Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 25/01/2024 18:37 |   263
“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,35-41)

27/01/2024
THỨ BẢY TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Thánh Angêla Mêrici, trinh nữ

t7 t3 TN

Mc 4,35-41


THIÊN CHÚA Ở ĐÂU?
“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,35-41)

Suy niệm: Trong cuộc sống đôi khi chúng ta cảm thấy dường như Thiên Chúa vắng mặt. Ngài có vẻ thinh lặng, thậm chí không ở bên khi ta kêu cầu. Giữa những khó khăn, đổ vỡ, phong ba bão táp của cuộc đời, dường như Thiên Chúa ngủ quên hay ở quá xa, không biết đến khó khăn đau khổ của con người. Tuy nhiên, Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay nhắc nhở ta rằng Thiên Chúa là ai, hành động thế nào ngay giữa những bão táp của cuộc đời ta. Ngài không say ngủ đến nỗi không biết đến tình cảnh của chúng ta, để mặc ta với những khó khăn của mình. Ngài vẫn ở đó không phải cách thể lý, nhưng qua những người giang tay ra giúp đỡ chúng ta, nơi những người thân yêu bao bọc chở che ta. Cách đặc biệt, Ngài ở với ta trong Bí tích Thánh Thể và các bí tích khác, và nơi Lời hằng sống của Ngài. Niềm tin vào Ngài giúp ta đứng vững, không bị chìm giữa phong ba bão tố đời mình.

Bạn hãy mời Chúa Giê-su bước lên con thuyền cuộc đời của bạn. Hãy để Ngài chi phối, dẫn dắt cuộc đời của bạn trong từng lựa chọn lớn nhỏ. Hãy phó thác cho Chúa những lo âu buồn phiền của bạn. Như những môn đệ, bạn sẽ cảm nghiệm được rằng có Chúa đồng thuyền với mình, bạn sẽ không bị đắm chìm.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn dành riêng ít phút thinh lặng để chiêm ngắm sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa luôn ở bên con, nhưng xin thêm niềm tin cho con. Xin cho con tin tưởng nơi quyền năng Chúa, để nương tựa vào Chúa trong mọi nơi, mọi lúc của cuộc đời mình. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 11, 1-2. 8-19

“Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng Sáng Lập”.

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt. Nhờ đức tin, Áp-ra-ham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như I-sa-ác, và Gia-cóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập. Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sa-ra son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Ðấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì. Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Áp-ra-ham đã dâng I-sa-ác. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: “Chính nơi I-sa-ác mà có một dòng dõi mang tên ngươi”. Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75

Ðáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Ít-ra-en, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68a).

Xướng: Chúa đã gầy dựng cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Ða-vít là tôi tớ Chúa. Như Ngài đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa.

Xướng: Ðể giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Ngài.

Xướng: Lời minh ước mà Ngài tuyên thệ, với Áp-ra-ham tổ phụ chúng tôi, rằng Ngài cho chúng tôi được khỏi sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Ngài trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Ngài, trọn đời sống chúng tôi.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 12, 1-7a, 10-17

“Tôi đã phạm tội đến Chúa”

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Chúa sai Na-than đến cùng Ða-vít. Ông đến và nói với Ða-vít rằng: “Trong thành kia có hai người, một người giàu và một người nghèo. Người giàu có rất nhiều chiên bò, còn người nghèo thì không có gì, ngoài một con chiên con mà ông đã mua và nuôi dưỡng, nó lớn lên trong nhà ông cùng với con cái ông, cùng ăn một bánh, cùng uống một chén và cùng ngủ một giường với ông; ông kể nó như con gái mình. Có một người khách đến thăm người giàu ấy, ông ta không muốn bắt chiên bò của mình để dọn tiệc đãi khách, nhưng lại bắt con chiên của người nghèo mà dọn tiệc đãi khách”. Ða-vít tức giận người đó lắm, và nói cùng Na-than rằng: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống! Người làm như thế là đáng chết. Nó phải bồi thường gấp bốn lần vì đã hành động bất nhân như thế!”

Na-than liền nói với Ða-vít: “Ngài chính là người đó. Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en phán rằng: Lưỡi gươm sẽ không bao giờ rời khỏi dòng dõi ngươi cho đến muôn đời, vì ngươi đã khinh dể Ta, đã cướp vợ của U-ri-a người Hê-thê làm vợ mình. Vì thế Chúa phán rằng: Từ gia đình ngươi, Ta sẽ gây nên tai hoạ đổ trên đầu ngươi. Ngay trước mặt ngươi, Ta sẽ đem thê thiếp của ngươi trao cho người khác, nó sẽ ăn ở với chúng ngay dưới ánh sáng mặt trời. Ngươi đã hành động thầm lén, còn Ta, Ta sẽ làm việc đó trước mặt toàn dân Ít-ra-en và giữa thanh thiên bạch nhật”.

Ða-vít nói cùng Na-than rằng: “Tôi đã phạm tội đến Chúa”. Và Na-than nói cùng Ða-vít rằng: “Chúa cũng đã tha tội cho ngài rồi, ngài sẽ không phải chết. Nhưng vì việc này, ngài làm dịp cho quân thù của Chúa nói phạm thượng, nên đứa con của ngài sẽ chết”. Rồi Na-than ra về.

Và Chúa giáng hoạ trên đứa con của Ða-vít do vợ của U-ri-a sinh ra, nên nó lâm trọng bệnh. Ða-vít khẩn cầu Chúa cho đứa trẻ, ông ăn chay và lui về phòng nằm dưới đất. Các kỳ lão đến nhà vua và nài xin vua chỗi dậy, nhưng vua không chịu và không dùng bữa với họ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 12-13. 14-15. 16-17.

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.

Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.

Xướng: Xin cứu gỡ con khỏi đền nợ máu, ôi lạy Chúa là Chúa cứu độ con, lưỡi con sẽ ca ngợi đức công minh Chúa. Lạy Chúa, xin mở môi con, miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. 

Alleluia: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 4, 35-41

“Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hóa, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, con một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA DẸP YÊN SÓNG GIÓ (Mc 4,35-41)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau một loạt bài nói về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, hôm nay thánh Mác-cô kể lại cho chúng ta phép lạ Chúa dẹp yên sóng gió trên biển cả. Chúa Giê-su ngồi trên thuyền giảng dạy dân chúng. Giảng xong, Người bảo các môn đệ chèo thuyền qua biển hồ Ti-bê-ri-a mà sang miền Ghê-ra-sa… Bỗng cơn bão lớn nổi lên, sóng tạt nước vào thuyền sắp chìm. Các môn đệ sợ hãi, còn Chúa thì nằm ngủ ở sau lái. Các ông vội vã đánh thức Người và nói: “Thầy ơi! Chúng ta chết mất”. Người chỗi dậy truyền khiến sóng gió yên lặng, rồi bảo các ông: “Sao anh em nhát đảm quá! Anh em chưa tin Thầy sao”? Còn các ông thì khiếp vía hỏi nhau: Người là ai mà sóng gió phải vâng phục Người?

2. Biển hồ Ti-bê-ri-a này cũng có tên gọi là Ga-li-lê. Biển có chiều dài 21 km và chỗ rộng nhất là 13 km. Thung lũng Jordan là một vết nứt sâu trên mặt đất và biển Ti-bê-ri-a là một phần của vết nứt đó. Nó thấp hơn mặt biển 200 mét nên khí hậu ấm áp dễ chịu, nhưng cũng đem lại nhiều nguy hiểm. Bên phía tây có núi non, thung lũng, khe suối, nên khi gió lạnh từ phía tây thổi đến thì thung lũng, khe suối này có tác dụng như những cái phễu lớn. Gió bị nén trong đó và thổi ào ào xuống hồ bất thình lình với sức gió dữ dội đến nỗi mặt hồ phẳng lặng biến thành sóng gió gào thét. Vì thế, biển Ti-bê-ri-a hay nổi lên những cơn sóng gió bão táp vào ban chiều hay ban đêm.

3. Các môn đệ chưa hiểu rõ con người Đức Giê-su, các ông coi Ngài cũng chỉ là một Đấng tiên tri có quyền phép, làm được nhiều phép lạ để cho nhiều người tin theo, nên các ông mới thắc mắc với câu hỏi “Người này là ai”? Khi bão tố yên lặng, các ông chứng kiến một việc mà chỉ Thiên Chúa mới có thể hoàn thành. Điều đó có ý nghĩa là Đức Giê-su có quyền năng của Thiên Chúa. Thực ra, họ mới biết Đức Giê-su theo quan niệm của người đương thời. Đồng thời, nhờ phép lạ này cho thấy Đức Giê-su chăm sóc các môn đệ của Ngài.

Theo suy luận của J. Hervieux thì “khi đọc lại câu chuyện Chúa đi qua biển và dẹp yên sóng gió như vậy, Mác-cô cố gắng đáp ứng những nhu cầu hiện thực của Giáo hội thời Ngài. Những tín hữu Rô-ma đang phải điêu đứng vì những cuộc bách hại. Họ đang sống trong nỗi lo sợ, giống như các môn đệ trong con thuyền vượt biển xưa. Đối với họ, Đức Ki-tô hình như đang ngủ. Việc Ngài “vắng mặt” rõ ràng  trong những biến cố bi thảm họ đang sống, tạo cho họ thêm e dè sợ sệt! Chúa phải làm gì để giải thoát họ khỏi cảnh chết chóc đang rình rập” (Fiches dominicales, năm B, tr 207).

4. Đường lối sư phạm của Chúa rất huyền diệu, ta không hiểu nổi, nhưng dầu sao nó cũng nhắm giúp chúng ta tin tưởng rằng trong mọi nơi mọi lúc “Con thuyền Giáo hội lúc nào cũng bị sóng gió dập dồn” (theo Tertullianô), nhưng không sao, không bị chìm được vì luôn có Ngài ở đó, Ngài có vẻ ngủ nhưng thực ra Ngài vẫn thức để theo dõi chúng ta chèo chống và chờ đợi chúng ta kêu cầu Ngài giúp đỡ. Theo nhận xét của chúng ta, dù có Đức Giê-su ở trong thuyền với các môn đệ thì bão tố vẫn xảy ra. Vì thế, dù bão tố có chụp xuống chúng ta, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta. Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ không nghi ngờ Ngài ở với chúng ta, và chúng ta sẽ hướng về Ngài để cầu xin và tin chắc rằng Ngài sẽ đến giúp đỡ.

5. Một ngày kia, viên lái đò chở hoàng đế César qua sông, thấy sóng cả đã ngả tay chèo, được hoàng đế phán ra một câu bất hủ: Anh không biết là anh đang chở hoàng đế César sao”?

Một vị hoàng đế bất lực trước cơn cuồng phong dữ dội, thế mà dám nói những lời như thế! Thì huống hồ ở đây, không phải là vị vua trần thế mà là vua cả trên trời Ngài làm sao cho sóng gió bão táp phải lặng yên sao! Thánh vịnh đã nói:

Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng
Sóng đang gầm, bỗng im tiếng.
Họ vui mừng vì trời yên bể lặng
Và Chúa dẫn đưa về bến mong chờ. (Tv 107,29-30)

6. Mỗi người chúng ta không khác gì chiếc thuyền nan chông chênh giữa biển trần gian đầy sóng gió bão táp, khó khăn nối tiếp khó khăn. Nếu chúng ta chỉ dựa vào sức mình hay dựa vào một quyền năng nào đó thì chúng ta sẽ thất bại. Ai có thể cứu chúng ta  thoát khỏi sóng gió ba đào khi chiếc thuyền của chúng ta sắp chìm? Chỉ còn có Thiên Chúa. Ngài như người Cha lái con tầu vững chắc trên biển cả, chúng ta là con chỉ biết tin tưởng vào quyền năng của Người Cha trên trời. Có Chúa trong đời, Ngài sẽ hướng dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta. Lúc đó, những cô đơn như bị xóa nhòa, những khó khăn dường như nhỏ lại, những yếu đuối như được sức mạnh. Chúng ta không cầu xin cho cuộc đời mình như biển lặng, nhưng xin cho cõi lòng chúng ta được tĩnh lặng ngay giữa lúc biển động.

7. Truyện: Cha tôi cầm lái con tầu.

Một thi sĩ người Anh, ông Byron, có viết một câu chuyện như sau:

Hôm ấy, một con tầu đang rẽ sóng lướt đi trên mặt biển mênh mông. Bỗng chốc, bầu trời kéo mây đen đặc. Rồi giông tố âm ầm nổi lên, sấm chớp kinh hoàng. Mưa càng lớn, gió càng mạnh. Các hành khách kêu la hỗn loạn. Duy có một em bé cứ ngồi chơi trên boong tầu như không có gì xẩy ra cả.

Lạ lùng, một thủy thủ dương to đôi mắt hỏi em:

– Em không sợ chết sao?

Cậu bé thản nhiên trả lời:

– Sao lại sợ? Chính ba em cầm lái con tầu này mà!

GIỮA LÒNG THUYỀN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Các con vẫn chưa có lòng tin sao?”.

“The Storm on the Sea of ​​Galilee”, “Bão Trên Biển Galilê”, là một kiệt tác sơn dầu vẽ về “biển” duy nhất gần 400 tuổi của Rembrandt! Tiếc thay, từ 1990, nó bị đánh cắp; đến nay, vẫn biệt vô âm tín. Danh hoạ mô tả khoảnh khắc nhóm Mười Hai cầu cứu Chúa Giêsu khi thuyền của họ sắp chìm. Một số cật lực chống chọi; số khác co rúm vì sợ hãi hoặc lùi về mạn thuyền; và thật thú vị, Rembrandt, môn đệ 13, xuất hiện giữa bức tranh. Tác giả như muốn nói, “Từ ‘giữa lòng thuyền’ Ngài nhận ra tôi!” và bạn, “Bạn sẽ ở đâu trong bão?”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn sẽ ở đâu trong bão?”. Lời Chúa hôm nay gợi lên những cơn bão cuộc đời. Nó có thể là cơn bão đang hất tung con thuyền Giáo Hội, đang vùi dập con tàu thế giới, hoặc đang muốn nhấn chìm con thuyền nan đời bạn. Trong cơn hỗn mang, bạn ở đâu? Ngài thấy bạn? Bạn có lắng đọng đủ để nghe Ngài trách yêu, “Các con vẫn chưa có lòng tin sao?”.

Con thuyền là một hình ảnh thiết thực của Giáo Hội, nó phải vượt bão và đôi khi, dường như sắp chìm. Điều cứu lấy Giáo Hội không phải là kỹ năng và lòng dũng cảm của thuỷ thủ đoàn, mà là niềm tin! Niềm tin cho phép Giáo Hội rẽ sóng, tiến lên, cả trong bóng tối. Nó cho thấy sự chắc chắn về sự hiện diện của Đấng ở ‘giữa lòng thuyền’; tay Ngài sẽ nắm lấy để kéo mỗi người chúng ta khỏi mọi nguy biến; và chúng ta cảm thấy an tâm khi có Ngài kề bên bất chấp những hạn chế và yếu nhược của chính mình. Chúng ta được an toàn khi mỗi người biết hướng về Giêsu, kêu cầu Ngài, vì Ngài là Đấng Cứu Độ.

Trong câu chuyện này, các môn đệ chỉ tập trung vào một điều, họ sắp chết! Nhưng Giêsu có đó, Ngài chờ được đánh thức. Để một khi chỗi dậy, Ngài sẽ trả lại sự yên tĩnh hoàn hảo! Điều quan trọng là chúng ta hướng mắt về Giêsu, Đấng đem lại yên tĩnh tuyệt đối cho linh hồn. Để được vậy, bạn phải tin rằng, “Từ ‘giữa lòng thuyền’ Ngài nhận ra tôi!”.

Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ chán nản, dễ chỉ tập trung vào sự hỗn loạn. Một bất ổn dân sự, một vấn đề gia đình… và ngay cả một tội lỗi nghiêm trọng. Rất nhiều lý do để chúng ta rơi vào chiếc bẫy của sợ hãi, thất vọng và trầm cảm. Nhưng có khi nào bạn tự hỏi, “Lúc nào tôi gần Chúa nhất?”; câu trả lời, “Khi khổ đau”. Như vậy, từ trải nghiệm bão tố của các môn đệ, Chúa Giêsu mang đến một thông điệp rõ ràng và thuyết phục rằng: Ngài, hiện thân của bình an, đang ở ‘giữa lòng thuyền’. Chỉ cần tin! Đavít là một ví dụ. Sau khi Nathan nói cho biết tội của Đavít, ông đau buồn khóc lóc - bài đọc một. “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng!”. Chúa đã thứ tha! Đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, một kiệt tác của Đavít, một người biết tìm về ‘một Ai đó’ ‘giữa lòng thuyền’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn sẽ ở đâu trong bão?”. Trong con thuyền Giáo Hội và thuyền nan của cuộc đời mỗi người, Giêsu luôn có đó. Không bao giờ Ngài rời chúng ta, Ngài là Emmanuel; căn tính của Ngài là Cứu Độ, tên Ngài là Cứu Chúa. Đừng sợ đánh thức Ngài! Cần ghi nhớ, Ngài có sự chiến thắng cuối cùng; Ngài cho phép bão tố xảy đến để chúng ta biết nương tựa Ngài hơn. Khi cuộc sống không còn đáng sống, bế tắc, tuyệt vọng… bạn cần đào sâu đức tin vào Đấng ở ‘giữa lòng thuyền’, Đấng sẽ viết chương cuối cùng cuộc đời của mỗi người.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘văng khỏi thuyền’ khi bão ập xuống đời con; vì con tin rằng, ‘một Ai đó’ luôn có mặt ‘giữa lòng thuyền’ đời con, Ngài nhận ra con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây