Lời Chúa CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – B

Thứ sáu - 16/08/2024 20:16 |   102
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51-58)

18/08/2024
chúa nhật XX thường niên – b

cn t20 TNb

Ga 6,51-58


thánh thể: sáng kiến tình yêu
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51-58)

Suy niệm: ĐTC Phan-xi-cô trong một buổi tiếp kiến chung (11/05/2011) suy niệm: Thiên Chúa đã có sáng kiến mạc khải Ngài là tình yêu nơi Đức Giê-su Ki-tô; còn Đức Giê-su thì mạc khải tình yêu Thiên Chúa nơi bí tích Thánh Thể. Quả thật, Chúa Giê-su đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13); và Ngài đã thực hiện đúng như thế khi hiến thân mình chịu chết trên thập giá để cho chúng ta được sống, rồi Ngài lại biến đổi bánh và rượu thành Thân Mình Chúa để chúng ta rước lấy và trở nên “một xương một thịt” với Ngài, nhờ đó chúng ta được sống và sống muôn đời. Thiên Chúa quyền năng vô biên nhưng không thể có sáng kiến nào tuyệt vời hơn sáng kiến tình yêu này nơi Thánh Thể Chúa Ki-tô.

Mời Bạn: Mỗi khi tham dự Thánh Lễ lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận chính Đức Ki-tô hằng sống nơi mình. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Phải nhờ đời sống cầu nguyện, sự sống của Chúa mới thấm nhuần mọi ngõ ngách trong chúng ta và làm cho chúng ta trở nên một với Chúa ngày càng thân thiết hơn.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi rước Chúa vào lòng, bạn dành thời gian dâng lên Ngài những tâm tình tha thiết nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tạ ơn Chúa đã ban cho con Bánh hằng sống là chính Thân Mình Chúa. Xin cho con luôn khao khát được kết hợp với Chúa. Và xin Chúa ở lại với con để con được nên một với Chúa luôn mãi. Amen.

Ngày 18: Lạy Chúa! Vũ trụ hiện hữu trong một trạng thái hợp nhất tự nhiên với Chúa. Điều này giải thích tại sao trong những trận sóng thần, hầu như không có một loài thú hoang nào bị chết đuối bởi những trận hải chấn. Nhờ tiếp xúc với trực tiếp với Chúa, cách tự nhiên hơn loài người chúng con, nên những loài thú hoang có thể nhận biết cơn sóng thần sẽ xảy đến, trước khi cơn sóng ấy thực sự xảy ra. Xin cho chúng con ngày một bớt đi những ham muốn thấp hèn, những toan tính ích kỷ, để ngày càng trở nên đơn sơ, chân thành, hầu chúng con có thể sống hòa hợp với Chúa, với nhau và với thiên nhiên vạn vật. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XX Thường Niên -Năm B

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Kinh Thánh Cựu ước dùng hình ảnh bữa tiệc, nhất là tiệc cưới để nói về sự gặp gỡ Thiên Chúa và con người. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu cũng nhiều lần dùng hình ảnh tiệc cưới để nói về Nước Trời. Trong bữa tiệc không những người ta được ăn uống no say mà còn được tham dự vào đời sống tâm tình của nhau. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận Người chính là lương thực nuôi dưỡng và bồi bổ tâm linh con người. Người Kitô hữu chúng ta tiếp nhận lương thực này qua việc rước lễ. Giờ đây xin mời anh chị em thống hối, ăn năn về những lầm lỗi, thiếu sót trong cuộc sống để chúng ta sốt sắng tham dự bữa tiệc thánh.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là khiên thuẫn của chúng tôi, xin hãy trông xem, hãy nhìn tới dung mạo người được Chúa tấn phong. Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quí hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cn 9, 1-6

“Các ngươi hãy ăn bánh của ta, và hãy uống rượu ta đã pha cho các ngươi”.

Trích sách Châm Ngôn.

Sự khôn ngoan đã xây nhà mình và dựng bảy cột trụ, đã giết các sinh vật, pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: “Ai ngây thơ, hãy đến cùng ta”. Và bảo những kẻ mê muội rằng: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 10-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. 

Xướng: Các thánh nhân của Chúa hãy tôn sợ Chúa, vì người tôn sợ Chúa chẳng thiếu thốn chi; bọn sang giàu đã sa cơ nghèo đói, nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo. 

Xướng: Các đệ tử ơi, hãy lại đây, hãy nghe ta, ta sẽ dạy cho các con biết tôn sợ Chúa. Ai là người yêu quý cuộc đời, mong sống lâu để hưởng nhiều phúc lộc. 

Xướng: Hãy giữ lưỡi đừng nói ra điều ác, và ngậm môi cho khỏi thốt ra lời gian ngoa. Hãy lo tránh ác và hành thiện, hãy tìm kiếm và theo đuổi bình an.

Bài Ðọc II: Ep 5, 15-20

“Anh em hãy ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa. Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

“Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, hằng ngày chúng con được diễm phúc hiệp thông với Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu là nguồn mạch vô tận và là hiện thân của sự sống vĩnh cửu. Chúng ta hãy yêu mến và siêng năng mau mắn tham dự bàn tiệc thánh, cùng sốt sáng dâng lên lời cầu xin :

1. “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi” – Xin cho các vị Chủ chăn trong Hội Thánh, hằng lưu tâm săn sóc lo lắng về đời sống thiêng liêng của dân Chúa, để họ an tâm sống ữong đoàn chiên Chúa.

2. “Anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu thế nào là Thánh Ý Thiên Chúa” – Xin cho các bạn trẻ trên thế giới, động viên nhau tránh xa những tệ đoan của xã hội, vươn lên tìm lý tưởng sáng, dám lãnh trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.

3. “Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” – Xin cho những người đang nghi ngờ sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, thêm đức tin để họ xác tín vào Lời Chúa, mà ân cần lãnh nhận sức sống Thần Linh Chúa ban.

4. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ tình yêu Chúa trao ban – Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn hết lòng biết ơn, yêu mến tiếp rước Chúa hằng ngày, hầu đoàn thể giáo xứ được tràn đầy tình yêu và ân sủng Chúa thương ban.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, chính Chúa đã mời gọi chúng con đến bàn tiệc tình yêu lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa. Xin cho mỗi lần chúng con hiệp lễ, là mỗi lần chúng con đi sâu hơn vào sự hiệp thông với Chúa trong mầu nhiệm vượt qua, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban bí tích Thánh Thể cho chúng con được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô; xin cho chúng con được trở nên giống như Người, để mai sau được vào thiên quốc cùng Người chung hưởng phúc vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Mình Máu Thánh Chúa

Nếu hôm nay có ai đến bảo chúng ta rằng: Bạn hãy ăn thịt và uống máu tôi đi, bạn sẽ sống mãi không chết bao giờ, thì chắc chúng ta sẽ cho là người ấy mắc bệnh tâm thần.

Người Do Thái ngày xưa, kể cả các môn đệ, khi nghe Chúa Giêsu nói những lời lẽ tương tự cũng đã bảo nhau: Lời ấy chướng tai quá, ai mà nghe cho nổi.

Thực ra người Việt Nam chúng ta có một cách nói khác: Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. Thực vậy, chén cơm là kết quả của công lao khó nhọc nơi người nông dân: từ lúc gieo xạ, tới lúc chăm sóc, phân bón, làm cỏ, trừ sâu và gặt hái. Bao nhiêu công đoạn là bấy nhiêu nhọc nhằn, có khi còn phải tủi nhục, đoạ đày dưới ánh mắt của những chủ điền độc ác. Chính nhờ mồ hôi nước mắt, nhờ những cay đắng nhọc nhằn ấy mà chúng ta được sống.

Mà không phải chỉ có mồ hôi nước mắt của nhà nông mà thôi. Khi cha mẹ tôi đổ mồ hôi kiếm sống nuôi tôi thì chén cơm trên bàn ăn mẹ xới cho tôi chính là một phần của máu thịt cha mẹ tôi sẻ bớt cho tôi. Tôi sống nhờ thịt máu các ngài.

Chúa Giêsu khi cầm tấm bánh bẻ ra và nói: Tất cả hãy cầm lấy mà ăn, thì Ngài đã nghĩ ngay đến cái chết của mình vì nhân loại, nên đã nói tiếp: Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.

Nếu sau việc làm này, nghĩa là nếu sau khi đã bẻ bánh và nói những lời ấy Chúa Giêsu không bị giết thì việc làm của Ngài chỉ là một chuyện đùa và không ai nhắc lại làm gì. Nhưng thật sự Ngài đã bị giết, bị mai táng và đã sống lại, bởi thế tấm bánh Ngài bẻ ra thực sự có ý nghĩa. Đó là chính thân thể Ngài bị giết để có thể trở thành của ăn của uống cho chúng ta.

Thật vậy, khi chúng ta ăn cái gì thì cái đó biến thành máu thịt chúng ta. Chúng ta ăn thịt và uống máu Con Người thì thịt máu ấy trở thành thịt máu chúng ta. Người nên một với ta, ta nên một với Người hay nói cách khác, ta ở trong Người và Người ở trong ta. Và như thế, nếu Người sống đời đời thì ta cũng phải được sống đời đời như Người và với Người.

Do đó, nhờ bí tích Thánh Thể chúng ta nhận được từ nơi Người chính sự sống của Người để có thể nói như thánh Phaolô: Tôi sống nhưng không phải tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi. Nếu thực sự Đức Kitô sống trong tôi thì điều đó phải được tỏ hiện qua tâm tình, lời nói và hành động của tôi. Bởi thế ai ăn thịt và uống máu Đức Kitô mà không sống như Người đã sống, nghĩa là không yêu thương anh em như Người đã yêu thương thì kẻ đó đã thực sự rước lễ chẳng nên vì thịt máu Đức Kitô không biến thành thịt máu kẻ ấy. Người đã không ở trong họ và họ cũng chẳng ở trong Người và như vậy họ chẳng bao giờ được sống đời đời.

Bí tích Thánh Thể không được lập ra chỉ để nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, biến chúng ta thành những kẻ đạo đức, mà chủ yếu đây là bí tích của yêu thương và hợp nhất. Bí tích mời gọi chúng ta biết chia sẻ cuộc sống với người khác. Bởi đó, kẻ chỉ biết ngồi ở bàn tiệc Thánh Thể mà không bao giờ biết ngồi vào bàn ăn với anh em, nhất là không biết dọn bàn ăn cho anh em mình, thì đó là kẻ chưa hiểu được ý nghĩa của bí tích này và cũng chẳng hưởng được hồng ân nơi bàn tiệc của Chúa.

Đức Kitô hiện diện

Thân xác cần phải ăn uống thì mới sống được. Một chút thực phẩm dự trữ cũng đủ để người bị lạc trong rừng sống thêm đôi ba ngày. Một chút nước trong sa mạc cũng giúp kéo dài thêm sự sống.

Con người, như chúng ta đã biết, không chỉ là thân xác mà còn là tinh thần. Và tinh thần cũng cần phải được nuôi dưỡng để tồn tại và phát triển. Người ta đã nói đến những món ăn tinh thần như sách báo, nghệ thuật… Chúa Giêsu còn muốn cung ứng cho chúng ta một món ăn tinh thần cao quí và tuyệt hảo hơn nhiều, đó là chính bản thân Ngài, bởi vì Ngài muốn trở nên lương thực nuôi sống nhân loại.

Thế nhưng, làm sao Ngài lại có thể cho chúng ta ăn thịt Ngài và uống máu Ngài? Tôi xin thưa Ngài đã dùng quyền năng mà biến đổi tấm bánh và chén rượu trở thành thịt và máu thánh Ngài, để khi ăn tấm bánh và uống chén rượu, chúng ta được kết hiệp với chính con người của Ngài. Như thế, khi rước lễ, chúng ta không lãnh nhận một Đức Kitô đã chết và nay chỉ còn là một cái xác không hồn. Trái lại, chúng ta đón nhận một Đấng đã sống, đã chết và đã sống lại, hiện đang ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Thánh Gioan đã diễn tả:

– Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.

Mà ở trong Chúa, chắc hẳn cuộc đời chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái. Cũng vì xác tín như vậy, mà Giáo Hội luôn tỏ lòng kính trọng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Sau khi truyền phép, vị linh mục nâng cao mình và máu thánh Chúa, để chúng ta thờ lạy.

Ngoài ra, Giáo Hội còn tổ chức những cuộc rước kiệu, chầu phép lành, các đại hội Thánh Thể trên toàn thế giới. Đức Kitô đến với chúng ta qua bí tích Thánh Thể và Ngài cũng còn đến với chúng ta dưới nhiều hình thức khác nữa.

Khi tham dự thánh lễ cùng với cộng đoàn, chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài giữa lòng Giáo Hội:

– Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

Giáo Hội là thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô. Thân mình này được nuôi dưỡng bởi mình và máu thánh Ngài. Như thế, chúng ta cần ý thức về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Giáo Hội.

Ngoài ra, Chúa Giêsu còn hiện diện khi chúng ta lắng nghe lời Ngài. Chính ngài nói với chúng ta, khi chúng ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội. Nơi Thánh lễ, chúng ta thấy bàn tiệc mình máu thánh Chúa và bàn tiệc lời Chúa. Đó không phải là haibàn tiệc tách biệt, vì trong Thánh lễ, cả lời Chúa lẫn mình Chúa được dọn ra trên một bàn ăn, để giáo dân được hướng dẫn và bổ sức.

Chúa Giêsu không phải chỉ ở ngoài chúng ta, nhưng Ngài còn ở trong chúng ta. Ngài ở trong trái tim, Ngài ở trong cõi lòng chúng ta. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta quên đi sự hiện của Ngài nơi chính bản thân mình. Chúng ta quên rằng bản thân mình cũng là một nhà tạm, một đền thờ cho Chúa ngự trị. Không phải chỉ khi lên rước lễ, Ngài mới bắt đầu hiện diện trong chúng ta và lúc đó chúng ta mới có thể gặp gỡ Ngài. Thật ra Chúa luôn ở với chúng ta, và lúc nào ta cũng có thể trở về với lòng mình để gặp gỡ Ngài.

Sau cùng, Chúa Giêsu còn hiện diện ở bên ngoài nhà thờ, nhất là nơi những người bất hạnh, đau khổ, đói khát, ốm yếu, trần trụi… Họ cũng là những bí tích của Đức Kitô. Ẩn dưới tấm bánh là mình thánh Chúa. Còn ẩn dưới những kẻ sống bên lề xã hội là Đức Kitô thiếu thốn đang xin trợ giúp. Cần phải có cặp mắt đức tin để khám phá ra sự hiện diện của Chúa nơi những thực tại của đời thường. Ngài không quen đến với sự hào nhoáng và vinh quan hiển hách. Ngài đến với chúng ta với thận phận của một con người yếu đuối.

Hãy khiêm nhường để tìm thấy sự hiện diện khiêm tốn của Chúa, nhờ đó biến đời mình trở thành một cuộc gặp gỡ liên tục với Ngài.

Thịt Ta là của ăn
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Nói đến máu thịt là nói đến những gì thâm sâu nhất trong con người. Thâm sâu vì máu thịt chính là sự sống. Thâm sâu vì máu huyết thuộc hệ di truyền. Ta thường nói: máu huyết của cha, thịt xương của mẹ. Yếu tố “gen” là thứ sâu xa trong bản tính con người. Là lực lượng âm thầm điều hướng định mệnh con người. Như thế máu thịt không những làm thành con người thể lý bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tâm sinh lý nữa.

Máu thịt là thứ thiết thân nhất trong con người. Thiết thân vì nó gắn bó chặt chẽ với bản thân ta, gắn bó với sự sống của ta. Lấy nó ra khỏi con người thì đau đớn lắm. Thiết thân vì ta yêu mến nó. Yêu máu thịt của mình cũng như yêu mạng sống mình là một điều hết sức tự nhiên.

Hôm nay khi nói ban Máu Thịt cho chúng ta, Chúa Giêsu ban cho ta những gì thâm sâu nhất trong bản thân Người. Người không chỉ ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Khi ban cho ta Máu Thịt, Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.

Khi ban Máu Thịt cho ta, Chúa Giêsu phải chịu đau đớn. Mạng sống là quý nhất. Nhưng Người yêu ta còn hơn yêu mạng sống của mình. Vì thế, Người hiến mạng sống cho ta như lời Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Mạng sống là thiết thân. Nhưng đối với Người, ta còn thiết thân với Người hơn cả mạng sống của Người nữa. Người chịu tiêu hủy mình đi để trở nên thiết thân với ta. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận chịu nghiền tán, chịu đớn đau để trở thành thịt máu của ta, để trở thành thiết thân với ta, đến nỗi ta không thể tách Người ra khỏi ta được nữa. Thật là một tình yêu lạ lùng. Thật là một sáng kiến tuyệt vời.

Khi ban Mình Máu Thánh cho ta, Chúa Giêsu mong ước ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Khi chịu lấy Mình máu Thánh Chúa thì Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa. Đây là một biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đã làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở lại trong ta. Chúa mong ước ta ở lại trong Chúa. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong ảnh hưởng của Chúa, trong tình yêu của Chúa, trong lề luật của Chúa, trong tinh thần của Chúa. Như thế ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa.

Khi mời gọi ta đến kết hiệp với Người, Chúa mong muốn cho ta được sống. Chúa chính là nguồn mạch sự sống. Ở trong Người là ở trong sự sống. Kết hiệp với Người là kết hiệp với sự sống. Sống nhờ Người là hít thở sự sống của Người, hấp thu sự sống của Người. Người là sự sống vĩnh cửu, sự sống sung mãn, sự sống hạnh phúc. Được sống bằng sự sống của Người ta sẽ được sự sống dồi dào, hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết, yêu mến và sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời con. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bạn hiểu thịt máu có ý nghĩa gì?

2) Chúa ban Thịt Máu Chúa cho ta. Điều này có ý nghĩa gì?

3) Thế nào là ở trong Chúa? Muốn ở trong Chúa bạn phải làm gì?

4) Thế nào là sống nhờ Chúa? Muốn sống nhờ Chúa bạn phải làm gì?

ĂN THỊT CHÚA SẼ Ở LẠI TRONG CHÚA
(CHÚA NHẬT TUẦN 20 TN NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 20 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa, xin Chúa đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong.


Mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, bởi vì, Chúa thật là Đấng Thánh, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia đón nhận một sứ mạng chẳng vui vẻ gì, đó là báo trước cho Dân Chúa những thử thách lớn lao sẽ xảy tới. Chỉ có một số nhỏ sống sót thôi. Điều Thiên Chúa sắp mặc khải sau đây sẽ là ngọn đèn pha cho cả cuộc đời của ngôn sứ: Thiên Chúa là Đấng Thánh, là Đấng tuyệt đối siêu việt. Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và đang đến. Các thần Xêraphim đối đáp tung hô: Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh. Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa.

Mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, bằng cách trở nên muối đất và ánh sáng cho trần gian, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu nói: Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại. Một lần nữa, Chúa nói như vậy để khuyến khích các ông cẩn thận trong cách sống, dạy các ông ý tứ giữ gìn như thể các ông đang sống trước mắt mọi người và đang chiến đấu giữa đại hý trường trái đất... Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em.

Mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, bởi vì, kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan, ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi, kẻ tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Châm Ngôn kêu gọi: Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 33, vịnh gia đã kêu gọi: Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy. Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Anh em đừng sống như kẻ khờ dại, đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Đức Giêsu đã từng nói: Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy. Thánh Ý Chúa thật là của ăn, ai ăn thì sẽ ở lại trong Chúa và Chúa sẽ ở lại trong người ấy. Chúa quả là Đấng Thánh, chúng ta phải vâng nghe lệnh Chúa truyền: hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời, phải trở thành muối đất và ánh sáng cho trần gian. Kính sợ Chúa sẽ giúp chúng ta sẽ lo chu toàn những thánh chỉ, phán quyết của Người, nhưng không phải như người nô lệ, mà như là người con thơ vâng lệnh Cha hiền. Đoàn tàu lăn bánh trên hai thanh sắt của đường ray, đoàn tàu sẽ sống, sẽ cập bến an toàn. Tuân giữ những huấn lệnh của Chúa, chúng ta sẽ được sống, sẽ đạt tới ơn cứu độ mà Chúa đã hứa ban. Chúa luôn dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những ai yêu mến Chúa, ước gì chúng ta biết mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Ước gì được như thế!


 

“Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống”. (Ga 6, 51-59)

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XX Thường niên -Năm B

CN20TNb 2

Ga 6, 51-59
“Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
        
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
        
Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”
        
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.
        
Ðó là lời Chúa.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIX Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 

MẦU NHIỆM ĐỨC TIN
(Chúa Nhật XX TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Một giáo lý viên muốn chơi khăm ông cha phó: “Thưa cha, Hội Thánh dạy rằng phải kiêng thịt mỗi ngày thứ Sáu. Vì thế, hôm nay ngày thứ Sáu, con không dám rước Chúa vì rước Chúa là ăn thịt, uống máu Chúa Giêsu. Mà ăn thịt là lỗi luật Hội Thánh dạy”. Chắc hẳn ông cha phó dù mới ra lò cũng có đủ cách, đủ kiểu để thoát cạm bẫy của mấy tay giáo lý viên tinh nghịch ấy. Tuy nhiên, qua câu chuyện vui này, chúng ta có lẽ dễ thông cảm với người Do Thái xưa thấy khó chịu khi nghe Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Tin Mừng tường thuật rằng họ đã tranh luận sôi nổi với nhau rằng: “làm sao ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52).
        
Kho tàng các chuyện dân gian về tình mẫu tử hay tình hiếu thảo vẫn có đó nhiều mẫu gương các bà mẹ cho con “uống máu” mình hay những người con hiếu thảo cắt thịt để nuôi mẹ già. Dù vậy, khi nghe đến các từ ăn thịt và uống máu người, thì chúng ta vẫn thấy gai gai, rờn rợn chút nào đó. Thế nhưng, có thể nói rằng tất cả mọi người đều đã từng ăn uống thịt máu người để được sống. Cứ vào mỗi dịp chuẩn bị cho các em xưng tội rước lễ lần đầu, tôi thường nói lên sự thật này, đó là con người chúng ta thoạt sinh ra hầu hết đều nhờ chính thịt máu của mẹ qua dòng sữa để sống và lớn lên. Đã từng một thời, nhiều bà mẹ không ý thức tầm quan trọng của dòng sữa mình trong việc nuôi con thưở con mới lọt lòng và khi con còn thơ bé. Nhờ khoa học tiến bộ và cũng nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, ngày nay người ta biết khôn ngoan hơn khi nhìn nhận: “sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh và các trẻ nhỏ”. Qua hình ảnh dòng sữa mẹ, xin được chia sẻ đôi điều về chính Thịt Máu Chúa Kitô là quà tặng nhưng không, là phương dược kháng bệnh tuyệt vời và là nguồn ban sự sống đời đời.
        
Thánh Thể là quà tặng nhưng không. Nói rằng nhưng không thì có thể là thừa, vì đã nói là quà tặng thì không đòi hỏi phải trả tiền hay công sức. Tuy nhiên, không nói thì cũng có thể thiếu vì trong thực tế đằng sau nhiều quà tặng vẫn có đó hậu ý “bánh ít trao đi, bánh nhì trả lại” hay chuyện trả nợ đời của những bữa tiệc cưới hỏi, đám đình. Dòng sữa mẹ trao ban cho con thơ thì như là tuyệt đối nhưng không, nghĩa là tất cả chỉ vì con và cho con, ngay cả khi con chưa cất tiếng khóc vì khát sữa. Thiên Chúa được nhân cách hóa bằng đức Khôn ngoan đã bảo “Hãy đến mà ăn bánh của Ta, và uống rượu do Ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa…” (Cn 9,5). Ngôn sứ Isaia cũng đã từng khẳng định: “Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon…” (Is 25,6) và ngài đã nói thay Thiên Chúa: “Đến cả đi, hỡi những ai đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mà mua mà dùng; đến mua rượu, mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55,1). Thánh Thể là quà tặng nhưng không. “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không”. (Mt 10,8).
        
Thánh Thể là phương dược kháng khuẩn, phòng bệnh tuyệt vời. Khôn ngoan hơn người xưa, các bà trẻ ngày nay ý thức tầm quan trọng của những “giọt sữa trong” của mình khi đứa con vừa chào đời, là một linh dược giúp đứa trẻ kháng bệnh tật hữu hiệu. Chúa Kitô minh nhiên phán: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,27-28). Mẹ Hội Thánh còn dạy chúng ta: “Việc rước lễ giúp chúng ta xa lánh tội lỗi. Chúng ta rước lấy Mình Chúa Kitô, “đã phó nộp vì chúng ta” và Máu “đã đổ ra cho mọi người được tha tội”. Vì thế, bí tích Thánh Thể không thể kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, nếu không thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp chúng ta xa lánh tội lỗi” (GLCG chung số 1393).
        
Thánh Thể là nguồn ban sự sống thần thiêng, nhờ được kết hiệp nên một với Chúa Kitô. Qua dòng sữa, đứa trẻ ngày càng khắng khít với người sinh ra nó. Nhờ dòng sữa, cái tình giữa người mẹ và đứa con thêm đậm đà. Chúa Kitô đã từng khẳng định: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì luôn kết hiệp với Tôi, và Tôi luôn kết hiệp với người ấy”. Đời sống trong Chúa Kitô có nền tảng nơi bí tích Thánh Thể: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57) (GLCG chung số 1391).
        
Không ai tự nhận là người khờ dại. Chúng ta đều muốn là những người khôn ngoan, nhưng có thể là “khôn ngoan của con cái thế gian”. Người khôn ngoan kiểu này thì tìm mọi cách thế để có được những thiện hảo đời này kể cả những cách thế phi nghĩa (x.Mt 16,1-8). Không chối cãi rằng vẫn có đó những bậc hiền triết và khôn ngoan đáng trân trọng. Tuy nhiên khôn ngoan theo kiểu này vẫn chưa đủ bảo đảm cho sự sống đời đời vì người ta có thể ỷ lại vào luận lý nhân loại để khước từ Đấng là bánh hằng sống từ trời xuống (x.Mt 11,25-56; Lc 10,21). Ngoài sự khôn ngoan chính đáng thì cần phải có lòng tin. Dù luận suy thế nào đi nữa thì Bánh hằng sống là nguồn ban sự sống đời đời, là phương dược xóa tội và giúp chống lại chước cám dỗ, là quà tặng nhưng không, mãi là mầu nhiệm của đức tin.
        
Nói đến đức tin thì chúng ta nhìn nhận đó là hồng ân Chúa ban và cũng là sự dấn thân đáp trả của chúng ta. Sự đáp trả này đòi hỏi nhiều sự từ bỏ. Một trong những sự từ bỏ phải có, đó là chấp nhận sự hạn chế của lý trí trước các thực tại siêu nhiên, vì đối tượng của đức tin không minh nhiên rõ ràng theo sự luận lý của trí khôn nhân loại. Vì tin Chúa Kitô là Đấng có lời quyền năng trên bệnh tật, trên sự chết, trên cả thiên nhiên và Người là Đấng từ bi, nhân hậu, đầy lòng xót thương, nên chúng ta tin nhận những gì Người mạc khải.
        
Lạy Chúa, con tin, nhưng xin củng cố đức tin cho chúng con (x.Mc 9,24).

Tin Mừng Chúa nhật 20 Thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 6, 51-59)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”. Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Suy niệm

Từ lâu, con người vẫn mong đi tìm cho mình một loại thuốc có thể giúp kéo dài sự sống, thậm chí là khi dùng sẽ được trường sinh bất lão, vì thế, từ vua chúa cho đến những người giàu có, họ đổ tiền của ra, cho người đi tìm những loại thuốc quý hiếm đó để khi dùng có thể đem lại niềm hạnh phúc là được sống đời đời. Tấm bánh ban sự sống đời đời mà Đức Giêsu giới thiệu cho con người đây không phải là một loại thuốc biệt dược, cũng không phải là một loại thảo dược có thể đem lại cho ai dùng nó một cuộc đời hạnh phúc, sống lâu trăm tuổi, nhưng sẽ đem lại cho người dùng tấm bánh trường sinh đó, tấm bánh đó chỉ là một dấu chỉ về sự sống thiêng liêng khi con người mở rộng trái tim và tâm hồn, đón nhận một Thiên Chúa đi vào trong cuộc đời họ, tạo nên một sự sống mới đó là sự hòa quyện giữa sự sống của Thiên Chúa và sự sống của con người.

Khi đi tìm cho mình một viên thuốc trường sinh, con người phải chấp nhận mất mát, chấp nhận hy sinh thậm chí cả mạng sống, mới có thể tìm gặp, do đó, tác giả sách Châm Ngôn đã gợi lên những kinh nghiệm cho những ai tin vào một Thiên Chúa, hãy biết kiếm tìm viên thuốc trường sinh dưới sự chỉ lối của Đấng Khôn Ngoan: “Sự khôn ngoan đã xây nhà mình và dựng bảy cột trụ, đã giết các sinh vật, pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: “Ai ngây thơ, hãy đến cùng ta”. Và bảo những kẻ mê muội rằng: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi”. Tìm đến với bánh của Đấng Khôn Ngoan chắc chắn sẽ đem lại cho con người một niềm vui bên ngoài cùng với sự sống viên mãn bên trong. Bởi đó là bánh từ trời, là bánh đem lại sự sống nội tại sâu xa, giúp con người gắn bó với Thiên Chúa khởi đi từ sự sống thể lý cho đến lối nhận thức là sự sống tinh thần.

Lời hướng dẫn từ tác giả sách Châm Ngôn dẫn con người tới một nhân vật đặc biệt hơn, nhân vật này biết rõ về thứ lương thực ban sự sống đời đời cho con người, đó là Đức Giêsu. Ngài là Thiên Chúa và cũng là Con Thiên Chúa, Ngài biết rõ con người đang cần gì cho ngày mai, đang tiến về mục đích cuối của cuộc đời như thế nào, vì thế, Ngài đã giới thiệu về nguồn năng lượng thiêng liêng con người cần để đi tới đích điểm cuối cho cuộc đời mình: “Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”. Máu và thịt là dấu chỉ sự sống, ai ăn thịt và uống máu là đang đón nhận một sự sống mới. Ngài đem đến cho con người Máu và Thịt đó, là sự sống giúp con người ra khỏi sự bế tắc của một tạo vật, hướng đến một sự sống siêu nhiên và một điểm đến cuối cùng là Nước Trời, nơi đó Đấng đã dựng nên họ đang đợi chờ họ.

Thánh Phaolô, sau những ngày đắm chìm trong những toan tính đầy chất người, đã hiểu ra được mục đích sống như thế không đem lại cho mình một niềm vui, trái lại, chỉ là những ảo vọng, vì thế, khi đối diện với những vấn đề tại cộng đoàn Ê-phê-sô, ngài đã nhắc họ, đừng để mình đắm chìm trong những cách sống đầy toan tính đậm chất thế gian: “Anh em thân mến, anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa”. Sống giữa một thế giới đầy sân si, con người dễ đánh mất chính mình, vì thế, lời nhắc của thánh Phaolô không chỉ gởi cho con cái thành Ê-phê-sô, nhưng còn được gởi tới mọi tín hữu Kito, nhắc học biết tìm kiếm niềm hạnh phúc đích thực, niềm vui và hạnh phúc đích thực sẽ đến với ai biết thành tâm đón tiếp và kết nối với Đấng được gọi là Tình yêu thiện hảo.

Nhắc đến máu và thịt là nhắc đến sự sống, bởi nguyên lý của sự sống bắt đầu từ những hạt máu, nó tạo nên nguồn năng lượng cho những tế bào sống trong các thớ thịt, tạo ra một sức sống cho thể xác. Tâm hồn con người cũng vậy, cần có những hạt máu đỏ tươi, để tái tạo nên sự sống cho đời sống tinh thần, đời sống tâm linh. Hạt máu đó đã được Con Thiên Chúa đem từ trời xuống, trao tận tay cho những ai đang tìm kiếm trong sự khao khát. Khi sự sống của Thiên Chúa hòa quyện vào sự sống của con người, sẽ nâng con người lên một tầm cao mới, một tương quan mới, tương quan giữa Thiên Chúa và con người, tương quan giữa một Ngôi Vị và một nhân vị. Chính sự sống thánh thiêng đó đưa con người trở về với cội nguồn của mình trong ngôi nhà hạnh phúc là Nước Trời, chính sự sống thiêng liêng đó là nguồn năng lượng giúp con người đón nhận những khó khăn, vất vả trong ơn gọi và hoàn cảnh của mình.

Hiệp lễ là lời mời gọi đến từ Thiên Chúa, Ngài mời con người đến đón nhận sự sống thiêng liêng đến từ trời cao, hơn nữa, nơi bàn tiệc đó, con người được gắn bó với Thiên Chúa bằng mối tương quan linh thánh, Máu và Thịt Ngài sẽ thẩm thấu vào đời sống thiêng liêng của con người. Từ đây, con người không còn sống cho chính mình nữa mà sống cho, sống cùng và sống với Thiên Chúa, họ còn được tham dự vào những việc Thiên Chúa mời gọi là xây dựng một gia đình của Thiên Chúa ngay trong gia đình, trong xứ đạo và trong Giáo hội. Hiệp lễ với Thiên Chúa là để cho Ngài biến đổi mình, biến đổi khả năng và điều kiện của mình hiện có, để cho Ngài dùng cuộc đời như một khí cụ của tình yêu, của tình liên đới cộng đoàn. Thiên Chúa đang đợi chờ con người trở về và tìm đến với bí tích Thánh Thể mỗi ngày, đặc biệt là hiệp lễ trong mỗi Thánh lễ họ tham dự.

Lạy Chúa, bánh ban sự sống luôn là lương thực cần thiết cho chúng con tồn tại và thăng tiến, xin Chúa giúp chúng con biết khao khát tìm về với bánh hằng sống đó, để cố gắng tham dự Thánh lễ, cố gắng hiệp lễ mỗi ngày, nơi bàn tiệc đó, chúng con được đón Chúa và trong tâm hồn, vào cuộc đời mỗi người, để Chúa sống trong con và con hoạt động trong Chúa, bên Chúa. Chúa luôn mong con cái Chúa được sống trong sự bình an và hạnh phúc đích thực, vì thế, Chúa đem đến cho chúng con lương thực trường sinh, xin giúp chúng con biết cố gắng sửa mình dọn lòng để đón Chúa đến, giúp chúng con sửa lại những gì chưa hoàn thiện trong cuộc đời và ơn gọi của mình. Amen.

TIỆC KHÔN NGOAN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế!”.

“Hãy nhớ một sự thật rằng, trừ khi chúng ta giữ được sự khát khao Chúa mạnh mẽ trong lòng mình; bằng không, bạn và tôi sẽ nhận ra sự trống rỗng vô cùng của cuộc sống khi không có Ngài!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay tiếp tục nói về Bí tích Thánh Thể nhưng dưới một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ - ‘cái nhìn của sự khôn ngoan’ - khi bạn và tôi “nhận ra sự trống rỗng vô cùng của cuộc sống” bởi vắng bóng Thiên Chúa. Từ đó, có thể nói, Thánh Thể là sáng kiến của Đấng Khôn Ngoan; Tiệc Thánh Thể là ‘Tiệc Khôn Ngoan!’.

Sách Châm Ngôn coi Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan ban tặng sự hiểu biết và khôn ngoan dưới hình thức một bữa tiệc thịnh soạn cho tất cả những ai nô nức đón nhận lời mời của Ngài, “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống!” - bài đọc một. Chúa Giêsu là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa và Tiệc Thánh Thể là ‘Tiệc Khôn Ngoan’; ở đó, chúng ta chia sẻ sự thông tuệ của một Thiên Chúa nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô. Thánh vịnh Đáp ca mời gọi “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!”.

“Đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan. Cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình!” - bài đọc hai. Theo Phaolô, thức ăn mà Chúa Giêsu ban tặng - Thịt Máu Ngài - là nguồn gốc của sự khôn ngoan, hiểu biết thực sự về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. “Bạn là những gì bạn ăn!”. ‘Ăn’ Chúa Kitô, bạn nên giống Ngài, một Chúa Kitô khác, ‘Alter Christus’, không chỉ về mặt thể xác mà còn về tinh thần và trái tim, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi!”.

“Cử hành Bí tích Thánh Thể, ‘ăn Thịt và uống Máu Ngài’, có nghĩa là chấp nhận sự khôn ngoan của thập giá và con đường phục vụ. Điều đó có nghĩa là chúng ta bày tỏ sự sẵn lòng hy sinh bản thân vì người khác như Chúa Kitô đã làm!” - Gioan Phaolô II. Chấp nhận Chúa Kitô là chấp nhận toàn bộ Phúc Âm của Ngài, chiến thắng và đau khổ của Ngài. Nghĩa là chúng ta tự nguyện và ao ước đi con đường Ngài đi để phục vụ Ngài hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn; và cùng Ngài kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Một thế giới của chân lý và tình yêu, của công lý và hoà bình, của tự do và hạnh phúc. Khi thấy mình thực sự là một phần của nỗ lực vĩ ​​đại đó, hãy biết rằng, theo một ý nghĩa rất thực tế, chúng ta đã dự ‘Tiệc Khôn Ngoan’ mỗi khi tham dự Thánh Lễ!

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy đến mà ăn!”. Hôm nay, hãy suy gẫm cách bạn tiếp cận Bí tích Thánh Thể. Bạn hiểu sâu sắc như thế nào về khoảnh khắc rước Chúa; nó có biến đổi bạn không? Ước gì bạn đói khát Chúa, nhận ra những tác động thiêng liêng diễn ra trong lòng mình mỗi khi rước Ngài. Hãy đào sâu đức tin bằng cách cam kết tham gia cầu nguyện nhiều hơn vào các Thánh Lễ khi bạn tham dự những lần tới. Hãy lùi lại và xem xét những gì bạn thực sự tin, bối rối hoặc không tin! Thánh Thể là quà tặng lớn nhất. Hãy tin điều đó bằng cả tấm lòng và ‘Tiệc Khôn Ngoan’ của mỗi Chúa Nhật sẽ biến đổi bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con xác tín, Bí tích Thánh Thể định hình con, để - cách khôn ngoan nhất - con không sống cho mình mà sống cho Chúa, cho anh chị em con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây