Lời Chúa THỨ BA TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 29/01/2023 01:32 |   449
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5, 34)

31/01/2023
THỨ ba tuần 4 THƯỜNG NIÊN

Thánh Gioan Boscô, linh mục

Mc 5, 21-43


SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5, 34)

Suy niệm: “Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của niềm tin, vì khi không có gì có vẻ như có thể, niềm tin làm cho có thể” (G. Mona). Em bé mới mười hai tuổi qua đời sau cơn bạo bệnh, người đàn bà tiền mất tật mang sau mười hai năm bị băng huyết: cả hai có vẻ như vô phương chữa chạy. Thế nhưng, với niềm tin vào Thầy Giê-su của người cha, cũng như của người đàn bà, em bé được hồi sinh, bệnh băng huyết được chữa lành. Bàn tay của Ngài truyền sự sống cho em bé trỗi dậy, bàn tay của người đàn bà đụng vào gấu áo truyền dẫn sự sống Ngài cho bà. Thế nhưng, đừng quên rằng em bé lẫn người đàn bà có được sự sống Ngài ban tặng rồi cũng sẽ lìa đời. Chính đức tin mới làm cho ta đạt được điều không tưởng hơn cả: chia sẻ sự sống vĩnh cửu khi sống tương quan thân thiết với Ngài.

Mời Bạn: “Niềm tin nơi Chúa sẽ nâng bạn lên những phúc lành cao cả hơn” (G. Kent). Tin nơi Chúa, cậy trông vào Ngài, có thể bạn không được chữa lành bệnh như các bệnh nhân trong Tin Mừng, thế nhưng, bạn đạt được điều cao trọng hơn sự sống đời này: sự sống vĩnh cửu, mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa hôm nay và mãi mãi. Bạn nhận biết ý nghĩa đời mình, tìm thấy hạnh phúc, niềm vui trong đời sống đạo mỗi ngày khi có Chúa trong cuộc đời.

Sống Lời Chúa: Tôi tìm cách đào sâu đức tin vào Chúa hơn qua việc đọc Lời Chúa, học hỏi giáo lý, thực hành điều răn Chúa, nhất là điều răn mến Chúa yêu người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn bày tỏ tình thương với người đau khổ. Xin cho con nhận ra tình thương ấy qua cuộc sống đời thường mỗi ngày.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ ba tuần 4 THƯỜNG NIÊN


Ca nhập lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin cứu độ chúng tôi, từ khắp muôn dân, xin thu họp chúng tôi về, để chúng tôi được ca tụng thánh danh Chúa, và được vinh dự ngợi khen Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I (Năm I): Dt 12, 1-4

“Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Ðấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đầu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 26b-27. 28 và 30. 31-32

Ðáp: Lạy Chúa, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa (c. 27b).

Xướng: Tôi sẽ làm trọn những lời khấn hứa của tôi, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: “Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời”.

Xướng: Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa, bao kẻ nằm xuống bụi tro sẽ sấp mình trước thiên nhan. Và linh hồn tôi sẽ sống cho chính Chúa.

Xướng: Miêu duệ tôi sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng “Ðiều đó Chúa đã làm”.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 18, 9-10. 14b. 24-25a. 30 – 19, 3

“Absalon con cha ơi, sao cha không chết thay cho con?”

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Absalon đang cỡi lừa, tình cờ gặp các cận vệ của Ðavít, và khi con lừa đi qua dưới cây sồi to lớn rậm rạp, thì đầu ông vướng vào cây sồi, và ông bị treo lơ lửng, và con lừa ông đang cỡi cứ chạy. Có người thấy vậy, liền đi báo cho Gioáp rằng: “Tôi đã thấy Absalon bị treo trên cây sồi”. Gioáp cầm ba chiếc lao phóng thẳng vào tim Absalon.

Bấy giờ Ðavít đang ngồi giữa hai cửa, còn người lính gác lúc đó đi trên thành phía trên cửa, ngước mắt lên trông thấy một người chạy về. Tên lính gác hô to báo tin cho vua. Vua liền nói: “Nếu chỉ có một đứa, tức là nó mang tin mừng”. Vua nói với anh ta: “Ngươi hãy qua bên này”. Khi anh ta đi qua và đứng đó, thì tên Kusi xuất hiện và tâu vua rằng: “Tâu đức vua, tôi mang đến cho vua một tin mừng, vì hôm nay, Chúa đã xét xử bênh vực đức vua, Người đã giải thoát đức vua khỏi tay tất cả những kẻ dấy lên chống lại đức vua”. Vua hỏi Kusi: “Absalon con ta có bình an không?” Kusi thưa lại: “Ước gì các thù địch của đức vua và toàn thể những kẻ dấy lên chống đức vua, đều bị tai hoạ như chàng thanh niên đó”.

Bấy giờ vua buồn sầu và đi lên lầu nơi cổng thành mà khóc lóc. Ngài vừa đi vừa nói: “Con ơi, hỡi Absalon! Absalon con ơi! Sao cha không chết thay cho con! Absalon con ơi! Absalon con ơi! Chớ gì ai để cha chết thay cho con. Absalon con ơi! Con ơi, hỡi Absalon!”

Người ta đi báo tin cho Gioáp hay rằng đức vua khóc lóc và than tiếc con, nên hôm đó cuộc chiến thắng trở nên tang chế cho toàn dân, vì hôm đó, dân chúng nghe nói rằng: “Ðức vua thương tiếc con mình”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 85, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời con

Xướng: Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời con, vì con đau khổ và cơ bần. Xin bảo toàn mạng sống con, vì con hiếu thảo với Ngài, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào Chúa.

Xướng: Ngài là Thiên Chúa của con, xin thương con, lạy Chúa, vì con ân cần kêu van Ngài. Nguyện cho bầy tôi Chúa được hân hoan, vì, lạy Chúa, con vươn hồn lên tới Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài.

Alleluia: Tv 144, 13cd

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 5, 21-43

“Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi “Ai chạm đến Ta?” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi!”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho em bé ăn.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con xin kính cẩn dâng những lễ vật này lên bàn thờ Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận và làm cho trở thành bí tích đem lại ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu độ tôi theo lượng từ bi của Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để tôi phải hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực cứu độ để nuôi dưỡng chúng con; xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TIN SẼ ĐƯỢC KHỎI (Mc 5, 21-43)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu gặp rất nhiều người đến xin Ngài chữa bệnh hoặc người ta tự ý đụng chạm đến Ngài để được khỏi bệnh. Trong mọi trường hợp, Ngài đều khơi gợi lên nơi họ một mối tương quan trực tiếp với Ngài. Mối liên hệ đó chính là đức tin. Có đức tin sẽ được lành. Không có đức tin thì không thể khỏi.

Hôm nay Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành một người đàn bà bị băng huyết và cho em bé 12 tuổi đã chết được sống lại.

Trường hợp người đàn bà băng huyết thì Đức Giêsu đòi hỏi bà ta phải có niềm tin trực tiếp vào Ngài. Còn với em bé được Ngài cho sống lại thì chính đức tin của cha em đã làm Đức Giêsu chạnh lòng thương và cứu sống em.

Trong cuộc sống đạo của chúng ta, nhiều khi chúng ta tin Chúa, nhưng tin nửa vời, tức là tin khi thành công, thuận lợi, nhưng khi đức tin bị thử thách, chúng ta sẵn sàng buông xuôi. Như vậy, nếu không có lợi thì tức khắc chúng ta chuyển niềm tin sang đối tượng khác! Chúa không còn là Đấng duy nhất chúng ta tin tưởng!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cộng tác với ơn Chúa để làm cho đức tin của mình được triển nở. Bởi vì đức tin mà không việc làm thì đức tin chết. Đức tin phải được thanh uyện bằng những thử thách. Có thế, chúng ta mới có kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của mình, và mình mới đủ can đảm để làm chứng cho Chúa ngay trong những lúc khó khăn, thử thách nhất.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chính nhờ đức tin của chúng con vào Chúa, chúng con được sự sống đời đời. Amen.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Gioan Boscô, linh mục

Ca nhập lễ

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì thế ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người đau khổ trong tâm hồn.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một người cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh linh mục Gio-an Bốt-cô. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con để chúng con biết phụng sự một mình Chúa và lo cho anh em được cứu độ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I:

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng để mừng kính thánh linh mục Gio-an Bốt-cô. Ước gì hiến lễ chúng con dâng để tạ ơn Chúa vừa tuyên xưng Chúa uy nghi vinh hiển, vừa đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho chúng con tìn lại sức mạnh nơi bàn tiệc thánh. Xin giúp chúng con biết noi gương thánh linh mục Gio-an Bốt-cô để lại là luôn luôn trung thành phụng sự Chúa và yêu thương phục vụ mọi người mà không hề quản ngại khó khăn. Chúng con cầu xin…
 

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Gioan Bosco sinh ngày 16.08.1815 tại Becchi, làng Asti, vùng Piemont. Lúc lên 2, đã mồ côi cha, bà mẹ nuôi nấng và giáo dục vừa nhân bản vừa Kitô giáo. Bà luôn bên cạnh ngài ở Turin trong 10 năm đầu (1846-1856). Gioan Bosco học xong phần tú tài nơi Collège Royal de Chieri. Khi được 20 tuổi, ngài bước vào Chủng viện địa phận Turin, nhờ sự nâng đỡ tài chính của Louis Guala, nhà thần học chống lối nghiêm khắc theo thánh Joseph Cafasso.

Gioan Bosco được thụ phong linh mục vào ngày 05.06.1841, không bao lâu sau đã thành lập “Oratoire Saint-Francois-de-Sales” ở Turin. Trong những năm này, thủ đô Piémont đã bắt đầu sống kỷ nguyên công nghiệp, gây biết bao vấn đề, nhất là việc di tản của giới trẻ. Hiện trạng này cũng đưa đến những hướng dẫn của Hội thánh cho những môi trường văn hóa mới. Chính trong hoàn cảnh này, Gioan Bosco, như nhà tổ chức và là người khởi đầu về điều mà sau này người ta gọi là”hệ thống phòng ngừa” dựa trên “tôn giáo, lý trí, sự nhân hậu”.

Mặc cho phê bình và cả những tấn công mạnh mẽ của những nhóm chống giáo sĩ, Nguyện xá (Oratoire), chỉ hạn hẹp trong các ngày nghỉ, nhưng sau này thường trực, càng ngày càng được phong phú nhờ các xưởng thợ dành cho giới trẻ học nghề, cũng như khả năng hướng về chức linh mục. Vào năm 1868, đã có 800 em tụ tập nơi đây. Đây là một cộng đồng dành cho giới trẻ lớn nhất trong nước Ý. Để đảm bảo cho công trình trong tương lai, Gioan Bosco đã thành lập Tu Hội thánh Francois de Sales (Salésiens), được Hội thánh công nhận vào năm 1869 ; tiếp đến là Hội các cộng tác viên; cuối cùng với sự cộng tác của nữ tu Marie-Dominique Mazzarello, Dòng nữ Salésiennes.

Thời truyền giáo của Dòng Salésien bắt đầu vào năm 1875, cùng với phong trào người Ý di tản sang Nam Mỹ. Luôn đi tìm ân nhân, hỗ trợ cho công trình của mình, Don Bosco đi khắp Âu Châu. Báo Le Figaro vào năm 1879 và báo Times vào năm 1888 đều gọi ngài là “thánh Vinh Sơn mới”.

Don Bosco cũng là một văn sĩ bình dân, viết về giáo lý, hộ giáo và giáo dục. Các “Bài đọc Công giáo” được phổ biến rộng rãi khắp nước Ý, từ đó hình thành “Tạp Chí Salésienne” vào năm 1877. Vị Tông Đồ vĩ đại của giới trẻ qua đời ngày 31.01.1888. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong thánh ; từ năm 1936, lễ nhớ thánh Don Bosco được cử hành vào ngày thánh nhân qua đời. Cuối cùng Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II tuyên bố Don Bosco là “Cha và là thầy giới trẻ”.

2. Thông điệp và tính thời sự

Trong Lời nguyện nhập lễ cho thấy thánh Bosco là ân sủng Chúa ban cho Hội thánh như “Người cha và thầy” của giới trẻ. Bí mật của đời sống tận hiến trọn vẹn cho giới trẻ nằm trong hai từ trên ; khi đến một tuổi nào đó, ngài nói : “Tôi đã hứa với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng vẫn dành cho giới trẻ nghèo khổ.” Chính tình yêu như một người cha đối với giới trẻ đã thúc đẩy ngài xác quyết : “Tất cả cuộc đời cha dành cho các con.” Sự sẵn sàng này đã bắt nguồn từ tình thương phụ tử của Thiên Chúa. Ngài nói : “Giáo dục là việc của con tim ; chỉ vì Thiên Chúa là Thầy duy nhất, chúng ta sẽ không bao giờ thành công, nếu như Người không ban cho chúng ta chìa khóa.”

Trong tất cả các xác quyết trên, lòng nhân hậu chiếm một chỗ đặc biệt nhất. Trong lá thư, Hội thánh trích đọc trong Phụng Vụ Giờ Kinh, Don Bosco khuyên bảo các cộng sự yêu thương giới trẻ như con cái của mình, chỉ vì họ đang giữ vai trò giáo dục của một người cha, mẫu mực cho mọi thứ giáo dục Kitô giáo. Chính thánh nhân làm gương cho chúng ta : ngài viết một lá thư cho Rôma vào năm 1884 rất nổi tiếng: “Giới trẻ đã được yếu mến đầy đủ chưa ? Anh biết tôi yêu mến chúng như thế nào. Anh cũng biết, vì chúng, tôi đã đau khổ và chịu đựng trong suốt 40 năm qua,và tất cả những gì tôi đau khổ và chịu đựng vẫn còn tới nay.”

Don Bosco rất yêu kính Đức Mẹ : ngài luôn kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu Đấng Cầu Bầu cho các tín hữu, ngài nhìn Đức Maria “Người Mẹ luôn tha thứ và bảo bọc mọi người dưới áo choàng từ ái”. Trong giấc mơ có tính tiên tri vào lúc 19 tuổi, Đức Maria đã mặc khải cho ngài thấy mình là “Nữ chủ”.

Đặc điểm thứ hai của thánh nhân nằm trong phương pháp giáo dục phòng ngừa, đem lại cho Hội thánh việc tiếp xúc với quần chúng. Phương pháp này phải thấy trước những nguy hiểm đang rình rập giới trẻ, nhưng trước tiên nhờ một giáo dục chân tình nhắm vào sự tự do của cá nhân. Phương pháp này đã sản sinh ra hoa trái tốt đẹp nơi Nguyện Xá Valdocco trong con người của thánh Dominique Savio, vị thánh trẻ này nói với một người bạn : “Nơi đây, sự thánh thiện nằm trong sự vui tươi và chu toàn bổn phận cách tuyệt hảo.”

Thánh Don Bosco luôn nói : “Ước gì giới trẻ hiểu rằng họ được yêu mến.” Lời nguyện nhập lễ cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta “có được tình yêu để đi tìm ơn cứu độ cho anh em chúng ta, để chỉ phục vụ một mình Thiên Chúa làm thôi”. Thánh nhân đã dùng một câu Thánh Kinh làm châm ngôn : Hãy ban cho con các linh hồn và hãy lấy đi tất cả những gì còn lại (St 14,21). Linh đạo của ngài nằm trong hoạt động mà ngài nhấn mạnh : “Không phải sám hối hay kỷ luật mà tôi khuyên anh em, nhưng là lao động, lao động, lao động…” Lao động “là công trình của Thiên Chúa” và công trình của Thiên Chúa là “công trình các linh hồn “ được hoàn thành trong thinh lặng, vì như ngài luôn nói : “Sự thiện hảo không ồn ào, và sự ồn ào không làm nên việc thiện.”

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây