Đức Giê-su – Ngài là Đấng Thánh…

Thứ bảy - 30/01/2021 16:57 |   507
“Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1, 22).


Chúa Nhật IV – TN – B


Đức Giê-su – Ngài là Đấng Thánh…
 
Đa số chúng ta thường nghĩ rằng, theo đạo là gia nhập vào tổ chức của Giáo Hội. Và, sống đạo là tuân giữ những điều luật, những lễ nghi do Giáo Hội đặt ra. Nghĩ như thế không sai, nhưng nếu chỉ là như thế thì chưa đủ. Theo đạo, hiểu một cách đầy đủ nhất, đó là “theo Chúa Giê-su”.
 
Theo Chúa Giê-su chính là dấu chỉ căn bản để nói lên niềm tin của một người theo đạo. Ngày xưa, vào thời Chúa Giê-su còn tại thế, niềm tin vào Ngài đã được dân chúng biểu lộ qua hành động “lũ lượt kéo đến đi theo Người”.

Thiên hạ đi theo Đức Giê-su, vì họ tin, tin rằng Người có quyền năng chữa khỏi “đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền”. Thiên hạ đi theo Đức Giê-su, vì họ tin, tin rằng Người có uy quyền chữa khỏi những ai “bị quỷ ám”.

Mà, thật vậy, quyền năng chữa bệnh của Đức Giê-su đã được “đồn ra khắp xứ Xy-ri”. Và, uy quyền “chữa lành người bị quỷ ám” mà Ngài thực hiện, đã làm chấn động khắp thành Ca-phác-na-um. Sự kiện này được ghi chi tiết trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**
Chuyện được kể rằng: Sau những ngày mời gọi và thu phục các môn đệ đầu tiên, Đức Giê-su tiếp tục ra đi loan báo Tin Mừng. Nơi Ngài đến, đó là thành Ca-phác-na-um.

Ca-phác-na-um thời đó, tưởng chúng ta nên biết, đó là một ngôi làng chài nằm trên bờ bắc của Biển Hồ Ga-li-lê, với dân số khoảng 1.500 người. Nơi đây, chính là nơi sau này Đức Giê-su thường xuyên lui tới trong những ngày rày đây mai đó loan báo Tin Mừng, vì thế nó đã được các nhà chú giải Kinh Thánh gọi là “trung tâm truyền giáo” của Ngài.

Đến Ca-phác-na-um, hôm ấy, Đức Giê-su đã vào hội đường, bởi hôm đó là ngày Sa-bát, ngày toàn dân Israel nghỉ ngơi để thờ phượng Thiên Chúa, theo truyền thống.

Nói tới Hội đường, lịch sử Israel cho chúng ta biết, nó bắt đầu xuất hiện từ thời người Do Thái bị đi đày bên Babylon. Đó là nơi để duy trì niềm tin và hội họp cầu kinh trong lúc bị lưu đày nơi đất khách quê người. Truyền thống đó vẫn được duy trì khi người Do Thái trở về cố hương.

Trong buổi nhóm ở hội đường, ngoài việc cầu kinh còn có việc đọc Kinh Thánh. Người ta đọc Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái và sau đó được dịch và giảng nghĩa bằng tiếng Aram. Kế tiếp là một vài lời khuyên dạy dựa theo bài Kinh Thánh được đọc hôm đó. Khách lạ trong hội đường thường được mời để thực hiện công việc danh dự này.

Trở lại câu chuyện của Đức Giêsu, hôm ấy, Ngài chính là người được mời lên “tòa giảng” thực hiện công việc danh dự này. Vâng, thánh sử Mác-cô cho biết: “Người vào hội đường giảng dạy”.

Không ai có thể ngờ được, Đức Giêsu, hôm đó, Người đã có một bài giảng khiến cho mọi người “phải sửng sốt”. Một sự so sánh đã được các cử tọa bàn tán xôn xao. Họ bàn tán rằng: “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1, 22).

Thật vậy, hôm đó, Đức Giê-su đã dùng thẩm quyền của mình để thực hiện một phép lạ, một phép lạ long trời lở đất.

Chuyện là, có một người bị “thần ô uế nhập”, bất ngờ thay! người này la lên, rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, một người bị thần ô uế nhập, lời nói của họ có đáng tin không? Tuy nhiên, ở đây, người bị thần ô uế nhập chính là bị ma quỷ nhập, mà, ma quỷ là thần linh, nó biết rõ Đức Giê-su là ai, chính vì thế, sau lời la hét nêu trên, thần ô uế, qua thân xác người nó nhập vào, đã la tiếp rằng: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Thánh Gia-cô-bê, sau này cũng cho biết, “Bạn tin rằng, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất… Ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ”. (Gc 2, 19).

Đúng vậy, hôm đó, khi Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Và, quả thật, thần ô uế đã run sợ: “…lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng và xuất ra khỏi anh ta” (x. Mc 1, 25-26).

Hôm ấy, toàn thể mọi người trong hội đường, khi chứng kiến phép lạ tỏ tường, họ đã phải kinh ngạc trước quyền uy của Đức Giêsu. Họ đã bàn tán với nhau về Đức Giêsu, rằng: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.

Kết thúc câu chuyện, thánh sử Mác-cô cho biết: “danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.”

***
Câu chuyện kể trên được trích trong Tin Mừng thánh Mác-cô với tiêu đề “Đức Giê-su giảng dạy tại Ca-phác-na-um và chữa lành một người bị quỷ ám” (x Mc 1, 21-28).

Vâng, cứ sự thường sau khi nghe xong câu chuyện, chúng ta thường chú tâm đến phép lạ trừ quỷ của Đức Giê-su.

Thế nhưng, với Lm. Charles E.Miller, ngài lại có lời chia sẻ rằng: “Ghi lại câu chuyện lạ lùng này, Thánh Mác-cô muốn chúng ta hiểu rằng, mục tiêu cơ bản của biến cố trên không phải là lôi kéo chúng ta đến với Đức Giê-su như một Đấng chuyên làm phép lạ, mà là hối thúc ta đón nhận Người với cái lai lịch Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Đúng vậy. Theo đạo không phải là theo một Giê-su với những phép lạ “hóa năm chiếc bánh và hai con cá” cho nhiều người ăn no nê. Nhưng là theo một Giê-su với những lời “giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền”.

Khi chúng ta theo Đức Giê-su, một Giê-su với những lời giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chỉ khi đó chúng ta mới có thể có được một niềm tin “bỏ Ngài con biết theo ai”.

Câu chuyện Đức Giê-su “chữa lành một người bị quỷ ám” mà hôm nay chúng ta được nghe, dạy chúng ta một bài học, rằng: ma quỷ chính là tác nhân khiến chúng ta “chối từ Thiên Chúa”.

Thì đây, trong câu chuyện, nạn nhân bị quỷ ám đã chẳng la lên rằng: “chuyện chúng tôi can gì đến ông”, đó sao!!!

Khi nói tới ma quỷ, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có lời mời gọi, “mời gọi ta tỉnh thức chống lại ma quỷ, đặc biệt là đối với những con quỷ được giáo dục, những kẻ đi vào linh hồn mà không ai để ý”.

Những kẻ đi vào linh hồn mà không ai để ý, là ai? Thưa, Đức Thánh Cha chia sẻ, đó là: “lối sống theo tinh thần thế gian.”

Thế nào là lối sống theo tinh thần thế gian? Thưa, đó là lối sống xem vật chất, tiền bạc, danh vọng, quyền lực như là cứu cánh cho cuộc sống của mình.

Làm sao để không bị lôi cuốn vào lối sống theo tinh thần thế gian? Thưa, hãy nhìn Đức Giê-su, và hãy học theo Ngài. Thật vậy, xưa, trong bốn mươi ngày ở hoang địa, để chiến thắng việc bị quỷ cám dỗ vào lối sống này, Đức Giê-su đã dùng một thứ vũ khí tối thượng, đó chính là “Lời Chúa”.

Thì nay, cũng vậy đối với chúng ta, không có Lời Chúa chúng ta không thể thoát khỏi sự giằng co giữa lối sống theo tinh thần thế gian và lối sống theo tinh thần Ki-tô giáo.

Tưởng chúng ta nên biết, lối sống theo tinh thần Ki-tô giáo, đó chính là lối sống theo tinh thần Bát Phúc, hay còn gọi là Tám Mối Phúc Thật. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (x.Mt 5, 1-12).

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi rằng, tôi đã tiếp nhận Lời Chúa như thế nào và sống Lời Chúa ra sao?

Tôi đã có quyển Kinh Thánh chưa? Nếu chưa, đó là điều đáng buồn, thưa quý vị. Nếu bạn chưa có quyển Kinh Thánh, phải có ngay trong hôm nay. Bởi đó chính là “ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi” (Tv 119. 105).

Thưa quý vị, Sách Khải Huyền đã có lời cảnh báo: “…Một Con Thú từ dưới biển đi lên, nó có mười sừng và bảy đầu, trên mười sừng đều có vương miện, và trên các đầu có danh hiệu xúc phạm Thiên Chúa… Nó được ban cho một cái mồn ăn nói huênh hoang và phạm thượng… Nó mở miệng nói phạm đến Thiên Chúa, đến danh Người, đến lều thánh của Người và những đấng ở trên trời. Nó được phép giao chiến với dân thánh và thắng họ, và nó được ban quyền trên mọi chi tộc, mọi nước, mọi ngôn ngữ và mọi dân. Mọi người sống trên đất sẽ thờ lạy nó…”. (Kh 13, 1-8).

Lời cảnh báo này có vẻ như đang xảy ra trong thời đại chúng ta, hôm nay. Thì đây, đã có rất nhiều quốc gia “thờ lạy nó”. Đã có không ít người “ăn nói huênh hoang và phạm thượng” đến danh Thiên Chúa. Đã có không ít lãnh tụ phá nhà thờ, đập bỏ thánh giá, dẹp bỏ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, v.v…

Phần chúng ta, chúng ta hãy tự hỏi, rằng: liệu có một ngày… có một ngày tôi sẽ thờ lạy nó! Câu trả lời là của mỗi chúng ta.

Thế nhưng, để chúng ta không bị lôi cuốn vào việc thờ lạy nó, hãy đến “giáo đường” mỗi ngày, mỗi tuần lắng nghe lời giảng của Chúa, qua môi miệng các linh mục, nhờ đó, nói theo lời thánh Phao-lô nói, chúng ta sẽ “được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co”, không bị giằng co giữa lối sống theo tinh thần thế gian và lối sống theo tinh thần Ki-tô giáo.

Và, trên hết mọi sự, qua việc lắng nghe Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra Đức Giê-su, người mà chúng ta tôn thờ, Ngài chính là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

 
Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây