CÁCH LÀM CHO KHỎI TỨC GIẬN

Thứ ba - 30/08/2022 03:31 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   428
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
CÁCH LÀM CHO KHỎI TỨC GIẬN

CÁCH LÀM CHO KHỎI TỨC GIẬN

Người ta ở đời, đối với loài người mà gặp phải kẻ xử với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như đi trong bụi rậm, áo vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại, gỡ dần ra mà thôi. Cái gai góc kia có biết gì mà đáng giận?

Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan được ngay. Cổ nhân có câu nói:

"Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không nhỡ đâm phải ta, như cơn gió dữ nhỡ tạt phải ta, ta nghĩ cho cùng, có gì mà đáng giận".

Ba cấu tự phản của ông Mạnh Tử, thật là cái phép để giữ thân, cái phương để nuôi tính vậy.

Vì nếu ta chỉ một mực thấy cái trái của người, thì ngay như anh em, vợ con, bè bạn, tôi tớ cho đến con gà, con chó trong nhà, thật cũng có nhiều lúc đáng làm cho ta bực.

Nếu ta việc gì cũng biết tự phản thì sự tức giận mười phần giảm ngay năm phần. Thật chẳng khác nào như người đang phải bệnh nóng sốt mà được uống bài thuốc thanh lương vậy.

"BẢO HUẤN"

GIẢI NGHĨA

- Cổ nhân: người đời trước.

- Ba câu tự phản: ba câu tự mình hỏi mình, xét lại mình đã thật là nhân hậu chưa, đã thật là lễ phép chưa, đã thật là khôn ngoan chưa.

- Giảm: bớt đi.

- Thanh lương: mát lạnh, tức là giải nhiệt.

NHỜI BÀN

Ở đời cứ kể thực có lắm điều khiến cho ta phải lấy làm tức giận. Mà cái nguyên lai của sự tức giận là do ở như cái ta chỉ biết có người, trách người, mà không biết có ta, trách chính ta vậy. Sự tức giận vốn là một sự không may, chẳng những không có lợi gì, mà lắm khi nóng tiết quá, lại sinh mất khôn, sinh ra tai hại nữa. Vậy hoài hơi mà giận người dưng. Mà cái cách giữ cho khỏi giận không gì bằng những lúc đáng giận, mình tự phản ngay lại mình, coi như vướng phải cái gai, gặp phải cơn gió một lúc qua rồi lại gỡ được, lại thoát ngay được lập tức.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928

NHỜI BÌNH

Vào một buổi sáng nhiều sương mù, có một người chèo thuyền đi ven sông. Anh ta nhìn thấy một thuyền khác phăng phăng nhắm hướng mình lao tới. Anh ta hét lên: “Cẩn thận, cẩn thận, có người đấy.” Nhưng chiếc thuyền kia không đổi hướng, vẫn lao nhanh đến. Thuyền anh ta bị đâm vào và lật úp.

Anh ta bơi vào bờ với tâm trạng tức giận vì mình đã cảnh báo mà người lái thuyền bên kia không chịu nghe. Nhưng khi lên bờ anh ta mới nhận thấy thuyền kia là một chiếc thuyền không người lái! Cơn giận của anh ta tiêu tan.

Anh ta đã có đủ hiểu biết để hiểu rằng do đâu con thuyền kia không chuyển hướng mà vẫn cứ đâm vào mình.


Một câu chuyện khác: Một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.” Vị samurai nổi nóng, liền rút kiếm ra định giết người đánh cá. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên hành động khi đang tức giận.”


Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Đôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”

Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Đừng hành động khi đang giận dữ.” Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động khiến vợ ông thức dậy, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.

Ông gào lên: “Chuyện này là như thế nào? Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”

Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để dọa chúng.”

Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai. “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.

“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”


(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây