Dấu chỉ hiệp thông

Thứ sáu - 30/06/2023 05:09 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   244
Khi đọc thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Galat, ta có thể đọc thấy dấu chỉ hiệp thông trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai.
images (3)
images (3)
Dấu chỉ hiệp thông




Khi đọc thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Galat, ta có thể đọc thấy dấu chỉ hiệp thông trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai.

Sau khi Thánh Phaolô ngã ngựa tại Đamat, Thánh Phaolô được gọi đi làm Tông Đồ cho Chúa. Thánh Phaolô tự nhận mình là người Tông Đồ “sinh sau đẻ muộn” (1Cor 15, 8), học trò của giáo sư nổi danh thời bấy giờ là Gamalien. Thánh Phaolô nhận ra mình không phải là Tông Đồ do loài người mà là do Thiên Chúa cắt cử sai đi.
Giáo lý của Thánh Phaolô tiếp nhận không do loài người mà do Thiên Chúa mạc khải cho. Thánh Phaolô không biết Chúa Giêsu tại thế, ngài chỉ biết về danh xưng Giêsu Kitô là danh xưng của Chúa Phục Sinh. Ngài đã từng đi bắt bớ các tín hữu đầu tiên, vì ngài là người thấm nhuần đạo giáo cũ, nhiệt thành với lề luật.
Sau khi thụ huấn với Giáo Sư Gamalien, ngài lên đường sang Ả Rập rồi về Đamat. Sau ba năm ngài mới trở về gặp gỡ Thánh Phêrô là Tông Đồ trưởng và Giacôbê. Ngài trình bày Giáo Lý được tiếp nhận từ Chúa Giêsu Kitô cho Thánh Phêrô, ở với Thánh Phêrô mười lăm ngày. Số ngày ở với Phêrô, Thánh Phaolô cũng nghe Thánh Phêrô những lời giáo huấn, những việc làm và đời sống của Chúa Giêsu.
Hai thánh Tông Đồ, khác biệt nhau về tiếp nhận giáo lý của Chúa Giêsu. Một người tiếp nhận trực tiếp như Thánh Phêrô theo chuẩn chọn Matthia thay thế Giuđa Iscariot: “Có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh." (Cv 1, 21 – 22). Còn Thánh Phaolô một Tông Đồ được Chúa Phục Sinh kêu gọi, không theo tiêu chuẩn trên.
Thánh Phaolô tiếp nhận Tin Mừng từ Thiên Chúa. Điều này không dễ đối với Thánh Phaolô vì thời ấy đâu phải chỉ mình Phaolô đi rao giảng Tin Mừng, có nhiều tông đồ giả cùng loan báo một Chúa Giêsu khác với Tin Mừng, Thánh Phaolô trình bày với cộng đoàn tín hữu Corinthô:  “Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà E-và thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Ki-tô như vậy. Quả thật, nếu có ai đến rao giảng một Đức Giê-su khác với Đức Giê-su mà chúng tôi rao giảng, hay nếu anh em lãnh nhận một Thần Khí nào khác với Thần Khí anh em đã lãnh nhận, hoặc nếu anh em lãnh nhận một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã đón nhận, thì anh em sẵn lòng chịu đựng được ngay”. (2 Cor 11,  3- 4).  Điều quan trọng là Thánh Phaolô trình bày giáo lý mình rao giảng cho Thánh Phêrô, như một học trò trả bài cho thầy, cùng một đức tin, một phép rửa trong Chúa Giêsu Kitô.  
Sau khi gặp Thánh Phêrô, Thánh Phaolô đến Xyria, ở Hội Thánh xứ Giuđê người ta chỉ nghe biết:  "Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt", và vì tôi họ tôn vinh Thiên Chúa.” (Gl 1, 23 – 24). Sau bốn năm, Thánh Phaolô mới trở lại Giêrusalem gặp các Tông Đồ trong dịp công nghị Giêrusalem. Ở đây, một lần nữa Thánh Phaolô trình bày Tin Mừng cho các Tông Đồ khác nghe về nền tảng giáo lý vững chắc của mình. Thánh Phaolô kể: “Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại, -cách riêng cho các vị có thế giá-, vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích”. (Gl 2, 2).
Thời kỳ đó, Thánh Phaolô cũng bị nhiều người cùng đạo ghen ghét, tố cáo, nhất là về việc người ngoại giáo trở lại Kitô giáo không chịu phép cắt bì, như anh Titô cùng đi với ngài không nhượng bộ việc cắt bì. Tại Giêrusalem, Thánh Phaolô sau khi trình bày giáo lý, ngài được: “ Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông: chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì. Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm.” (Gl 2, 9 – 10)
Dấu chỉ hiệp thông ban đầu trong Giáo Hôi, đó là giữa hai nền tảng Giáo Lý Tin Mừng gặp gỡ nhau ở trong Chúa Giêsu Kitô. Một cho người Do Thái và một cho dân ngoại. Hai đường lối khác nhau nhưng trong cùng một đức tin, một sự khiêm nhường đón nhận nhau. Thánh Phêrô tiếp nhận Thánh Phaolô, một Tông Đồ trưởng do Chúa Giêsu đặt và thiết lập, một Tông đồ sinh sau đẻ muộn chỉ biết Đức Kitô Phục Sinh là lẽ sống duy nhất: “Tôi sống không phải tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Một Phaolô học thức và một Phêrô bình dân là Tông Đồ trưởng, cả hai lòng khiêm nhường để kết nên mối hiệp thông.
Giữ lấy tính hiệp thông trong Hội Thánh, dù có những khác biệt về cách thức nhưng không rao giảng điều gì khác là  “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15, 3-4). Một đức tin Tông truyền và quyền Giáo huấn của Hội Thánh.
Chúng ta được mời gọi làm chúng nhân Tin Mừng ở nhiều điểm xuất phát khác nhau, hiệp nhất trong đa dạng. Không rao giảng một Tin Mừng nào khác ngoài đức tin Tông Truyền và ngoài huấn quyền Hội Thánh.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây