TƯ TƯỞNG LÃO TỬ

Thứ ba - 01/11/2022 03:48 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   288
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
TƯ TƯỞNG LÃO TỬ

TƯ TƯỞNG LÃO TỬ

Cái đẹp mà đến thiên hạ đua nhau cho là đẹp là cái đẹp rất xấu; cái hay mà đến thiên hạ mượn tiếng để làm hay, là cái hay rất dở.

Để thân lại sau, mà thân được ở trước; gác thân ra ngoài mà thân vẫn còn mãi. Thế chẳng phải là bởi mình không lòng riêng, cho nên mới được thoả lòng riêng ư?

Tuy là cương cường, nhưng giữ tính mềm mỏng.

Tuy là sáng sủa, nhưng giữ cách mờ tối.

Tuy là vinh hiển, nhưng giữ lối tầm thường.

Học cho rộng trí khôn thì một ngày một hay; tìm nhẽ huyền bí, lâu hoá vẩn vơ, thì một ngày một dở.

Trộn lẫn cái hay của mình với đời để làm thân thiết; cùng hùa cái dở của đời với mình mà vẫn trong sạch.

Có ba điều quí báu: một là từ; hai là kiệm, ba là chẳng dám phạm vào việc bất tường của thiên hạ.

Ta mà lo phiền, sợ hãi là vì ta có thân ta, đến khi ta đã không có thân ta, thì ta còn có lo phiền, sợ hãi gì nữa.

LÃO TỬ

GIẢI NGHĨA

- Huyền bí: sâu xa khó biết, khó hiểu.

- Thân thiết: gần gũi yêu mến.

- Cương cường: cứng cáp, mạnh bạo.

- Từ: nhân đức, tình thương yêu.

- Kiệm: có tiết chế không sa phí.

- Bất tường: việc dở, việc chẳng tốt mà ai cũng không thích.

NHỜI BÀN

Ba câu trên là nói được lại cái thói đời, câu 1 cái ngược ấy là dở, câu 2 và 3 cái ngược ấy lợi cho mình, câu 4 nói cách học hành, câu 5 nói cách xử thế, câu 6 nói các đức tính nên có, câu 7 nói sự lụy thân. Những câu vặt này tuy mỗi câu nói một việc, nhưng tựu trung câu nào cũng hàm súc một cái tư tưởng vô danh, vô vi là cái tôn chỉ của đạo Lão.

Đạo của Lão Tử cốt ở vô vi. Muốn cho thành được vô vi, thì người ta trước hết phải vô dục, vô cầu, vô tranh, vô danh như những câu nói trong bài này. Khi đã được như thế, thì mỗi cảnh có một cái thú cho mình, cái sướng cho người, loài người ở với nhau được hòa bình mà không mấy khi xảy ra sự tàn hại lẫn nhau nữa. Phải thật, đến đem đức mà báo oán, thì còn oán nào mà chẳng tan!

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928

NHỜI BÌNH

Vi Vô Vi là “Làm cái không làm” chứ không phải là không làm như ai đó từng nghĩ, hay nói đúng hơn làm Vô Vi là “không gì không làm”. Đó là nhiệm vụ quan trọng của tất cả con người trong mọi thời đại, đương nhiên thi sĩ phải là chiến sĩ tiên phong rồi.

Tư tưởng thì thào, thơ thỏ thẻ
Viển vông, vớ vẩn viếng vô vi
Tâm tư thút thít, thời than thở
Ve vãn, vân vê viễn vọng vì…

Khi ngẫm ngợi cuộc sống từ cổ chí kim ta thấy, các bậc trí thức chân chính thường suy nghĩ chính chắn trước khi hành động, nên dù họ có sai sót đều không đáng tiếc. Đức tín và khí tiết cao quý hơn cả sinh mạng của họ, do vậy trong chinh chiến hay gian khổ, thà chọn hy sinh chứ không để nhục; trong thời bình thà chịu đựng nghèo để được ung dung tự tại, được bình yên.

Vinh hoa phú quý không và có như nhau, nhưng có phải bằng chính đôi tay, khối óc do họ tạo ra để không phải chạy tài sản, rửa tiền, chạy tội, chạy bằng, chạy chỗ. Vì sao? Bởi họ luôn giữ đúng truyền thống của cha ông “Thơm danh hơn lành áo”, hiểu thế nào là vinh nhục. Tư duy đã mách bảo họ như vậy, đó là họ đã “Vi vô vi” làm cái không làm theo Học thuyết vô thần từ nghìn xưa của Lão Tử. Họ sẵn sàng vô thần, vô sản để “Lòng trống không, bụng no đủ” trong một thế giới vật chất đầy quyền lực và thần thánh.


(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây