵng, do Cha Francois Buzomiand dẫn đầu, cùng với Cha Diego Carvalho và 3 trợ sĩ: Antonio Dias, Joseph, và Paulo Saito.
Năm 1624: Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), dòng Tên (1593 - 1660) đến Hải Phố để học Tiếng Việt với Cha F. de Pina. Ngài cũng chứng kiến Bí tích Rửa tội cho bà Minh Đức Vương Thái Phi, vợ lẽ của Chúa Nguyễn Hoàng. Bà lấy tên thánh là Maria Madalena.
Năm 1625: Tháng 12, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên ra sắc chỉ cấm người Công giáo Việt Nam không được mang trên mình hoặc treo trong nhà thánh giá và các ảnh tượng. Đây là sắc chỉ cấm đạo đầu tiên trong 53 sắc chỉ chính thức.
Năm 1630: Tháng 4, Cha Đắc Lộ và các thừa sai bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài. Một tín hữu tên thánh Phanxicô, phu khiêng cáng ở triều đình, bị chém đầu vì tội chôn xác chết. Ông là chứng nhân đức tin đầu tiên ở Đàng Ngoài.
Năm 1639: Miền Bắc đã có 82.000 tín hữu Công giáo (căn cứ trên hồ sơ rửa tội). Miền Trung có khoảng 15.000 giáo dân Công giáo.
Năm 1644: (26/07) thầy Anrê Phú Yên chịu tử đạo tại Quảng Nam. Thầy là chứng nhân đức tin đầu tiên của Đàng Trong. Cha Đắc Lộ mạo hiểm ở lại Miền Trung nên bị bắt, bị cầm tù và sau đó bị trục xuất.
Năm 1651: Tại Rôma, Cha Đắc Lộ cho xuất bản 3 tác phẩm quốc ngữ đầu tiên do chính Cha biên soạn và nhà xuất bản Đa Ngữ Thánh Bộ Truyền Giáo ấn hành: - Ngày 05/02/1651: Từ điển Việt - Bồ - La - Ngày 05/02/1651: Sách Văn Phạm Việt Nam - Ngày 02/10/1651: Sách song ngữ Phép Giảng Tám Ngày.
Năm 1659: Đức Thánh Cha Alexander III ban sắc lệnh thành lập 2 giáo phận truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam.
Giáo phận Đàng Trong: Từ sông Gianh vào Nam, gồm Chiêm Thành và Cao Miên, do Đức cha Pierre Lambert de la Motte làm Đại diện tông tòa.
Giáo phận Đàng Ngoài: Từ sông Gianh trở ra Miền Bắc và Miền Nam Trung Hoa, do Đức cha Francois Pallu cai quản.
Ngày 10/11, thành lập Hội Thừa sai Hải Ngoại Paris.
Năm 1668: Tại chủng viện Ayutthaya, Thái Lan, bốn linh mục Việt Nam đầu tiên được Đức cha Lambert de la Motte thụ phong linh mục: Cha Giuse Trang và Luca Bền (Đàng Trong, được thụ phong vào tháng 3); Cha Bênêdictô Hiền và Gioan Huệ (Đàng Ngoài, được thụ phong vào tháng 6).
Năm 1670: Tháng 2, Đức cha Lambert de la Motte họp Công đồng Đàng Ngoài tại Phố Hiến. Ngài cũng thành lập dòng Mến Thánh Giá vào năm này.
Năm 1672: (19/01) Đức cha Lambert de la Motte họp Công đồng Đàng Trong tại Hội An (Hải Phố).
1802: Vua Nguyễn Ánh thắng nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, lấy niên hiệu là Gia Long và chọn Phú Xuân (Huế) làm kinh đô.
1825: Vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo gồm hai điểm: (1) Cấm các giáo sĩ ngoại quốc theo tàu buôn vào Việt Nam; (2) Tập trung các giáo sĩ ngoại quốc vào những điểm được chỉ định để kiểm soát. 1841: Vua Thiệu Trị lên nối ngôi và ra lệnh ân xá cho tất cả các tù nhân Công giáo được trở về quê hương. Nhà vua không bắt đạo gắt gao nhưng cũng không hủy bỏ những chỉ dụ cấm đạo.
1848: Vua Tự Đức ra chiếu chỉ cấm Gia Tô tả đạo. 1856: Tàu Pháp bắn phá cảng Đà Nẵng. Vua Tự Đức nổi giận, ra chiếu chỉ cấm đạo lần thứ tư (1858).
1861: Pháp chiếm thành Kỳ Hòa, mở rộng vùng kiểm soát tới Biên Hòa, Tây Ninh, Mỹ Tho và Vĩnh Long. Triều đình càng căm thù và ra tay giết các tín hữu Công giáo. Các tín hữu tại Ba Giồng, Hữu Đạo, Biên Hòa, Bà Rịa bị sát hại tập thể. Tóm kết: Dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Việt Nam có hơn 40.000 tín hữu Công giáo minh chứng cho đức tin Công giáo. Dù trải qua nhiều cuộc bắt đạo, nhưng đến năm 1890, Việt Nam vẫn có 708.000 tín hữu Công giáo.
1933: (11/06) Việt Nam có giám mục tiên khởi người bản xứ: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng.
1934: Công đồng Đông Dương tiên khởi họp tại Hà Nội.
1960: (24/11) Thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Các giáo phận hiệu tòa trở thành chánh tòa với 3 tòa Tổng giám mục: Hà Nội, Huế và Sài Gòn.
1988: (09/06) Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam. Gồm có 96 Vị thánh Việt nam, 10 vị thuộc hội Thừa sai Ba Lê và 11 Vị thuộc dòng Ða minh Tây Ban Nha. Các ngài bao gồm mọi thành phần dân Chúa :
- 8 Giám mục (6 dòng Ða Minh, 2 Hội Thừa sai Ba Lê ) - 50 linh mục (37 linh mục Việt nam, 5 giáo sĩ dòng Ða Minh Tây Ban Nha và 8 Thừa sai Pháp ) - 16 thầy giảng và 1 chủng sinh (Tôma Trần văn Thiện ) - 42 giáo dân (1 phụ nữ : Thánh Annê Lê thị Thành ).
2000: Năm thánh: Tôn vinh Chúa Ba Ngôi và Bí tích Thánh Thể. Thầy giảng Anrê Phú Yên được tôn phong chân phước. (9) (10) (11)
Theo thống kê trong chuyến thăm Ad Limina 5.3.2018 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì cho đến đầu năm 2018 Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam có 26 giáo phận (giáo phận Hà Tĩnh thành lập ngày 22.12.2018) với 3 tổng giáo phận: Hà nội, Huế và Sài gòn; gồm có 7 triệu giáo dân, với 4.000 linh mục, 4.500 giáo xứ, 22.000 tu sĩ với hơn 240 dòng tu, hơn 2400 đại chủng sinh. (12)
Khi xem phim “Thinh Lặng”của đạo diễn Martin Scorsese,https://www.phimconggiao.com/phim-thinh-lang-silence-2016-thuyet-minh/, năm 2016, kể lại cuộc bách hại đạo Công giáo tại Nhật Bản một cách khốc liệt với những cảnh tra tấn cực kỳ dã man và cưỡng bức tâm lý một cách tàn độc mới thấy được sự giữ đạo cực kỳ khó khăn như thế nào. Nhưng sau hơn 250 năm, không có linh mục, không có Thánh Thể … đức tin vẫn tồn tại một cách kỳ diệu giữa những điều không tưởng.
Giáo hội Việt Nam cũng thế. Nếu tái hiện lại cảnh thánh Joseph Marchand Du, linh mục, bị xử bá đao; thánh Jean Charles Cornay Tân, linh mục, bị xử lăng trì hay các tín hữu bị dồn vào thánh đường rồi phóng hỏa thiêu sống… mới thấy việc giữ đạo thật sự là khó khăn. Song như giáo phụ Tertullien nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh các tín hữu.”
Đi theo Chúa không phải dễ dàng. Ngày đó và hôm nay. Theo Chúa phải là một lựa chọn, phải luôn cố gắng, nhiều khi phải đánh đổi cả mạng sống của mình.
Lạy Các Thánh Tử Vì Đạo tại Việt Nam, xin cầu cho chúng con…