Tổ Ấm Yêu Thương (Lc 2, 22-40)

Thứ tư - 27/12/2023 20:22 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   292
Bốn mươi ngày sau khi sinh con trai, Đức Maria phải làm lễ thanh tẩy theo luật Môsê, và cùng với thánh Giuse đem hài nhi Giêsu lên Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa trong Đền thờ.

TỔ ẤM YÊU THƯƠNG
Lễ Thánh Gia năm B: Lc 2, 22-40

 

LmTN 281223a

 

Suy niệm

Bốn mươi ngày sau khi sinh con trai, Đức Maria phải làm lễ thanh tẩy theo luật Môsê, và cùng với thánh Giuse đem hài nhi Giêsu lên Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa trong Đền thờ. Của lễ là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu non. Đây là lễ vật của người nghèo. Thánh gia nghèo nên phải dâng tiến như thế (Lv 12, 8). Đó là điều mà tác giả Luca muốn gợi lên, vì toàn bộ Tin Mừng của ông là “Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18). “Thánh hiến” cho Thiên Chúa không đòi hỏi những lễ vật cao sang. Những người nghèo trên thế giới với áo quần rách rưới, lại “xứng đáng” với Thiên Chúa vô cùng cao trọng… Họ nghèo vật chất nhưng lại giàu lòng nhân, là điều mà Thiên Chúa yêu thích hơn mọi lễ vật (x. Mt 9, 13).

Bất ngờ vào giờ ấy, ông Simêon “được Thần Khí dun dủi” lên Đền thờ, và nhận ra “Đấng muôn dân đợi trông”. Ông vui mừng ẵm lấy hài nhi, dâng lời chúc tụng Thiên Chúa. Ông sẵn sàng ra đi bình an, vì đã nhìn thấy được ơn Thiên Chúa cứu độ. Những lời của ông đã trở thành bài ca “Bây giờ xin chết” (Nunc Dimittis), cũng là tuyệt tác thánh ca của Giáo Hội. Ông còn nói tiên tri về con trẻ Giêsu sẽ là “duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được trỗi dậy”.

Còn có một cuộc hạnh ngộ khác nữa với trẻ Giêsu là nữ ngôn sứ Anna, một quả phụ đã tám mươi tư tuổi, chỉ sống với chồng được bảy năm. Sau đó, đời sống bà gắn liền với Đền thờ, trong sự chay tịnh và cầu nguyện hằng ngày. Một góa phụ từ lúc trẻ như thế không thể tránh khỏi những lần than và nguy hiểm, nhưng rồi bà vẫn một niềm tin cậy và hy vọng vào Thiên Chúa. Hôm nay, bà được phúc nhận ra ngay vị Cứu Tinh bé nhỏ đang được bồng ẵm trên tay của đôi vợ chồng nghèo, và bà cũng vui mừng nói lên ngày cứu độ cho những ai hy vọng. Có biết bao tư tế và luật sĩ thông thái, giỏi giang, am tường Kinh Thánh, nhưng họ đã không nhận ra Chúa. Duy chỉ có cụ già Simêon, và bà cụ Anna đã nhận ra được dung mạo của Đấng cứu thế. Tại sao vậy?

Chúng ta nhận thấy rằng, ông Simêon và bà Anna không chỉ đón nhận một cuộc sống cô đơn, chật vật, mà điều quan trọng là họ đã sống công chính theo đường lối của Thiên Chúa. Giữa những nhiễu nhương và lôi kéo của cuộc đời, cũng như giữa những tan tác của một dân Thiên Chúa đã dần dần xa lạc và mất định hướng sống, thì Simêon và Anna vẫn trung thành hết mực với Thiên Chúa, vẫn trông chờ Đấng cứu thế, bằng một đời nghèo khó và thánh thiện. Vì thế, không lạ gì dung mạo của Đấng Cứu Thế đã tỏ hiện sáng ngời trước mặt các ngài.

Lễ Thánh Gia mời gọi chúng ta nhìn vào các gia đình. Truyền thống đạo đức gia đình ngày càng sa sút; ly dị, trẻ em lang thang, thanh niên sống vội yêu cuồng, phá thai, mại dâm, ma tuý ngày càng gia tăng. Gia đình là nền tảng của xã hội, và gia đình Kitô giáo còn là Hội Thánh tại gia. Thực tế, thì gia đình của chúng ta như thế nào?

Điều cần nhận ra nơi Thánh Gia, là tất cả cuộc sống của các ngài đều tập trung vào Giêsu. Gia đình này đã tạo được một bầu khí yêu thương, hòa hợp, vì đặt Đức Giêsu làm trung tâm. Bí quyết đơn giản của hạnh phúc chính là sự hiện diện của Đức Giêsu trong đời sống gia đình. Khi mọi người trong gia đình đều qui hướng vào Chúa, đặt ý Chúa trên hết, thì chính Ngài là bình an và hợp nhất của gia đình. Mỗi gia đình chúng ta hãy nhìn lên tấm gương của gia đình Nazarét, để qua đó học biết cách gìn giữ sự an vui hòa thuận và hạnh phúc gia đình mình.

Ngoài ra, sự hiện diện của ông Simêon và bà Anna được coi là tiêu biểu cho đời sống các tín hữu. Nếu chúng ta biết luôn qui hướng về Đức Giêsu và qui tụ quanh Ngài, thì đời sống xã hội, nói riêng là Giáo Hội, sẽ làm nên một thế giới linh thiêng và an lạc cho con người. Đó là hiệu quả đương nhiên của ơn cứu độ mà“Chúa đã dành sẵn cho muôn dân” khi con người dám đón nhận Thiên Chúa vào cuộc đời mình, gia đình mình, vào xã hội và đất nước của mình.

Điều cuối cùng cũng cần ta phải ghi tâm khắc cốt điều này: là để gặp được Chúa trong đời thường, ta cần có lòng mong đợi và khao khát Ngài. Thực tế, cầu nguyện và thánh lễ là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu, nơi ta có thể gặp gỡ Chúa hằng ngày. Gặp Chúa mỗi ngày mới hy vọng gặp Chúa mai ngày. Cần luôn sống đẹp lòng Chúa để được Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn, ta mới nhận ra Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời mình, mới biết buông mình theo tác động của Ngài, và mới có khả năng nói về Chúa cho con người trong cuộc sống hôm nay.  

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Để đón nhận thân phận làm người,
Chúa đón nhận mọi điều dang dở,
theo cách ăn nết ở của con người,
cả những quan niệm rườm rà trắc trở,
khiến cuộc sống thêm khổ sở nặng nề.


Chúa đã muốn xuống làm người như thế,
chọn những gì mà thiên hạ khinh chê,
sống những gì mà nhân thế coi thường,
để nói lên trọn vẹn một tình thương.


Nhìn vào đời sống của Thánh Gia,
Ma-ri-a và Giu-se cũng thế,
hết lòng tin và phó thác mọi bề,
sống đơn sơ thanh bần giữa làng quê.


Bao khó khăn và túng thiếu chẳng nề,
theo ý Chúa mà không hề nao núng,
giữa nguy biến các ngài vẫn ung dung,
bởi vì luôn tin có Chúa ở cùng.


Giu-se thì chuyên chăm lao động,
Ma-ri-a thì quán xuyến bên trong,
cả hai hòa nhịp trong cuộc sống,
Chúa Giê-su là nối kết trung tâm.


Xin cho chúng con ngắm Thánh Gia thất,
để củng cố lại tươm tất gia đình mình,
hệ trọng nhất là đời sống đức tin,
và hợp nhất gia đình trong tình mến.


Lấy yêu thương và nhân nghĩa làm nền,
biết cùng nhau đặt Chúa lên trên hết,
để gia đình nên Hội Thánh tại gia,
khiến an vui hạnh phúc ngập cả nhà,
và Tin Mừng từ đó được loan ra
cho thế giới biết Chúa Trời cao cả. Amen.

Lm. Thái Nguyên


 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây