102 - Con số của Tình Yêu

Thứ tư - 25/05/2022 08:57 |   1040
Hạt suy tư về TÌNH YÊU son sắt của Chúa Giêsu dành cho mỗi người
102 - Con số của Tình Yêu
102 - CON SỐ CỦA TÌNH YÊU
Hạt suy tư về TÌNH YÊU son sắt của Chúa Giêsu dành cho mỗi người

 

Khởi đi từ tình yêu đôi lứa…

Nếu đã từng yêu, có lẽ chúng ta sẽ hiểu được cảm giác của một người đang yêu.
Người đang yêu luôn mong, luôn nhớ và luôn muốn gặp người mình yêu. Họ chỉ muốn ở bên cạnh người mình yêu từng phút giây, và khi đã ở bên cạnh người mình yêu, điều duy nhất họ muốn làm là cho thời gian ngừng lại, để giây phút hai người bên nhau là vô tận, không bao giờ trôi qua.

Khi xa nhau, họ nói với nhau rất nhiều điều, nhưng khi đang ở bên cạnh nhau, ngôn ngữ không thể diễn đạt được tình yêu của họ nữa. Họ chỉ hiện diện bên nhau, để ánh mắt, nụ cười, từng hơi thở, từng nhịp đập của con tim nói lên tất cả tình yêu của họ.

Khi yêu nhau, người đang yêu muốn chiếm hữu người mình yêu làm của riêng, không bao giờ chia sẻ với một ai khác, dù chỉ là một chút. Không! Không bao giờ chia sẻ. Dường như đây là điểm duy nhất khiến tình yêu đôi lứa trở nên ích kỷ? Cái ích kỷ ấy có lẽ là để cho tình yêu của hai người được nên trọn vẹn với nhau. Một sự ích kỷ “đẹp” cần phải có. Chúng ta có thể cho đi tiền của, vật chất, tài năng, sức khỏe, thời gian… nhưng tình yêu đôi lứa thì không bao giờ chia sẻ.

Người đang yêu thì luôn khắc khoải thương nhớ người mình yêu. Niềm vui duy nhất đối với họ là được ở bên cạnh người mình yêu. Không một ai khác, không một sự gì khác có thể khỏa lấp được nỗi thương nhớ người yêu. Sự chia xa càng lâu thì nỗi thương niềm nhớ càng da diết. Cuộc tình nào càng trắc trở thì tình yêu càng giá trị. Ai đã trải qua bấy nhiêu sự bể dâu để có được tình yêu, để có được người mình yêu thì không bao giờ muốn làm gì để đánh rơi mất tình yêu và người yêu của mình. Tình yêu quý hơn mạng sống và người yêu quý hơn kho tàng.

Người đang yêu luôn muốn “nuôi” người mình yêu trong chính sự sống của mình. Từng hơi thở, từng nhịp đập của con tim đều chan chứa tình yêu dành cho người mình yêu. Từng suy nghĩ trong tâm trí, từng ánh nhìn ra bên ngoài đâu đâu cũng có sự hiện diện của người mình yêu. Có những người thích cắn thịt người yêu, và còn muốn ăn thịt người mình yêu để người đó là sự sống của mình, trở nên một xương một thịt với mình. Kiểu suy nghĩ và hành động như thế có vẻ hơi “ghê”, nhưng nó phần nào diễn tả được khao khát nên một với người mình yêu trong chính sự sống của người đang yêu. Còn sống, họ còn muốn yêu người mình yêu, yêu đến hơi thở cuối cùng.

Sự vĩ đại của người đang yêu

Cái vĩ đại của người đang yêu được thể hiện qua các đức tính họ dành cho người mình yêu. Người đang yêu sẵn sàng thay đổi vì người mình yêu muốn như thế, dù sự thay đổi đó có ngược lại hoàn toàn với tính cách của mình. Người đang yêu sẵn sàng hạ mình và làm tất cả cho người mình yêu. Người đang yêu sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình cho người mình yêu. Người đang yêu thì chung thủy sắt son với người mình yêu, và dù đang ở đâu, làm gì, với ai đi chăng nữa, người mình yêu luôn là số một đối với người đang yêu.

Vì sự chung thủy với người mình yêu, người đang yêu sẽ không bao giờ phản bội lại người mình yêu, dù là trong tư tưởng, chứ đừng nói tới lời nói hay hành vi khiếm nhã với một người thứ ba nào đó, vì sự phản bội là liều thuốc độc gây đau đớn và giết chết người mình yêu. Lúc này, Một không hai - 102, chỉ yêu duy nhất một người chứ không có hai, hay Một không một - 101, tình yêu chỉ có một và duy nhất một người yêu, là các con số của tình yêu. Hai con số này hình như có giá trị bằng nhau trong tình yêu, và tựu chung tại một điểm duy nhất: một tình yêu, một người yêu duy nhất.

Nếu bảo người đang yêu đổi người mình yêu lấy tất cả thế gian này, họ cũng không bao giờ đổi. Tình yêu là vô giá, bởi thế, người đang yêu sẵn sàng chết vì người mình yêu. Chết vì tình yêu thực sự là cái chết đáng chết nhất, giá trị nhất và ý nghĩa nhất. Nhưng nào có mấy ai dám chết vì người mình yêu. Sống là sống vì người mình yêu, chết cũng là chết vì người mình yêu. Đó là một tình yêu duy nhất, một người yêu duy nhất - 101. Người yêu, tuy là hai nhưng đã trở nên một, khi hai người yêu nhau thực sự. Lúc này, phép toán 1 cộng 1 chỉ bằng 1 mà thôi.

Lý tưởng của tình yêu con người

Để tóm kết, chúng ta có thể ghi khắc trong lòng bài ca đức mến của thánh Phaolô, một bài ca tuyệt vời về tình yêu, để biết, để hiểu và để sống.

Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tình yêu không bao giờ mất được” (1Cr 13,4-8).

… đến tình yêu Thiên Chúa

Từ tình yêu con người, tình yêu đôi lứa, chúng ta đi đến một tình yêu phổ quát và cao quý hơn: người tình mang tên Giêsu, với mối tình ôm chặt thập giá và hiến thân trong Bí tích Thánh thể. Quả thật, không còn một kiểu mẫu nào hoàn hảo hơn về tình yêu như kiểu mẫu mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.

Chúa Giêsu đã yêu tôi và hiến mình vì tôi một cách vô vị lợi. Con người dù có yêu người mình yêu đến cỡ nào đi chăng nữa, thì suy cho đến tận cùng, họ vẫn yêu chính mình, qua người mình yêu, chứ không hoàn toàn vô vị lợi như Chúa Giêsu. Ngài đã sẵn sàng chịu chết vì người mình yêu, chết không phải bằng một cái chết “lành” như những người già vẫn hay xin Chúa, nhưng chết một cái chết tức tưởi và ô nhục trên thập giá nơi đồi Sọ năm xưa. Ngài đã chết vì yêu thương chúng ta cách vô điều kiện. Đó là cái chết đáng chết nhất, giá trị nhất và ý nghĩa nhất. Có lẽ, chỉ mình Chúa Giêsu là Đấng đã chết vô vị lợi vì người mình yêu mà thôi. Ngài đã chết vì yêu tôi cách nhưng không.

Sự vĩ đại của người tình Giêsu

Chúa Giêsu cũng thể hiện muôn vàn đức tính của tình yêu khi sống giữa chúng ta. Vì yêu thương Chúa Cha, Ngài đã vâng lời Chúa Cha đến cùng, đã hạ mình và từ bỏ địa Thiên Chúa để yêu thương và cứu độ chúng ta (x. Pl 2,6-8). Người tình Giêsu thật vĩ đại khi yêu. Ngài đã hoàn toàn thay đổi chính mình, khi trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, trở nên một phàm nhân yếu đuối, với biết bao nhiêu giới hạn như chúng ta.

Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã hy sinh lợi ích của mình mà dấn thân thi hành sứ vụ rao giảng về Thiên Chúa và tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngài đã dạy chúng ta về Thiên Chúa tình yêu là Cha chung của tất cả chúng ta, và mọi người là anh chị em của nhau. Do đó, chúng ta phải yêu thương và phục vụ nhau, chứ không phải loại trừ nhau. Chính khi sống giới răn yêu thương là lúc chúng ta thi hành thánh ý của Cha trên trời, và làm cho Nước Thiên Chúa hiển trị nơi trần gian này.

Điều duy nhất có thể làm thay đổi bộ mặt trần gian này là tình yêu. Quả thế, tình yêu với sức sáng tạo vô biên sẽ làm nên một cuộc tạo dựng mới, bắt đầu từ mỗi người chúng ta. Yêu thì phải chấp nhận thương đau, chấp nhận bị phản bội để sống chữ chung thủy trong tình yêu. Chúa Giêsu đã bị phản bội, bị chối từ bởi chính những môn đệ mà Ngài yêu thương nhất. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng hay chối bỏ Ngài qua cách sống của mình. Thế nhưng, Ngài vẫn chung thủy và không bao giờ lìa bỏ chúng ta.

Hiến thân trong Bí tích Thánh thể

Chính vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã sáng tạo nên một cách thức vô cùng độc đáo để ở lại với chúng ta. Vào chiều hôm tiệc ly, Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh thể để nuôi sống tâm hồn chúng ta bằng chính sự sống của Ngài, và để nên một xương một thịt với chúng ta bằng chính máu thịt của Ngài. Đó là điều chúng ta không thể ngờ được. Đó là cách thức mà chúng ta đã “ghê” khi nói về tình yêu đôi lứa. Ấy vậy mà, Chúa Giêsu, người tình của chúng ta, đã làm. Nơi Bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu diễn tả khao khát được kết hợp nên một với chúng ta trong chính sự sống của Ngài. Ngài đã muốn yêu thương chúng ta, yêu cho đến tận cùng.

Thế rồi, hằng ngày Ngài vẫn luôn mong, luôn nhớ và luôn muốn gặp chúng ta nơi Bí tích Thánh thể. Ngài còn muốn ở bên cạnh chúng ta từng phút giây. Mỗi khi chúng ta đến trước mặt Ngài, điều duy nhất Ngài muốn làm là cho thời gian ngừng lại, để giây phút hai người bên nhau là vô tận, là mãi mãi.

Son sắt thủy chung đợi chờ mỗi người

Khi chúng ta lạc lối mà bỏ quên Ngài chờ đợi “dài cổ” nơi nhà tạm bé nhỏ, Chúa Giêsu vẫn luôn khắc khoải thương nhớ chúng ta. Niềm vui duy nhất đối với Ngài là được ở bên cạnh chúng ta. Ngài muốn chiếm hữu chúng ta trọn vẹn từng phút giây. Không một ai khác, không một sự gì khác có thể khỏa lấp được nỗi thương nhớ chúng ta của Ngài. Chúa Giêsu cũng ích kỷ khi muốn chúng ta là “của riêng” Ngài. Ngài muốn tự định nghĩa mình là Giêsu “của ai đó” (của tôi, của anh, của chị…). Còn tôi, tôi có dám định nghĩa mình là “của Giêsu” không?

Là con người, chúng ta bị giới hạn quá nhiều nên khó có thể yêu trọn vẹn. Chúa Giêsu thấu hiểu điều đó và vẫn chung thủy với chúng ta. Ngài không trách chúng ta vì sự giới hạn, nhưng vẫn luôn yêu thương, tha thứ, tin tưởng và chờ đợi chúng ta. Ngài đâu cần chúng ta phải nói gì nhiều, phải cầu nguyện sao cho hay, cho văn vẻ. Ngài chỉ muốn chúng ta ở bên cạnh Ngài, hiện diện bên Ngài, để ánh mắt, nụ cười, từng hơi thở và từng nhịp đập của con tim nói lên tất cả tình yêu của chúng ta.

Lạy Chúa, con đã để Chúa chờ con quá lâu. Con sống như một người đang lạc lối giữa bóng đêm. Con như đang kiếm tìm một người tình không tên nào đó, lạc lõng và bơ vơ. Giờ đây, con muốn sống là sống cho Chúa, để chết là chết trong Chúa: một tình yêu duy nhất, một người yêu duy nhất. Từ đây, con muốn Chúa gọi tên con là 102 - Con số của tình yêu. Mình Chúa và mình con, ta trọn vẹn một mối tình. Amen.

Giuse Hạt Bụi Tro

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây