Cỏ lùng

Thứ sáu - 21/07/2023 04:30 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   222
Đau khổ là một thứ cỏ lùng chen vào trong lúa. Làm sao bớt đi đau khổ và đón nhận nó?

Cỏ lùng

ccct 240723a

 

Đau khổ là một thứ cỏ lùng chen vào trong lúa. Làm sao bớt đi đau khổ và đón nhận nó?

Có một câu truyện kể rằng: Có một chú lừa chạy tung tăng rơi vào hố sâu. Nó kêu la thảm thiết, người chủ chạy đến không làm sao kéo chú lừa lên hố sâu được. Ông nghĩ ra một kế, đổ cát vào trong hố sâu đó. Con lừa nghĩ bậy rằng, ông chủ muốn chôn nó luôn dưới đáy sâu đó nên mới đổ cát chôn lấp nó. Ông cứ đổ cát, con lừa cứ kêu la, dãy đạp ngoi lên khỏi đống cát mới đổ xuống. Cứ vậy gần bờ miệng hố con lừa mới tỉnh ngộ ra, ông chủ đã cứu mạng nó khỏi hố diệt vong.

Trong cuộc đời con người, ta đôi khi cũng giống như con lừa kia, than thân trách phận mình rơi vào đau khổ, hết đau khổ này đến đau khổ khác. Khi vượt qua các đau khổ tới bến bờ hạnh phúc, mới ngộ ra, chính trong đau khổ mà ta đã trưởng thành. Nếu không than trách những đau khổ ở đời, hẳn ta đã thấy "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối." (2Cor 12, 9). Chúa cứu ta nhưng ta cũng cần góp sức, cố gắng.

Sự dữ không thể tránh khỏi. Cuộc đời mỗi người chúng ta đều tuỳ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, an sinh trật tự, những điều không do ta, nhưng vẫn phải chịu hậu quả. Sự dữ không tránh khỏi như thứ cỏ lùng kẻ xấu gieo vào trong thế gian. Có rất nhiều người bị cám dỗ Thiên Chúa không có thật bởi vì nghi ngờ quyền năng của Người, khi hỏi: “Thiên Chúa toàn năng nhưng sao vẫn để sự dữ hoành hành?”.

Câu hỏi này chính ta hãy đi tìm câu trả lời để nhận ra và tin vào quyền năng Thiên Chúa. Có rất nhiều giá trị của đau khổ mà ta cần khám phá:

Giá trị tinh luyện, như trong các huấn luyện từ trại lính, trong các cuộc thi thao trường. Hay như “Vâng lạy Chúa, Ngài đã từng thử thách, luyện chúng con như luyện bạc trong lò” (Tv 66, 10). Đức tin cần trải qua thanh luyện.

Giá trị của thách đố: Đau khổ là một thách đố trong đời, như những bài kiểm tra sức mạnh tinh thần và thể lý cũng như tâm linh. Có tin vào Thiên Chúa thật sự không? Như trường hợp Abraham hiến tế Isaac (St 22, 1 – 19).

Giá trị giáo dục: Vai trò giáo dục là khơi dậy tiềm năng của mỗi con người. Qua khó khăn mới thấy khả năng tiềm tàng. Câu truyện của người Boê, nhặt được những cục đá quý, nhưng cần mài dũa thế nào mới thành viên kim cương quý, “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”.

Hy sinh đền tội và thánh hóa: “Con tự hiến thánh Con để họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 18). Hy sinh, nhẫn nại, là những hiến lễ dâng lên để thánh hóa bản thân, cầu nguyện cho anh chị em còn sống cũng như đã qua đời.

Lòng nhân từ và học cho biết tình yêu của Chúa. Thánh Phanixcô Xaviê, ngài học nơi lòng nhân từ của của Chúa để sống tình yêu đối với các linh hồn: “Kinh qua muôn vàn hiểm nguy chết người, học cho biết lòng thương xót của Chúa”. Ở nơi lòng thương xót của Chúa, ta học được cách sống yêu thương.

Có rất nhiều thứ cỏ lùng trong cuộc sống, Người cứ để cho cả hai mọc lên. Chúa có cách của Người, chuyển hóa điều dữ nên điều lành.

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ.” (Tv 36, 5 – 6).

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây