Lời Chúa NGÀY V BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Thứ năm - 26/12/2024 18:23 |   19
“Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.” (Lc 2,41-52)

29/12/2024
chúa nhẬt -NGÀY v trong tuần BÁT NHẬT giáng sinh
Lễ Thánh Gia Thất

thánh gia thất

Lc 2,41-52


TRỞ lại VỚI CHÚA ĐỂ TÌM THẤY NHAU
“Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.” (Lc 2,41-52)

Suy niệm: Qua lời truyền tin, Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se đều biết người con đang ở với mình chính là “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32), là Đấng Em-ma-nu-en, “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi” (Mt 1,21.23). Nhưng các ngài vẫn bất ngờ với những sự việc vượt tầm hiểu biết của mình. Biến cố lạc mất con hôm nay càng khiến các ngài ngỡ ngàng trước bức màn của mầu nhiệm. Dù có phần thảng thốt, bấn loạn khi đi tìm con, các ngài đã định vị đúng nơi phải tìm: Đền thờ, nhà của Thiên Chúa. Quả thật, ở đây các ngài đã tìm lại được người con của mình. Nhưng các ngài vẫn không thể hiểu hết lời Con mình nói: “Cha mẹ không biết con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

Mời Bạn: Thành viên trong gia đình Công giáo, dù sống chung một mái nhà, lắm lúc vẫn “đồng sàng dị mộng,” không hiểu nhau, lạc mất nhau, vì bao yếu tố chi phối: công ăn việc làm, kiếm tiền, lối sống cá  nhân ích kỷ, những bận tâm riêng tư… Nguyên lý sâu xa nhất để gắn kết gia đình trên nền tảng vững chắc: xây dựng trên đức tin, cùng duy trì mối tương quan gắn bó thân thiết với Chúa.
Sống Lời Chúa: Noi gương Thánh gia thất, bạn giữ sự nối kết với Chúa bằng việc cầu nguyện, đọc Lời Chúa mỗi ngày, nhất là gia đình cùng nhau tham dự Thánh lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa cho chúng con sống với nhau thành một gia đình, cộng đoàn. Xin giúp chúng con sống gắn kết với Chúa, tìm gặp Chúa mỗi ngày. Nhờ vậy, giữa khó khăn, thách đố của cuộc sống, chúng con vẫn luôn bình an, sống tình thân ái với nhau trong tình yêu Chúa. Amen.

Lễ Thánh Gia: Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con cũng biết noi gương Thánh Gia, để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúa là Thiên Chúa, nhưng, Chúa vẫn vâng phục cha mẹ trần gian, xin cho các bậc con cái luôn biết yêu thương, thảo kính ông bà cha mẹ, biết chăm lo cho các ngài khi còn sống, và biết hy sinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, khi các ngài đã qua đời. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
chúa nhẬt -NGÀY v trong tuần BÁT NHẬT giáng sinh
Lễ Thánh Gia Thất

Ca nhập lễ

Các mục đồng hối hả ra đi, tới nơi họ gặp thấy bà Ma-ri-a cùng với ông Giu-se, và gặp thấy Hài Nhi đặt trong máng cỏ.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hội Thánh thiết lập lễ Thánh Gia vào năm 1921 khi mà đời sống gia đình trở nên lỏng lẻo. Trong ngày lễ Thánh Gia, bổn phận các gia đình công giáo là cùng nhau học hỏi và noi gương mỗi phần tử trong gia đình thánh:

Thật vậy, nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì có thể nói: Gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa đơn độc, mà là một Thiên Chúa mang tính gia đình, trong đó Ba Ngôi tuy khác biệt nhau nhưng luôn ý thức về nhau, hằng sống chung, hằng hoạt động chung, và kết hiệp thắm thiết với nhau như một gia đình, tới mức độ tuy là Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất.

Gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi, thì mọi thành viên trong đó phải yêu thương nhau, hòa hợp với nhau đến mức hiệp nhất với nhau. Nhờ đó, gia đình trở thành một thiên đàng tại thế. Giờ đây, chúng ta cùng thống hối tội lỗi để cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con cũng biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Hc 3, 3-7. 14-17a

“Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ”.

Trích sách Huấn Ca.

Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.

Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người (x. c. 1).

Xướng: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. 

Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên Chúa.

Xướng: Nguyện xin Thiên Chúa từ Si-on chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giê-ru-sa-lem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con!

Bài Ðọc II: Cl 3, 12-21

“Về đời sống gia đình trong Chúa”.

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Ki-tô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Ki-tô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Cl 3, 15a. 16a

Alleluia, alleluia! – Nguyện cho bình an của Chúa Ki-tô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Ki-tô cư ngụ dồi dào trong anh em. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 41-52

“Hai Ông Bà gặp Chúa Giê-su đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Hằng năm cha mẹ Chúa Giê-su có thói quen lên Giê-ru-sa-lem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giê-su lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giê-ru-sa-lem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giê-ru-sa-lem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.

Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.

Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Na-da-rét, và Người vâng phục hai ông bà. Ma-ri-a mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giê-su thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giê-su đã nhập thể làm người và sống chu toàn bổn phận làm con nơi gia đình Na-da-rét với sự hướng dẫn của thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a. Noi gương gia đình Thánh Gia, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin:

1. “Tôi đã cầu nguyện và Đức Chúa đã ban điều tôi xin”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Đức Giám mục, linh mục, phó tế luôn ý thức mình được Thiên Chúa thánh hóa, để luôn biết, hy sinh và hết lòng phục vụ mọi người.

2. “Phúc thay bạn nào tôn sợ Thiên Chúa”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các tổ chức xã hội biết quan tâm đến việc giáo dục người trẻ theo tinh thần bác ái và yêu thương, để xã hội không ngừng phát triển trên nền tảng của tình yêu.

3. “Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu luôn biết quan tâm, chia sẻ với những người đói khổ, để thế giới nhận ra sự hoạt động của Thiên Chúa trong Hội Thánh Người.

4. “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn chu toàn bổn phận mến Chúa – yêu người. Nhờ đó, mỗi gia đình chúng ta trở thànhHội Thánh tại gia đích thực.

Chủ tế: Lạy Chúa là Đấng không ngừng quan phòng cho toàn thể nhân loại được sống trong tình yêu. Xin cho chúng con sống đúng vai trò và trách nhiệm được Chúa trao phó trong gia đình mình. Để từ đó, chúng con xứng đáng được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng của lễ đền tạ này lên trước Tôn Nhan: vì lời Thánh Mẫu Ðồng Trinh và thánh cả Giu-se cầu thay nguyện giúp, xin Chúa làm cho mọi gia đình chúng con được sống vững vàng trong ơn nghĩa Chúa và được luôn trên thuận dưới hòa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Giáng Sinh

Ca hiệp lễ

Thiên Chúa đã xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Cha nhân từ, Cha đã nuôi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc Thánh Thể, xin cho chúng con hằng biết noi gương Thánh Gia Thất, để sau đời khổ ải, được cùng Chúa Giêsu Kitô, Ðức Mẹ và thánh cả Giuse hưởng vinh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ba khuôn mặt

Mừng lễ Thánh Gia, chúng ta hãy nhìn vào thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu để rồi từ đó rút ra những bài học cụ thể cho bản thân mình.

Trước hết là thánh Giuse.

Ngài là cột trụ của gia đình. Thánh Kinh đã mô tả Ngài như một người công chính, luôn sống theo lề luật và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Còn gì đau khổ cho bằng một người chồng thấy vợ mang thai không do hành vi của mình. Nhưng một khi biết được là thánh ý Thiên Chúa, Ngài đã cúi đầu vâng theo. Ngài đã tuân hành chiếu chỉ của César Augustô lên đường xuống Bêlem đăng ký nhân hộ khẩu. Ngài đã tuân phục lệnh truyền của sứ thần đem Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai CẬp với bao nhiêu vất vả và khó khăn nơi đất khách quê người. Ngài đã noi giữ mọi lề luật: dâng con vào đền thờ và hằng năm lên Giêrusalem dự những lễ lớn. Suốt những năm tháng tại Nadarét, Ngài đã cặm cụi lao động sản xuất để nuôi sống gia đình.

Ước chi những người cha biết noi gương Ngài: Bình tĩnh trước những biến cố để nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Nhẫn nại làm việc để bảo đảm đời sống vật chất cho gia đình mình.

Tiếp đến là Đức Maria.

Mẹ đã chu toàn bổn phận của một người nội trợ, lo lắng chuyện bếp núc. Mẹ cũng đã chu toàn bổn phận một người vợ, luôn vâng phục thánh Giuse, và sau cùng Mẹ cũng đã chu toàn bổn phận của một người mẹ, luôn chăm sóc và lo lắng đến con mình là trẻ nhỏ Giêsu.

Ước chi những người mẹ biết noi gương Mẹ: Sẵn sàng tha thứ vì một sự nhịn là chín sự lành. Sẵn sàng lấy tình thương mà giáo dục con cái, vì con hư tại mẹ cháu hư tại bà. Sở dĩ như vậy vì người mẹ thường gần gũi với con cái hơn người cha, nên có một ảnh hưởng to lớn. Hãy giáo dục chúng trở thành những công dân tốt và những tín hữu trung kiên với Chúa.

Và sau cùng là Chúa Giêsu.

Mặc dù là Thiên Chúa, Ngài đã hạ mình xuống vâng phục và đón nhận những lời chỉ bảo của Mẹ Maria và thánh Giuse. Trong Thánh Gia có một sự đảo lộn đáng cho chúng ta suy nghĩ: Trước mặt người đời thì thánh Giuse là chủ, rồi đến Mẹ Maria và sau cùng là Chúa Giêsu. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, thì trước hết là Chúa Giêsu, rồi đến Mẹ Maria, và sau cùng là thánh Giuse. Thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn vui vẻ vâng lời hai đấng.

Ước chi những người con biết noi gương Chúa Giêsu, vâng theo những lời chỉ bảo của mẹ cha, vì cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư. Sở dĩ như vậy, vì khi dạy bảo, cha mẹ luôn yêu thương chúng ta và mong muốn chúng ta nên người.

Trong thánh lễ ngày hôm nay, chúng ta hãy cầu xin cho mỗi người chúng ta biết chu toàn những bổn phận trong gia đình, để gia đình của chúng ta sẽ là một mái ấm ngập tràn yêu thương và hạnh phúc.

Những Hêrôđê thời nay

Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay kể lại câu chuyện thánh Giuse đem Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập, để thoát khỏi sự bách hại của Hêrôđê và sau đó quay về Israel. Đặt bối cảnh câu chuyện trên trong Chúa nhật lễ Thánh Gia, chúng ta có thể hiểu đây là một lời nhắc nhở đến bổn phận của người làm cha làm mẹ đối với con cái.

Quả thực là ngày nay, không còn có những Hêrôđê dám công khai ra lệnh tru diệt hàng loạt trẻ nhỏ, những hình ảnh gần gũi nhất với Chúa. Nhưng nói thế không có nghĩa là không còn những Hêrôđê hiện đại tàn ác có khi còn hơn cả ngày xưa nữa. Không kể đến những Hêrôđê chuyên giết chết trẻ em ở Brasil, những Hêrôđê chuyên bắt cóc trẻ em để bán làm mãi dâm ở Bangkok… trong cuộc sống thường ngày, vẫn có thể có những Hêrôđê đang rình rập để phá hoại trẻ em: Một nền văn hoá không lành mạnh, với những phim ảnh, sách vở và báo chí khiêu dâm, một xã hội thiếu những giá trị đạo đức, luôn cổ võ cho bạo lực, khủng bố.

Ngay trong bầu khí gia đình, những Hêrôđê thời nay có thể là chính những người cha, những người mẹ đã tàn nhẫn giết chết con mình từ trong trứng nước bằng những hành động ngừa thai và phá thai mà mỗi ngày một gia tăng.

Những Hêrôđê thời nay có thể là những người cha, những người mẹ đã không biết nhường nhịn chịu đựng lẫn nhau, để rồi đã phá huỷ bầu khí gia đình bằng cách ly dị, đẩy con cái vào chốn bơ vơ lạc lõng.

Những Hêrôđê thời nay có thể là những người cha, những người mẹ không sống gương mẫu, dù chỉ là một hành vi nhỏ mọn, cũng có thể tác hại đến con cái của mình, ít nữa là về phương diện tinh thần. Không phải chỉ khi nào làm các em đau đớn về thể xác hay tinh thần, mà ngay cả khi nuông chiều một cách thái quá và vô lý… cũng đã là một cách đẩy các em vào chỗ chết. Và trong cuộc sống hiện nay không thiếu những trường hợp như thế, để cuối cùng các em trở thành những tội phạm.

Vì thế, thái độ tỉnh táo của thánh Giuse trước cuộc sống để bảo vệ Hài nhi Giêsu vẫn là tấm gương cho các bậc phụ huynh noi theo trong việc chăm sóc và giáo dục con cái mình.

Lập trường của Chúa Giêsu trong vấn đề này thật là quyết liệt như chúng ta đã từng thấy Ngài tuyên bố: Ai làm gương mù gương xấu cho một trong những trẻ này, thì thà cột cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn.

Hãy cần xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết ý thức và chu toàn bổn phận giáo dục con cái, để gia đình chúng ta có được một bầu khí yêu thương và đạo đức như Thánh Gia ngày xưa.

LẮNG NGHE LỜI CỦA CON CHÚA
(LỄ THÁNH GIA THẤT NĂM C)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Gia Thất, hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin Chúa làm cho chúng ta cũng biết học đòi mà ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời.

Hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời, nếu chúng ta luôn biết vâng phục thánh ý Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, nhân khi đề cập đến những mối tương giao trong gia đình, thánh Phaolô gợi lại mầu nhiệm tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Theo luật Chúa đã truyền, con cái phải tôn kính cha mẹ. Cùng với Đức Maria và ông Giuse, Chúa Giêsu trở về Nadarét, sống vâng phục các ngài.

Hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời, nếu chúng ta biết chu toàn sứ vụ mà Chúa đã ủy thác cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói: Nadarét là trường học để ta khởi sự tìm hiểu cuộc đời của Đức Giêsu; đó là trường học của Tin Mừng... Hãy vui mừng mà gắng nên hoàn thiện, hãy khuyến khích lẫn nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa. Hãy đem hết tâm hồn mà hát ca chúc tụng Thiên Chúa. Bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm cho tận tâm như thể làm cho Chúa.

Hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời, nếu chúng ta luôn ý thức mình là con, và luôn ở mãi trong nhà Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Samuen Quyển I cho thấy: Mọi ngày đời ông Samuen sống, ông sẽ được nhượng cho Đức Chúa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 83, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, phúc thay người ở trong nhà Chúa. Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái. Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật lại: Cha mẹ Đức Giêsu tìm thấy con đang ngồi giữa các bậc thầy. Chúng ta hãy mở lòng, lắng nghe lời của Con Chúa nói với chúng ta qua gia đình Nadarét: Nơi gia đình Nadarét, chúng ta học quan sát, lắng nghe, chiêm niệm và thấu hiểu ý nghĩa sâu xa và huyền diệu của việc Con Thiên Chúa xuất hiện cách đơn sơ và khiêm tốn. Chúng ta học được phương pháp giúp ta hiểu Đức Kitô là ai qua khung cảnh nơi Người cư ngụ giữa chúng ta: địa điểm, thời gian, phong tục, ngôn ngữ, nghi lễ tôn giáo, và tất cả những gì Người đã sử dụng để mặc khải chính mình cho thế gian. Nơi gia đình Nadarét, mọi sự đều lên tiếng, mọi sự đều có ý nghĩa. Trong trường học này, chúng ta cần phải có một kỷ luật thiêng liêng, nếu chúng ta muốn tuân theo giáo huấn của Tin Mừng và trở thành môn đệ của Đức Kitô. Chúng ta phải thật lòng mong muốn trở lại làm trẻ thơ, và đến học nơi ngôi trường Nadarét khiêm nhu nhưng cao cả này. Chúng ta phải khao khát được ở gần bên Đức Maria để bắt đầu học lại, phải sống như thế nào và tìm hiểu các chân lý của Thiên Chúa khôn ngoan siêu việt dường bao trong sự thinh lặng, trong lao tác hằng ngày, và trong tình liên đới với tất cả mọi người. Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Ước gì chúng ta cũng biết học đòi mà ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Ước gì được như thế!

 

Tin Mừng Lễ Thánh Gia Thất

Lễ Thánh Gia 2

Lc 2, 41-52
“Hai Ông Bà gặp Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
          
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.
          
Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.
          
Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.
          
Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
          
Ðó là lời Chúa.

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia Thất -Năm C
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 
 

TẾ BÀO

(Lễ Thánh Gia Thất) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Hằng năm vào Chúa Nhật tiếp ngay sau đại Lễ Giáng Sinh, Giáo hội cho đoàn tín hữu Công giáo mừng kính Thánh Gia Thất, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse. Chúng ta được nhắc nhớ về tầm quan trọng của gia đình trong việc làm người, việc xây dựng xã hội cũng như Giáo hội. Theo viễn kiến này xin có một cái nhìn về gia đình như là tế bào, tế bào của xã hội, của Giáo hội.
          
Tế bào là một đơn vị cấu trúc cơ bản có chức năng sinh học của sinh vật sống. Tế bào là đơn vị nhỏ nhất của sự sống có khả năng phân chia độc lập, và các tế bào thường được gọi là “những viên gạch đầu tiên cấu tạo nên sự sống” (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Dịp chuyển giao năm cũ năm mới, bước vào thế kỷ XXI, chương trình VTV3 đã vinh danh hai tín hữu Công giáo là nhạc sĩ Ngọc Lễ và ca sĩ Phương Thảo vì có công đề cao giá trị của gia đình qua âm nhạc, một phương thế có tính xã hội và dễ đi vào lòng người. Bài hát “Ba ngọn nến” được cất lên từ các thành viên của gia đình được vinh danh. “Ba là cây nến vàng. Mẹ là cây nến xanh. Con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh. Lung linh, lung linh tình mẹ tình cha…”.
          
Con Thiên Chúa chọn cách thế giáng trần từ một mái gia đình. Dù nghèo hèn nhưng tình mẹ tình cha mãi là chiếc nôi ấm cho Hài Nhi Giêsu chào đời, làm người. Sự hiện hữu của Con Thiên Chúa trong thân phận loài người nhờ Mẹ Maria cưu mang, sinh hạ, nhờ thánh cả Giuse giang tay đón nhận cả hai về nhà. Sự tồn tại của Hài Nhi nhờ tấm lòng và dòng sữa Mẹ Maria, nhờ sức lao công và sự bảo vệ của Giuse trước sự truy diệt của bạo vương Hêrôđê. Sự phát triển của Đấng làm người nhờ công lao giáo dục của bố mẹ Giuse – Maria. Một trong những ý nghĩa của việc đặt tên là giáo dục. Chính hai Đấng đã đặt tên cho trẻ là Giêsu theo lời sứ thần truyền (x.Mt 1,21; Lc 1,31).
          
Có thể nói rằng các tôn giáo và các chính thể xã hội đều nhìn nhận vai trò quan trọng của gia đình trong việc huấn luyện, giáo dục trẻ thơ thành người. Giáo hội Công giáo còn mạnh mẽ hơn khi xác quyết rằng vai trò ấy là không gì có thể thay thế. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói: Gia đình là mái trường đầu tiên dạy chúng ta biết sống nên người, nên người con cái Thiên Chúa. Từ trong nôi ấm, trong vòng tay của mẹ cha, trẻ thơ cảm nhận thế nào là tình thương. Và dần dà các bé học biết tin yêu, phó thác.
          
Gia đình còn được xem là tế bào của xã hội và của Giáo hội. Một cơ thể sống luôn tùy thuộc vào trạng thái của các tế bào. Căn bệnh ung thư hay HIV-AIDS đang hoành hành cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sức đề kháng của tế bào. Khi các tế bào cơ thể chúng ta mất sức đề kháng (liệt kháng) thì tính mạng sẽ bị đe dọa vì bất cứ sự tấn công nào của các loại virus độc hại. Nhìn vào xã hội các nơi trên thế giới, chúng ta phải nhìn nhận hiện thực này: Ở đâu giá trị gia đình bị hạ phẩm, nền tảng gia đình bị lung lay thì xã hội bị xáo trộn ngay và Giáo hội cũng gặp ngay nhiều vấn đề khó vượt qua.
          
Mừng kính Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse, Giáo hội kêu gọi đoàn con cái chiêm ngắm Gia đình thánh. Thánh Gia Thất là một tổ ấm đầy tình yêu trong sự liên đới và tinh thần trách nhiệm. Tin Mừng cho chúng ta biết chìa khóa hướng dẫn các Ngài, cả ba Đấng vuông tròn nghĩa vụ của mình, đó là: “Thực hiện lời Thiên Chúa truyền dạy” (x.Mt 1,24; Lc 1,38; Ga 4,34).
          
Đọc câu chuyện kể trên mạng xã hội: “linh mục quản xứ than thở với cặp vợ chồng già đang hạnh phúc bên nhau: “Không hiểu sao đám trẻ giờ lại dễ cạn tình, cạn nghĩa với nhau thế?”. “Thưa cha, có gì đâu, thời chúng con, hễ cái gì hư thì cố sửa mà dùng; giờ tụi nó hà, hỏng một tí là vứt bỏ, thay cái mới”. Không ai là hoàn hảo, không ai là không hề lầm lỗi, chúng ta cầu xin cho các đôi vợ chồng biết yêu thương nhau trong tình quảng đại để gìn giữ mái ấm gia đình. Xin cho các người cha người mẹ mặn nồng nghĩa phu thê, đồng tâm hiệp ý giáo dục con cái bằng tình yêu, gương sáng và lời lẽ khôn ngoan của mình. Thật phúc thay các gia đình có những người con tự nhiên vui vẻ hát ca: “Ba thương con, vì con giống mẹ. Mẹ thương con, vì con giống ba. Cả nhà ta cùng yêu thương nhau. Xa là nhớ. Gần nhau là cười” (Phan Văn Minh).

Tin Mừng Lễ Thánh Gia
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 2, 41-52)

Hằng năm, cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.

Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.

Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

Suy niệm

Nhắc đến gia đình là nhắc đến một nơi chốn thiêng liêng nhất của một phận người, đi đâu, làm gì hay sống ở đâu, con người luôn hướng về nơi thiêng liêng đó, luôn mong được trở về với mái ấm gia đình của mình, nơi đó họ tìm lại được chính mình, gặp lại những người thân thương và được ngụp lặn trong vòng tay ấm áp của tình gia đình. Lễ Thánh Gia mời gọi người tín hữu Kitô, hãy hướng về gia đình Thánh Gia để học lấy những bài học về tình gia đình, học cách ứng xử với nhau giữa các thành viên, đặc biệt học cách cộng tác với nhau để xây dựng tổ ấm, học cách tha thứ cho nhau và học cách yêu nhau đúng nghĩa của tình vợ chồng, tình Cha Mẹ - con cái và tình anh chị em trong cùng một tổ ấm.

Tác giả sách Huấn Ca đã ghi lại những kinh nghiệm của những người đi trước, đặc biệt là những bài giáo huấn của Thiên Chúa gởi tới các gia đình, để nhắc mọi thành viên trong mỗi gia đình, sống làm sao cho vẹn toàn chữ hiếu, nâng đỡ nhau cho sáng chữ tình: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ”. Không những tình yêu là nền tảng của mỗi gia đình, nhưng tình người còn là hơi ấm, là sức mạnh tinh thần, giúp gia đình đứng vững trước mọi thách đố và thăng tiến khi đối diện với mọi trào lưu chủ nghĩa tác động. Nếu mỗi gia đình luôn biết dành một chiếc ghế trong bàn ăn cho Đấng Tình Yêu ở lại đó, chắc chắn gia đình ấy sẽ ấm áp tình người và tình yêu lên ngôi.

Để có một gia đình trong ấm ngoài êm, ngoài ân sủng từ trời qua bí tích Hôn Phối, cần có sự cộng tác, chia sẻ và hy sinh của con người, đặc biệt là vợ chồng, cha mẹ, thánh Phaolô đã căn dặn con cái thành Ê-phê-sô, hãy sống quảng đại, tha thứ và hy sinh, anh em sẽ có một gia đình ấm êm, một gia đình đúng với từ tổ ấm: “Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”. Gia đình là một cộng đoàn nhỏ mang hình ảnh của cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa, vì thế, thánh nhân đề nghị mỗi thành viên hãy mặc lấy những tâm tình như Ba Ngôi Thiên Chúa, tôn trọng, yêu thương và đồng hành với nhau trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Cha Mẹ Con Thiên Chúa làm người luôn dành chỗ nhất cho gia đình mình, vì thế hàng năm, cả nhà đều trở về đền thờ lớn của mọi người cùng dâng lễ, dâng chính con cái mình và dâng cả những khó nhọc vất vả trong cuộc sống gia đình: “Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết”. Để duy trì được một thói quen về đời sống tôn giáo, Cha Mẹ trong mỗi gia đình cần có một nền tảng niềm tin sâu sắc và xác tín. Gia đình Thánh Gia đã làm được điều đó khi cả hai được sinh ra, lớn lên trong các gia đình có chiều sâu tâm tình tôn giáo và một đức tin kiên trung. Tất cả là nền tảng cho gia đình và là những bài học cơ bản trong việc giáo dục, hướng dẫn con cái lớn lên.

Gia đình Thánh đã đặt nền móng cho tổ ấm bằng một tinh thần tôn giáo sâu đậm, cả cha và mẹ đều được các vị tiền nhân dạy dỗ kỹ lưỡng với những bài học giáo lý căn bản, tất cả để được lớn lên và được làm người đúng nghĩa. Với kinh nghiệm tôn giáo đã đi vào từng hơi thở, từng nhịp sống, thánh Giuse và Mẹ Maria đã dạy con những bài học vỡ lòng về tôn giáo, hơn nữa, còn dạy con biết cùng với cộng đoàn cầu nguyện, cùng về đền thờ để dâng lễ vật cho Thiên Chúa, xin cho gia đình và mọi người được an bình, gia đình được ấm êm. Chính những bài học đó cùng với cách ứng xử giữa vợ chồng với nhau bằng những ngôn ngữ của tình yêu, gia đình ngày một thăng tiến, mỗi thành viên biết yêu thương và tôn trọng nhau hơn. Mỗi gia đình đều hướng về gia đình Thánh đó chắc sẽ tìm thấy cho mình một lối nẻo rất riêng để giúp nhau trong việc xây dựng tổ ấm, giúp nhau thăng tiến niềm tin và tình người.

Thiên Chúa luôn chúc lành cho các gia đình, chúc lành cho những ai quảng đại chọn ơn gọi hôn nhân để cộng tác với Ngài, nếu mỗi gia đình đều ý thức được điều đó, chắc sẽ có một cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương, tiếc thay, vì con người luôn có tính xã hội, luôn bị cuốn vào sự phát triển của xã hội, vì thế, nhiều yếu tố thiếu tích cực đã và đang len lỏi vào các gia đình, đặc biệt trong suy nghĩ và nhận thức của những bậc làm cha, làm mẹ. Từ đó, ý thức hệ về gia đình, cách chăm sóc và giáo dục con cái nặng tính khoa học và máy móc, thiếu tình thương, thiếu sự tôn trọng và thiếu cả tình gia đình, hậu quả là những đứa con ra đời trong niềm vui khoái lạc chứ không đến từ tình yêu. Những đứa con lớn lên trở thành nạn nhân của quyền lực, của tiền bạc và chủ nghĩa cá nhân, trở thành những ông hoàng, bà chúa trong mỗi gia đình, trật tự bị đảo lộn, cha mẹ trở thành những người phục vụ cho con cái mình, xã hội phải đáp ứng mọi nhu cầu cho giới trẻ, ông bà, người cao tuổi trở thành gánh nặng và bị loại trừ. Nhiều mẫu gia đình trông bề ngoài rất hạnh phúc nhưng sâu thẳm bên trong là địa ngục, là tổ nóng, là nơi sản sinh những cỗ máy cho xã hội thực dụng và thiếu đạo đức làm người.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều có một gia đình để trở về, để được yêu thương, xin Chúa chúc lành cho Cha Mẹ và mọi người trong gia đình chúng con, nhiều lúc chúng con chưa thực sự yêu thương gia đình của mình, xin Chúa tha thứ. Chúa đã chọn một gia đình nhỏ để được học làm người, được học làm con Thiên Chúa, xin giúp các bậc làm cha làm mẹ, biết giáo dục con cái trở thành những con người thực sự trong xã hội, những người có một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa, để mỗi gia đình luôn là một cộng đoàn thánh, một gia đình đầy ắp tình người và một nơi dạt dào tình thương và sự trân quý lẫn nhau. Amen.

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia -Năm C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Lễ Thánh Gia 4


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 2, 41-52)

Hằng năm, cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.

Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.

Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia - Năm C
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


 


Suy niệm

Nhắc đến gia đình là nhắc đến một nơi chốn thiêng liêng nhất của một phận người, đi đâu, làm gì hay sống ở đâu, con người luôn hướng về nơi thiêng liêng đó, luôn mong được trở về với mái ấm gia đình của mình, nơi đó họ tìm lại được chính mình, gặp lại những người thân thương và được ngụp lặn trong vòng tay ấm áp của tình gia đình. Lễ Thánh Gia mời gọi người tín hữu Kitô, hãy hướng về gia đình Thánh Gia để học lấy những bài học về tình gia đình, học cách ứng xử với nhau giữa các thành viên, đặc biệt học cách cộng tác với nhau để xây dựng tổ ấm, học cách tha thứ cho nhau và học cách yêu nhau đúng nghĩa của tình vợ chồng, tình Cha Mẹ - con cái và tình anh chị em trong cùng một tổ ấm.

Tác giả sách Huấn Ca đã ghi lại những kinh nghiệm của những người đi trước, đặc biệt là những bài giáo huấn của Thiên Chúa gởi tới các gia đình, để nhắc mọi thành viên trong mỗi gia đình, sống làm sao cho vẹn toàn chữ hiếu, nâng đỡ nhau cho sáng chữ tình: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ”. Không những tình yêu là nền tảng của mỗi gia đình, nhưng tình người còn là hơi ấm, là sức mạnh tinh thần, giúp gia đình đứng vững trước mọi thách đố và thăng tiến khi đối diện với mọi trào lưu chủ nghĩa tác động. Nếu mỗi gia đình luôn biết dành một chiếc ghế trong bàn ăn cho Đấng Tình Yêu ở lại đó, chắc chắn gia đình ấy sẽ ấm áp tình người và tình yêu lên ngôi.

Để có một gia đình trong ấm ngoài êm, ngoài ân sủng từ trời qua bí tích Hôn Phối, cần có sự cộng tác, chia sẻ và hy sinh của con người, đặc biệt là vợ chồng, cha mẹ, thánh Phaolô đã căn dặn con cái thành Ê-phê-sô, hãy sống quảng đại, tha thứ và hy sinh, anh em sẽ có một gia đình ấm êm, một gia đình đúng với từ tổ ấm: “Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”. Gia đình là một cộng đoàn nhỏ mang hình ảnh của cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa, vì thế, thánh nhân đề nghị mỗi thành viên hãy mặc lấy những tâm tình như Ba Ngôi Thiên Chúa, tôn trọng, yêu thương và đồng hành với nhau trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Cha Mẹ Con Thiên Chúa làm người luôn dành chỗ nhất cho gia đình mình, vì thế hàng năm, cả nhà đều trở về đền thờ lớn của mọi người cùng dâng lễ, dâng chính con cái mình và dâng cả những khó nhọc vất vả trong cuộc sống gia đình: “Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết”. Để duy trì được một thói quen về đời sống tôn giáo, Cha Mẹ trong mỗi gia đình cần có một nền tảng niềm tin sâu sắc và xác tín. Gia đình Thánh Gia đã làm được điều đó khi cả hai được sinh ra, lớn lên trong các gia đình có chiều sâu tâm tình tôn giáo và một đức tin kiên trung. Tất cả là nền tảng cho gia đình và là những bài học cơ bản trong việc giáo dục, hướng dẫn con cái lớn lên.

Gia đình Thánh đã đặt nền móng cho tổ ấm bằng một tinh thần tôn giáo sâu đậm, cả cha và mẹ đều được các vị tiền nhân dạy dỗ kỹ lưỡng với những bài học giáo lý căn bản, tất cả để được lớn lên và được làm người đúng nghĩa. Với kinh nghiệm tôn giáo đã đi vào từng hơi thở, từng nhịp sống, thánh Giuse và Mẹ Maria đã dạy con những bài học vỡ lòng về tôn giáo, hơn nữa, còn dạy con biết cùng với cộng đoàn cầu nguyện, cùng về đền thờ để dâng lễ vật cho Thiên Chúa, xin cho gia đình và mọi người được an bình, gia đình được ấm êm. Chính những bài học đó cùng với cách ứng xử giữa vợ chồng với nhau bằng những ngôn ngữ của tình yêu, gia đình ngày một thăng tiến, mỗi thành viên biết yêu thương và tôn trọng nhau hơn. Mỗi gia đình đều hướng về gia đình Thánh đó chắc sẽ tìm thấy cho mình một lối nẻo rất riêng để giúp nhau trong việc xây dựng tổ ấm, giúp nhau thăng tiến niềm tin và tình người.

Thiên Chúa luôn chúc lành cho các gia đình, chúc lành cho những ai quảng đại chọn ơn gọi hôn nhân để cộng tác với Ngài, nếu mỗi gia đình đều ý thức được điều đó, chắc sẽ có một cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương, tiếc thay, vì con người luôn có tính xã hội, luôn bị cuốn vào sự phát triển của xã hội, vì thế, nhiều yếu tố thiếu tích cực đã và đang len lỏi vào các gia đình, đặc biệt trong suy nghĩ và nhận thức của những bậc làm cha, làm mẹ. Từ đó, ý thức hệ về gia đình, cách chăm sóc và giáo dục con cái nặng tính khoa học và máy móc, thiếu tình thương, thiếu sự tôn trọng và thiếu cả tình gia đình, hậu quả là những đứa con ra đời trong niềm vui khoái lạc chứ không đến từ tình yêu. Những đứa con lớn lên trở thành nạn nhân của quyền lực, của tiền bạc và chủ nghĩa cá nhân, trở thành những ông hoàng, bà chúa trong mỗi gia đình, trật tự bị đảo lộn, cha mẹ trở thành những người phục vụ cho con cái mình, xã hội phải đáp ứng mọi nhu cầu cho giới trẻ, ông bà, người cao tuổi trở thành gánh nặng và bị loại trừ. Nhiều mẫu gia đình trông bề ngoài rất hạnh phúc nhưng sâu thẳm bên trong là địa ngục, là tổ nóng, là nơi sản sinh những cỗ máy cho xã hội thực dụng và thiếu đạo đức làm người.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều có một gia đình để trở về, để được yêu thương, xin Chúa chúc lành cho Cha Mẹ và mọi người trong gia đình chúng con, nhiều lúc chúng con chưa thực sự yêu thương gia đình của mình, xin Chúa tha thứ. Chúa đã chọn một gia đình nhỏ để được học làm người, được học làm con Thiên Chúa, xin giúp các bậc làm cha làm mẹ, biết giáo dục con cái trở thành những con người thực sự trong xã hội, những người có một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa, để mỗi gia đình luôn là một cộng đoàn thánh, một gia đình đầy ắp tình người và một nơi dạt dào tình thương và sự trân quý lẫn nhau. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây