Một tiếp cận mới về chúc lành

Thứ ba - 02/01/2024 02:00 | Tác giả bài viết: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm |   248
Ngày 18/12/2023, Bộ Giáo lý đức tin ra Tuyên bố Fiducia supplicans về Ý nghĩa mục vụ của việc chúc lành.

CÂU CHUYỆN ĐẦU TUẦN
MỘT TIẾP CẬN MỚI VỀ CHÚC LÀNH

WGPMT (01.01.2023) – Ngày 1/11/2023, Đức giáo hoàng Phanxicô ban hành Tự sắc Ad theologiam promovendam nhằm định hướng việc nghiên cứu và giảng dạy thần học. Theo ngài, thần học “không thể chỉ giới hạn mình vào công việc trừu tượng là đề xuất lại những công thức và lược đồ đã có từ quá khứ”, nhưng phải “giải thích hiện tại bằng tầm nhìn ngôn sứ”, phải “đối thoại với những biến đổi văn hóa sâu rộng”, và “thấy những lộ trình mới cho tương lai”.

Ngày 18/12/2023, Bộ Giáo lý đức tin ra Tuyên bố Fiducia supplicans về Ý nghĩa mục vụ của việc chúc lành. Có thể nói Tuyên bố này là sự áp dụng đầu tiên những định hướng Đức giáo hoàng Phanxicô đưa ra trong Ad theologiam promovendam.

 


Đức hồng y Victor Fernandez, Tồng trưởng Bộ Giáo lý đức tin


Hội Thánh ngày nay đang đối diện với “những biến đổi văn hóa sâu rộng”, cụ thể là ngày càng phổ biến tình trạng sống chung ngoài hôn nhân, ly dị-tái hôn và các cặp đồng tính. Đến nay đã có 35 quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, phần lớn tại châu Âu. Hà Lan là nước đầu tiên (2006), kế đó là Bỉ (2003). Tại châu Mỹ La tinh, Brazil và Argentina cũng là quốc gia đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Tại châu Phi chỉ có Nam Phi (2006), còn tại châu Á mới có Đài Loan (2019).

Trong bối cảnh đó, Hội Thánh nên có thái độ nào? Tuyên bố của Bộ Giáo lý đức tin là một nỗ lực “nối kết những khía cạnh giáo thuyết và mục vụ lại với nhau cách chặt chẽ” và đưa ra những chỉ dẫn cần thiết về vấn đề này.

Về thần học, Tuyên bố này vẫn bám chắc vào giáo huấn của Hội Thánh về hôn nhân - tức là sự kết hợp độc hữu, bền vững, bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, hướng tới việc sinh sản con cái theo tự nhiên. Tuyên bố gọi đây là giáo huấn “truyền thống” và “ngàn đời” của Hội Thánh, không thể thay đổi. Do đó, Tuyên bố này không cho phép chúc lành các cặp sống trong tình trạng không hợp lệ cũng như các cặp đồng tính bằng bất cứ nghi thức phụng vụ hoặc chúc lành nào giống như nghi thức phụng vụ và có thể gây hoang mang, lẫn lộn nơi các tín hữu.

Đồng thời về mục vụ, Bộ Giáo lý đức tin đề nghị một tiếp cận mới bằng cách phân biệt việc chúc lành mang tính phụng vụ và bí tích với chúc lành mục vụ: “Từ quan điểm chăm sóc mục vụ, việc chúc lành nên được đánh giá như hành động đạo đức ở ngoài cử hành Thánh Thể cũng như cử hành những bí tích khác”, và “những người xin được chúc lành không bị đòi hỏi trước đó phải có đời sống luân lý hoàn hảo”. Vì thế, “có thể chúc lành cho các cặp sống trong tình trạng không hợp lệ cũng như các cặp đồng tính”.

Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm, phải quan tâm đến hình thức ban chúc lành: “Các bản quyền trong Hội Thánh không nên ấn định nghi thức chúc lành này để tránh việc lẫn lộn với nghi thức dành riêng cho Bí tích Hôn Phối”; cũng không nên cử hành “với bất cứ lễ phục, cử chỉ, hay lời nào vốn chỉ dành riêng cho đám cưới”. Việc chúc lành không theo nghi thức này “có tính tự phát”, “là những cử chỉ đơn giản cung cấp một phương thế hữu hiệu diễn tả sự tín thác của người xin nơi Thiên Chúa”.

Tuyên bố của Bộ Giáo lý đức tin đã nhận được những phản hồi rất khác nhau.

Có những phản hồi tích cực từ các giám mục Đức và Bỉ, cách riêng từ các hãng thông tấn ngoài đời và những người trong phong trào “Gay Catholics”, cho rằng đây là chiến thắng quan trọng.

Cũng có những dè dặt, chẳng hạn Hội đồng giám mục Hoa Kỳ chỉ khẳng định chung chung rằng Tuyên bố này không thay đổi giáo huấn truyền thống về hôn nhân, và phản ánh đường hướng mục vụ của Đức giáo hoàng Phanxicô, xác tín rằng “những người không sống hoàn toàn theo giáo huấn luân lý của Hội Thánh vẫn được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi đón nhận ơn tha thứ của Chúa”.
Ngoài ra cũng có những phản hồi tiêu cực, cụ thể tại châu Phi, các giáo phận tại nhiều quốc gia như Malawi, Zambia, Nigeria, Ghana, Cameroon cấm áp dụng Tuyên bố này. Đức Hồng y Ambongo, Tổng giám mục Kinshasa, Chủ tịch SECAM, đã gửi thư xin ý kiến của các Hội đồng giám mục tại châu lục này để “có thể đưa ra một tuyên bố chung cho toàn thể Hội Thánh tại châu Phi”. Không chỉ tại châu Phi, người đọc có thể gặp được nhiều phê phán nặng nề từ nhiều nơi trên thế giới.

Những phản ứng tiêu cực trên phát xuất từ nhận định rằng trong bản Tuyên bố của Bộ Giáo lý đức tin, dù đã cố gắng giải thích nhưng vẫn có những điểm mơ hồ, vì thế có thể gây hoang mang hoặc hiểu lầm, mỗi nơi giải thích một kiểu, gây chia rẽ trong Hội Thánh.

Trong bản Tuyên bố Fiducia supplicans, Bộ Giáo lý đức tin nhấn mạnh “sự cẩn trọng và khôn ngoan mục vụ”. Cũng với sự cẩn trọng và khôn ngoan mục vụ, thiết nghĩ nên đặt một vài câu hỏi: (1) Trong bối cảnh văn hóa-xã hội Việt Nam hiện nay, có cần phải áp dụng ngay những chỉ dẫn trong bản Tuyên bố không? (2) Có nên có một hướng dẫn chung thay vì để mỗi linh mục, mỗi cộng đoàn tự giải thích và áp dụng theo cách hiểu của mình?

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: 
giaophanmytho.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây