Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 28/01/2024 18:22 |   282
“Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6,1-6)

31/01/2024
thứ tư tuần 4 THƯỜNG NIÊN

Thánh Gioan Bosco, linh mục

t4 t4 TN

Mc 6,1-6


GẶP GỠ THIÊN CHÚA-LÀM-NGƯỜI
“Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6,1-6)

Suy niệm: “Khi Thiên Chúa trở thành một Con Người, sống như một thụ tạo giữa các thụ tạo của Ngài tại Palestine, thì cuộc đời Ngài thật sự là một sự quên mình lớn lao nhất, hướng về đồi Can-vê” (C.S. Lewis). Dân làng Na-da-rét trong hội đường hôm ấy không thể nào hiểu được tại sao bác thợ Giê-su ngày nào bây giờ lại khôn ngoan, giảng dạy lôi cuốn, cũng như đầy quyền năng với những phép lạ kỳ diệu như vậy. Vì định kiến, họ không thể nhận ra rằng người đồng hương của họ không chỉ là một con người, nhưng còn là Thiên Chúa: một vị Thiên Chúa trở thành xác phàm ở giữa nhân loại. Làng Na-da-rét nhỏ bé vô danh của họ được cả nhân loại biết đến cũng nhờ người đồng hương này.

Mời Bạn: Na-tha-na-en cũng từng đầy thiên kiến về Na-da-rét: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46). Vậy mà sau khi gặp người Na-da-rét ấy, ông thay đổi định kiến, trở thành môn đệ Ngài. Muốn biết trái măng cụt ngon ngọt thế nào, bạn phải nhai, nuốt, thưởng thức nó. Cũng vậy, muốn biết vị Thiên-Chúa-làm-người hiền lành và khiêm nhường ra sao, bạn hãy đến gặp Ngài, ở lại với Ngài, tiêu hóa Lời Ngài, rước lấy Ngài trong Thánh Thể cách ý thức và thường xuyên. 

Sống Lời Chúa: Tôi tập gặp gỡ Chúa Giê-su thường xuyên hơn qua việc cầu nguyện, đọc Tin Mừng, rước lễ… mỗi ngày. Nói chung, dành cho vị Thiên Chúa-làm-người cao cả ấy một vị trí xứng hợp hơn trong đời mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã nhập thể làm người ở giữa nhân loại. Xin cho con luôn hạnh phúc có Chúa hiện diện trong đời mình.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ tư tuần 4 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin cứu độ chúng tôi, từ khắp muôn dân, xin thu họp chúng tôi về, để chúng tôi được ca tụng thánh danh Chúa, và được vinh dự ngợi khen Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I): Dt 12, 4-7. 11-15

“Chúa sửa dạy ai mà Người yêu mến”.

Bài trích thơ gửi tín hữu Do thái.

Anh em thân mến, khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu và anh em đã quên lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: “Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai mà Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con”.

Trong khi được sửa dạy, anh em hãy bền chí, Thiên Chúa xử sự với anh em như con cái: vì có người con nào mà cha không sửa phạt.

Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi buồn khổ, hơn là nguồn vui, nhưng sau này, nó sẽ mang lại hoa quả bình an công chính cho những ai được sửa dạy.

Vì thế, anh em hãy nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời.

Ðường anh em đi, anh em hãy bạt cho thẳng, để người què khỏi bị trẹo chân, nhưng được an lành.

Anh em hãy sống hòa thuận với hết mọi người, hãy ăn ở thánh thiện, chẳng vậy không ai được nhìn thấy Thiên Chúa.

Anh em hãy coi chừng đừng ai để mất ơn Chúa, đừng để một rễ cay đắng nào mọc chồi gây xáo trộn và làm cho nhiều người bị nhiễm độc.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 102, 1-2, 13-14, 17-18a

Ðáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại từ thuở nầy tới thuở kia cho những ai kính sợ Ngài. (17)

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể trong người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Ngài. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Ngài.

Xướng: Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Ngài. Ngài biết chúng tôi được luyện bằng chất gì, Ngài nhớ rằng tro bụi là chính chúng tôi! 

Xướng: Nhưng lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại từ thuở nọ tới thuở kia cho những ai kính sợ Ngài, và đức công minh Chúa còn dành để cho con cháu họ, cho những ai giữ lời minh ước của Ngài. 

Bài Ðọc I (Năm II): 2 Sm 24, 2. 9-17

“Chính con đã phạm tội, nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu?”

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, vua Ða-vít nói với Giô-áp tư lệnh quân đội rằng: “Ngươi hãy đi kinh lý khắp các chi tộc Ít-ra-en, từ Ðan đến Bơ-e Se-va, và kiểm tra dân chúng, để ta biết dân số”.

Giô-áp nạp sổ kiểm tra dân chúng cho vua. Trong dân Ít-ra-en có tám trăm ngàn dũng sĩ biết xử dụng gươm, còn phía Giu-đa có năm trăm ngàn người thiện chiến.

Sau khi kiểm tra dân số, Ða-vít hồi hộp và thưa cùng Chúa rằng: “Con đã phạm tội nặng nề trong việc con đã làm. Nhưng, lạy Chúa, xin xóa tội ác cho tôi tớ Chúa, vì con đã hành động quá dại dột”. Sáng hôm sau, khi Ða-vít thức dậy, có lời Chúa phán cùng ông Gát, vị tiên tri và thị kiến của Ða-vít rằng: “Ngươi hãy đi nói với Ða-vít: Ðây Chúa phán: Ta cho ngươi ba điều, ngươi hãy chọn điều nào ngươi muốn, rồi Ta sẽ thi hành”. Gát đến cùng Ða-vít và tâu rằng: “Hoặc ngài phải chịu bảy năm đói kém trong nước ngài, hoặc trong ba tháng, ngài phải lẩn trốn quân thù tìm bắt bớ ngài, hoặc là trong nước ngài phải chịu dịch tả suốt ba ngày, giờ đây ngài hãy suy nghĩ đắn đo và chịu điều nào đi để tôi thưa lại cùng Ðấng đã sai tôi”. Ða-vít trả lời cho Gát rằng: “Tôi khổ quá! Nhưng thà rơi vào tay Chúa còn hơn là rơi vào tay người phàm, vì Chúa rất nhân từ”.

Chúa đã giáng cơn dịch tả xuống Ít-ra-en từ sáng hôm ấy cho đến thời gian đã định. Từ Ðan tới Bơ-e Se-va, có đến bảy mươi ngàn người đàn ông trong dân phải chết. Ðang lúc thiên thần Chúa giơ tay để tàn phá Giê-ru-sa-lem, thì Chúa hối tiếc trước sự đau khổ, nên phán bảo thiên thần đang giết phạt dân chúng rằng: “Thôi đủ rồi! Giờ đây hãy dừng tay lại”. Bấy giờ thiên thần Chúa đang ở gần sân lúa của A-rau-na người Giơ-vút. Khi thấy thiên thần sát phạt dân chúng, Ða-vít thưa cùng Chúa rằng: “Chính con là kẻ đã phạm tội, chính con đã làm điều gian ác; nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu? Vậy xin tay Chúa đè nặng trên con và trên nhà cha con”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 6. 7

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con (c. 5c).

Xướng: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian. 

Xướng: Con xưng ra cùng Chúa tội phạm của con, và lỗi lầm của con, con đã không che giấu. Con nói: “Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con”. 

Xướng: Bởi thế nên mọi người tín hữu sẽ nguyện cầu cùng Chúa trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng cả ba đào ập tới, chúng sẽ không hại nổi những người này. 

Xướng: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ. 

Alleluia: Ga 8,12

Alleluia, Alleluia. – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6,1-6

“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người.

Ðến ngày Sa-bát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sủng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Ma-ri-a, anh em với Gia-cô-bê, Giuse, Giu-đa và Si-mon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?”

Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giê-su liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”.

Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin.

Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Ðó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con xin kính cẩn dâng những lễ vật này lên bàn thờ Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận và làm cho trở thành bí tích đem lại ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu độ tôi theo lượng từ bi của Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để tôi phải hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực cứu độ để nuôi dưỡng chúng con; xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HỌ VẤP PHẠM VÌ NGƯỜI
Lm. Giuse Tạ Minh Quý

Đức Giê-su trở về quê nhà, Người giảng dạy trong hội đường, mọi người đều sửng sốt về giáo lý của Người, nhưng sau cùng, họ lại vấp phạm vì Người. Theo lẽ thường, khi ngạc nhiên sửng sốt về những lời rao giảng và sự khôn ngoan của Đức Giê-su, họ sẽ tin tưởng và yêu mến Người hơn chứ! Nhưng đây dân thành Na-da-rét lại nghi ngờ, đố kỵ, cứng lòng và vấp phạm vì Đức Giê-su. Điều gì đã xảy ra vậy?

Đã có những mâu thuẫn nội tại trong tâm trí họ. Họ đã bị các ký ức và nhận thức về Đức Giê-su trong quá khứ điều khiển cảm xúc và nhận thức của họ về Đức Giê-su trong hiện tại. Tâm trí của họ quá ồn ào! Cho nên, họ không thể tin được, một “bác thợ mộc con bà Ma-ri-a”, lại có sự khôn ngoan như vậy! Họ đã vấp phạm vì chính những kinh nghiệm về Đức Giê-su trong quá khứ của họ. Họ đã vấp phạm vì không chịu thay đổi lối suy nghĩ của mình, không chịu loại trừ những định kiến trong quá khứ. Họ đã vấp phạm vì không thực sự lắng nghe.

Với mỗi người chúng ta hôm nay cũng thế! Nếu chúng ta không biết bỏ đi những định kiến, không biết thay đổi cách suy nghĩ, không biết trống rỗng chính mình, để có thể thực sự lắng nghe, chúng ta cũng sẽ vấp phạm vì Lời Chúa và ngăn cản những điều kỳ diệu Chúa đang muốn thực hiện cho chúng ta trong đời sống hằng ngày. Nếu không biết trống rỗng chính mình để lắng nghe và thấu hiểu, chúng ta sẽ trở nên cớ vấp phạm và ngăn cản sự hiệp thông với Chúa và với nhau.

 

CHÚA GIÊ-SU BỊ KHƯỚC TỪ (Mc 6, 1-6)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau khi đi rao giảng Tin Mừng một thời gian ngắn, hôm nay Chúa Giê-su trở về Na-gia-rét quê hương của Người. Người vào giảng dạy trong hội đường. Ai nấy đều cảm phục vì bao phép lạ Người làm, vì giáo lý của Người rất cao siêu và giảng dạy rất khôn ngoan. Nhưng vì họ cứ nghĩ Người là một anh thợ mộc tầm thường trong làng, mà không nhìn nhận Người là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, nên không chịu tin Lời Người. Họ có thành kiến lớn lao đối với Người. Thế nên Người không làm phép lạ nào để cứu giúp họ, mà chỉ chữa vài người bệnh, vì Người không muốn tỏ quyền năng của Người cho những kẻ đóng kín tâm hồn.

2. Theo ông Đào Duy Anh“Thành kiến” là ý kiến cố chấp không thể lay động được. Khi có ý kiến tốt hay xấu về một người hay một vật gì thì khó lòng có thể thay đổi được. Thành kiến thay đổi sự thật của sự vật, không còn như nó có nữa. Thành kiến đã bóp méo sự thật, giống như người đeo kính mầu xanh thì vật gì cũng xanh, đeo kính mầu đỏ thì vật gì cũng đỏ.

Người ta có thể nhìn sự vật với ba thái độ, đó là yêu, ghét hay dửng dưng. Nhưng thường thì chúng ta ít khi có thái độ dửng dưng, trung lập, mà thường là nghiêng về một phía yêu hay ghét. Chính thái độ yêu hay ghét này làm cho ta nhìn sự vật khác nhau: Yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Khi yêu thì coi mọi sự đều đẹp đều tốt, khi ghét thì mọi cái là xấu: Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét ca tông chi họ hàng”.

3. Qua kinh nghiệm hằng ngày, chúng ta phải công nhận rằng Thành kiến là một căn bệnh phổ quát chung cho mọi người. Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài người, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án cái lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hằng căn cứ  vào những cái bề ngoài mà đánh giá thiên hạ. Cùng một câu văn, một lời nói, một việc làm, mà do người này thì có giá trị, do người kia thì vô duyên; do người này thì hay đáo để, do người kia thì dở ẹc ra. Người có danh tiếng thì lời nói việc làm nào cũng được coi như vàng ngọc. Người vô danh tiểu tốt thì lời có đẹp như trăng sao, việc có hay như thần thánh, cũng bị thành kiến dìm xuống đến tận bùn đen. Vì thế, Chúa Giê-su đã nói: “Không tiên tri nào lại được trọng đãi nơi quê hương mình” (Ga 4,44).

4. Dân làng Na-gia-rét không thể chấp nhận một người mà họ đã quen biết: thân thế tầm thường, gia đình nghèo nàn, họ hàng chẳng có danh giá gì. Biết rõ như thế thì làm sao người đó có thể là Vị Cứu Tinh, là Đấng giải thoát cho dân tộc mình được? Quả thực, họ đã bị thành kiến về giầu nghèo, về giai cấp trong xã hội làm mù quáng, không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa, nhận ra sứ mạng cứu chuộc nơi con người Đức Giê-su. Từ thành kiến sai lầm đó họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Ngài làm phép lạ như đã làm những nơi khác.

Trước sự cứng lòng và khinh thường của dân làng Na-gia-rét, Chúa Giê-su chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đưa ra nhận xét chua cay: “Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4). Dân làng Na-gia-rét không tin Chúa thì cũng vì họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo vào trong những định kiến hẹp hòi có sẵn của họ. Đấng Cứu Thế phải hiện nguyên hình như định kiến của họ, nghĩa là Đấng Cứu Thế phải có đầy quyền lực theo nghĩa thế gian, họ không thể tin nhận được một Đấng Cứu Thế như một con người đơn sơ khiêm hạ như họ thấy được.

5. Trên đường truyền giáo, Chúa Giê-su vẫn đem các môn đệ đi theo để huấn luyện các ông. Trong việc huấn luyện cũng cần thấy sự thất bại, chứ không phải chỉ nhìn thấy thành công. Sau này trên đường truyền giáo, sự thất bại không làm cho các ông nản lòng.

Các nhà rao giảng Tin Mừng hãy bắt chước Chúa Giê-su mà đón nhận thái độ “Bụt nhà không thiêng” của những người được rao giảng. Họ có thể nghi kỵ, không ưa, hoặc chống đối chúng ta đi nữa, thì hãy vững tâm vì “chân lý sẽ thắng”. Ban đầu có thể gặp thất bại nhưng với thời gian người ta sẽ nhìn ra chân lý. Chúa Giê-su đã thất bại khi còn sống nhưng đã thành công vẻ vang sau khi sống lại. Người tông đồ cũng phải đi theo con đường ấy: phải kiên nhẫn chịu đựng, nhưng phải chịu đựng trong vui tươi với tình thương mến.

6. Truyện: Cậu bé R. Tagore.

R. Tagore là một thi sĩ nổi tiếng của Ấn Độ và cả Đông phương nữa. Ông có khiếu làm thơ ngay lúc còn thơ ấu.

Một hôm, cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha xem. Ông thân sinh lắc đầu chê:

– Thơ mày là thơ thẩn!

Tagore mới nghĩ ra một mưu: cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và chữa xuất xứ là trích sao trong một cuốn thơ cổ. Cậu ta lại không quên đề tên cuốn thơ cổ ấy cẩn thận.

Lần này, ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen: “Tuyệt, tuyệt”. Rồi đem khoe tíu tít với đứa con trai lớn của ông, hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Ông nói:

– Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này.

Ông con trai chủ nhiệm đọc xong cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen là hay đáo để, và muốn trích đăng lên mặt tờ báo văn học của ông.

Bấy giờ ông anh cũng như ông thân sinh đòi Tagore phải đem cuốn thơ cổ kia ra để đối chiếu chứng minh và cũng để dễ bề chua xuất xứ trong khi đăng.

Đến đây câu chuyện mới vỡ lở ra. Có ai ngờ trên đây là một cuộc dàn cảnh bịa đặt của thằng bé Tagore! Ông thân sinh giận sôi máu lên, nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình xưa nay.

THÔI HỮNG HỜ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?”.

Nói về cái chết của Gioan Tẩy Giả, một nhà tu đức viết, “Ai cố giữ sự sống cho mình, bảo vệ nó như ông vua tham tàn hay người đàn bà đầy cừu hận, hoặc người con gái hững hờ, hơi giống trẻ vị thành niên… thì vô tình, sự sống chết héo, trở nên vô dụng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trở lại quê nhà và những người đồng hương vô thừa nhận Ngài. Lời Chúa mời gọi bạn và tôi ‘thôi hững hờ’ trước quà tặng của Chúa!

“Bởi đâu ông ta được như thế? Trước những dấu chỉ cho thấy nguồn gốc và sứ mệnh thực sự của Chúa Giêsu, đồng hương của Ngài sửng sốt và kinh ngạc. Ngài tỏ cho thấy quyền năng siêu việt của Thiên Chúa, giờ đây, thể hiện nơi những gì thuần tuý tự nhiên qua con người biệt danh “Bác thợ, con bà Maria”. Những phép lạ, những lời nói và việc làm mạnh mẽ của Ngài chỉ ra nguồn gốc thần linh của mình; đồng thời, mời gọi họ tin. Đó là một lời mời bỏ lại phía sau phạm trù hững hờ về một Giêsu như chỉ là một hàng xóm tốt bụng mà họ có thể có với Ngài trước đây; để từ đó, đón nhận món quà Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ. Điều này có nghĩa là họ cần thay đổi, hoán cải và ‘thôi hững hờ’.

Ai từ chối yêu thương sẽ đối nghịch với tình yêu. Ghen ghét - cụ thể là căm ghét những điều siêu nhiên. Đó là một thảm kịch đang diễn ra trong nền văn hoá đương đại, nó làm nảy sinh các lực lượng phản Phúc Âm hoá. Về phần mình, chúng ta coi đó là một hy sinh hầu dành cho Thiên Chúa vị trí ưu tiên trong dòng chảy bình thường của cuộc sống mình. Để làm được điều này, bạn cần hy sinh ý thức tự lập, hy sinh tính phù phiếm; bởi lẽ, nó cản trở nỗ lực tôn thờ Thiên Chúa vì chúng mang lại rất ít hoặc không nhận được sự tán thưởng nào từ những người chung quanh. Cần hy sinh sự thoải mái của chủ nghĩa tự nhiên ‘theo chiều ngang’ về mọi thứ. Sự hy sinh này là một công việc yêu thương, ‘thôi hững hờ’, hầu đáp lại lời mời gọi của Chúa để chia sẻ sự sống của Ngài.

Bài đọc Samuel hôm nay cho thấy điều tương tự nơi một vị vua phạm tội, Đavít. Vậy mà Đavít không nỡ vô tình khi Thiên Chúa đánh phạt ông trên dân, “Ngài coi, chính con đã phạm tội, chính con có lỗi; nhưng đàn chiên đó đã làm gì? Xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà cha con!”. Ông nài xin Thiên Chúa, “Lạy Chúa, xin tha thứ tội vạ cho con!” - Thánh Vịnh đáp ca; và Thiên Chúa cũng đã ‘thôi hững hờ’, Ngài thương tha thứ!

Kính thưa Anh Chị em,

“Bởi đâu ông ta được như thế?”. Có dấu hiệu nào trong cuộc sống cho thấy Chúa Giêsu đang tìm cách thay đổi tôi, thay đổi các hành vi của tôi để tôi có thể sống đức tin và bác ái nhiều hơn? Tôi còn kháng cự được bao lâu trước khi bị lòng tốt của Ngài chinh phục? Đừng để nó trở thành thảm kịch của chính mình! Chúa Giêsu đến chỉ để mưu cầu hạnh phúc và nâng cao cuộc sống của chúng ta cho đẹp đẽ hơn, sâu sắc hơn về ý nghĩa; phong phú hơn về hoa trái. Điều duy nhất Ngài cần là đức tin tích cực và vô điều kiện của chúng ta. Không có nó chúng ta sẽ làm tê liệt khả năng hành động của Ngài. Buồn biết bao khi chúng ta dễ dàng từ chối một món quà đẹp đẽ và vị tha đến như vậy!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘chết héo’ hoặc trở nên vô dụng khi con hững hờ và hời hợt trước những quà tặng xác hồn của Chúa!”, Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Gioan Bosco, linh mục

Ca nhập lễ

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì thế ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người đau khổ trong tâm hồn.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một người cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh linh mục Gio-an Bốt-cô. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con để chúng con biết phụng sự một mình Chúa và lo cho anh em được cứu độ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I:

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng để mừng kính thánh linh mục Gio-an Bốt-cô. Ước gì hiến lễ chúng con dâng để tạ ơn Chúa vừa tuyên xưng Chúa uy nghi vinh hiển, vừa đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho chúng con tìn lại sức mạnh nơi bàn tiệc thánh. Xin giúp chúng con biết noi gương thánh linh mục Gio-an Bốt-cô để lại là luôn luôn trung thành phụng sự Chúa và yêu thương phục vụ mọi người mà không hề quản ngại khó khăn. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Gioan Bosco sinh ngày 16.08.1815 tại Becchi, làng Asti, vùng Piemont. Lúc lên 2, đã mồ côi cha, bà mẹ nuôi nấng và giáo dục vừa nhân bản vừa Kitô giáo. Bà luôn bên cạnh ngài ở Turin trong 10 năm đầu (1846-1856). Gioan Bosco học xong phần tú tài nơi Collège Royal de Chieri. Khi được 20 tuổi, ngài bước vào Chủng viện địa phận Turin, nhờ sự nâng đỡ tài chính của Louis Guala, nhà thần học chống lối nghiêm khắc theo thánh Joseph Cafasso.

Gioan Bosco được thụ phong linh mục vào ngày 05.06.1841, không bao lâu sau đã thành lập “Oratoire Saint-Francois-de-Sales” ở Turin. Trong những năm này, thủ đô Piémont đã bắt đầu sống kỷ nguyên công nghiệp, gây biết bao vấn đề, nhất là việc di tản của giới trẻ. Hiện trạng này cũng đưa đến những hướng dẫn của Hội thánh cho những môi trường văn hóa mới. Chính trong hoàn cảnh này, Gioan Bosco, như nhà tổ chức và là người khởi đầu về điều mà sau này người ta gọi là “hệ thống phòng ngừa” dựa trên “tôn giáo, lý trí, sự nhân hậu”.

Mặc cho phê bình và cả những tấn công mạnh mẽ của những nhóm chống giáo sĩ, Nguyện xá (Oratoire), chỉ hạn hẹp trong các ngày nghỉ, nhưng sau này thường trực, càng ngày càng được phong phú nhờ các xưởng thợ dành cho giới trẻ học nghề, cũng như khả năng hướng về chức linh mục. Vào năm 1868, đã có 800 em tụ tập nơi đây. Đây là một cộng đồng dành cho giới trẻ lớn nhất trong nước Ý. Để đảm bảo cho công trình trong tương lai, Gioan Bosco đã thành lập Tu Hội thánh Francois de Sales (Salésiens), được Hội thánh công nhận vào năm 1869 ; tiếp đến là Hội các cộng tác viên; cuối cùng với sự cộng tác của nữ tu Marie-Dominique Mazzarello, Dòng nữ Salésiennes.

Thời truyền giáo của Dòng Salésien bắt đầu vào năm 1875, cùng với phong trào người Ý di tản sang Nam Mỹ. Luôn đi tìm ân nhân, hỗ trợ cho công trình của mình, Don Bosco đi khắp Âu Châu. Báo Le Figaro vào năm 1879 và báo Times vào năm 1888 đều gọi ngài là “thánh Vinh Sơn mới”.

Don Bosco cũng là một văn sĩ bình dân, viết về giáo lý, hộ giáo và giáo dục. Các “Bài đọc Công giáo” được phổ biến rộng rãi khắp nước Ý, từ đó hình thành “Tạp Chí Salésienne” vào năm 1877. Vị Tông Đồ vĩ đại của giới trẻ qua đời ngày 31.01.1888. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong thánh; từ năm 1936, lễ nhớ thánh Don Bosco được cử hành vào ngày thánh nhân qua đời. Cuối cùng Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II tuyên bố Don Bosco là “Cha và là thầy giới trẻ”.

Thông điệp và tính thời sự

Trong Lời nguyện nhập lễ cho thấy thánh Bosco là ân sủng Chúa ban cho Hội thánh như “Người cha và thầy” của giới trẻ. Bí mật của đời sống tận hiến trọn vẹn cho giới trẻ nằm trong hai từ trên; khi đến một tuổi nào đó, ngài nói: “Tôi đã hứa với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng vẫn dành cho giới trẻ nghèo khổ.” Chính tình yêu như một người cha đối với giới trẻ đã thúc đẩy ngài xác quyết: “Tất cả cuộc đời cha dành cho các con.” Sự sẵn sàng này đã bắt nguồn từ tình thương phụ tử của Thiên Chúa. Ngài nói: “Giáo dục là việc của con tim; chỉ vì Thiên Chúa là Thầy duy nhất, chúng ta sẽ không bao giờ thành công, nếu như Người không ban cho chúng ta chìa khóa.”

Trong tất cả các xác quyết trên, lòng nhân hậu chiếm một chỗ đặc biệt nhất. Trong lá thư, Hội thánh trích đọc trong Phụng Vụ Giờ Kinh, Don Bosco khuyên bảo các cộng sự yêu thương giới trẻ như con cái của mình, chỉ vì họ đang giữ vai trò giáo dục của một người cha, mẫu mực cho mọi thứ giáo dục Kitô giáo. Chính thánh nhân làm gương cho chúng ta: ngài viết một lá thư cho Rôma vào năm 1884 rất nổi tiếng: “Giới trẻ đã được yếu mến đầy đủ chưa ? Anh biết tôi yêu mến chúng như thế nào. Anh cũng biết, vì chúng, tôi đã đau khổ và chịu đựng trong suốt 40 năm qua,và tất cả những gì tôi đau khổ và chịu đựng vẫn còn tới nay.”

Don Bosco rất yêu kính Đức Mẹ: ngài luôn kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu Đấng Cầu Bầu cho các tín hữu, ngài nhìn Đức Maria “Người Mẹ luôn tha thứ và bảo bọc mọi người dưới áo choàng từ ái”. Trong giấc mơ có tính tiên tri vào lúc 19 tuổi, Đức Maria đã mặc khải cho ngài thấy mình là “Nữ chủ”.

Đặc điểm thứ hai của thánh nhân nằm trong phương pháp giáo dục phòng ngừa, đem lại cho Hội thánh việc tiếp xúc với quần chúng. Phương pháp này phải thấy trước những nguy hiểm đang rình rập giới trẻ, nhưng trước tiên nhờ một giáo dục chân tình nhắm vào sự tự do của cá nhân. Phương pháp này đã sản sinh ra hoa trái tốt đẹp nơi Nguyện Xá Valdocco trong con người của thánh Dominique Savio, vị thánh trẻ này nói với một người bạn: “Nơi đây, sự thánh thiện nằm trong sự vui tươi và chu toàn bổn phận cách tuyệt hảo.”

Thánh Don Bosco luôn nói: “Ước gì giới trẻ hiểu rằng họ được yêu mến.” Lời nguyện nhập lễ cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta “có được tình yêu để đi tìm ơn cứu độ cho anh em chúng ta, để chỉ phục vụ một mình Thiên Chúa làm thôi”. Thánh nhân đã dùng một câu Thánh Kinh làm châm ngôn: Hãy ban cho con các linh hồn và hãy lấy đi tất cả những gì còn lại (St 14,21). Linh đạo của ngài nằm trong hoạt động mà ngài nhấn mạnh: “Không phải sám hối hay kỷ luật mà tôi khuyên anh em, nhưng là lao động, lao động, lao động…” Lao động “là công trình của Thiên Chúa” và công trình của Thiên Chúa là “công trình các linh hồn “ được hoàn thành trong thinh lặng, vì như ngài luôn nói: “Sự thiện hảo không ồn ào, và sự ồn ào không làm nên việc thiện.”

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây