Lời Chúa CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – C

Thứ năm - 19/12/2024 17:58 |   181
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,26-38)

22/12/2024
chúa nhật IV Mùa Vọng – c

cn4 MVc

Lc 1,39-45

 

niềm vui có chúa
“Này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng.” (Lc 1,39-45)

Suy niệm: Mẹ Ma-ri-a có Chúa trong lòng, Mẹ đưa Chúa đến với bà Ê-li-sa-bét trong nhà làm bà vui lây và Gio-an trong lòng bà cũng nhảy lên vì vui sướng. Như vậy Chúa là tác nhân của niềm vui; và những ai có Chúa đều được Chúa chia sẻ niềm vui thánh thiện này. Có những niềm vui riêng tư thầm kín một khi được sẻ chia, niềm vui ấy mới lan tỏa. Thực ra rất khó cất giấu niềm vui trong lòng, nỗi buồn thì có thể, bởi bản chất của niềm vui là thông chia. Mầu nhiệm Truyền Tin, Giáng Sinh chúng ta sắp cử hành mang ý nghĩa như vậy.

Mời Bạn: Ta tự hỏi làm sao để có Chúa và Chúa trở thành niềm vui cho ta? Phải học nơi Mẹ Ma-ri-a: lắng nghe, vâng phục và thực hành ý Chúa.

Sống Lời Chúa: Lắng nghe mầu nhiệm Giáng Sinh Thiên Chúa muốn nói gì với ta, và rồi ta phải làm gì để mầu nhiệm ấy nên hiện thực hơn trong cuộc đời, chẳng hạn như biết tôn trọng sự sống, yêu quí cuộc sống khó nghèo theo gương Thánh Gia Na-da-rét.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con niềm vui vì được làm con Chúa, và giúp con chia sẻ ơn huệ này cho những người đau khổ cần đến Chúa.

CN MV IV: Lạy Chúa! Lịch sử cứu độ là lịch sử của một tiếng gọi và một tiếng đáp. Chúa cất tiếng gọi, và chúng con đáp lời: Chúa lên tiếng mời gọi, và Đức Maria đã khiêm nhường thưa tiếng “xin vâng”; Chúa báo mộng, và thánh Giuse đã mau mắn thi hành; Chúa cho Mẹ biết người chị họ đang mang thai, và Mẹ đã vội vã lên đường… Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật: Chúa đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Chúa chịu khổ hình thập giá, mà cho chúng con được sống lại hiển vinh. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

Ca nhập lễ

Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa Đấng Công Chính, đất rộng mở cho xuất hiện Vị Cứu Tinh.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Tiên tri Mikêa tiên báo về một trinh nữ sẽ sinh con, và Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay cho biết trinh nữ Ma-ri-a đã cưu mang Con Chúa và đang thi hành sứ vụ đem Chúa đến cho mọi người.

Chúa không muốn của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, nhưng Chúa muốn tâm hồn trong sạch, tâm hồn sẵn sàng thi hành thánh Ý Chúa. Chúa Giê-su đã đến trong ý nghĩa đó và đã trở nên của lễ đẹp lòng Chúa Cha nhất.

Chúng ta đang sống trong những giây phút mong đợi cuối cùng, Chúa Giê-su sẽ đến với chúng ta. Đặc biệt trong thánh lễ này Người sẽ đến mang theo sứ điệp và tôn ý Chúa Cha. Mỗi người hãy thanh tẩy tâm hồn mình cho xứng đáng để đón nhận Chúa Giê-su và đón nhận ý của Chúa Cha và dâng lên Ngài của lễ đời sống tốt đẹp nhất của chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Ðức Ki-tô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a

“Nơi ngươi sẽ xuất hiện Ðấng thống trị Israel”.

Bài trích sách Tiên tri Mi-kha.

Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giu-đa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Ít-ra-en, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Ít-ra-en. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).

Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt Ít-ra-en, xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. 

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành mà Ngài đã củng cố cho mình.

Xướng: Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Người. 

Bài Ðọc II: Dt 10, 5-10

“Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”.

Bài trích thơ gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giê-su phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: ‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'”.

Sách ấy bắt đầu như thế này: “Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Ðoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giê-su Ki-tô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 38

Alleluia, alleluia! “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 39-45

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Ngày ấy, Ma-ri-a chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giu-đê-a. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà I-sa-ve. Và khi bà I-sa-ve nghe lời chào của Ma-ri-a, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà I-sa-ve được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Vì yêu thương, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài nhập thể làm người để cứu độ chúng ta. Trong niềm hân hoan đợi chờ Ngôi Hai Thiên Chúa ngự đến, chúng ta cùng dâng những lời nguyện xin:

1. “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị mục tử trong Hội Thánh, luôn biết thực thi ý Chúa và sống thánh thiện như lòng Chúa ước mong.

2. “Từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các nhà lãnh đạo quốc gia, luôn biết dấn thân phục vụ mọi người, để con người và xã hội ngày càng được thăng tiến hơn.

3. “Họ sẽ được an cư lạc nghiệp”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người di dân và vô gia cư, sớm tìm được nơi ở và công việc xứng hợp với phẩm giá con người.

4. “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này”.Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, biết quan tâm đến những anh chị em đang gặp khó khăn trong cuộc sống và tận tình thương giúp họ.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xưa kia Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã vội vã lên đường mang Chúa Giê-su đến cho bà Ê-li-sa-bét. Ngày nay, xin Cha cho chúng con cũng biết noi gương Đức Ma-ri-a, luôn nhiệt thành đem Chúa Giê-su đến cho anh chị em chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xưa Thánh Thần Chúa đã dùng quyền năng làm cho Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a thụ thai; giờ đây, xin Chúa cử Người đến thánh hoá lễ vật chúng con dâng trên bàn thờ này. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng II

Ca hiệp lễ

Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận bí tích Thánh Thể là bảo chứng ơn cứu chuộc muôn đời. Xin cho chúng con càng gần tới lễ Giáng Sinh càng thêm lòng sùng mộ để sốt sắng mừng mầu nhiệm Con Chúa giáng trần cứu độ chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Suy niệm

Đường lối Chúa

Trong Kinh Thánh, có lần qua môi miệng các tiên tri, Chúa đã phán: Tư tưởng và đường nẻo của Ta không phải tư tưởng và đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng và đường lối của Ta cũng sẽ cao hơn tư tưởng và đường lối của các ngươi bấy nhiêu.

Trải qua dòng lịch sử, Ngài đã thực hiện đúng như thế. Đọc lại Cựu Ước chúng ta thấy, Đavít chỉ là một trẻ nhỏ đi chăn chiên tại Bêlem, thế nhưng Chúa đã chọn và đặt Đavít lên làm vua, chiến thắng được đạo quân hùng mạnh của Goliat và dẫn đưa dân Do Thái tới một thời đại hoàng kim.

Trường hợp của tiên tri Giêrêmia cũng vậy. Lúc bấy giờ ông mới chỉ là một em nhỏ còn nói cà lăm, thế nhưng Chúa đã chọn ông làm tiên tri để chuyển đạt thánh ý của Ngài cho toàn dân Do Thái.

Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Chúa cũng đã hành động như vậy. Trước mặt người đời thì Đức Maria và bà Isave là hai người không có hy vọng sinh con. Đức Maria thì khấn giữ mình đồng trinh. Còn bà Isave thì vừa son sẻ, lại vừa cao niên. Quan niệm dân Do Thái cũng giống như quan niệm của người Việt Nam ngày xưa, coi sự kiện đông con nhiều cháu là một phúc lành do trời trao ban vì thế trong những dịp đầu xuân năm mới, chúng ta thường cầu chúc cho nhau: đa tử đa tôn đa phú quý, đông con nhiều cháu và giàu sang. Bởi đó son sẻ và đồng trinh sẽ bị người đời cười chê, vì phải chăng đó là dấu bị Chúa chúc dữ? Phải chăng đó là dấu chỉ tương đường với sự chết bởi vì nếu chết là hết sống, thì son sẻ và đồng trinh là hết chuyển thông dòng sự sống.

Thế nhưng Thiên Chúa đã chọn những người bất hạnh và yếu kém như thế để làm những việc trọng đại. Đức Maria thì được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Cứu Thế. Còn bà Elisabeth thì được chọn làm mẹ Gioan, vị tiền hô dọn đường và giới thiệu Đấng Cứu Thế cho muôn người.

Tuy nhiên đường lối của Chúa là một chuyện, sự kêu mời của Chúa là một chuyện, điều quan trọng là chúng ta có biết cộng tác với Chúa hay không. Trong chiều hướng này, thánh Augustinô đã nói: Khi tạo dựng nên chúng ta Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài.

Bởi đó mặc dù chúng ta là những kẻ hèn kém và yếu đuối, nhưng nếu chúng ta biết xin vâng như Mẹ Maria và biết cộng tác với ơn Chúa như và Isave, Chúa cũng sẽ làm cho chúng ta những việc kỳ diện, đó là biến chúng ta trở nên người đem Chúa đến cho muôn dân.

Mẹ Maria

Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại: Ngày kia, mẹ đến thăm một nhà thương rất tối tân tại Anh quốc. Mọi căn phòng đều khang trang, sáng sủa và được trang bị đủ mọi thứ máy móc cùng với những tiện nghi, cân xứng với số tiền phải trả. Ngoài ra các y tá, nhân viên làm việc rất nhã nhặn và lịch sự.

Nhưng mẹ nhận thấy một điều kỳ lạ và hỏi vị bác sĩ đang hướng dẫn mẹ đi thăm:

– Thưa bác sĩ, tại sao các bệnh nhân, cứ mỗi lần thấy ai vào là họ cùng đồng loạt quay nhìn về phía cửa vậy?

Câu trả lời của ông bác sĩ rất đơn sơ nhưng đượm vẻ buồn buồn:

– Thưa mẹ, vì họ luôn chờ đợi một ai đó trong số bà con thân thuộc đến thăm, nhưng chẳng có ai đến thăm họ bao giờ.

Từ câu chuyện này, chúng ta đi vào nỗi chờ mong của nhân loại. Thực vậy, sau khi nguyên tổ phản bội, Thiên Chúa đã hứa ban cho con người một Đấng Cứu thế qua lời tuyên phán với Eva: Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa ngươi và người phụ nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người phụ nữ. Người phụ nữ sẽ đạp dập đầu ngươi, còn ngươi chỉ rình cắn trộm gót chân người.

Trải qua dòng thời gian, Thiên Chúa đã chọn dân Do Thái để duy trì lời hứa thuở ban đầu. Và hình ảnh Đấng Cứu thế mỗi ngày một thêm rõ nét.

Chẳng hạn tiên tri Isaia đã xác định: Một trinh nữ sẽ thụ thai sinh hạ một con trai và tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Suốt dọc thời gian, nhân loại đã mò mẫm tìm kiếm Thiên Chúa. Và nhất là dân Do Thái, họ khắc khoải chờ mong Đấng Cứu thế sẽ đến để giải thoát họ, mỗi khi đất nước họ gặp phải tai ương hoạn nạn. Nỗi khắc khoải chờ mong ấy đã kết tinh thành những lời nguyện cầu tha thiết: Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời.

Và khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã thực hiện lời phán hứa thuở xưa bằng cách sai Con Một Ngài xuống trần để cứu độ chúng ta. Tuy nhiên, để Ngôi Lời có thể mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta, Thiên Chúa đã chọn Đức Maria để cộng tác với Ngài trong việc thực hiện chương trình cứu độ mà Ngài đã ươm mơ từ muôn ngàn thuở trước.

Với lời xin vâng của Mẹ trong hoạt cảnh truyền tin, lời hứa thuở ban đầu đã trở thành sự thật. Thiên Chúa đã đến với con người để giải thoát họ khỏi án phạt của tội lỗi. Thế nhưng, trước khi đem Chúa đến cho nhân loại, thì ngày hôm nay bằng hành động thăm viếng, Mẹ Maria đã đem Chúa đến cho nhà bà Êlisabéth, khiến cho Gioan được nhảy mừng.

Mẹ đã trở thành mẫu gương lý tưởng cho người Kitô hữu, bởi vì Mẹ không phải chỉ có Chúa trong tâm hồn, mà còn đem Chúa đến cho người khác.

Noi gương Mẹ Maria, bằng những hành động bác ái yêu thương, chúng ta cũng hãy đem Chúa đến cho những người chung quanh. Đó cũng chính là sứ điệp chúng ta cần phải thực hiện trong Mùa Giáng sinh này.

Niềm vui trong Thánh Thần
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Bài Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Elizabeth vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Thánh Gioan Baotixita vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hoà chung, biến buổi gặp gỡ thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Nguồn gốc của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc. Ta thấy được ơn Chúa Thánh Thần qua những dấu hiệu sau đây.

Dấu hiệu thứ nhất: ơn khiêm nhường.

Tâm hồn có Chúa Thánh Thần sẽ trở nên khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết thân phận mình hèn yếu, bé nhỏ, tội lỗi. Khiêm nhường vì biết tất cả những ơn nhận được không phải do công trạng của mình nhưng là do lòng thương xót của Chúa. Vì thế, khi nhận được tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã xưng mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa”. Bà Elizabeth khiêm nhường tự hỏi: “Bởi đâu tôi được phúc đón tiếp Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. Và Đức Maria đã trả lời bằng một bài ca khiêm nhường ngợi khen Thiên Chúa vì tình yêu thương đã đoái thương đến phận hèn nữ tỳ của Chúa.

Dấu hiệu thứ hai: ơn bác ái.

Thánh Thần là tình yêu. Đến đâu là đốt lên lửa bác ái ở đấy, Ngài đã rợp bóng trên Đức Maria và lập tức Đức Maria được tràn đầy lòng bác ái, đã nghĩ đến bà chị họ. Đức Maria không nghĩ phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và chuẩn bị cho bản thân trong thời kỳ sinh nở sắp tới, nhưng đã nghĩ phải ra đi giúp bà chị họ neo đơn, yếu mệt. Đây là một lòng bác ái mạnh mẽ, nên Đức Maria vội vã lên đường ngay, không chần chừ, không tính toán. Lòng bác ái không chỉ hướng về những người thân trong gia tộc mà còn mở rộng ra cho cả dân tộc, cả đồng loại. Nên trong bài Magnificat, Đức Maria đã nhớ đến công ơn tổ tiên và nhớ đến cả dân tộc.

Dấu hiệu thứ ba: ơn quên mình.

Được ơn Chúa Thánh Thần tác động, tâm hồn sẽ quên bản thân mình. Trước hết quên mình để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã hoàn toàn quên mình khi thưa với thiên thần: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền”. Không những quên mình cho thánh ý Chúa, Đức Maria còn quên mình vì tha nhân. Ngài quên mình cũng đang mang thai, cần được nghỉ ngơi, cần được chuẩn bị, chỉ nghĩ đến bà chị họ thai nghén ốm yếu, nên đã bỏ nhà ra đi thăm viếng. Ngài quên mình là khách mời trong tiệc cưới Cana, nên đã xuống bếp giúp đỡ việc bếp núc, và hoà vào cả nỗi lo của chủ nhà thiếu rượu. Ngài quên mình nên đã theo Đức Giêsu và can đảm đứng dưới chân thập giá, cùng chịu đau đớn nhục nhã với Con.

Dấu hiệu thứ tư: ơn phục vụ.

Lòng bác ái, sự khiêm nhường và sự quên mình được kết tinh ở cao điểm phục vụ. Tâm hồn được Chúa Thánh Thần tác động sẽ tìm phục vụ như tìm niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì thế Đức Maria không quản thân phận là Mẹ Thiên Chúa đã đến phục vụ cho bà Elizabeth. Đức Maria cũng không nề hà mình đang thời kỳ thai nghén đã vui vẻ phục vụ người họ hàng cần sự giúp đỡ. Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã tự nguyện trở nên tôi tớ để phục vụ con người. Đó chính là kết tinh của ơn Chúa Thánh Thần.

Với tất cả những đặc điểm của ơn Chúa Thánh Thần, cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Thánh Gioan Baotixita còn trong bào thai đã trở thành cuộc gặp gỡ của niềm vui: niềm vui ơn cứu độ. Nhờ những chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, hai người mẹ và hai bào thai đã họp thành cộng đoàn biết đón nhận và trao tặng ơn cứu độ. Đã tập họp thành Nước Thiên Chúa, đã là cộng đoàn đầu tiên đón nhận được ơn cứu độ, tiên báo cho Giáo Hội và Nước Thiên Chúa.

Chỉ còn vỏn vẹn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, ta hãy noi gương Đức Maria, nài xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn ta nên xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế. Ta hãy xin Đức Maria dạy ta biết sống theo ơn Chúa Thánh Thần trong khiêm nhường, bác ái, quên mình và phục vụ, để ta được niềm vui đón nhận ơn cứu độ.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Có những dấu chỉ nào cho thấy ơn Chúa Thánh Thần?

2. Nhờ đâu cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth tràn đầy niềm vui?

3. Những cuộc viếng thăm gặp gỡ của bạn có đem lại niềm vui cho người khác và cho chính bạn không?

TÔI ĐÂY LÀ NỮ TỲ
(CHÚA NHẬT TUẦN 4 MÙA VỌNG NĂM C)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 4 Mùa Vọng, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa không nỡ để nhân loại rơi vào cõi chết, nên, đã thương sai Con Một giáng trần cứu chúng ta. Xin Chúa cho những ai đến thờ lạy Chúa Hài Nhi cũng được thông phần vào đời sống của một Vị Cứu Tinh nhân từ như vậy.

Thông phần vào đời sống của Vị Cứu Tinh nhân từ, nếu ta luôn nhớ tới lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Xion được phục hưng: Không có bản văn nào trong Cựu Ước công bố ơn cứu độ hùng hồn như bản văn này. Thiên Chúa yêu thương chúng ta không chỉ bằng những tâm tình của người cha, mà còn của một người mẹ nữa: Thành Thánh từng mất con cái vì chúng phải lưu đày, nay tìm lại được nhiều hơn, và đằng sau những lời này, ta còn thấy một đoàn lũ những người ngoại giáo gia nhập cộng đoàn, ngày nay là Hội Thánh. Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Chúa phán: Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Lạy Chúa, dù cha mẹ có bỏ con đi nữa; thì đã có Chúa đón nhận con.

Thông phần vào đời sống của Vị Cứu Tinh nhân từ, nếu ta ý thức thân phận hèn mọn của mình cần được Chúa thương đoái đến, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bênađô nói: Cũng như tội lỗi đã bắt đầu từ người phụ nữ, thì ơn phúc cũng bắt đầu từ những người phụ nữ, đồng thời sự sống đã mất đi, vì sự sa ngã của một người phụ nữ, nay được hoàn lại cho thế giới, nhờ hai người phụ nữ đang cùng nhau ca hát… Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn. Đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Thông phần vào đời sống của Vị Cứu Tinh nhân từ, nếu ta biết ngoan ngùy, vâng phục và tin nhận Đấng mà Chúa Cha sai đến, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Mikha rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 79, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ. Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thư Hípri cho thấy: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài… Chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Trong bài Tin Mừng, bà Êlisabét kêu lớn tiếng và nói rằng: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Thiên Chúa đã làm cho ta nên cao trọng, khi ban ân huệ rất lớn lao, đến nỗi, không miệng lưỡi nào giải thích nổi, mà phải có lòng mến yêu sâu thẳm, mới mong hiểu phần nào. Vì thế, ta phải đem hết sức lực của linh hồn để dâng lời cảm tạ. Đời sống của ta cùng với mọi cảm nghĩ và hiểu biết, ta dùng tất cả để chiêm ngưỡng ân huệ cao quý vô song đó với tâm tình tri ân cảm tạ, bởi vì, trong chính Đức Giêsu, Đấng cứu độ ta, thần trí ta được hớn hở vui mừng. Chỉ có linh hồn nào được Chúa đoái thương, làm cho những việc trọng đại, mới có thể ngợi khen Người, và chia sẻ niềm vui của mình với người khác. Chúa không nỡ để nhân loại rơi vào cõi chết, nên, đã thương sai Con Một giáng trần cứu chúng ta. Ước gì khi đến thờ lạy Chúa Hài Nhi, ta cũng được thông phần vào đời sống của một Vị Cứu Tinh nhân từ như vậy. Ước gì được như thế!


 

Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

CN 4 MVc 3

Lc 1, 39-45
“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
          
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
          
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 

GẶP GỠ: THÀNH SỰ TẠI NHÂN
(Chúa Nhật IV Mùa Vọng C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Gặp gỡ là cùng có mặt tại một không gian, là sự giáp mặt, tiếp xúc giữa những người thân quen hay cùng có một mối liên hệ nào đó. Vào Chúa Nhật IV Mùa Vọng C này Giáo Hội khi dọn cho chúng ta bàn tiệc Lời Chúa, đặc biệt qua bài Tin Mừng, muốn giới thiệu hai cuộc gặp gỡ. Một là giữa hai chị em Isave và Maria và hai là giữa Thai Nhi Giêsu với bà Isave và Thai nhi Gioan Tẩy giả. Đã nói đến sự gặp gỡ thì hàm ý có những hiệu quả tốt đẹp phát sinh. Qua cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ cũng như hai thai nhi trên, hiệu quả tốt đẹp đã xảy ra. Bà Isave đầy ân sủng Thánh Thần, xác nhận sự diễm phúc của cô em Maria cũng như nói lên hồng ân mà trẻ bé Gioan Baotixita trong dạ của bà đang hưởng nhận. Chúng ta đừng quên cuộc gặp gỡ ấy cũng đem niềm vui cho cả nhà Giacaria, vì nay đã có người góp sức cho việc hạ sinh trẻ Gioan. Điều này được hé lộ khi Tin Mừng tường thuật rằng Maria ở lại với gia đình Giacaria – Isave độ ba tháng mới trở về nhà mình (x. Lc 1, 56).
          
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng”. Câu đối của người xưa nhấn mạnh đến cái duyên, tức là phần số đã được trời sắp đặt, chuẩn bị, an bài từ trước, như là nguyên nhân chính làm nên sự gặp gỡ hay không gặp gỡ. Theo viễn kiến này, thì người ta cũng có thể nói như người xưa: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” hoặc như tác giả Thánh Vịnh: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126, 1). Thế nhưng dưới cái nhìn của mạc khải thời Tân Ước, thì phải chăng chúng ta cũng có thể nói ngược lại: Mưu sự tại thiên. Thành sự tại nhân.
          
Mưu sự tại thiên: Thiên Chúa đã yêu thương, chọn gọi loài người từ ngàn xưa để ban cho con người hạnh phúc vĩnh cửu là thông phần sự sống với Người trong Con Một của Người là Đức Kitô. Thánh Phaolô đã trình bày ý định nhiệm mầu này bằng bản thánh ca: “…Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người… (Ep 1, 3-14).
          
Thánh ý của Thiên Chúa là ban cho thế gian chính Con Một dấu yêu, trong một thân xác cụ thể, làm dấu chỉ và làm phương thế cho sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã nói: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10, 5-7).
          
Khi ban Người Con Một vào trần gian, Thiên Chúa muốn mạc khải cho biết nguồn gốc đích thực của mọi loài, cách riêng loài người chúng ta chính là Người, vị Thiên Chúa duy nhất đầy quyền năng đáng tôn thờ và cũng là người Cha đầy lòng thương xót đáng mến yêu trên hết mọi sự, đồng thời qua đó, mạc khải cho chúng ta biết mình là anh chị em với nhau, bất phân màu da, sắc tộc, ngôn ngữ… (x.Mt 5, 9; 43-48). Nói một cách không sợ sai lầm rằng chúng ta đã biết một trong những nội hàm của “mưu sự tại thiên”: Đó là Thiên Chúa muốn mọi người gặp gỡ Người để được hạnh phúc và gặp gỡ nhau để sống tình huynh đệ.
          
Thành sự tại nhân: Chúng ta vốn quen với câu nói của thánh giáo phụ Âugustinô: “Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà không cần có tôi”. Thánh giáo phụ vừa nói lên quyền năng cao cả của Thiên Chúa, vừa nói lên đường lối của Người, Đấng là Tình Yêu (x.1Ga 4, 8). Thiên Chúa đã thương ban cho loài người, hình ảnh của Người, có lý trí và ý chí tự do. Đây là hệ lụy tất yếu của tình yêu. Tình yêu đòi hỏi có sự ý thức và tự nguyện. Có thể dễ bị hiểu lầm là kiêu ngạo khi đề cao vai trò của nhân loại. Thế nhưng đó là một cách thế hành động của Thiên Chúa. Dù rằng đầy quyền năng và không có sự gì là không thể, nhưng Thiên Chúa lại muốn có sự tự do cộng tác của con người trong việc thi ân, cứu độ con người.
          
Để chuẩn bị một dân tuyển lựa, Thiên Chúa không bắt ép, nhưng mời gọi Abraham, một người chăn nuôi súc vật đã khá cao niên lên đường (x.St 12, 1-5). Để cho Ngôi Lời Nhập thể cứu đời, Thiên Chúa không ra chỉ thị mà lại ngỏ ý, đề nghị Maria, một thiếu nữ thôn dã cộng tác (x.Lc 1, 26-38). Khi công khai rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu thường lặp đi lặp lại câu nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!” (Mt 11, 15).
          
Điều gì cần có nơi phía loài người để thánh ý Thiên Chúa được thành sự? Chúng ta có thể nhận ra đó là lòng thành và sự khiêm nhu trong một tâm hồn đầy lửa mến, khát khao sự thiện. Để cho thánh ý Thiên Chúa được thành hiện thực, nghĩa là có sự gặp gỡ thực sự giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với nhau, thì phía con người không thể thiếu:
          
- Một sự hướng thiện trong tình mến: Biết bao cuộc họp mặt giữa người với người, giữa vị đại diện quốc gia này với quốc gia kia mà vẫn chưa trở thành sự gặp gỡ, nghĩa là chưa mang lại kết quả. Trong nhiều lý do rất có thể có lý do là một trong hai phía chưa thực sự có tình yêu thương nhau hoặc chưa thực sự hướng thiện, nghĩa là tìm kiếm điều tốt trong chân lý.
          
- Một tấm lòng thành đầy sự khiêm nhu: Khi sinh thời, cách riêng trong quãng đời rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã tiếp xúc rất nhiều người nhưng vẫn có đó không ít người chưa gặp gỡ Người mà trong số đó có nhiều người biệt phái, luật sĩ. Lý do chính yếu mà Tin Mừng tường thuật, đó là vì họ thiếu lòng thành và sự khiêm hạ. Họ là những người có tai mà không nghe, đúng hơn là không thèm nghe; có mắt mà không thấy, đúng hơn là không muốn thấy. Làm sao có sự gặp gỡ khi một phía cố tình bịt tai, che mắt?
          
Trở lại với hai bà mẹ đang mang thai, một trẻ, một già là Đức Maria và bà Isave. Tình yêu của của hai bà mẹ dành cho Thiên Chúa, cho con người thì đã quá rõ. Một người tuy như là bất hạnh trước người đời vì son sẻ mà vẫn kiên trung trong sự công chính trước mặt Thiên Chúa và không ai chê trách được điều gì (x.Lc 1,6), một người thì tràn trề ân sủng (x.Lc 1,28), và cả hai đều đầy ơn Thánh Thần (x.Lc 1,35; 41). Lòng thành và sự khiêm hạ của Maria đã rõ nét qua lời thưa xin vâng và lời ca Magnificat “Chúa đã đoái thương phận hèn tớ nữ…” (x. Lc 1, 48). Bà Isave đã nhìn nhận tất cả là ơn Chúa “khi Người đã thương cất nỗi hổ nhục bà phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1, 25).
          
Thiên Chúa không chỉ muốn mà còn tìm mọi cách để gặp gỡ con người, đồng thời giúp con người gặp gỡ nhau. Thế nhưng trong vấn đề này, chúng ta có thể nói rằng “mưu sự tại thiên mà thành sự tại nhân” vậy.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật thứ tư mùa Vọng C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN4MVc 2


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca. (Lc 1, 39-45)

Ngày ấy, Ma-ri-a chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giu-đê-a. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà I-sa-ve. Và khi bà I-sa-ve nghe lời chào của Ma-ri-a, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà I-sa-ve được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa Vọng - Năm C
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


Suy niệm

Có niềm vui nào lớn cho bằng niềm vui khi được đón tiếp một vị khách quý ghé thăm gia đình, ghé thăm cộng đoàn, hơn nữa, vị khách đó còn đem đến cho bản thân, cho gia đình một món quà vô giá, có thể làm thay đổi cuộc đời, thay đổi giá trị con người ngay từ hôm nay và trong tương lai, vị khách đó là Thiên Chúa. Chúa nhật thứ tư mùa Vọng được coi là ngày chuẩn bị cuối cùng của con người để đón Con Thiên Chúa ghé thăm dân Người. Biến cố thăm viếng của Đức Maria tới gia đình ông Da-ca-ri-a như là biểu tượng của chuyến thăm viếng đầy ý nghĩa và giá trị thiêng liêng.

Sự xuất hiện của các tiên tri như thổi vào đời sống tinh thần của dân riêng Thiên Chúa một luồng gió mới, các ngài đã khích lệ tinh thần tôn giáo, đồng thời cũng sửa lại những gì chưa hoàn thiện, hơn nữa, các ngài còn loan báo về một Đấng Mêsia sẽ đến nay mai, Ngài sẽ đem hòa bình và niềm vui tới cho nhân loại, và đó cũng là tâm tình của bài đọc 1 trích từ sách tiên tri Mi-kha: “Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giu-đa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Ít-ra-en, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Ít-ra-en”. Như một con gà mẹ quy tụ đoàn con dưới cánh, Thiên Chúa sẽ đem tất cả con cái Ngài đang ở đó đây trở về dưới một mái nhà, cùng chia sẻ niềm vui cứu độ đến từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Dừng lại bên dòng chảy của lịch sử, tác giả thư gởi người Do-thái đã cảm nghiệm được ý nghĩa cứu độ qua biến cố Con Thiên Chúa giáng trần, tất cả vì yêu thương con người: “Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giê-su phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: ‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'”. Thiên Chúa đến với con người khởi đi từ tình yêu, tình yêu thôi thúc Ngài cúi xuống, tình yêu soi bước Ngài đến với mọi nhà, mọi người và cuối cùng, tình yêu dẫn Ngài lên tới đỉnh cao Núi Sọ, một tình yêu tha thứ và cứu độ.

Khởi đi từ tình yêu, Thiên Chúa Cha trao người Con duy nhất cho con người, người Con đó đi vào lịch sử nhân loại qua biến cố truyền tin. Từ biến cố đó, bước chân của người nữ đi thăm viếng người chị họ, phóng chiếu hình ảnh bước chân của Thiên Chúa đang đi tới gia đình nhân loại, thăm viếng từng người và mọi người, bước chân đó còn đưa Ngài tới thăm hỏi những người bất hạnh, tứ cố vô thân giữa dòng đời: “Ngày ấy, Ma-ri-a chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giu-đê-a. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà I-sa-ve. Và khi bà I-sa-ve nghe lời chào của Ma-ri-a, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà I-sa-ve được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc!”. Một con người đầy Thánh Thần, một con người mang Thiên Chúa trong cung lòng, vượt đường xa vạn dặm, tới thăm một gia đình bất hạnh như nhân loại. Quả là một hình ảnh trên cả tuyệt vời: Thiên Chúa ghé thăm con dân của Ngài.

Hình ảnh một người phụ nữ từng bước chân thoăn thoắt, vượt muôn dặm đường xa, tới thăm một gia đình nhỏ, một gia đình thiếu may mắn, gợi nhắc cho người tín hữu nói riêng và nhân loại nói chung, đó là hình ảnh một con người mang đầy Chúa trong tâm hồn, một người biến cung lòng mình trở thành ngôi nhà tạm cho Thiên Chúa ẩn mình. Khi con người đầy Chúa, họ mạnh dạn lên đường, họ sẵn sàng từ bỏ bản thân, chia sẻ với tha nhân và dám cúi xuống để phục vụ khi anh chị em cần đến đôi bàn tay nhân ái.

Thiên Chúa đi bước trước trong sự khiêm nhường, Ngài chấp nhận một phận người yếu đuối, bị bắt nạt, bị truy đuổi và bị xa lánh, tất cả chỉ vì sự khiêm nhường của tình yêu. Tình yêu đích thực đưa con người tới sự khiêm nhường đúng nghĩa. Sự khiêm nhường đó dẫn lối cho con người đến với tha nhân trong tâm tình chia sẻ, dám đối diện với mọi khó khăn để đến với tha nhân khi họ cần, sự khiêm nhường đó còn đưa con người đi xa hơn khi họ dám ra khỏi cái tôi của mình để phục vụ tha nhân, người chị họ tuổi già, sẽ sinh con trong tình trạng mệt mỏi, cần sự giúp đỡ và chia sẻ, người phụ nữ mang Chúa trong mình đã cúi xuống phục vụ người thân yêu của mình. Sự khiêm nhường thực sự không có tính toán, sẵn sàng xếp mọi công việc mình lại, ngồi bên cạnh tha nhân khi họ thấy đơn độc và mong manh giữa dòng đời. Một con người đầy Chúa và luôn có Chúa sẽ sống với tha nhân bằng một tình yêu vô vị lợi, sẵn sàng cho đi tất cả, kể cả sự sống.

Hình ảnh một người phụ nữ mang trong mình một hài nhi bé nhỏ, lên thăm viếng gia đình bà con, gợi lên hình ảnh một Thiên Chúa đang trên đường ghé thăm con cái của Ngài. Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại trong phận người để sẻ chia mọi âu lo, trăn trở và khổ đau của con người. Không quản mọi khó khăn, mọi gập ghềnh của mọi lối nẻo cuộc sống, Ngài ghé thăm mọi người, mọi nhà và mọi dân tộc, Ngài ở lại bên cạnh họ, ngồi bên giường bệnh với họ, dừng lại bên bàn ăn gia đình với họ và vội vã chạy đến khi họ phải đau đớn vì bệnh tật, thiên tai. Một gia đình mở toang mọi cánh cửa, đứng bên cổng đợi chờ vị khách quý là hình ảnh của một nhân loại đầy bi thương, họ mong họ đợi và họ hy vọng, tất cả chỉ mong cho cuộc đời được đổi thay, cánh cửa gia đình nhân loại có dám mở ra để đón Con Thiên Chúa vào đời hay không, tất cả tùy thuộc vào sự tự do chọn lựa của họ, Thiên Chúa đã đứng sẵn ngoài cửa, chỉ mong cánh cửa hé mở là Ngài bước vào với món quà là niềm vui, là hy vọng trên tay, là hạnh phúc cho con người.

Lạy Chúa, chuyến viếng thăm của Đức Maria là hình ảnh Thiên Chúa đang đến thăm viếng gia đình nhân loại, xin giúp chúng con biết bắt chước gia đình Da-ca-ri-a, mở toang mọi cánh cửa tâm hồn, dọn dẹp ngôi nhà tâm hồn thật sạch sẽ, ấm cúng để đón vị sứ giả của tình yêu trời cao ghé thăm. Dù biết rằng bước vào trần thế, Thiên Chúa có thể bị loại trừ, nhưng Ngài vẫn lên đường, vẫn chấp nhận, tất cả vì yêu, xin giúp chúng con sống ơn gọi chứng nhân cách tích cực, sẵn sàng đem Chúa đến cho tha nhân dẫu có gặp khó khăn, dẫu có nhiều cạm bẫy và thách đố trên hành trình đó, bởi sức mạnh của tình yêu là không có biên giới. Amen.

TẶNG TRAO
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”.

Trong “Bước Tới Gần Hơn!”, “Closer Walk!”, tác giả viết, “Cuộc sống thật bi thảm đối với một số người có quá nhiều thứ để sống, nhưng không biết sống cho ai, sống cho cái gì! Nói cách khác, họ không biết tặng trao!” - Catherine Marshall.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật cuối mùa Vọng cho thấy Đấng mà chúng ta cần “bước tới gần hơn” là chính Thiên Chúa, một Thiên Chúa luôn ‘tặng trao!’. Hội Thánh mời gọi con cái noi gương Mẹ Maria, lên đường, ra đi và ‘tặng trao’ như Thiên Chúa, Đấng luôn ‘tặng trao!’.
Với ngôn sứ Mikha, Thiên Chúa hứa ban cho dân Ngài một mục tử, “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel” - bài đọc một; bên cạnh đó, Mikha còn nói đến một phụ nữ, “Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Israel cho đến thời người sản phụ sinh con”. Người con được báo trước ấy là Chúa Giêsu Cứu Thế, Ngài sẽ là mục tử thực hiện những lời hứa xưa, mở ra một thời đại hoà bình. Ngài là tư tế hiến dâng chính mình làm của lễ trong tế tự giao ước mới, “Này con đây, con đến để thực thi ý Chúa!” - bài đọc hai. Ngài sẽ thi hành thánh ý Chúa Cha đến nỗi ‘tặng trao’ chính thân mình trên thập giá!

Tin Mừng hôm nay nói đến cuộc ra đi của Đức Maria, một phụ nữ lòng đầy Chúa đến với gia đình Zacharia. Cuộc gặp gỡ của hai người mẹ, ‘một già, đại diện cho giao ước cũ; một trẻ, đại diện cho giao ước mới’ đưa chúng ta về các giao ước mà Thiên Chúa cam kết thực hiện. Maria ‘tặng trao’ chính mình khi đến phục vụ người chị họ; qua đó, Mẹ ‘tặng trao’ Giêsu. Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm và bắt chước những bước chân thật đẹp đầy tình Chúa, thắm tình người của Mẹ.

Cả Maria và Elizabeth đều được chúc phúc khi họ đến với nhau; mỗi người là nguồn ân phúc cho người kia! Khung cảnh gặp gỡ nhắc chúng ta rằng, sự hiện diện của chúng ta dành cho nhau có ý nghĩa sâu sắc hơn trong những ngày áp lễ Giáng Sinh. “Trên đường đến nhà Elizabeth, Maria tiến bước nhanh nhẹn như một người có trái tim và cuộc sống tràn đầy Chúa, tràn đầy niềm vui của Ngài. Chúng ta đừng quên, hành động bác ái đầu tiên chúng ta có thể làm cho những người lân cận là trao cho họ một khuôn mặt thanh thản và tươi cười. Đó là mang niềm vui của Chúa Giêsu đến cho họ, ‘tặng trao’ Ngài như Mẹ Maria đã ‘tặng trao’ Elizabeth!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Ước gì mỗi người chúng ta sẽ là “Thân Mẫu Chúa” cho người khác! Chúa có thể hoạt động mạnh mẽ qua mỗi người chúng ta để chúc phúc và ban ân sủng cho người khác. Có như thế, chúng ta biết rõ, chúng ta “sống cho ai và sống cho cái gì”. Nhờ phép Rửa Tội, bạn và tôi được kêu gọi trở thành nguồn ân phúc của Thiên Chúa cho người khác, trở thành máng thông chuyển ân sủng cho người khác. Chúng ta làm điều đó với ‘chất lượng hiện diện’ của Mẹ Maria; một sự hiện diện chu đáo, yêu thương, chấp nhận, kiên nhẫn và quan tâm - khởi đi từ các mối tương quan với những người trong gia đình mình, trong cộng đoàn mình!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, lễ Giáng Sinh, lễ mừng Chúa trao tặng phẩm vị thần linh cho nhân loại để cứu nhân loại, đừng để cuộc sống con trở nên bi thảm khi không biết ‘tặng trao!’”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây