Niềm tự hào

Chủ nhật - 19/04/2020 05:00 |   562
“Nếu phải vinh vang, tôi không vinh vang về một điều gì khác ngoài thập giá Đức Kitô, vì Ngài tôi đành mất mọi sự”.

NIỂM TỰ HÀO

[19.12.2011 07:05]

Trên mạng điện tử đang lưu hành bài báo nói về khuynh hướng sính đồ ngoại của một số ‘đại gia’ tại Việt Nam. Có những chiếc xe hơi lên đến 50 tỷ đồng đang được đặt mua, có những túi xách vài trăm triệu đồng, có những chai rượu có giá ‘không tưởng tượng được’. Khuynh hướng đua đòi ‘xài đồ ngoại’ thật là tương phản với cuộc sống lầm than của biết bao người nghèo khổ trên đất nước nầy, họ làm ‘chảy máu’ tình trạng nhập siêu ngoại tệ và còn nói lên tình trạng mất định hướng cho cuộc đời: huênh hoang và khoe khoang những thứ vụn vặt trên đời.

Thánh Phaolô, một con người ngoại hạng vì có quốc tịch Rôma, có trí óc siêu quần, được thị kiến nâng lên tầng trời thứ 3… Thế nhưng, Ngài coi mọi sự là rơm rác trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô. Ngài nói: “Nếu phải vinh vang, tôi không vinh vang về một điều gì khác ngoài thập giá Đức Kitô, vì Ngài tôi đành mất mọi sự”. Và ở một chỗ khác, Thánh nhân còn tiết lộ: “để tôi đừng hư đi vì kiêu căng, Chúa đã cho một sứ thần vả mặt tôi”.

Vì không được như Thánh Phaolô, chúng ta thường tự hào về đủ thứ mình có và những việc mình làm, nhưng có lẽ nên xếp thứ tự ưu tiên để tự hào? –về công đức làm cho tha nhân hơn là chú tâm vào mình, thành tích tinh thần hơn là vật chất và thân xác, hiện tại hơn là quá khứ, những thứ có thực hơn là tưởng tượng.

Nhưng có lẽ ta không nên huyênh hoang về bất cứ sự gì nơi mình, vì như Thánh Phaolô nói: ‘tôi có gì mà lại không phải đã lãnh nhận từ Chúa’, vì vũ trụ nầy đang qua đi, vì Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Trong Tin Mừng Luca Chúa Giêsu đã so sánh lối cầu nguyện của người biệt phái và người thu thuế, Chúa ngợi khen đồng tiền bà góa bỏ vào Đền thờ, và niềm vui của người mục tử khi tìm được con chiên lạc hơn là 99 con không lạc.

Tôi rất thích bài ‘đường đời’ của Maria Noel: điểm khởi đầu và kết thúc cuộc đời con người ngoạm lấy nhau và tình trạng y như nhau: trần truồng, yếu đuối, mọi cơ năng trí não là zêrô, người khác phải xúc cơm – đổ thuốc mới sống được. Một hình ảnh khác diễn tả con người là con vật sáng 4 chân, trưa 2 chân và chiều 3 chân.

Xin trích lại một đoạn trong bài ‘Ngày lễ bạc’ của cha Nguyễn Tầm Thường:

“Kỷ niệm 25 năm sau ngày chết, tôi trở lại thăm ngôi mộ của mình… Có những mộ bia không còn hình dạng. Họ ra đi trước tôi lâu rồi. Có người mới chôn vài năm nay, có người mười năm, có người hai mươi năm, có người cả trăm năm. Ghê nhất là những người mới chôn. Ngôi mộ này của một người đàn bà. Chết đã tháng nay. Áo quần còn mới, nhưng xác rữa rồi, lúc nhúc dòi bọ. Chiếc quan tài còn cứng, xác trong đó phồng căng, sình rữa. Tóc bết lại. Áo nhung và thịt kết dính chặt lại. Những con dòi trắng cắn loang lổ nhiều vùng vải lỗ chỗ. Đấy cũng là hình hài tôi 25 năm về trước.

Ngày còn sống tất cả những người đang nằm đây xum xuê từng lọn tóc, mà bây giờ thế ư?

Tôi đi tìm xem ai là người trí thức. Không thấy ai cả. Chết được vài ngày, tất cả sọ người đều nồng nặc hôi thối.

Tôi đi tìm xem ai là người nổi tiếng. Tất cả chỉ là những mảnh xương dính bùn đen đủi và toàn dòi bọ ở trong.

Tôi đi tìm xem ai là người giầu có. Không thấy ai cả. Tất cả đều trần trụi không còn manh áo che thân. Tôi không thấy kim cương, vàng bạc. Tôi tưởng người thân chôn theo, nhưng không, người ta giữ lại hết. Người ta chỉ chôn xác thôi.

Tôi đi tìm xem ai là người lúc sống họ lên tiếng phải  xây dựng Giáo Hội thế này, phải cải tổ Giáo Hội thế kia. Không thấy ai cả. Lúc đương thời, họ sống chết, ăn thua đủ với nhau chỉ vì “bảo vệ đức tin.”. Trong cái nghĩa trang này thân xác nào cũng hôi tanh.

Tôi lại nhìn tôi dưới ngôi mộ sâu.

Cái sọ kia ngày xưa đã bao nhiêu suy nghĩ. Những giấc mơ ấy bay về đâu? Còn dưới đó không? Trái tim ôm ấp bao nhiêu tình cảm. Cái mùi tanh hôi nồng lên khi nó rữa ra.

Tôi lại nhìn tôi dưới ngôi mộ sâu.

Tôi nghe chung quanh tôi, trăm nghìn tiếng động xèo xèo. Nhiều xác mới chôn đang rữa. Tiếng những con bọ ăn vào xương. Những xác chết đang xảy ra giống tôi 25 năm về trước”.

Thế đó, hãy học Thánh Phaolô để biết theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau; và nếu phải vinh vang, ước gì tôi đừng vinh vang về điều gì ngoài thập giá Đức Kitô.

Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây