Hãy cùng nhau lên Đền Thánh Chúa

Thứ năm - 03/08/2023 18:45 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   160
“Chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”

Chúa Nhật XVIII – TN – A
Hãy cùng nhau lên Đền Thánh Chúa

tbd 030823a


Tin Mừng thánh Gio-an có một câu chuyện được kể như sau. Chuyện kể rằng: Sau khi đáp lời mời gọi và đi theo Đức Giê-su, ông Phi-lip-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.”

Nghe thế, ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-lip-phê trả lời: “Cứ đến mà xem.” Cứ-đến-mà-xem và ông Na-tha-na-en đã nghe lời ông Phi-lip-phê tìm đến Đức Giê-su.

Khi Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, (Ngài) liền nói về ông rằng: “Đây đích thực là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối.” Nghe thế, Na-tha-na-en hỏi Đức Giê-su: “Làm sao Ngài biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-lip-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”

“Thuyết phục!” Vâng, chúng ta có thể nghĩ như thế, rằng ông ta đã bị thuyết phục trước lời tuyên bố của Đức Giê-su. Mà, thật vậy, sự thuyết phục nơi ông Na-tha-na-en được biểu lộ qua lời đáp của ông với Đức Giê-su. Ông đáp rằng: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel.”

Nghe thế, một lời trách, “trách yêu” nếu được phép nói như thế, của Đức Giê-su được thốt lên: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin. Anh sẽ còn được thấy nhiều điều lớn lao hơn thế nữa.”

Không biết vào thời điểm đó, có bao nhiêu người đã đi theo Đức Giê-su. Tuy nhiên, chúng ta có thể suy đoán rằng, ít nhất là có các ông: Phê-rô, An-rê, Gio-an, Gia-cô-bê, Phi-lip-phê và Na-tha-na-en.

Vâng, cứ tạm cho là sáu người. Và sáu người đó, đã nghe rõ lời Đức Giê-su tuyên bố: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời mở rộng, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

“Anh sẽ còn được thấy nhiều điều lớn lao. Và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” Thật vậy, ba trong số sáu người (nêu trên) là ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đã “được thấy”. Các ông đã được thấy vào hôm Đức Giê-su “đem các ông đi theo mình… tới một ngọn núi cao.”

Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 17, 1-9).

**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại: Hôm đó, “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình”. Nơi Ngài cùng các ông tới, đó là “một ngọn núi cao”.

Khi Thầy và trò đang ở trên núi, một hiện tượng vô tiền khoáng hậu đã xảy ra. Đức Giê-su, “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.

Và đây, điều mà Đức Giê-su nói với Na-tha-na-en, rằng “anh sẽ còn được thấy nhiều điều lớn lao hơn” đã thành sự thật. Vâng, sự thật đó là: ba chàng ngự lâm Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an “thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người”.

Mô-sê, Ê-li-a và Đức Giê-su đàm đạo chuyện gì! Chúng ta không thấy thánh sử Mát-thêu nhắc tới. Nhưng thánh sử Luca có ghi lại rằng: “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.” (Lc 9, 31).

Vâng, sáu ngày trước, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ, rằng: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.”

Khi nghe lời công bố của Thầy Giê-su, ông Phê-rô cho rằng, làm thế nào việc này lại có thể xảy ra! Thế là, không một chút đắn đo, ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện đó”. Nhưng Đức Giê-su đã bảo Phê-rô rằng: “Sa-tan, lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

“Sáu ngày sau” là hôm nay, ở trên ngọn núi này, ông Phê-rô (có phần chắc) nghe rõ mồn một Mô-sê, Ê-li-a và Đức Giê-su đàm đạo với nhau về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.

Vậy, bây giờ phải làm gì! Thưa, câu chuyện kể tiếp rằng: Ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su: “Lạy Ngài chúng con ở đây thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a”. (x.Mt 17, 4).

Ý tưởng của ông Phê-rô cũng thật là hay đấy nhỉ! Này nhé! biết đâu sau khi lều trại xong xuôi, mọi người đã an vị, ông Phê-rô tìm cách gặp riêng ông Mô-sê để hỏi cho ra lẽ biến cố vượt qua Biển Đỏ, năm xưa. Hoặc gặp riêng ông Ê-li-a để hàn huyên chuyện Nước Trời ra sao v.v…

(Vâng, chỉ là một chút suy nghĩ của người viết, một kiểu suy nghĩ của phàm nhân, hẳn là không phải của ông Phê-rô và nhất là không phải của Thiên Chúa.)

Tiếp tục với câu chuyện. Hôm ấy, khi ông Phê-rô còn đang nói: “Chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” - “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất”.

Phải kinh hoàng thôi, bởi vì, Giê-su hôm nay không chỉ là “con ông Giu-se, người Na-da-rét” nhưng còn là “Con yêu dấu của Thiên Chúa.”

Hôm ấy, để xoá tan nỗi kinh hoàng của các ông, Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ”. Cái chạm của Đức Giê-su đã đem các ông trở lại với thực tại của mình. Chuyện kể tiếp rằng: “Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi”.

***
Ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng Đức Giê-su lên núi. Các ông đã nhìn thấy vinh quang của Thầy Giê-su. 

Sự kiện này, ông Phê-rô đã không “dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là (ông) đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người” (2Pr 1,16).

Với tông đồ Gioan, ngài có lời truyền dạy: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3).

Hôm nay, khi đã là một Kitô hữu, có bao giờ chúng ta xác tín rằng: tôi cũng như ngài Phê-rô, đã thấy “tận mắt” Đức Giê-su? Có bao giờ chúng ta xác tín rằng: tôi đã thực sự “hiệp thông với Đức Giêsu Kitô”?

Sao? Chưa hả! Nếu chưa, hãy “lên núi” như ba người môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, năm xưa đã lên núi.

Đừng nghĩ rằng, chúng ta phải làm một chuyến “trại bay”, bay qua Do Thái, rồi thuê taxi đến núi Tabor. Không, không cần phải làm như thế!

“Núi” mà hôm nay chúng ta lên, không nhất thiết là những ngọn núi lừng danh bởi những tên gọi, và nay đã được ghi vào lịch sử Giáo Hội. “Núi” của hôm nay, đó chính là “những ngôi nhà thờ”.

Nơi những-ngôi-nhà-thờ, chúng ta cũng sẽ được gặp Mô-sê và Ê-li-a qua việc công bố Lời Chúa, phần Cựu Ước. Nơi đây, chúng ta cũng sẽ được nghe tiếng phán của Thiên Chúa, qua việc công bố Lời Chúa, phần Tân Ước.

Chưa hết! Nơi đây, chúng ta cũng sẽ được thấy “Đức Giê-su biến hình” nơi Bàn Tiệc Thánh Thể. Còn nữa! Nơi Bàn Tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su, qua các linh mục chủ tế, cũng sẽ có lời nói với chúng ta rằng: “Phúc cho ai ‘lên’ dự tiệc…”

****
Hôm nay, Đức Giê-su vẫn tiếp tục mời chúng ta cùng lên núi với Ngài. Nói theo cách nói ở trên, đó là “đến nhà thờ với Ngài”. Đến nhà thờ với Ngài, không chỉ để được thấy “Ngài biến hình nơi Bàn Tiệc Thánh Thể”, mà còn để Ngài “biến đổi” con người chúng ta. Nói rõ hơn, để Đức Giê-su “biến hóa” con người chúng ta.

Vâng, đó là điều khẩn thiết. Rất, rất khẩn thiết, bởi nếu chúng ta không “biến hoá” tâm hồn mình, đừng hy vọng chúng ta sẽ không bị “đồng hoá” với thế gian cùng với tội lỗi của nó.

Thế gian cùng với tội lỗi của nó, chúng ta biết rồi. Đó là: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén…”

Đây là những chước cám dỗ có một sức mạnh mãnh liệt, rất dễ làm cho chúng ta sa vào. Theo lời cảnh báo của ĐGM. GB Bùi Tuần, thì: “Hiện nay, các chước cám dỗ đang phát triển mạnh. Chúng hoạt động một cách tự do. Hiện diện của chúng là đều khắp trong đạo ngoài đời.”

Ghê quá nhỉ! Đúng, rất ghê! Do vậy, thánh Phao-lô đã có lời khuyến cáo: “những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Trời.”

Thế nên, để không bị sa vào những chước cám dỗ nêu trên, và để được “thừa hưởng Nước Trời”, không có gì tốt hơn là chúng ta cùng-lên-núi-với-Chúa. Chúng ta “cùng đến nhà thờ với Ngài”. Chúng ta cùng nhau “Tiến tiến bước lên đền, đền thánh của Người.” (trích nhạc phẩm: Lên Đền Thánh. Tác giả: Lm. Thành Tâm).

Vâng. Chúng ta “Hãy cùng nhau lên Đền Thánh Chúa”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây