Sự Lạ Đêm Qua.
Bài thơ “Ra đời” của thi sỹ Hàn Mặc Tử gợi lên một đêm xuân tuyệt diệu của một không gian “bốn mùa xuân”. “Sự lạ đêm qua. Mùa Xuân tới chẳng ai biết cả.”
Dường như mở đầu bài thơ “Ra đời” thi sỹ Hàn Mặc Tử đã xuất thần “chìm nơi bất giác” của một cõi “Niệm” đã ra xa bờ ảo vọng. Chất liệu “Niệm” ấy bàng bạc trong thơ, một cuộc ra xa để thấy cõi huyền mơ, trông thực mà ra ảo, để rồi khi trở về giữa ảo lại rất thực.
Cõi ấy, một cõi “Hằng Hữu”, một cõi “Thiêng” chiếm hồn ngất ngây, chìm trong khoái lạc mà không phải là những cám dỗ trần tục. Một cám dỗ mê người vào trong cõi vô tận của tình trời bao la.
“Một chiều xanh, một chiều xanh huyền hoặc,
Sáng bao la vây lút cõi thiên không.
Xuất thế gian chưa có tại trong lòng
Muôn ý tứ say chìm nơi bất giác.
Hương cám dỗ mê người trong khoái lạc.
A! A! A!”
Trong cõi “Niệm”, một cõi lòng trí của đức tin vào Chúa ngời sáng. Trời đất dường như được thấy ngày khai thiên lập địa. Cõi hỗn mang và Thần Khí Chúa bay là là trên mặt nước (St 1, 1). Mọi sự đã bắt đầu, với một khung cảnh của đêm đã sang ngày. Đau thương của thi sỹ biến thành niềm vui ngất ngây, chỉ còn lời chúc tụng thay cho lời ca thán, chỉ con niềm vui thay cho nỗi đau. “Xuất thế gian” là thấy một thế giới khác của niềm hy vọng lớn lao, vừa ra khỏi những ràng buộc là thấy những khung trời tự do, bay cao và không ngớt lời ca tụng.
“Thiên địa đắm hoang mang!
Là đượng khi thờ lạy, cả thiên đàng
Bay những tiếng tung hô thánh đức.
Muôn thần phẩm trong lâng lâng chầu chực.”
Khi con người ra khỏi thân xác mình, con người mới thấy sự kỳ diệu của cuộc đời đang sống. Có lẽ Hàn Mặc Tử thấy trước trong cảnh lâm chung của mình, một cái nhìn như Thi sỹ Tagore: “Nhờ ánh sáng lâm chung tôi thấy thế giới người tràn trề châu ngọc. Ở đó chỗ nương thân tầm thường nhất cũng thú vị; ở đó cuộc đời bé nhỏ nhất cũng thơm tho.” (Lời Dâng, bài 92, R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch). Một thế giới Isaia cũng loan báo: Ngày ấy, Chúa sẽ cất mọi chiếc khăn tang, lau khô mọi giọt lệ…Ngày của Thiên Chúa đến cứu độ dân Người (Xem Is 25, 6 – 12). Ngày ấy cũng là ngay lòng trí nhân ra Xuân hồn hậu đã ra đời.
“Ánh hào quang chan chói ngất lưu ly
Ôi cao sang khôn ví trọng ai bì.
Trên nước cả có vô vàn châu báu.’
Trí rất ngớp bởi chưng xuân hồn hậu
Đã ra đời theo lệnh của Ngôi Hai.”
Lòng trí ngất ngây, nhớ về ngay thiên thần hát ca khúc “Vinh danh Thiên Chúa trên Trời”. Vừa như mới, rất mới, bởi nghiệm thấy những thanh âm rất trong, rất sáng, của những lời chúc tụng: “Thánh, Thánh, Thánh”. Ra khỏi những quyến luyến của trần gian, sẽ thấy ngay bầu trời của thánh thiêng. Những bản hát giáng sinh tục hoá chẳng bao giờ hiểu thấu “Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc”. Ra khỏi thế gian để cảm nghiệm sâu xa hơn về “Những gì trong tôi lỗi điệu, đục khàn…Say nhừ vì nguồn vui ca hát, tôi quên bẵng thân mình, tôi gọi Người là bạn, Thượng Đế của lòng tôi” (Lời Dâng, bài số 2, R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch). Bầu trời rất rộng, lời ca rất phương phi, sao lại nhốt mình trong chật hẹp của ích kỷ, nhỏ nhen. Mở rộng lòng mình ra để đón nhận “Xuân Ra Đời”
“Ôi ! Thánh tai! Thánh tai! Và Thánh tai!
Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác,
Rất phương phi, trên hết cả anh hoa.
Xuân ra đời…”
Những điều ngây ngất trong thơ Ra đời không phải là một giấc mộng không tưởng. Đó là một giá trị đích thật của một người có đức tin mạnh mẽ. Một niềm trông cậy vững vàng xuất phát từ niềm tin đó, để biết đâu hạnh phúc khi ra khỏi thương đau. Những sợ, ở đây khi nói ra, sợ lòng mình nói ra không còn đủ chất say sưa. Thế nên, những vần thơ khép lại để nói về một sự kiện cho mọi người: “Mùa xuân đến mà không ai biết cả”. Mùa xuân ấy ra đời từ hơn ngàn năm mà nhiều gười còn chưa thấy niềm vui của ngày giáng thế. Giống như Origène đã viết: “Nếu Chúa có sinh ra cả ngàn lần mà chưa bao giời sinh ra trong lòng bạn nào có ích gì?”
Xuân “ra đời” dẫn đến một Đấng đã đến để mang mùa xuân bất diệt cho mọi người. Mùa xuân ấy là muôn xuân, để bạn luôn sống bình an, vui luôn trong mọi hoàn cảnh, để thấy và nhận ra sự lạ đêm qua.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan