Hạt Lúa Vùi Chôn (Ga 12, 20-33)

Thứ năm - 14/03/2024 21:13 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   267
“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

HẠT LÚA VÙI CHÔN
Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm B: Ga 12, 20-33

LmTN 150324a


Suy niệm

Sống và chết là qui luật tự nhiên của muôn loài muôn vật. Chết là một cách để phát sinh sự sống mới, như Chúa Giêsu đã nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Như vậy, chết là một sự thay đổi cách thái hiện hữu ở một mức độ phong phú hơn nhiều. Đức Giêsu gọi giờ chết trên thập giá của Ngài là “giờ Con Người được tôn vinh”. Cũng từ đó, Ngài đưa ra một nguyên tắc sống: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

Ai mà chẳng yêu quí mạng sống mình; chẳng ai muốn đau thương hay chết chóc. Nhưng sống mà chỉ lo chiếm hữu và hưởng thụ, ta sẽ trở nên trơ trọi như hạt lúa giống không chịu vùi chôn. Cũng vậy, chẳng ai lại coi thường mạng sống mình, nhưng nếu coi trọng nó đến nỗi thành nô lệ cho chính mình, thì khác nào ta nuôi dưỡng một cái xác không hồn. Người ta nghĩ có được danh lợi quyền hành là vẻ vang, nhưng Đức Giêsu coi thập giá là vinh quang. Ngài dạy chúng ta, từ sự chết mới có sự sống, chỉ bằng cách hy sinh mạng sống, chúng ta mới giữ được sự sống; chỉ nhờ phục vụ, chúng ta mới trở nên cao cả. Qua những kinh nghiệm đau thương và buông bỏ, ta mới thấy mình được khi chấp nhận mất, thấy mình nhận lãnh khi chấp nhận cho đi. Như con ốc sên chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ, ta chỉ sống dồi dào khi ra khỏi những bận tâm và so đo tính toán cho mình để sống tình yêu.

Lời kinh Hòa Bình mà ta vẫn hát phải trở thành nguyên lý sống cho cuộc đời ta: “chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân...”. Từ đó ta mới hiểu rằng, sống và chết là hai hành vi trao đổi cho nhau trong từng giây phút và từng biến cố của đời mình. Sống là chấp nhận chết đi để triển nở: mỗi một hành vi khiêm tốn là chết đi một phần tính kiêu ngạo; mỗi một hành vi can đảm là chết đi một phần tính hèn nhát; mỗi một hành vi dịu dàng là chết đi một phần tính hung bạo; mỗi một hành vi yêu thương là chết đi một phần tính ích kỷ. Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới hình thành.

Tuy nhiên, quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, dù trong tinh thần hay thân xác cũng đều là hành vi của đau thương, tổn hại, mất mát, không dễ dàng chấp nhận, dù biết rằng đó là một cách tiếp nhận sự sống mới. Chính Chúa Giêsu cũng phải nao núng và dao động trước cái chết: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì?”. Chúa Giêsu không ngần ngại thố lộ với chúng ta nỗi xao xuyến và sợ hãi của Ngài. Ngài không làm ra vẻ anh hùng trước một sự hy sinh cao cả, nhưng Ngài đã bám níu vào Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này... Nhưng chính giờ này mà con đã đến”.

Như Chúa Giêsu, nếu ta biết tỉnh thức và cầu nguyện, ta sẽ thắng được nỗi sợ bị thua thiệt, mất mát. Cầu nguyện không phải là liều thuốc giảm đau, không hẳn ngăn chặn được nao núng sợ hãi, cũng không mong Chúa đổi ý để cứu ta khỏi đau khổ hay sự chết, nhưng cầu nguyện là sự tin yêu và phó thác trước nỗi xao xuyến và giằng co của phận người. Nhờ vậy mà ta thanh thản trong sự hiến dâng trọn vẹn, để đi vào sự phục sinh vinh hiển với Chúa Giêsu, như Lời Ngài đã hứa: Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.

Với niềm hy vọng lớn lao này, chúng ta hân hoan đón nhận cái chết như vị ân nhân đưa ta vào ngưỡng cửa vĩnh hằng. Phải chăng trong tâm tình đó mà R. Tagore đã dâng lời nguyện: “Ôi! Thần chết, ngươi làm cuộc đời tràn đầy lần cuối... Những gì ta là, những gì ta có, những gì ta hoài mong, những gì ta yêu thương, tất cả vẫn sâu xa bí mật trôi chảy về ngươi… Ôi Thượng Đế, kính lạy Người lần cuối. Như đàn hạc hoài hương, ngày đêm hối hả bay về tổ ấm trên núi cao, xin cho đời tôi phiêu du tới quê hương vĩnh cửu ngàn thu”.

Tuy nhiên, niềm hy vọng vào sự sống mới không chờ đến ngày mai mà phải thực hiện ngay hôm nay, nghĩa là đời sống chúng ta phải được biến đổi trong sự gặp gỡ Chúa hằng ngày, thấy Ngài đang hiến thân cho chúng ta trong mọi lúc, và mời gọi chúng ta hiến mình cho tha nhân trong mọi nơi. Xin cho chúng ta được như “hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi” để sinh nhiều bông hạt, góp phần đem lại niềm vui ơn cứu rỗi cho đời. Hạnh phúc biết bao khi nhận ra Chúa đã làm nên cuộc sống mình và đang đưa tới sự hoàn thành trong phục sinh vinh hiển.    

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su!
Khi nhìn đồng lúa mênh mông bát ngát,
từng cây lúa nặng trĩu những bông hạt,
có mấy ai nghĩ đã qua nhiều ngày tháng,
hạt giống chịu chôn vùi mục nát rã tan.


Đã bao người sống âm thầm lặng lẽ,
vui cho đi chia sẻ cuộc đời mình,
vẫn tận tình trong lao nhọc hy sinh,
để đem đến an bình cho nhân thế.


Nhìn vào cuộc đời con mới nhận ra,
cứ đâu phải tuổi trẻ là tươi đẹp,
mà phải là tuổi trẻ biết cho đi,
biết quên mình và sống vì người khác.


Từ ý nghĩa ấy con nay mới thấy,
nét suy tư của nếp nhăn trên trán,
nét đảm đang của những tấm lưng còng,
nét thong dong của những làn tóc bạc,
là nét đẹp từng trải qua năm tháng,
của một đời đã gieo hạt nẩy mầm,
là hạt lúa đã gieo vào lòng đất,
chấp nhận chết vì phúc lợi tha nhân.


Xin cho con biết xây dựng Nước Trời,
sống thực tâm theo lời mời của Chúa,
dám chết đi cho tội lỗi của mình,
để trổ sinh những hoa thơm trái đẹp.


Xin cho con luôn chia sẻ hiến trao,
biết làm cho cuộc sống thêm dồi dào.
chỉ mong sao đến một ngày mùa mới,
Chúa ban cho hạnh phúc đến muôn đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây