Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG

Thứ hai - 05/12/2022 07:34 |   676
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học gương tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11, 28-29)
Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG

07/12/2022
THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG
Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Mt 11, 28-30


NGHỈ NGƠI TRONG CHÚA
Đức Giê-su nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học gương tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11, 28-29)

Suy niệm: Ai cũng có những gánh nặng thể xác và tinh thần: gia đình túng bấn, con cái hư hỏng, hạnh phúc gia đình tan vỡ, nợ nần chồng chất, đời sống đạo đức khô khan, chán nản, thất vọng rồi bệnh tật, tai hoạ… Lời Chúa hôm nay mời gọi ta dừng lại, tìm sự an ủi, nâng đỡ, sức mạnh nơi Thánh Tâm dịu hiền của Chúa. Chúa là Đấng nhân từ, chân thật, Ngài không lừa dối ai bao giờ. Hãy đến, hãy đem gánh nặng của cuộc sống, đau khổ của cuộc đời đặt vào Thánh Tâm Chúa. Và ta sẽ cảm thấy an bình và có một cái nhìn lạc quan hơn.

Mời Bạn: Khi gặp đau khổ, hãy nhớ lại những cực hình Chúa chịu, và Chúa Giê-su tử nạn sẽ thêm sức mạnh nội tâm cho bạn. Có khi nào bạn nhẫn tâm lãnh đạm trước đau khổ của người khác? Nếu có, từ nay bạn hãy làm ngược lại là hãy cầu nguyện cho họ.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ không bẳn gắt với con cái, hay với bất cứ người chung quanh nào khi mệt nhọc; khi phải bận rộn nhiều công việc, tôi sẽ xin Chúa giúp tôi chu toàn công việc tốt đẹp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ nơi Chúa chúng con mới tìm được sức mạnh tinh thần và thể lý. Xin cho chúng con đừng bám víu vào tạo vật. Và khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, hoặc khi bị xao động bởi những bận tâm và lo âu, xin cho chúng con biết quý chuộng những giây phút ngồi dưới chân Chúa, nghe Lời Ngài. Xin cho cuộc sống của chúng con nói cho mọi người biết Chúa là niềm vui, là Đấng Cứu Độ. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG

Ca nhập lễ

Chúa sẽ đến, Người không trì hoãn, Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong tối tăm, và tỏ mình cho muôn dân được thấy.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa truyền dạy chúng con phải dọn đường cho Đức Ki-tô ngự đẽn. Này chúng con đang đợi trông Người ban sinh lực dồi dào cho hồn an xác mạnh, thì xin đừng đế chúng con vì đợi trông mà mệt mỏi chán chường. Chúng con cầu xin

Bài Ðọc I: Is 40, 25-31

“Thiên Chúa toàn năng ban sức mạnh cho người mệt mỏi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðấng Chí Thánh phán rằng: Các ngươi sánh Ta với ai? Và kể Ta bằng ai? Hãy ngước mắt lên cao mà xem, ai đã dựng nên muôn loài này? Ðấng vận chuyển các cơ binh của chúng và biết gọi đích danh tất cả, không thiếu vật nào, vì sức mạnh của người rất lớn và quyền năng của Người rất cao.

Hỡi Giacob, tại sao ngươi nói, hỡi Israel, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao?

Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự khôn ngoan của Người không thể suy thấu.

Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi.

Những trai trẻ cũng mòn mỏi mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã.

Những ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 103: 1-2, 3-4, 8,10

Ðáp: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.

Xướng: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể thân tôi, hãy chúc tụng danh Người. Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và đừng bao giờ quên các ân huệ của Người.

Xướng: Người đã thứ tha mọi tội lỗi ngươi, và đã chữa ngươi khỏi tật nguyền. Người đã cứu ngươi khỏi chết và ban cho ngươi hồng ân, nhân ái.

Xướng: Chúa là Ðấng thương xót nhân ái, chậm oán hờn và yêu thương khôn lường. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta.

Alleluia

Alleluia, alleluia – Chúa chúng ta sẽ đến trong quyền lực, và sẽ làm cho mắt các tôi tớ Người được sáng. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 28-30

“Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.

Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.

Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.

Ðó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biẽt dâng lên Chúa lễ tế chứng tỏ lòng tôn kính mến yêu. Ước chi hy lễ này hoàn toàn thế hiện được ý muốn của Đức Ki-tô khi lập bí tích Thánh Thể, là đem lại cho cả thế giới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa sẽ quang lâm hùng dũng, và mở mắt cho các tôi tớ Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rãt từ bi nhân hậu, chúng con nài xin Chúa cho bí tích Thánh Thể này thanh tấy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn chúng con mừng những ngày đại lễ sắp tới. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

HÃY MANG “ÁCH”“GÁNH” CỦA ĐỨC GIÊSU (Mt 11, 28-30)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 “Anh em hãy mang lấy ách của tôi …”. Đây là lối nói ẩn dụ, nói bóng để diễn tả rằng: chúng ta tin và theo ai thì chúng ta gọi họ bằng thầy, và lẽ đương nhiên phải tuân giữ những quy định của họ (x. Hc 51,31; Is 55,1; Ga 9,5).

Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi những ai muốn theo Ngài thì cũng phải mang lấy “ách”“gánh” của Ngài.

Tuy nhiên, “ách”“gánh” của Đức Giêsu thì hoàn toàn khác với “ách”“gánh” của các Rapbi Dothái. Nếu “ách”“gánh” của các thầy Dothái là những lề luật khắt khe và vụ hình thức, thì “ách”“gánh” của Đức Giêsu lại trở nên êm ái và nhẹ nhàng. Bởi vì “ách”“gánh” của Ngài cũng chính là đạo lý, cốt lõi Tin Mừng. Thế nên, hệ quả của “ách”“gánh” đó chính là trở nên hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Như vậy, khi mang “ách”“gánh” của Đức Giêsu, ấy là chúng ta tin Ngài để trở thành môn đệ. Trở thành môn đệ của Đức Giêsu thì phải trở nên giống như Ngài ở điểm khiêm nhường. Đồng thời học cho biết và sống sự hiền lành với tha nhân.

Nếu một khi chúng ta sống những đặc tính ấy của Đức Giêsu trong lòng mến, thì hẳn chúng ta sẽ được thanh thản và tâm hồn chúng ta sẽ được an vui bình an, nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Ngày hôm nay, con người đang bị cơn lốc của kinh tế thị trường, của ăn chơi hưởng thụ, của những chân lý nửa vời lôi cuốn…, nên họ muốn cho mình được thoát ly khỏi Thiên Chúa. Nhưng khi họ đã mời Chúa đi chỗ khác thì ngay lập tức, cuộc đời của họ trở nên trống rỗng, cô đơn, bất an và đau khổ… Họ mong muốn được tự do, nhưng thực ra, con người đang trở thành nô lệ của những thứ mau qua chóng hết…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang lấy “ách”“gánh” của Đức Giêsu chính là từ bi, nhân hậu, hiền hòa, khiêm nhường. Sống mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Làm mọi việc thiện vì lòng yêu mến Chúa. Tránh kiêu ngạo, hình thức, vụ lợi. Không vì luật mà bỏ qua tình Chúa, tình người để rồi bất nhân với nhau.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con được trở thành môn đệ thực sự của Chúa khi mang trong mình và sống tinh thần của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh Am-rô-xi-ô giám mục trở nên một bậc thầy giảng dạy đức tin công giáo, và một tông đồ trung kiên mẫu mực. Xin cho Hội Thánh ngày nay được thêm nhiều mục tử vừa ý Chúa, biết khôn ngoan và dũng cảm chăm sóc đoàn chiên. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dân lên Chúa của lễ này, xin Chúa thương chấp nhận. Nguyện xin Thánh Thần Chúa tuôn đổ ánh sáng đức tin vào lòng chúng con như xưa Người vẫn soi sáng thánh Am-rô-xi-ô để thánh nhân loan truyền vinh quang Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tìm được sức mạnh nhờ hiệp thông với bàn tiệc Thánh Thể. Xin ban cho chúng con biết nghe lời giáo huấn của thánh Am-rô-xi-ô để dồn mọi cố gắng đi theo con đường Chúa muốn chúng con đi và nhờ đó được vui mừng hưởng bàn tiệc thiên quốc. Chúng con cầu xin…


Ngày 7/12: Thánh Ambrôsiô – Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Lễ nhớ

12899 St. Ambrosio

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thay vì mừng lễ thánh Ambroise vào ngày mất của ngài (4 tháng 4 năm 397), thường rơi vào các ngày lễ Phục sinh, Giáo Hội mừng vào ngày 7 tháng 12, là ngày kỷ niệm ngài thụ phong giám mục (394). Tại Rôma, từ thế kỷ XI, người ta đã mừng lễ ngài vào ngày này, cũng như trong các Giáo Hội Byzantin và một số nhà thờ chính toà hay tu viện thời Trung cổ. Cùng với thánh Augustin, Hiêrônimô và Grégoire, thánh Ambroise là một trong bốn thánh giáo phụ và tiến sĩ lớn của Giáo Hội la-tinh, và là một trong những vị thánh được yêu mến nhất.

Thánh Ambroise sinh tại Trèves (Augusta Trevirorum) khoảng năm 339, trong một gia đình Kitô giáo thuộc giới quí tộc Rôma, vào thời kỳ cha ngài làm pháp quan của tỉnh Gaules. Khi cha mất, mẹ của ngài về sống tại Rôma cùng với ba người con: hai trai và một gái, Marcellina, cô em gái này sẽ nhận khăn choàng trinh nữ từ tay Đức giáo hoàng Libère. Sau khi hoàn tất các môn văn chương và luật, Ambroise đã hành nghề một cách xuất sắc, đưa ngài tiến mau đến tận Milan, tại đây ngài được bổ nhiệm làm tổng trấn tỉnh Ligurie và Émilia của Rôma.

Năm 374, khi giám mục Auxence thuộc phe lạc giáo Arius qua đời, quan tổng trấn Ambroise tới nhà thờ lớn Milan để giữ trật tự vào dịp bầu tân giám mục. Nhưng, tuy mới chỉ là một dự tòng, chính ngài lại là người được chọn làm giám mục trước sự phấn khởi của toàn dân. Họ la to: “Ambroise giám mục!” Ngài miễn cưỡng chấp nhận, và tám ngày sau, ngài được rửa tội, được truyền chức và tấn phong. Lúc đó ngài khoảng ba mươi tư tuổi. Sau khi trở thành người đứng đầu Giáo Hội ở Milan, thánh Ambroise học tập thừa tác vụ đến độ ngài trở thành một trong những vị mục tử hoàn hảo nhất trong lịch sử Hội Thánh. Việc đầu tiên ngài làm là phân phát tài sản của mình cho người nghèo và chọn một nếp sống khổ hạnh. Rồi, dưới sự hướng dẫn của một cha Simplicien, một linh mục giàu kinh nghiệm, ngài dấn thân miệt mài vào việc học Kinh Thánh và các tác giả Ki-tô giáo. Ngài học nhằm phục vụ trước hết cho việc rao giảng và thi hành tác vụ huấn giáo. Bị lôi cuốn bởi Tin Mừng Luca, ngài đã viết một bình luận về Tin Mừng này, còn truyền lại tới chúng ta ngày nay. Chúng ta cũng còn giữ được một sưu tập các khảo luận của ngài về các nhân vật và chủ đề Kinh Thánh: Abel, Cain, Nôê, Abraham, Isaac, thiên đàng, tạo dựng. . .

Thánh Ambroise không ngừng quan tâm tới việc dạy giáo lý cho dân chúng, nhất là trong việc khai tâm đức tin và chuẩn bị phép rửa. Trong khảo luận Các Mầu Nhiệm và các Bí Tích, thánh giám mục Milan cắt nghĩa cho các tín hữu về các bí tích và phụng vụ. Nhưng ngài không chỉ giới hạn vào việc giảng thuyết. Nhằm giúp các tín hữu tham dự tích cực vào phụng vụ, ngài đã sáng tạo ra nhạc bình dân – thể loại đầu tiên ở phương Tây – và ngài đưa các bài hát xen vào các thánh vịnh. Cũng vậy, ngài soạn ra các thánh thi và các ca vãn, và một số sáng tác của ngài ngày nay vẫn còn được dùng để cầu nguyện hay hát trong phụng vụ thuộc nghi lễ Ambroise ở giáo phận Milan.

Trong một xã hội mà Kitô giáo chưa thấm nhuần hoàn toàn, thánh Ambroise quan tâm canh tân các phong tục với mục đích Kitô hoá chúng; ngài cống hiến cho phương Tây khảo luận đầu tiên về đạo đức học Kitô giáo (De Officiis), lấy hứng chủ yếu từ Cicéron. Nhiều khảo luận bàn về đề tài trinh khiết, trong đó có một tác phẩm ngài viết cho em gái ngài là Marcellina, lúc đó đã qui tụ được một số chị em thành một cộng đoàn trinh nữ. Một tiểu luận khác ngài viết cho các bà góa.

Viết đã giỏi, ngài còn là nhà hùng biện lỗi lạc; chính nhờ ngài mà chàng thanh niên Augustin ở Tagaste đã hoàn tất hành trình hoán cải của mình. Cuối đời, bị suy yếu và biết giờ chết sắp tới, ngài đọc cho người ta viết bình luận về thánh vịnh 43 (44). Ở câu 24, ngài nói: “Thật khó khăn khi phải kéo lê lâu dài một thân xác mà bóng tử thần đã che phủ. Lạy Chúa, xin đứng lên. Tại sao Người vẫn ngủ? Người sẽ xua đuổi con mãi sao?” Sự vĩ đại và thánh thiện của thánh Ambroise được diễn tả trong tiếng kêu la cuối cùng này, mà Chúa đã nghe vào một ngày thứ sáu tuần thánh, 4 tháng 4 năm 397.

II. Thông điệp và tính thời sự

Ca Nhập lễ nhắc lại những lời của sách 1 Samuel 2, 35: Ta sẽ làm xuất hiện cho ta một tư tế trung thành, nó sẽ hành động theo lòng Ta mong muốn… Cũng vậy, Lời Nguyện của ngày nói: “Lạy Chúa, xin làm xuất hiện trong Hội Thánh Chúa những con người như lòng Chúa mong muốn.” Là độc giả trung thành của Tin Mừng Luca, thánh Ambroise đã biết bắt chước trong thừa tác vụ giám mục của ngài mẫu gương của người Mục Tử Nhân Lành và trở nên một “tư tế trung thành” theo lòng Chúa Giêsu. Chúa Giêsu luôn ở tâm điểm của mọi tư tưởng và hoạt động mục vụ của ngài: “Chúng ta có mọi sự trong Đức Kitô, mọi sự đều thuộc quyền Đức Kitô, và Đức Kitô là tất cả cho chúng ta. Nếu bạn muốn chữa lành vết thương, Người chính là thầy thuốc. Nếu bạn bị nóng sốt, người chính là suối mát. Nếu bạn sợ chết, Người chính là sự sống. Nếu bạn muốn lên trời, Người chính là đường đi. Nếu bạn tìm của nuôi thân, người chính là lương thực” (PL 44, 671).

Thánh Ambroise cũng nhìn thấy Đức Kitô là “Lang quân” của sách Diễm Ca, đi tìm “Hôn thê”, hình ảnh của linh hồn và của Hội Thánh. Chính trong sự trinh khiết thánh hiến mà cuộc “hôn nhân mầu nhiệm” giữa linh hồn và Ngôi lời được thể hiện trọn vẹn.

Thánh Ambroise đã cai quản Giáo Hội ngài “với sức mạnh và sự khôn ngoan” (Lời Nguyện). Trong một thời kỳ khó khăn mà Giáo Hội phải tìm cách khẳng định sự độc lập của mình đối với quyền lực chính trị, đồng thời trong vai trò của ngài là người nắm giữ công lý và sự thật, vị giám mục Milan đã chu toàn đầy đủ sứ mạng của mình.

– Năm 386, khi hoàng hậu Justine giao quyền cai quản thánh đường Milan cho một giám mục thuộc phái Arius, thánh Ambroise đã cho giáo dân vào chiếm thánh đường. Hoàng hậu phải nhượng bộ.

– Khi Maxime cướp chính quyền, thánh Ambroise đã bảo vệ các quyền của nhà vua trẻ Valentinien II.

– Khi hoàng đế Théodose tàn sát dân chúng Thessalonique để báo thù, thánh Ambroise đã nhắc nhở tới luật pháp và buộc hoàng đế sám hối công khai một cách nghiêm khắc.

Ca Hiệp lễ trích Tin Mừng Gioan 10, 11: Người mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên, và Lời Nguyện sau hiệp lễ khích lệ chúng ta “học đòi gương sáng của thánh Ambroise.”

Ngài rao giảng bằng gương sáng còn nhiều hơn bằng lời nói. Ngài phân phát tất cả tài sản mình cho người nghèo, và không ngần ngại đổi những bình thánh của nhà thờ để chuộc các tù nhân. Ngài viết trong Khảo luận về ông Nabóth: “Không phải bạn lấy của cải mình phân phát cho người nghèo, mà chỉ là bạn trả lại cho họ phần của họ mà thôi. Bởi vì bạn đã một mình chiếm đoạt những cái được ban cho mọi người để sử dụng. Đất đai thuộc về mọi người chứ không thuộc về người giàu… Như thế bạn trả nợ của bạn, chứ không phải bạn ban phát một cách hào phóng đâu”(Nabóth, 55).

“Ánh sáng đức tin soi chiếu thánh Ambroise” (Lời Nguyện trên lễ vật) đã biến ngài trở nên một mục tử và một vị tiến sĩ đáng cảm phục. Là người dạy giáo lý cho Paulin de Nole và Augustin, ngài không ngừng quan tâm cống hiến cho các tín hữu một giáo huấn tinh tuyền, trung thực với giáo lý của Hội Thánh “không bao giờ lay chuyển, vì được xây trên tảng đá của thánh Tông đồ” (Thư gửi Constance). Câu nói sau đây của ngài đã trở thành điển ngữ: “Ở đâu có Phêrô, ở đó có Hội Thánh” (Về Thánh vịnh 40).

Nguồn mạch tuôn trào thông điệp Kitô giáo chính là Lời Thiên Chúa: “Hãy nghe lời của Đức Kitô, để tiếng của Người vang xa. Hãy hứng lấy nước của Đức Kitô… Hãy thu gom nước của Người từ khắp mọi chân trời, và hãy làm lan rộng khắp nơi những đám mây, biểu tượng của các ngôn sứ. Ai hứng được nước trên núi cũng làm cho nước tràn ra như một đám mây.” Là bậc thầy về khoa ăn nói, thậm chí rất quyến rũ, ngài đã cho giám mục Constance những lời khuyên quí giá: “Các bài giảng của đức cha phải phong phú, tinh tuyền và trong sáng… Đức cha hãy đổ vào tai các thính giả của mình nhiều sự dịu ngọt, thu hút giáo dân của mình bằng vẻ đẹp của lời nói, và giáo dân sẽ sẵn sàng theo đức cha bất cứ đến đâu… Các lời của đức cha phải chứa đầy sự khôn ngoan… Các bài giảng của đức cha phải dễ hiểu, và ý nghĩa phải rõ ràng” (Thư gửi Constance, trong Giờ Kinh Sách).

Thánh Augustin ca ngợi tài hùng biện của thánh Ambroise: “Tôi đứng đó: tâm trí bị cuốn hút theo lời của ngài. Thú thật tôi chẳng quan tâm gì, thậm chí coi thường nội dung, nhưng sức quyến rũ của lời ngài nói làm tôi mê hoặc” (Tuyên xưng 5, 13).

Các ảnh thánh đôi khi vẽ thánh Ambroise tay cầm roi, nhưng thực sự ngài đầy nhân tính: “Hãy cho tôi được cảm thông mỗi khi tôi chứng kiến sự sa ngã của một tội nhân, ngài viết thế. Chúng ta thà tỏ ra tốt lành và gánh lấy sự buồn phiền cho mình, còn hơn tỏ ra vô nhân đạo.”

Enzo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây