Trong máng cỏ bỏ hoang
Một máng cỏ đã bỏ hoang nhiều năm nơi một chuồng bò của người nông dân nghèo. Một người rất cao sang, quyền năng, là Con Đấng Tối Cao được sinh ra làm người đặt vào đó. Một tin mừng trọng đại nhưng đầy nghịch lý và khó có thể chấp nhận, vị vua mới sinh nằm nơi nghèo hèn ấy.
Nghịch lý có phải Thiên Chúa Đấng Cực Thánh, Đấng ba lần Thánh, xuống thế làm người nằm trong máng cỏ? Con người thời ấy nhiều người quan niệm chỉ là xác thịt giam hãm linh hồn. Con người ấy, xác thân này, chỉ là nay còn mai mất, có lẽ nào lại mang lấy một Thiên Chúa bất tử, một Thiên Chúa hằng có và có từ đời đời?
Một quán trọ nghèo, ở vùng quê nghèo, cũng không có chỗ cho Đấng Cao Sang sinh hạ. Có nơi chốn nào nghèo hơn một nơi chuồng bò bỏ hoang, người ta dùng làm nơi tạm cho mấy con chiên qua đêm. Một góc nhỏ trong quán trọ bị từ chối. Chúa vẫn bị từ chối như vậy, ngay cả nơi con người đã rách rưới, tàn tạ. Một Thiên Chúa thổn thức: "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!” (Lc 19, 42)
Một máng cỏ đã xiêu vẹo, mục nát từng mảnh, nơi Chúa nằm hạ sinh. Có con người nào đã rách rưới tả tơi, nghèo hèn, thấp kém, bị bỏ rơi, thân xác rã rời từng mảnh, mà Chúa không mang lấy? Người muốn được nằm trong máng cỏ đó, để cho nhiều người nghèo, người tội lỗi có niềm hy vọng, có một Đấng bảo vệ họ, nâng đỡ họ, nếu họ để cho Chúa sinh ra tại máng cỏ tâm hồn của họ.
Một ít rơm rạ đã nhiều tháng, bò dê, chiên chẳng thèm ăn, còn sót lại trong máng. Một chút hơi ấm từ thứ rơm rạ bỏ đi ấy, Chúa vẫn cần hơi ấm còn lại. Một chỗ riêng tư còn lại trong tâm hồn của con người. Một chút hơi ấm còn lại thôi, Chúa đang cần được sưởi ấm từ chút hơi tàn ấy, sao lại không? Sao lại chối từ bởi lòng chai, dạ đá?
Chúa đã hạ mình xuống thật thấp. Thấp đến cùng cực của con người tàn tạ, tội lỗi, rách nát, chẳng còn gì để tự cao. Chúa ở thấp để nâng con người lên cao, Chúa đến từ nơi khiêm hạ để tất cả những ai ở nơi khiêm hạ, cùng khốn đều có thể gặp được Người.
Người đã đến nhà của mình, nhưng gia nhân lại không mở cửa đón nhận. Chẳng biết ai là chủ, ai là gia nhân. Là chủ nhưng Chúa lại chấp nhận như người gia nhân.
Nghịch lý của tình yêu là đón nhận tất cả, chịu đựng, hy sinh và tha thứ tất cả. Tình yêu đón nhận ở nơi thật thấp, bằng lòng với mọi sự đối đãi của con người. Tình yêu nhận về mình tất cả đau thương để người mình yêu được chữa lành, được hạnh phúc. Tình yêu biểu lộ sức mạnh bằng việc tha thứ và tha thứ tất cả, chỉ mong con người biết sám hối, nhận ra lỗi lầm và xin thứ tha.
Tất cả tin mừng hôm nay sứ thần báo tin cho các mục đồng: “Hôm nay Chúa Cứu Thế đã sinh ra cho anh em” (Lc 2, 11). Một Thiên Chúa là Tình Yêu đến xin một chút tình yêu của nhân loại đáp lại, để các tầng trời reo vui: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người lòng ngay” (Lc 2, 14)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan