Lời Chúa sinh sản người tốt

Thứ bảy - 15/07/2023 01:58 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   421
Có một dụ ngôn, chúng ta sẽ được chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa, một “Thiên Chúa là Đấng quảng đại với các ơn sủng của Người”. Đó là dụ ngôn “người gieo giống”.
Lời Chúa sinh sản người tốt

Chúa Nhật XV – TN – A
Lời Chúa sinh sản người tốt

tbd 150723a

 

Khi Đức Giê-su còn tại thế, một trong những cách Ngài giáo huấn cho mọi người, đó là dùng dụ ngôn. Dụ ngôn là gì? Thưa, đó là những câu chuyện xảy ra trong đời sống hằng ngày, nhưng có ẩn ý bên trong.

Nói về dụ ngôn, Tâm Minh, một trợ bút của trang mạng “Cùng học Lời Chúa” có lời chia sẻ chi tiết hơn: “Trong các sách Phúc Âm, nhất là Phúc Âm Nhất Lãm, (Mát-thêu, Mác-cô, Luca), một phần ba nội dung những bài giáo huấn của Đức Giê-su được kể bằng dụ ngôn. Đây là những câu chuyện đơn giản, ngắn gọn, với những hình ảnh quen thuộc được rút ra từ cuộc sống thường ngày, như: gieo giống, đánh cá, chăn chiên, người làm vườn nho, tiệc cưới… nhằm truyền đạt những sứ điệp thiêng liêng như: tình yêu, sự tha thứ, Nước Trời, đức tin, cánh chung…”

Vâng, tuy chỉ là “những câu chuyện đơn giản, ngắn gọn” nhưng những dụ ngôn này đã đem đến cho các môn đệ, xưa (và cũng là chúng ta hôm nay), có được một cái nhìn rõ nét hơn về tình yêu của Thiên Chúa, ví dụ như: dụ ngôn “người cha nhân hậu”, hoặc là sống một đời sống đức mến tốt đẹp hơn, ví dụ như: dụ ngôn “Người Sa-ma-ri nhân lành”, hay là hiểu được thế nào là phải canh thức và cầu nguyện luôn, ví dụ như: dụ ngôn “mười cô trinh nữ.” v.v…

Có một dụ ngôn, chúng ta sẽ được chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa, một “Thiên Chúa là Đấng quảng đại với các ơn sủng của Người”. Đó là dụ ngôn “người gieo giống”. Dụ ngôn này được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

**
Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại dụ ngôn này như sau: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả, hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.” (x.Mt 13, 4-8).

Chúng ta có một cái nhìn như thế nào về người nông gia này? Vâng, với Lm.Charles E.Miller, ngài đã suy tư rằng: “Không có nhà nông nào đã quan tâm đến việc chạy theo lợi nhuận mà lại phí phạm trong cách gieo giống (như chúng ta vừa đọc trong Tin Mừng thánh Mát-thêu đã ghi lại ở trên).

Một nông dân thận trọng luôn cân nhắc cặn k để chỉ gieo ở những nơi bảo đảm sẽ mang lại kết quả tốt. Song người gieo giống trong bài Tin Mừng đã không tiếc các hạt của mình…” Vì sao! Thưa, như đã viết ở trên, Lm. Charles chia sẻ: “Vì ông tượng trưng cho Thiên Chúa là Đấng quảng đại với các ơn sủng của Người.” (nguồn: Sunday Preaching).

Đúng vậy. Lòng quảng đại qua các ơn sủng của Thiên Chúa đã được thể hiện qua việc “(Người) yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (x.Ga 3, 16).

“Hạt giống” được nói đến trong dụ ngôn, Lm. Charles có lời giải thích rằng: “… tượng trưng cho Lời Chúa được tìm thấy trong các Sách Thánh đầy linh ứng, gồm 46 quyển Cựu Ước và 27 quyển Tân Ước. Thiên Chúa gieo hạt giống của Ngài lên lòng trí chúng ta, chủ yếu nhờ Phụng Vụ Lời Chúa trong thánh lễ.” Đó, đó chẳng phải cũng là “ơn sủng của Thiên Chúa” đó sao!

Thiên Chúa là Đấng-quảng-đại. Đây là một “tin tốt lành” và Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô đã công bố cho toàn thể nhân loại, ngày xưa cũng như hôm nay, qua dụ ngôn nêu trên. Hôm ấy, Ngài đã khuyến cáo rằng: “Ai có tai thì nghe.”

***
Hôm ấy, Đức Giê-su không chỉ nói lên lời khuyến cáo. Ngài còn có lời nhắn nhủ với các môn đệ (tất nhiên cũng là cho chúng ta hôm nay), rằng: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

Không, không có gì quá khó hiểu về lời nhắn nhủ của Đức Giê-su. Trong dụ ngôn Đức Giê-su nói về bốn loại đất. Bốn loại đất tượng trưng cho bốn thái độ hay bốn phản ứng của con người khi nghe Lời Chúa. Còn về hạt giống, chúng ta biết rồi, đó chính là Lời Chúa. Và, đó là lý do để chúng ta tự hỏi mình rằng: Tôi là loại đất nào trong bốn loại đất khi đón nhận “hạt giống Lời Chúa”!

Vâng, chúng ta hãy tự hỏi mình rằng, khi tham dự thánh lễ, qua phần nghe Lời Chúa và lời giảng dạy của linh mục chủ tế, chúng ta “vui vẻ đón nhận, nhưng không đâm rễ mà là kẻ nhất thời khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, (chúng ta) vấp ngã ngay”?! Nếu là vậy… Buồn thay! mảnh đất tâm hồn của chúng ta là một mảnh đất “sỏi đá, chỗ đất không có nhiều…”

Mảnh đất tâm hồn của chúng ta là một mảnh đất đầy “gai góc” ư! Sẽ là vậy nếu chúng ta “nghe Lời Chúa, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời Chúa không sinh hoa kết quả gì.”

Diễn giải để chúng ta có một cái nhìn chi tiết hơn về mảnh đất tệ hại này, Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ có lời chia sẻ: “Họ tin đó, nhưng hoa quả gặt hái trên lộ trình gian khổ không đủ cho họ. Họ muốn ‘giữ lấy mạng mình’ vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của. Chạy theo những lợi lộc đời này là việc họ không bỏ được, thế nên niềm hy vọng Nước Chúa nơi họ chỉ là một ước muốn hời hợt.”

Niềm hy vọng Nước Chúa nơi chúng ta có là một ước muốn hời hợt? Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, nếu đúng là vậy, đừng trách Đức Giê-su có lời khiển trách. Vâng, Ngài đã dùng lời ngôn sứ I-sai-a khiển trách, rằng: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt…” (x.Mt 13, 14).

Là một Ki-tô hữu, lòng chúng ta đừng để bị chai đá. Chúng ta không bịt tai, không nhắm mắt. Chúng ta hãy nhìn và hãy nghe để biết rằng, hạt giống có mầm sống, nhưng dù là hạt giống có mầm sống, mầm sống đó chỉ có thể sinh sôi nẩy nở trong những điều kiện (đất đai) thuận lợi mà thôi. Lời Chúa dù có quyền năng, nhưng sự đáp ứng của con người mới là yếu tố làm cho quyền năng của Chúa được thể hiện.

Do vậy, tầm quan trọng của mảnh đất, mảnh đất tâm hồn của chúng ta, cần phải là một mảnh đất tốt. Mảnh đất tốt đó, Đức Giê-su nói: “đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

****
Chúng ta vừa biết đến một vài yếu tố có thể khiến chúng phớt lờ hay bỏ ra ngoài tai “hạt giống Lời Chúa” khi được gieo vào lòng trí chúng ta. Đừng để cho Lời của Chúa đến với chúng ta như hạt giống “rơi xuống vệ đường, rơi trên nơi sỏi đá, rơi vào bụi gai” chẳng đem lại lợi ích gì cho chúng ta.

Muốn đem lại lợi ích cho chúng ta ư! Hãy làm cho mảnh đất tâm hồn mình thuộc loại “mảnh đất tốt” Làm thế nào! Thưa, rất giản dị. Hãy nhìn cộng đoàn dân Chúa ở Beroia năm xưa. Đó là, “họ (đã) đón nhận lời Chúa với tất cả nhiệt tâm, ngày ngày tra cứu Sách Thánh để xem có đúng như vậy không” (Cv 17, 11).

Ngày-ngày-tra-cứu-Sách-Thánh chẳng phải là cách tốt nhất để chúng ta có thể “nghe Lời (Chúa) và hiểu (lời Chúa)” đó sao! Mà, “kẻ nghe Lời và hiểu” thì được ví như thế nào, nhỉ! Thưa, Đức Giê-su gọi đó là “đất tốt”.

Nghe Lời Chúa và hiểu Lời Chúa quan trọng lắm. Đức Tổng Giám Mục Giu-se Nguyễn Năng có lời dạy rằng: “Chính Lời Chúa khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu. Lời Chúa luôn đi trước việc cử hành các bí tích. Nếu không được Lời Chúa nuôi dưỡng và soi sáng, việc cử hành các bí tích có nguy cơ trở thành nghi thức không hồn.” (nguồn: Kinh Thánh - Lời Chúa cho mọi người).

Vâng, chúng ta có thể nói thêm, rằng: có Lời Chúa nuôi dưỡng và soi sáng, mảnh đất tâm hồn của chúng ta sẽ là “mảnh đất tốt”. Nói cách khác: Lời Chúa sinh sản người tốt.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây