Chữ “ngờ” trong cuộc đời thánh cả Giuse

Thứ sáu - 05/02/2021 08:55 |   807
Cho dẫu cuộc đời ngài có gặp bao nhiêu chữ “Ngờ” chăng nữa, thánh nhân vẫn một lòng yêu mến, cậy trông, tín thác hoàn toàn cho sự quan phòng của Thiên Chúa.
Chữ “ngờ” trong cuộc đời thánh cả Giuse

Chữ “ngờ” trong cuộc đời thánh cả Giuse

 

Phụng vụ Giáo Hội hằng năm cử hành ngày lễ kính thánh Giuse (19/3). Đây là dịp thuận lợi cho chúng ta nhìn lại cuộc đời của thánh nhân. Thế nhưng, chúng ta có thể kể thế nào về thánh Giuse, một người âm thầm, khiêm tốn ở trong một ngôi làng nhỏ Galilê không nói cũng không viết gì? Chúng ta “Hãy đến cùng thánh Cả Giuse” để biết nhiều hơn về Ngài.

 

1. Chữ “ngờ” của ngày thôi nôi
 
Thân phụ của Giuse Sinh tại Nagiarét, còn thân mẫu của ngài sinh tại Bêlem. Quý danh thân phụ Giuse là Jacob và thân mẫu la Rachel. Cả hai trỗi vượt trong đời sống thánh thiện, thực hành các nhân đức, và đều thuộc dòng dõi vua David. Thế nhưng cuộc hôn nhân ấy trở nên son sẻ trong một thời gian. Nhưng tại sao họ lại son sẻ? Sở dĩ họ son sẻ vì Thiên Chúa muốn Giuse phải là người con được sinh ra do lời cầu xin. Hằng ngày, thân mẫu và thân phụ của Giuse không ngừng cầu nguyện, làm phúc bố thí, và dâng cúng vào đền thờ Giêrusalem. Hai vị đã thực hiện những cuộc hành hương để nài xin Thiên Chúa ban cho một người con theo lòng nguyện ước. Thế rồi, ngày trọng đại cũng đã đến, ngày mà Chúa đã cất đi nỗi khổ nhục của bà. Bà đã sinh hạ một con trai. Jacob đón đứa trẻ đặt nó lên đùi, ôm nó trong lòng và đặt tên là Giuse. Ông cảm động nhìn vợ và cám ơn vợ. Cả hai cùng ngước mắt lên trời, tạ ơn Chúa đã cho chúng con món quà kỳ diệu này: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1, 68).
 
Việc Giuse chào đời là một tặng phẩm Thiên Chúa ban cho Jacob và Rachel. Hơn nữa, “Vì đã được tiền định cho Giuse làm phu quân của Hiền mẫu Con Một của Người, nên Thiên Chúa cũng ban cho thánh nhân nhiều điểm tương tự như Đức Maria, chẳng hạn như dòng tộc và sinh quán; nhưng trên hết Thiên Chúa muốn cho thánh Giuse giống Đức Maria trên con đường nhân đức. Quả vậy, Thiên Chúa đã tuyển chọn Giuse là một người xứng đáng để trở nên Phu quân của Hiền Mẫu Con Một Người”.
 
2. Cuộc hôn nhân không “ngờ”
 
Tại làng Galilê, ông GioanKim và bà Anna có cô con gái tên là Maria. Maria là một trinh nữ rất khôn ngoan, thông minh, với vẻ mặt lộ ra sự khiêm nhu thanh khiết. Maria đã đến tuổi thành hôn. Theo truyền thống Do Thái, “các trinh nữ đầu lòng không được rời khỏi đền thờ mà không được cấp dưỡng, vì thế điều chính đáng là trinh nữ Maria sẽ kết hôn với người nào mà các thầy tư tế cho là xứng đáng”. Để thực hiện việc tuyển chọn này, thầy tư tế thánh thiện đã xin thánh ý Thiên Chúa về người sẽ được chọn làm phu quân cho Maria. Thiên Chúa đã truyền cho ông triệu tập các tư tế và các học giả, cho họ biết “trinh nữ này là Côi Tử, nhưng không muốn lấy chồng”. Khi Maria đã tròn 14 tuổi, các thanh niên trong chi họ Giuđa, thuộc dòng tộc Đa-vít, lúc đó đang ở Giêrusalem, tụ họp trong đền thờ. Trong số các thanh niên ấy, Giuse người Nazarét thuộc miêu duệ vua Đa-vít đã đến tuổi 30, một con người đẹp trai, thanh lịch nhưng rất khiêm tốn và nghiêm nghị. Đặc biệt Giuse trinh khiết trong tư tưởng cũng như phẩm hạnh, thánh thiện trong mọi chiều kích. Lối sống của Giuse đẹp ý Thiên Chúa và vừa lòng mọi người. 
 
Khi biết tin ấy, Giuse không thể tin đó lại là sự thật! Đối với Giuse, Maria đã tuyên giữ lời khấn thanh tịnh, nàng là thần tượng mà chính Giuse đã noi theo trong cách ăn nết ở cũng như phẩm hạnh. Giờ đây, Maria lại sắp kết hôn! Đó là điều mà Giuse không thể ngờ. Mặc dù hết sức bất ngờ trước sự việc ấy, nhưng Giuse vẫn thầm nhủ trong lòng: “Ôi! hạnh phúc biết bao cho người nào được đặc ân ấy!” Vì cũng thuộc dòng dõi Đa-vít, nên Giuse phân vân, không biết có nên đến Đền Thờ để dự cuộc tuyển chọn này không. Giuse cảm thấy rất lưỡng lự. Cuối cùng, Giuse quyết định đến tham dự cuộc gặp mặt với trinh nữ Maria. Vì đã khấn hứa giữ đời sống khiết tịnh với Thiên Chúa, nên Giuse đinh ninh vận may không thể đến với mình. Giuse hoàn toàn phó thác trong tay Chúa và tin tưởng vào quyền năng của Người.
 
Cuộc tuyển chọn đã tới ngày. Thiên Chúa soi dẫn thầy tư tế đặt vào tay mỗi thanh niên tham dự cuộc tuyển chọn một cây gậy khô, với chỉ dạy rằng: “Mọi người với đức tin sống động, cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng người được Thiên Chúa chọn làm phu quân của trinh nữ Maria”. Khi mọi người đang cầu nguyện, người ta thấy duy nhất cây gậy trong tay Giuse nở hoa, đồng thời một chim bồ câu trắng đậu trên đầu, trong khi đó Thiên Chúa nói trong lòng Giuse: “Giuse, tôi tớ của Ta, Maria sẽ là hiền thê của con. Con hãy chấp nhận người với lòng kính trọng ân cần, vì người được chấp nhận trước mặt Ta, linh hồn thân xác người tinh tuyền tột đỉnh, con sẽ phải làm tất cả những điều Maria sẽ nói cho con biết”. Sự biểu lộ và dấu hiệu này, thầy tư tế tuyên bố Giuse là phu quân được chính Thiên Chúa tuyển chọn cho trinh nữ Maria. Giuse đã cử hành hôn lễ với Maria.
 
Chúng ta có thể tưởng tượng cảm xúc rộn ràng trong tâm hồn khiêm nhường của thánh Giuse như thế nào. Mặc dù bối rối vì đây là điều quá bất ngờ. Hơn nữa nghĩ mình không xứng đáng, nhưng thánh Giuse cũng hết sức vui mừng về điều đã xảy đến. Thánh nhân đã cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Ôi Thiên Chúa của con! Chúa đã ban cho con một ơn trọng đại dường bao! Con đã làm gì để được hồng ân trọng đại như thế?” Cuộc hôn nhân giữa Thánh Giuse và Đức trinh nữ Maria không phải là điều bất ngờ đối với thánh nhân sao? Cuộc hôn nhân ấy tự thân chẳng phải là một phép lạ hay sao?
 
3. Chữ “ngờ” tiền định?
 
Truyền thống người Do Thái, việc cưới xin được tổ chức thành hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là lễ đính hôn, giai đoạn thứ hai là cử hành lễ thành hôn. Đối với người Việt Nam cũng thế: bước đầu là cử hành lễ hỏi, rồi sau một thời gian mới làm lễ cưới. Nhưng luật pháp Do Thái về hôn lễ thì khác so với luật lệ của chúng ta. Trong xã hội Do Thái, khi đã cử hành giai đoạn một, tức là giai đoạn làm lễ đính hôn, thì được pháp luật công nhận như vợ chồng. Còn trong xã hội chúng ta, hai người mới làm lễ hỏi, thì chưa được pháp luật coi như vợ chồng. Hiểu như thế để chúng ta hiểu rõ hơn về chữ “ngờ” – ngờ tiền định – này!
 
Khi Trinh Nữ Maria đã đính hôn với thánh Giuse, nhưng chưa về ăn ở với nhau, tức là chưa làm lễ thành hôn thì Maria đã có thai. Có lẽ một số người cho rằng Chúa Giêsu được thụ thai là do sự phối ngẫu giữa Giuse và Maria. Nhưng Tin Mừng sẽ giúp chúng ta không còn hiểu sai lầm về nguồn gốc của Chúa Giêsu: “Trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Mt1,18). Hơn nữa, đối với luật Do Thái đó là chuyện bình thường và hoàn toàn hợp pháp. Cho nên, không ai có quyền nghi ngờ hay tố cáo Maria là phạm tội ngoại tình. Thế nhưng, đối với thánh Giuse là người trong cuộc thì lại khác. Thánh Giuse đã không có mặt khi Đức Maria mang thai, Tin Mừng đã khẳng định: “Ông không ăn ở với bà cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”(Mt1,25). Giuse không thể ngờ “Maria đã có thai”. Đối với thánh Giuse đó là điều không thể? Ngài biết rõ bào thai kia không phải là của mình và cũng chưa được biết rõ mầu nhiệm của Thiên Chúa thực hiện nơi Maria. Thánh Giuse đã rơi vào hoàn cảnh rất khó xử. Ngài không thể chấp nhận bào thai kia là của mình, nhưng Ngài cũng không muốn tố cáo và buộc tội Maria: “Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà” (Mt 1,19).
 
Vậy phải giải quyết như thế nào cho hợp tình, hợp lý? Giuse đã “định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Như thế, thánh Giuse sẽ giải toả được nỗi thắc mắc của mình và không phải công nhận bào thai kia là của mình.
 
Nếu sự việc xảy ra theo dự định của thánh Giuse chương trình của Thiên Chúa không được thực hiện, cho nên Thiên Chúa đã can thiệp: “Ông đang toan tính như vậy, thì kìa Sứ Thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: này Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ của ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1, 20). Nghe vậy, thánh Giuse hiểu ngay con trẻ mà Maria sinh ra chính là Đấng Cứu Thế. Thánh Giuse quyết định phải làm gì tốt nhất, xứng đáng nhất. Ngài thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22, 10). Giuse đã giải toả được chữ “ngờ” lớn nhất trong cuộc đời, bao lo âu, thắc mắc đã tiêu tan. Thánh Giuse đã cử hành hôn lễ đón Maria về nhà mình.
 
Nhìn lại đôi nét về chữ “Ngờ” của Thánh Giuse. Chúng ta thấy được vai trò quan trọng của Thánh nhân trong chương trình nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Thánh nhân là con người thầm lặng, khiêm nhu. Cho dẫu cuộc đời ngài có gặp bao nhiêu chữ “Ngờ” chăng nữa, thánh nhân vẫn một lòng yêu mến, cậy trông, tín thác hoàn toàn cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhìn lên thánh cả Giuse chúng ta càng thêm mến yêu ngài hơn.

Vân Sơn
http://dcvphanxicoxavie.com/vn/Than-Hoc/Chu-ngo-trong-cuoc-doi-thanh-ca-Giuse.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây