Uyển chuyển để sống
Luật Sabat hay con người? Uyển chuyển hay cứng ngắc?
Hãy ngắm nhìn cây cỏ trước thiên nhiên. Cây cao đứng một mình dễ đổ là cây không uốn theo chiều gió, cây mềm mại sống cùng những cây khác, khó đổ vì uyển chuyển. Cái mạnh và cái cứng rắn thuộc về sức, lấy sức chống lại là thất bại, vì cái mạnh có cái mạnh hơn. Cái uyển chuyển là cái mềm, cái yếu, như nước, có thể cuồn cuộn chảy, có thể mạnh và yếu, như dòng sông chảy, cũng như thác đổ. Có gì mạnh bằng nước?
Uyển chuyển là cách biết dùng lực khi mạnh, khi yếu. Con người cũng thế, Chúa dạy khi cần nỗ lực: “Nước Trời cần có sức mạnh chiếm lấy, người mạnh mới có được” (Mt 11, 12). Lúc cần khiêm nhuờng, hiền lành, nhân hậu, như “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường." (Mt 11, 29).
Sống khó chịu, lúc nào cũng sẵn sàng lên án người khác, như những người biệt phái làm sao có thể vui? Làm sao có của lễ lòng nhân từ khi chỉ đòi hỏi, áp bức tha nhân?
Sống theo cách uyển chuyển là theo cách sống hiền hoà với anh chị em, sống với thiên nhiên, quy hướng về Thiên Chúa: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.” (Mt 12, 7 - 8)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan