Hãy sống yêu thương và phục vụ

Thứ sáu - 17/12/2021 18:32 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   896
Yêu thương và phục vụ, phục vụ và yêu thương, đó là nét đẹp của Ki-tô giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, “nét đẹp” này đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới.
VongCN4
VongCN4

Chúa Nhật IV – MV – C

Hãy sống yêu thương và phục vụ

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “anh em phải thương yêu nhau” và rằng: “con người đến… là để phục vụ”.

Yêu thương và phục vụ, phục vụ và yêu thương, đó là nét đẹp của Ki-tô giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, “nét đẹp” này đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới.

Có rất nhiều người con của Giáo Hội đã sống tận hiến cả cuộc đời mình cho nét đẹp này. Xin đơn cử một nhân vật gần đây, mà hầu như ai trong chúng ta, đều biết. Đó là Đức cha Jean Cassaigne.

“Ngài được mệnh danh là vị Cha hiền của người dân tộc thiểu số và của những người phong cùi. Hơn nửa cuộc đời Ngài sống ở Việt Nam, phần lớn thời gian ấy Ngài sống với những người phong cùi của miền sơn cước Di Linh. Có thể nói Ngài là người đã khai mở công cuộc truyền giáo cho người bản địa trên cao nguyên hẻo lánh này, mỗi bước chân của Ngài đều để lại dấu ấn ‘yêu thương’ và đem lại niềm vui hạnh phúc cho những người bất hạnh bị bỏ rơi.”

“Ngày lễ kính thánh Gioan Baotixita 24.06.1941 một sự kiện trọng đại đã đến với vị Cha hiền của người dân tộc thiểu số và những người phong cùi, đó là Ngài được tấn phong Giám mục và là Giám quản Tông tòa Giáo phận sài Gòn. Nhưng sau 14 năm, khi bước vào tuổi 60 (cuối năm 1955), Ngài xin từ chức để nghỉ hưu và tình nguyện về lại Di Linh để phục vụ làng cùi. Tại sao Ngài làm như vậy? Thật đơn giản, vì suốt 14 năm làm Giám quản một Giáo phận lớn nhưng dường như tâm trí và trái tim của Ngài phần lớn vẫn dành cho những bệnh nhân phong, những người bị ruồng bỏ nơi chốn rừng sâu hoang vắng trên cao nguyên Di Linh.”

“Ngài đã hiến-mạng-sống-mình-vì-người-mình-yêu ngay tại làng cùi ở tuổi 78. Nữ tu Mai Thị Mậu kể lại rằng: Ngày lễ an táng của Ngài tất cả bệnh nhân phong, bà con giáo dân, và đông đảo người lương quanh vùng đều để tang, khóc lóc thảm thiết đưa tiễn người Cha nhân lành đến nơi an nghỉ cuối cùng.” (nguồn: simonhoadalat.com).

Cách đây hơn hai ngàn năm, Đức Maria, người được gọi là “Đấng đầy ơn sủng”, cũng là một tấm gương mẫu mực trong việc thể hiện một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương và sự phục vụ.

Là người tuyên bố mình là “nữ tỳ của Chúa”, Đức Maria ý thức rằng “tình yêu thương” luôn phải là kim chỉ nam cho cuộc sống của mình. Và, tình yêu đó phải là một tình yêu phục vụ.

Trình thuật “Đức Maria viếng thăm bà Êlisabeth” được ghi trong Tin Mừng thánh Luca như một “diễn từ sống động”, một diễn từ sống động nói lên tình yêu thương và sự phục vụ quên mình của Đức Maria.

**

Câu chuyện được thánh sử Luca ghi lại như sau: Sau khi được sứ thần Gaprien loan báo “bà Êlisabet… đang cưu mang một người con trai”, Đức Maria liền “vội vã lên đường”.

Kinh Thánh của United Bible Societies thì dịch là “Mari chờ dậy, lật đật đi”. Với hai chữ “lật đật”, nó làm cho chúng ta liên tưởng đến việc chuyến đi của Đức Maria, là một chuyến đi đầy khó khăn và vất vả.

Mà đúng vậy, đây là một chuyến đi “đến miền núi”, mà nói tới núi thì làm sao dễ dàng cho việc đi lại nhỉ! Vâng, Đức Maria đã lật đật đi. Hồi đó, không có “Grab Bike”, thế nên thật nhọc nhằn cho Đức Maria, ngồi trên lưng lừa (nếu được vậy cũng tốt), với một cung đường gập gềnh khó đi, dài khoảng 160 cây số, (đây là con số mà nhiều vị linh mục đã nêu lên trong bài giảng của mình), thì quả là Mẹ đã phải có một tình yêu thương, một tình yêu thương quên mình, với bà chị họ của mình.

Kinh Thánh có lời khuyên “Đừng ngại thăm nom người ốm” (Hc 7, 35). Đức Maria đã không “ngại”, và Mẹ đã đến “nhà ông Da-ca-ri-a”. Mẹ đã không ngại thăm bà chị họ đang “ốm nghén” được sáu tháng.

Cuộc thăm viếng của Đức Maria được mở đầu bằng lời “chào hỏi bà Ê-li-sa-bét”. Hôm ấy, gia đình ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét rất vui mừng. Thế nhưng, người vui đầu tiên lại không phải là hai ông bà, mà đó là thai nhi. Thánh sử Luca ghi: “vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên”.

Và rồi, tiếp đến là niềm vui của bà Ê-li-sa-bét, bà vui vì: “được đầy tràn Thánh Thần”. Bà Ê-li-sa-bét còn biểu lộ niềm vui mình, qua lời chia sẻ, rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui mừng.”

Bà Ê-li-sa-bét vui. Đứa con trong bụng của bà cũng đã-nhảy-lên-vui-mừng. Thế còn ông Da-ca-ri-a? Chúng ta không biết, vì thánh Luca không nói gì đến ông ta. Thế nhưng, có một điều chúng ta tin chắc rằng, Đức Maria cũng rất vui, vui vì Mẹ đã thể hiện tình yêu thương của mình qua việc ở lại “phục vụ” bà chị họ “độ ba tháng”.

Độ-ba-tháng, chẳng phải là Đức Maria đã “ở lại với bà Ê-li-sa-bét” cho đến lúc mẹ tròn con vuông, sao! Vâng, điều này minh chứng, Đức Maria chính là tấm gương mẫu mực về tình yêu thương và sự phục vụ.

***

Những ngày qua, nhiều nhà thờ đã “vội vã” thiết kế hang đá tái hiện hình ảnh Chúa Giê-su giáng sinh. Nhiều gia đình “lật đật” đi mua sắm những vật dụng như dây đèn, cây thông v.v… để trang trí máng cỏ.

Đó… đó là một truyền thống đẹp. Đẹp nhưng chưa đủ. Tân Giám Mục Giu-se Đỗ Quang Khang, qua bài giảng đầu tiên trong thánh lễ tạ ơn, được đăng tải trên YouTube, đã có lời tâm tình, rằng: “mắc mấy dây đèn, làm mấy cây thông Noel… cắm chung quanh nhà thờ… dễ”.

Vâng, lời tâm tình của ngài Tân Giám Mục đáng để chúng ta suy gẫm. Tại sao phải suy gẫm? Thưa, ngài Tân Giám Mục nói, đó chỉ là những sửa soạn, những chuẩn bị “bề ngoài”. Thế nên, thật phải đạo để suy gẫm rằng, ngoài việc vội vã và lật đật cho công việc mắc dây đèn, cắm cây thông, làm máng cỏ, v.v… chúng ta còn phải làm gì?

Phải chăng là hãy vội vã và lật đật như Đức Maria xưa, đã vội vã và lật đật? Phải chăng là hãy thể hiện tình yêu thương và sự phục vụ, như Đức Maria xưa, đã thể hiện?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy tưởng tượng, nếu chúng ta “vội vã lên đường” viếng thăm những trẻ em cô nhi bất hạnh, điều gì sẽ xảy ra? Thưa, có phần chắc, chúng ta sẽ được nhìn thấy nhiều trẻ thơ “nhảy lên vui sướng”.

Hãy tưởng tượng, nếu chúng ta lật-đật-đi-đến với những bà “Ê-lisa-bét thời @” đang muốn phá thai, với những lời khuyên chân tình, biết đâu… biết đâu chúng ta sẽ được nghe nhiều bà mẹ, sau khi không phá thai và sanh con, đã vui mừng thốt lên: “Bởi đâu tôi được ‘soeur’ tôi đến với tôi thế này?” (Vâng, về công việc này các soeur là những người luôn “lật đật” lên đường, và các soeur, có phần chắc, đã không ít lần được nghe rất nhiều bà mẹ vui mừng thốt lên.) 

Chưa hết… còn nữa. Còn đó những bà Êlisabet-già-nua không nơi nương tựa, đang phải sống cô đơn trong một xó xỉnh của một nghĩa trang nào đó, những Êlisabet đang “ẩn-mình-chờ-chết” trên giường bệnh vì không có tiền thuốc thang, những Êlisabet bị bỏ rơi với đàn con nhếch nhác, v.v… Ai sẽ là người vội vã lên đường viếng thăm… Ai sẽ là người lật đật đi đến với họ, nếu không phải là chúng ta!

Vâng, phải là chúng ta. Cách này hay cách khác. Một lời cầu nguyện. Một giờ phục vụ vệ sinh cho bệnh nhân. Một sự đóng góp tùy theo khả năng của mình.

Chỉ một tin nhắn thăm hỏi qua zalo, cho một người bạn bị cách ly vì Covid 19, cũng là một nguồn an ủi lớn lao như thế nào. Thưa quý vị, đó là điều người viết từng trải.

Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải ghi khắc trong con tim mình tấm gương mẫu mực của Đức Maria. Đó chính là tấm gương yêu thương và phục vụ. Đừng quên, sống yêu thương và phục vụ, Kinh Thánh cho biết: “vì nhờ những việc như thế mà con sẽ được mến yêu” (x.Hc 7, 35).

Thật vậy, mọi người sẽ yêu mến chúng ta. Và, như Đức Maria, chúng ta cũng sẽ được gọi là những người “thật có phúc”. Thế nên, hãy xây dựng cho bản thân mình một cung cách sống, đó là sống yêu thương và phục vụ.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây