Hy sinh
Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều khiến ta không bằng lòng, thỏa mãn. Có thể là về thời tiết, về tha nhân, về tổ chức xã hội. Con vật cũng có những cách biểu hiện sự bằng lòng hay không thỏa mãn về một điều gì đó; nhưng vì có lý trí nên con người có suy nghĩ và mơ ước, nên sự thỏa mãn hay bất bình trở nên phức tạp và trên nhiều lãnh vực: thể lý, tinh thần, tâm lý, tâm linh.
Bởi vậy, muốn hay không muốn – như một quy luật cuộc sống, con người phải biết chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận cái vừa phải và vừa đủ. Trong tôn giáo, chữ chấp nhận còn được gọi bằng một chữ khác là hy sinh, từ bỏ. Hy sinh thụ động là mình chấp nhận một điều gì đó vì không còn cách nào khác, ví dụ như về thời tiết hoặc một căn bệnh, một sự khó chịu do tha nhân đưa đến. Hy sinh chủ động là mình đón nhận một trái ý vì lòng yêu mến Chúa hoặc vì yêu tha nhân, được góp phần mình vào thập giá của Chúa Giêsu.
Ngày nay, trong một xã hội đề cao tự do cá nhân và tinh thần hưởng thụ, người Kitô hữu ngại nói đến hy sinh, đánh tội và hãm mình. Thậm chí nhiều người còn nghĩ đó là những điều chỉ có trong quá khứ, trong một nền tu đức còn ấu trĩ; còn nền tu đức hiện đại nhấn mạnh về lòng bác ái, thương xót và phục vụ. Nghĩ thế là sai lầm, vì sự hy sinh nằm trong bản chất của đạo: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Muốn học sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa, ta phải hy sinh tính tự nhiên muốn khoe khoang và muốn thể hiện bản thân: nói nhiều, nói lớn. Muốn chu toàn bổn phận, ta phải hy sinh tính lười biếng và an phận. Muốn sống tinh thần 8 mối phúc, ta phải có rất nhiều hy sinh để uốn nắn lòng mình.
Khi nói về ĐTGM Nguyễn Văn Bình, tôi cứ nhớ mãi một chứng từ được kể lại như sau: Những năm tháng cuối đời, Đức cha chọn Đại chủng viện Thánh Giuse làm nơi hưu dưỡng. Thường xuyên có người chăm sóc và phòng của ngài được ráp máy lạnh. Vào một buổi chiều, trời chuyển mưa, gió thổi mạnh và làm lạnh cả không gian, nên sơ phụ trách xin Đức cha tắt máy lạnh và ngài đồng ý. Thế nhưng, mãi về sau trời lại không mưa và bầu không gian trở nên oi nồng trở lại. Một lúc sau, thầy phụ trách trực xin ý Đức Cha để bật máy lạnh và ngài nói: “ừ, bật đi”. Thầy bật máy lạnh và lại gần Đức Cha thì nhận thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, thầy lau mặt và khi sờ vào chiếc áo lót ngài mặc thì thấy chiếc áo đã ướt vì mồ hôi. Thầy rất cảm phục sự hy sinh hãm mình và thầy cũng suy được rằng cả một đời, Đức Cha đã tập quen hy sinh hãm mình từ lâu cho lợi ích của giáo phận, chịu sự phê phán của xã hội và cả của những con cái mình, khi lãnh đạo giáo phận vào một thời điểm khó khăn của lịch sử giáo hội.
Thật ngạc nhiên khi biết đươc rằng: thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu người Pháp, Tiến sĩ Hội thánh là một trong 4 nhân vật Kitô sẽ được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đề nghị mừng kỷ niệm trong hai năm 2022 và 2023 tới đây. Đây là dịp để đề cao vai trò của phụ nữ giữa lòng các tôn giáo, nhưng cũng để nêu cao ảnh hưởng tư tưởng và linh đạo của thánh nữ. Các tác phẩm của thánh nữ Têrêsa đã được dịch ra 83 thứ tiếng trên thế giới. Vị Thánh trẻ này chỉ sống 24 năm trên dương gian và 9 năm trong dòng kín, nhưng đã được chọn là bổn mạng các xứ truyền giáo, chỉ vì Thánh Nữ đã liên lỷ dâng những hy sinh nhỏ bé của mình để cầu nguyện cho các nhu cầu truyền giáo. Câu nói nổi tiếng của Ngài: Làm việc bình thường với tình yêu to lớn. Người ta thường nói cuộc sống chung của các tu sĩ thật là phức tạp với những va chạm và ghen tị, nhưng đó lại là cơ hội lập công của Thánh Nữ.
Đức Phanxico nói với chúng ta rằng: không thể có đức khiêm nhường nếu không quen chịu sỉ nhục, không thể quen chịu hy sinh nếu không thỉnh thoảng tập hy sinh cả những điều được phép. Một lần nữa, chúng ta cùng xác tín với nhau rằng: hy sinh hãm mình là điều hợp thời, là điều luôn đồng hành với mọi Kitô hữu cho đến hơi thở cuối cùng - để theo Chúa Giêsu.
Nguyễn Văn Thiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn