Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh – NVMN

Thứ sáu - 26/03/2021 08:48 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1373
“Anh em ở lại bình an, kiên trung giữ đạo và can đảm bền vững trong Đức Tin, đừng sợ chết nhé”.
Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh – NVMN

 

Niềm Vui Mỗi Ngày
 
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
 

 
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
 
Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh
 


Ngày 22.6.1967, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban Sắc Chỉ “Qui Dei Benignitate” (Thiên Chúa nhân từ) thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột  gồm 3 tỉnh: Daklak [được tách ra từ Giáo phận Kontum], Quảng Đức và Phước Long [được tách ra từ Giáo phận Đà Lạt].
 
Giáo Phận mới trải rộng trên diện tích 21.723 km2 với dân số 290.800 người gồm: người Kinh, Thượng, Mường, Nùng, Thái…
 
Cùng Sắc Chỉ trên, Đức Phaolô VI bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai làm giám mục tiên khởi.
 
Trước cánh đồng truyền giáo bao la của vùng Tây Nguyên, ngay khi bước chân về miền đất đầy nắng và gió này, với cái nhìn của vị ngôn sứ, Đức Giám mục đã quyết định thành lập chủng viện trước bao khó khăn và nghi ngại.
 
Chủng viện được thành lập ngày 25.3.1968 mang tên một vị anh hùng tử đạo Việt nam : Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh.
 
Như cha giáo Goian Bùi Quang Đạo giải thích : “Có lẽ khi chọn Thánh Lê Bảo Tịnh làm Bổn Mạng Chủng Viện, Đức Cha Phêrô vừa muốn nêu cao gương mẫu cụ thể, sống động của một nhà giáo dục đích thực trong chủng viện, vừa muốn mở ra một đường hướng đào tạo chủng sinh mới theo tinh thần của Vị Thánh Quan Thày Tử Đạo dám chấp nhận hi sinh gian khổ để Truyền giáo, để dấn thân phục vụ bà con các dân tộc trên vùng đất cao nguyên còn hoang vu này”. (1) 
 
Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh là ai?
 
Cha Phaolô Lê Bảo Tịnh sinh năm 1793 tại Trịnh Hà, Thanh Hóa, là con thứ ba trong một gia đình Công giáo.
 
Năm 12 tuổi, cậu Tịnh bắt đầu bước vào công việc phục vụ nhà Chúa nơi giáo xứ, sau ba năm thì được gửi đi học tại chủng viện Vĩnh Trị (Nam Định). Trong chủng viện, thầy Tịnh đã sống cuộc đời dâng hiến bằng cách sống gương mẫu, đạo đức, hãm mình, ăn chay vào ngày thứ sáu, đánh tội và nằm đất…. Lòng yêu mến Chúa nồng nàn đã thôi thúc thầy hiến dâng cuộc đời cách trọn vẹn qua việc âm thầm rời bỏ chủng viện, để vào sâu trong rừng vắng, hầu có dịp cầu nguyện và hết hợp mật thiết với Chúa.

Nhưng đó không phải là thánh ý Chúa.
 
Một năm sau, Đức cha Longger Gia nhắn tin buộc thầy Phaolô Lê Bảo Tịnh phải trở về Đại Chủng Viện để tiếp tục học thần học, lãnh các chức nhỏ đồng thời dạy học.
 
Hai lần thầy Tịnh được cử đi Macao để đưa các vị thừa sai và lãnh đồ về cho giáo phận. Trong lần thứ hai, một đêm, Đức Mẹ hiện ra nói với thầy : “Phaolô, Phaolô, khi về Việt Nam con sẽ phải chịu khổ vì đạo”. Thầy không tin, tưởng là mỹ nhân nào đến cám dỗ nên thầy hỏi lại bằng tiếng Latinh, tiếng Việt, tiếng Trung Hoa, hỏi tiếng nào Ðức Mẹ trả lời bằng tiếng ấy: “Ta là Ðức Bà Maria”.
 
Năm 1837, thầy được sai đi truyền giáo tại Ai Lao. Sau một năm hoạt động truyền giáo, ngài thấy công việc tiến triển quá tốt nên trở về địa phận xin Đức Cha cho thêm nhân sự.
 
Năm 1841, có một lần thầy Tịnh đi dậy bổn đạo ở Thạch Tổ, xứ Kẻ Ðầm, bị lý trưởng bắt. Thầy bị đưa lên giam ở Hà Nội.
 
Năm 1848, vua Tự Đức lên ngôi, ân xá và phóng thích cho các tù nhân. Thầy Tịnh được tha và trở về với giáo phận trong sự vui mừng của mọi người. Đức Cha Dumoulin Borie Cao quyết định phong chức linh mục cho thầy lúc thầy đã 56 tuổi. Sau khi lãnh chức linh mục được một năm thì cha được bổ nhiệm giữ chức giám đốc kiêm giáo sư Chủng Viện Vĩnh Trị. Cha đã viết nhiều tác phẩm đạo đức như: Phúc Âm Dẫn Giải, Giáo Lý Đại Cương, Lục Vấn Lương Tâm, Những Lời Khuyên Thực Hành Dọn Mình Chết Lành v.v.
 
Trong thời gian làm bề trên chủng viện, cha thường khuyên các chủng sinh giữ gìn kỷ luật, vì kỷ luật sẽ giúp ta thể hiện lòng yêu mến Chúa, nâng đỡ đời sống dâng hiến. Ngoài việc tuân giữ kỷ luật, cha còn nhấn mạnh tới sự cầu nguyện. Cha nói, khi rao giảng Lời Chúa mà không có cầu nguyện thì lời giảng sẽ không có sức thuyết phục, lời giảng không có hồn thì sẽ bay đi mau chóng. Cha rất yêu mến Thánh Giá và Thánh Thể. Bất cứ nơi nào cha ở hay cha thường lui tới đều có bóng dáng Thánh Thể và Thánh Giá. Mỗi khi dâng lễ, cha dọn mình sốt sắng và dâng lễ một cách trang nghiêm, siêu thoát. Vì yêu mến Thánh Thể và Thánh Giá nên cha thường thăm viếng bệnh nhân, ban các bí tích, giúp đỡ người nghèo, nhất là các bệnh nhân phong cùi. Nhiều người đã nói, cha Lê Bảo Tịnh đã tử đạo từ trước ngay trong cuộc sống rất nghiệm ngặt của cha rồi.
 
Ngày 27 tháng 02 năm 1857, cha bị bắt lần thứ hai, bị giam ở tỉnh Nam Định. Quan tổng đốc Nguyễn Đình Hưng chỉ muốn giam cha, nhưng vua Tự Đức ra án trảm quyết.
 
Ngày 06 tháng 4 năm 1857, cha Phaolô Lê Bảo Tịnh hiên ngang tiến ra pháp trường Bảy Mẫu tỉnh Nam Định để anh dũng lãnh nhận cái chết của vị anh hùng tử đạo. Trong lời vĩnh biệt trao gửi lại cho mọi người, ngài nói:
 
“Anh em ở lại bình an, kiên trung giữ đạo và can đảm bền vững trong Đức Tin, đừng sợ chết nhé”.
 
Ngày 2 tháng 5 năm 1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã long trọng tôn phong ngài lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988. (2)
 
Lạy thánh tổ phụ Phaolô Lê Bảo Tịnh, ngài đã sống cuộc đời anh dũng chứng nhân cho tình yêu giữa bao hằn thù, đói khát và bắt bớ. Xin giúp chúng con biết can đảm làm chứng cho Chúa giữa một nền văn minh sự chết này.
 
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
 
Nguyễn Thái Hùng
26 tháng 3.2021

 
++++++++++++++++++++
 

(1)  http://gpbanmethuot.com/dong-tu/chung-vien-le-bao-tinh-40887.html
(2) x. https://www.nguoitinhuu.org/martyrs/tudao42.html
và https://www.kath-vietnamesen.de/phung-vu-2/06-04-thanh-phaolo-le-bao-tinh-linh-muc-1793-1857/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây