Chuyện bây giờ mới kể -2

Thứ sáu - 27/03/2020 23:19 |   687
"Chuyện bây giờ mới kể", đã gửi đến cách đây vài tuần, để chúng ta có dịp nhắc nhớ lại "Một thời vàng son" hay "Vang bóng một thời"....
Chuyện bây giờ mới kể -2

Chuyện bây giờ mới kể -2

[19.09.2012 21:21]

(BBT) Thời gian qua có nhiều bài viết- thơ mang chút tính thời sự nên được ưu tiên đăng trước, và giờ đây để thay đổi bầu khí, Chuyện Nhà xin giới thiệu: "Chuyện bây giờ mới kể", đã gửi đến cách đây vài tuần, để chúng ta có dịp nhắc nhớ lại "Một thời vàng son" hay "Vang bóng một thời"....

HỘI BÔ LÃO

Nói nôm na ngắn gọn là "hội những người hút thuốc lào".

Sau biến cố 1975, ngoài những giờ học đã được rút ngắn, mọi người trong chủng viện đều phải làm việc chân tay nơi đồng áng, khi đó chỉ còn 4 lớp lớn (Vô Nhiễm, Giuse, Truyền Tin và Phanxico). Cư dân Lê Bảo Tịnh gồm nhiều thành phần: thư sinh trắng trẻo con nhà buôn bán công chức... hoặc số anh em có nguồn gốc gia đình làm nông cũng rất nhiều. Tuổi xuân phơi phới, sức sống tràn trề nên anh em nhập cuộc nhanh chóng với công việc nặng nhọc: nhổ - đào gốc cà phê già, cưa cây muồng, dọn sạch đất đai để trỉa lúa, lạc, trồng rau.... Ai ngờ đôi tay đẹp đẽ quen với bút nghiên mà giờ đây:

Một tay một cuốc một liềm

Tay kia dao rựa, vác thêm cái cào.

Nghĩ lại thời ấy thật giỏi: sáng mai đi (chạy) bộ từ chủng viện cây số 5 đến Tòa Giám Mục để làm rẫy, cả nhà có một chiếc xe càng (tài xế là Cha Loan già, Thành gồ, Vĩnh đen Bokassa, Cha Trần Ngọc Cầu....) chỉ dùng chở cơm nước, dụng cụ nhà nông. Ăn cơm trưa tại chỗ, và sau giờ nghỉ là đọc kinh nhật tụng rồi mới bắt tay vào công việc buổi chiều... Tuy mệt mà vui.

Mệt nhoài công việc mà vui

Chiều về chạy bộ dép gùi trên lưng

Sức tài xem thử biết chừng

Ai về trước nhất, tưng bừng hân hoan.

Vâng! vậy mà còn đua nhau chạy marathon về chủng viện để kịp giờ đá banh chiều (đa phần Cha Phạm Xuân Lương về tới nhà đầu tiên vì Ngài vốn có sức khỏe của một thể thao gia). Kể cũng lạ! hồi đó xe cộ đâu cả, mà anh em đi bộ giữa quốc lộ cứ như đi dạo chơi vậy.

Có một điều thú vị khó quên: miếng rẫy sát cạnh là của các Soeurs và đệ tử dòng Nữ Vương Hòa Bình cũng nhổ cà phê, đào gốc, cò cưa cây muồng... chiều đến bên này hỏi vọng bên kia: đào được bao nhiêu gốc rồi? bên nào hơn là vui lắm... mà thường phe ta bao giờ cũng làm các chị không được vui.

Nghĩ lại thời ấy mà thèm! thèm vì bầu khí anh em ở chung một nhà: sống chan hòa vui buồn sướng khổ có nhau.

Xin trở lại câu chuyện chính: "Hội bô lão" cũng bắt đầu xuất hiện từ đây. Không biết ai kiếm đâu được cái điều cày mà một ít anh em thậm thà thậm thụt tập hút. Người ta hay nói: ăn vụng mới ngon, mà hút trộm thì cũng không ngoại lệ, có cái khó là làm sao không để lại khói... sợ các Cha giáo bắt được, đủ cách đủ trò: ai hút mà không say, té ngã té sấp mới là cao thủ. Dần dần hội bô lão cũng có số hội viên thường trực trên chục người. Nghe kể có anh vì thích vui mà hút, khi vừa rít xong khói chưa kịp nhả, mắt đang nhắm nghiền phải chụp vội ly nước lạnh để sẵn bên... Có lần anh nào kiếm được ống tre dài khoét lỗ làm điếu, cái điếu nó dài đến độ đứa này hút... còn đứa kia châm lửa cách nhau tới cả mét. Đôi khi làm gan đưa điếu về phòng, tình cờ Cha Anre Lê Trần Bảo (Cha giám luật) đi ngang qua, Ngài chặc lưỡi: sao phòng này có chuyện gì mà khói nhiều quá!!!.

Hội bô lão không còn nữa, nhưng các thành viên giờ đang sống mạnh khỏe, người sang Mỹ, Canada... kẻ ở Việt Nam... không biết đến lúc nào "Hội bô lão" mới có dịp tái ngộ đông đủ, ta hút một bữa cho thỏa lòng mong nhớ nhỉ!!!

Sáng kiến... mùa đông

Hồi xưa khi ở chủng viện, mình còn nhớ những mùa đông lạnh giá. Cái lạnh thời ấy dù đắp 3-4 chăn vẫn còn run lập cập. Có rất nhiều anh phải mang tất vào chân, 1 đôi chưa đủ còn chồng thêm đôi nữa cho chắc ăn. Hỏi sao vậy? - Lạnh cái gì chẳng đến nỗi! nhưng hai bàn chân tê buốt thì không tài gì ngủ được.

Nhưng điều vất vả khổ sở nhất, đó là lúc chuông dậy buổi sáng. Rõ khổ! lạnh như xé da thịt mà phải nhảy bật ra khỏi giường... không như bây giờ vợ con có réo mấy thì mình cứ thoải mái ngủ nướng. Như câu người ta thường nói: "họa vô đơn chí", cái nỗi khổ tiếp theo là đánh răng rửa mặt, mở robinet thì nước lạnh khác chi nước đá, chạm vào đã thấy tay tê cóng.

"Trong cái khó ló cái khôn". Chuyện là vào mùa đông năm 1977- mùa đông cuối cùng ở chủng viện của đa số anh em. Cuối năm ấy, chủng viện buộc phải về Tòa Giám mục BMT. Tất cả chia nhau cứ mỗi phòng vài chục người, trong dãy nhà mà bây giờ có phòng Cha Giuse Bùi Công Chính đang ở. Biết cái rét - cái lạnh giá của anh em, Bùi Trung Tuấn (lớp Vô Nhiễm) ở cùng phòng với mình bỗng nảy ra 1 ý......... Suốt ngày hôm đó Tuấn cứ loanh quanh ở bờ rào, bờ tường rồi xách về 1 khúc kẽm lớn, hay khúc sắt gì đó...Cặm cụi bẻ qua bẻ lại rồi Tuấn dõng dạc tuyên bố: Từ sáng mai anh em sẽ có nước nóng rửa mặt thoải mái! Ai cũng ngạc nhiên! Chẳng hiểu mô tê gì? Thích thì thích thật, nhưng vẫn bán tín bán nghi!! (Hồi đệ nhị cấp, Tuấn học rất giỏi môn toán, lý, hóa, và hiện giờ đang là giáo viên vi tính ở Đồng Nai).

Buổi tối trước khi đi ngủ, Tuấn khệ nệ khiêng vào 1 chậu nước nước lớn để sẵn trong phòng. Như bình thường, sáng mai chuông dậy mỗi người đứng cạnh giường đọc kinh:

"Muôn tạ Chúa đã coi sóc chúng con đêm nay

Muôn tạ Chúa đã gìn giữ chúng con sạch tội

Chúng con dâng mình và các kẻ thân thuộc cho Chúa

Chúng con dâng ý tưởng, lời nói, việc làm cùng mọi hy sinh trong ngày hôm nay

Chúng con muốn sống tận tình con thảo với Chúa

Xứng đáng một chủng sinh, một tông đồ tương lai

Lạy Chúa Ba Ngôi, con tin - con cậy - con mến Chúa hết lòng

Giêsu Maria Giuse, chúng con kính mến Ba Đấng, xin Ba Đấng gìn giữ chúng con. Amen 

... Ôi! phép lạ bỗng dưng xuất hiện: một chậu thau nước nóng bốc hơi nghi ngút giữa phòng. Không được phép nói chuyện, ai nấy thinh lặng mỗi người một ca nước nóng, pha thêm tí nước lạnh tùy thích để đánh răng rửa mặt.

Sau này mới biết Tuấn chế ra cái điện trở to đùng, mọi người bắt đầu làm dấu thì cũng là lúc cắm điện vào. Cám ơn Tuấn, nhung cũng từ ấy cứ mỗi sáng sau chuông dậy, điện cả vùng đó cứ mờ mờ ảo ảo trong 1-2 phút........!!!
 

Tk.Điệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây