Vùng trời kỷ niệm

Thứ bảy - 04/04/2020 04:34 |   987
Xin kể một vài câu chuyện của những ngày sống dưới mái ấm LBT:
cvLBT1
cvLBT1

VÙNG TRỜI KỶ NIỆM

Tôi nhớ trong một bài báo nào đó, hai người cãi nhau về sự tồn tại của kỷ niệm, một người thì cho rằng: Chuyện xưa chẳng cần và chẳng có ý nghĩa gì, còn người kia cãi lại: Nhớ về kỷ niệm, ít nhất cũng giúp bạn thấy được cái sai trong quá khứ, để sửa đổi, vươn lên trong cuộc sống hiện tại...

Đối với bản thân, tôi lại thấy kỷ niệm thật êm đẹp, phong phú và gắn bó suốt dòng chảy cuộc đời mình. Bất cứ ai cũng có những kỷ niệm dù vui hay buồn, và mỗi người đều có những cảm nhận theo cách riêng của mình.

Xin kể một vài câu chuyện của những ngày sống dưới mái ấm LBT:

* Tình đơn phương: 

Ngày 7/9/68, 60 đứa chúng tôi từ khắp bốn phương tề tựu về TGM BMT và nhà “Caritas” (đối diện TGM) được chọn làm Chủng viện tạm thời. Hai bà chị của tôi vừa sẵn dịp đi học trường Hưng Đức, vừa tiễn chân tôi tới Chủng viện. Nhìn vào bảng thông báo, thì ô hay, tên mình được chọn làm phó lớp kiêm trưởng ban thể thao. Vừa hãnh diện nhưng không khỏi lo lắng: mình cả đời có biết đá banh gì đâu? Lớp tôi có một vinh dự rất lớn là được sống ở CV trong những ngày tháng phôi thai, ngày thì ăn học nhưng đêm đêm súng đạn bắn ào ào, có khi 2 phe rượt nhau chạy rầm rập (hồi ấy tết Mậu Thân, sau đó là chiến tranh leo thang ác liệt). Có đêm đang xem văn nghệ của dòng NVHB diễn, có Đức Cha Mai, các Cha thì trực thăng bắn rocket ngay trên đầu ầm ầm, thế là cha con rút về nhà Caritas, dưới sự bảo vệ của cảnh sát. Được nửa năm, tôi lên làm trưởng lớp thay Đỗ Kim Châu, nhưng chức trưởng ban thể thao cũng rơi vào tay người khác. Và câu chuyện cũng bắt đầu từ đây:

Đã làm trưởng lớp thì phải kiêm nhiệm thêm việc bắt kinh, chúng tôi đọc kinh tối ở TGM, sau đó về Caritas để ngủ, ở dưới gầm nhà thờ TGM là nhà ngủ của các đệ tử dòng NVHB, được tường dày bao bọc để tránh đạn. Một buổi tối, đang say sưa đọc kinh thì kìa, một mảnh giấy dưới gầm nhà thờ từ từ được đẩy lên qua kẽ ván, dù sợ Cha giám luật nhưng mấy đứa chung quanh không khỏi tò mò, thế là tờ giấy được chuyền tay: “Nhớ đọc kinh cầu nguyện cho các chị với nhé”. Đêm mai, đêm mốt và thỉnh thoảng lại có một mảnh giấy choài lên: khi thì “Đi nhè nhẹ cho người ta nhờ”, có lúc “Chịu khó đọc kinh, các chị thương”... dần dần tôi đâm nghiện những mảnh giấy đó, đêm nào mà không có thì lòng cảm thấy thương thương nhớ nhớ... Có một lần đang đọc kinh, thấy mảnh giấy làm tôi quên mất nhiệm vụ bắt kinh, làm cả lớp chia trí, nhốn nháo... Thật hú hồn!

Một câu chuyện tuy nhỏ như vậy thôi, mà đã theo tôi đi suốt cuộc đời. Tôi cứ thắc mắc: mảnh giấy ấy là của cô đệ tử nào nhỉ? Đến bao giờ mới gặp mặt một lần cho biết. Người đó đẹp hay xấu, khuôn mặt trái xoan chắc? 42 năm trôi qua, mà tôi vẫn chờ đợi... chờ đợi một điều mong manh mà có lẽ chẳng bao giờ là gặp mặt tác giả của những mảnh giấy trìu mến đó.

* “Xin đểu”:

Đi nghỉ tết ở quê nhà được hai tuần, “thằng bé” về lại Chủng viện mà lòng vẫn tiếc nuối những ngày vui vẻ vừa qua. Lúc đó chúng tôi đang học lớp 8, ngủ chung trong một phòng lớn mà sau này là hội trường. Điện đến 9-10h là tắt, phải thắp đèn, sáng mai lỗ mũi của đứa nào cũng đen thui đen thủi, sau phát hiện ra do khói đèn dầu nên không dùng nữa.

Tôi mang theo một bịch kẹo và một lon coca-cola, cũng phải thu thu đút đút vì luật CV không cho ăn riêng, mà phải gửi lại phòng Cha giám luật, đến ngày thứ 5 và chúa nhật mới được ăn.

Kẹo thì giải quyết nhanh gọn nhưng còn lon coca thì không biết tính sao? Chỉ còn một cách là ban đêm chờ cả nhà đi ngủ mới khui ra uống. Đêm đó, chờ tắt hết đèn, bạn bè nằm im ắng, là tôi lôi lon coca ra để khui, ai ngờ năm thì bảy lượt, lúc thì có đứa chưa ngủ, khi thì bóng Cha giám luật đang đi gần đó. Thậm thà thậm thụt, làm cho gas trong lon coca bốc lên mạnh mà tôi đâu biết? Thế là đến giờ G, tôi hồi hộp bật nắp, “ầm” một tiếng làm tôi điếng hồn, nước coca phun lên như mưa, mấy đứa chung quanh rục rịch, nhốn nháo: nước ở đâu mà vung vãi trên mùng mền thế? Nhờ bóng đêm, ngồi im cho “tình thế” lắng dịu, nhưng khi coi lại thì chao ôi, chỉ còn đúng nửa lon nước nữa. Đành thôi vậy, tôi tự an ủi “có còn hơn không”. Vậy mà lúc tôi sắp sửa được thưởng thức dòng nước ngọt mát, bỗng đâu có hai bóng đen bất ngờ xuất hiện sát nách tôi, thì ra là Định còm và Đặng sữa (tên thời còn đi học). Định còm lạnh lùng phán: “Cậu mà biết điều...”. Vâng! tôi hiểu, “hai thầy” dọa tôi nhưng đến bố bảo thì hai thầy cũng chẳng bao giờ dám mách Cha giám luật vì ở CV đẳng cấp “quậy phá” của hai thầy thuộc hàng cao thủ thượng thặng. Nhưng “một sự nhịn chín sự lành” khi hai thầy trả lại lon coca thì hỗi ôi chỉ còn lại đủ thấm môi, thay vì nuốt nước ngọt, thì “đúng là ngậm đắng nuốt cay”.

Từ đó tôi tự hứa chẳng mang một cái gì lên CV ăn nữa hết.

* Bữa ăn giữa buổi:

Thuở ấy, sau năm 75- CV chỉ còn 4 lớp, cuộc sống vất vả, cực khổ, phải làm tự lập nuôi thân vì hầu như không có sự đóng góp của gia đình như trước đây. Để làm kinh tế hiệu quả, các cha chia mọi người thành các nhóm chuyên môn: ban chăn nuôi, ban làm rau, ban ẩm thực... và ban lao động. Tôi ở trong ban lao động, tập trung đa số thành phần “không nghề nghiệp chuyên môn” nhưng bất cứ “mặt trận” nào chúng tôi đều có mặt.

Tuổi thanh niên, ngoài giờ học còn phải đi lao động nặng như đi nhổ cây cafe, đào đất nên nhu cầu ăn uống đòi hỏi nhiều nhưng thực tế lại không được như vậy. Ai trong chúng ta sống với nhau những ngày đó sẽ không bao giờ quên được những tháng ngày ăn uống kham khổ, cả cha cả con cùng húp cháo, mà chúng tôi thường hay đùa “vịt lội qua”, vì mang tiếng là cháo vịt nhưng có khi nào thấy được miếng thịt vịt đâu?

Thế là chúng tôi nảy sinh một ý hay, cứ đến khoảng 10h trưa, lúc đó bụng đứa nào cũng thấy “kiến bò” nên phải nhờ đến đầu bếp Simon Khôi. Vâng! Khôi thật lắm tài, và cái tài nhất là làm cho anh em quên đói bằng cách nghe anh thuyết giảng về các món ăn. Tay vừa cuốc cỏ, tai vừa nghe những món cao lương mỹ vị mà Khôi “dọn” ra cho chúng tôi làm nhiều lúc phải chảy nước miếng. Không biết Khôi lấy ở sách nào ra hay là tự chế mà chúng tôi được ăn đủ các món Tây, Tàu,Ta...

Sau 34 năm, bây giờ mới có dịp cám ơn Khôi, nhờ “những món ăn tinh thần đó” mà giờ đây chúng tôi vẫn còn vui vẻ, khỏe mạnh, sống lạc quan.

Xin chia sẻ một vài kỉ niệm trong bầu không khí những ngày cuối năm!

(Riêng câu chuyện thứ hai có hư cấu thêm một ít để góp phần làm cho nội dung thêm phần hài hước và hấp dẫn hơn. Vì vậy mong các nhân vật trong câu chuyện thông cảm)

* Thời thơ ấu

Từ khi bắt đầu có trí khôn, tôi được nghe kể rằng: Hồi xưa ba mẹ tôi sinh tới bốn người con đều là con gái, ba tôi bèn đến trước bàn thờ Chúa và Đức Mẹ khấn cầu: Cho gia đình con 1 đứa con trai, và chúng con sẽ dâng nó vào nhà Chúa. Và có lẽ vì vậy mà khi tôi mới lên 7 - 8 tuổi, ba tôi đã gửi tôi vào ngủ trong nhà xứ hằng đêm, ban ngày thì về với gia đình, đi học. Đó là thời gian đầu đời tôi vào sống với Cha Xứ lúc đó là Cha Giuse Trịnh Chính Trực. Vâng, đây cũng là con người mà tôi muốn được nói đến trong niềm yêu mến thành kính và tri ân Ngài.

Tôi còn nhớ ngày Ngài rời khỏi Giáo Xứ Châu Sơn, giáo dân đến tiễn chào và rất nhiều người khóc, vì Ngài ra đi nhưng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét.

Ngài là một người thực tế, nói được và làm được, hồi đó một Linh Mục Quản Xứ ngoài việc chu toàn bổn phận chủ chăn tâm hồn, còn phải gánh vác nhiều chuyện đời như định canh định cư, môi trường sống... Riêng Cha Trực lúc đó, với nhãn quan nhìn xa thấy rộng, Ngài đã mua máy cày, mở 2 nhà máy xay xát đầu và cuối làng. Ngài dựng tượng Chúa Ki Tô Vua trên núi Cư-êbur, xây Tượng đài Đức Mẹ ngay đầu làng, và tiên vàn phải là vấn đề kinh tế: Tự lực tự cường, chứ không thể sống nhờ vào viện trợ mãi được, Ngài đã xin chính quyền cấp cho dân một vùng đất 700 mẫu, chỉ tiếc 1 điều vì chiến tranh lan rộng, nên không thể canh tác được.

Tôi ở với Ngài, ngủ chung với các chú giúp lễ, mùa lạnh nằm trên những bao rơm, ngứa ngáy cả người nhưng vẫn thích. Tôi sống thật hồn nhiên, vui vẻ. Sáng 4 giờ Ngài đã kéo cổ dậy bắt tập thể dục, Ngài rất chú tâm đến giáo dục học đường, trồng một vườn ổi lớn để hàng tuần phân phát cho học trò ăn có thêm chất Vitamin. Cũng từ khi nào không hay, Ngài gọi tôi là “Mộng Điệp” kể cả sau này ở chủng viện, tôi cứ nghĩ một lúc nào đó để hỏi cho biết nhưng đáng tiếc thay, có lẽ không bao giờ Ngài có thể nói về nguồn gốc, lai lịch cái tên “Mộng Điệp” nữa. Cuộc sống Ngài thường có chiếc Radio bên cạnh, tai nghe tin tức còn miệng hay lai rai mấy củ lạc luộc phơi khô....

 

* Mái trường Lê Bảo Tịnh.

Bẵng đi một thời gian khá dài Ngài vừa là Cha chính giáo phận, vừa coi xứ “Nhà Thờ Chính Tòa”. Nhưng đùng một cái cha Trực được Đức Cha Mai bổ nhiệm làm giám đốc Chủng viện Lê Bảo Tịnh thay Cha Tra.

Thế là Cha con lại được sống chung một mái nhà, một tổ ấm. Ngài rất nghiêm khắc, thẳng thắn, sẵn sàng sửa sai chỉ dạy, ai cũng như ai, không bao giờ vì một chút riêng tư nào cả...

Cuộc sống đều đặn êm ả trôi đi, chúng tôi chỉ biết mải mê học hành, học đàn và vui đùa trong những giờ chơi buộc. Cho đến một ngày. Vâng. Như một khúc ngoặt của cuộc đời, tiếng súng và bom đạn ầm ào, dồn dập không dứt suốt đêm, nhưng sáng hôm đó thứ hai ngày 10/3 tất cả 7 lớp vẫn vào học bình thường, gần trưa Cha Đạo đi lên phố nghe ngóng tình hình không ngờ đến cây số 3 buộc phải quay về gấp, chúng tôi thấy Cha Đạo thầm thì to nhỏ với các Cha nét mặt đăm chiêu lo lắng... Sau khi các Cha hội ý, tất cả chủng sinh chúng tôi tạm nghỉ học, chuẩn bị mọi sự vì chiến tranh đã gần kề... Bầu khí càng ngột ngạt hơn khi cả hàng trăm người từ quận Hòa Bình và chung quanh ào vào chủng viện để có chỗ tạm trú và tránh đạn. Giờ đây, tôi bắt đầu thấy hoảng sợ khi những trái đạn pháo rơi ầm ầm vào sân chủng viện làm bị thương một chị và đến chiều thì chết. Không biết nói sao, tất cả chúng tôi đều ngồi co cụm ở hành lang, chọn những chỗ kín đáo và tường dày để tránh bom đạn vô tình... Tội nghiệp Cha Giám Đốc và các Cha, không nghĩ đến mình, lo lắng cho hơn 200 sinh linh, không biết sẽ sống chết ra sao? Bữa trưa hôm đó chắc không ai nuốt nổi chén cơm. Thời gian chậm chạp trôi qua trong tiếng bom đạn ầm vang, trong nỗi ưu phiền lo lắng cho tương lai, cho gia đình... Đến đầu giờ chiều ngày hôm sau thứ ba 11/3, tất cả chúng tôi đều được lệnh mang theo tư trang tối thiểu để chạy loạn, vì nơi đây quá gần trung đoàn 45, tiểu đoàn pháo binh 230, thuộc vùng quá nguy hiểm, những người dân tị nạn ở đây giờ đã rút chạy hết rồi... Tất cả chúng tôi tập trung trước phòng Cha Giám Đốc, đối diện hội trường. Ôi! đây là điều tôi muốn dừng lại và nhấn mạnh đến tính cách “Anh Hùng” của Cha Giuse Trịnh Chính Trực. Vâng! sau khi cầu nguyện và suy nghĩ, Ngài đã quyết định và bắt buộc tất cả các Cha, chủng sinh phải rời khỏi chủng viện đi về hướng Phước An để bảo toàn tính mạng. Ngài xuất hiện trước tất cả mọi người, dù nét mặt ưu tư nhưng rất bình tĩnh, Cha Giám Đốc nói ít lời dặn dò, từ biệt với các Cha và chủng sinh, riêng một mình Ngài ở lại để giữ gìn, coi sóc chủng viện vì đó là trách nhiệm mà Đức Cha Nguyễn Huy Mai đã trao phó.

Vâng, đây là một hình ảnh bi hùng mà suốt đời tôi không thể nào quên, tôi ngẹn ngào cất bước ra đi với anh em mà tâm trí cứ nghĩ về Cha Giám Đốc, vì ở lại là đồng nghĩa với cái chết. Trong cái nắng cháy da của tháng 3, trong bầu khí nồng nặc bụi và thuốc súng, chung quanh tôi ai cũng ngậm ngùi vì chắc không có ngày trở lại nơi đã có với nhau những tháng ngày êm đẹp. Tôi cố đi sau, chầm chậm và ngoái lại để nhìn, để thương và để ghi nhớ hình ảnh một vị “Chủ chiên hy sinh vì đoàn chiên”.

Cuộc di tản không thành công vì bom đạn nổ ì ầm trước mặt, cũng là ý Chúa đưa chúng tôi trở lại chủng viện yêu dấu và nhất là được về cùng sống, cùng chết với Cha Giám Đốc Trịnh Chính Trực.

Cuộc sống là thế đó, khi phong ba bão táp, khi xuống biển lên non.

Đến tháng 9/1975, đúng vào ngày đổi tiền thì tôi bị sốt nặng, bao nhiêu thuốc cũng không lành. Cuối cùng tôi phải vào bệnh viện BMT. Khi ra viện về ở với Cha Tra, xứ Kim Mai hơn tháng trời để dưỡng bệnh. Tôi trở lại Chủng viện trong sự khao khát được sống với các Cha, anh em. Nhưng bệnh tật chưa buông tha tôi. Một buổi sáng Cha Giám Đốc chở tôi đi trên xe hơi Deux Chevaux của Ngài, về hướng Kim Châu tìm đến một ông bác sĩ bộ đội để chữa bệnh sốt cho tôi. Thật xúc động khi chỉ vì lo sức khỏe cho Chủng sinh, Ngài đã bỏ công tìm tòi... Trên xe chỉ có mình Cha và tôi, Ngài nói rất nhiều chuyện, đặc biệt về tương lai trong một xã hội mới... Cuối cùng, nhờ Ngài và Soeur Anre tôi đã lành hẳn bệnh sốt cho tới bây giờ. Hồi đó tự nhiên xuất hiện nhiều bệnh lạ, chẳng hạn bệnh ngứa đến nỗi như Khánh Kant (V.Nhiễm) được gọi là Khánh Tremolo...

Giờ đây, sau bao thăng trầm, ngồi ngẫm nghĩ lại tôi xin được chia sẻ đôi điều:

- Đức Cha Trực, các Cha là những người đã sống gắn bó với chúng ta, thời gian dù dài dù ngắn trong cuộc đời, nhưng những lời dạy bảo và mẫu gương của các Ngài thì chúng ta học cả đời.

- Đức Cha và các Cha rất giỏi khi có những nhận định về thời cuộc, về tương lai... Trong những giờ học La văn, Công dân giáo dục các Ngài cũng hay nói về thời sự theo yêu cầu của anh em. Ví dụ như ngay sau năm 75, Cha Phạm Ngọc Lan đã nói với một số chúng tôi khi vào thăm Ngài ở TGM: “Hãy học ngoại ngữ, học Anh Văn... vì người ngoại quốc rồi sẽ vào làm ăn ở Việt Nam”. Lúc đó chúng tôi không tin nhưng bây giờ thì đúng thật như vậy.

Thời gian sau này, một lần khi vào thăm Cha Tra, có một Soeur đến nói với tôi: “Đức Cha muốn gặp anh, nhắc đến tên anh suốt”. Tôi đến gặp Ngài, xúc động khi Ngài đi lại hoàn toàn dựa vào một chiếc xe, nhưng trên chiếc xe, trước mặt Ngài vẫn là cái Radio quen thuộc. Tôi không ngờ đó là lần gặp cuối cùng Cha con cùng tâm sự. Sau đó một thời gian ngắn Ngài lâm bệnh nặng nằm yên một chỗ.

Chủng Viện và Giáo Phận BMT chúng ta, có một con Người vĩ đại là Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực, nhưng đối với tôi, sự vĩ đại của Ngài là sự TẬN TÂM DẠY DỖ CỦA MỘT NGƯỜI THẦY, VÀ LÒNG YÊU THƯƠNG NUÔI NẤNG CỦA MỘT NGƯỜI CHA. 

 

* Xin đừng bắn…

Sự việc cách đây 35 năm, mà mỗi khi nhớ lại tưởng chừng như mới xảy ra hôm qua. Bất cứ ai có mặt trong ngày đó - chỉ cần nhắc lại: “Xin đừng bắn...” là như một cuốn phim quay chậm trong tâm trí mỗi người, mãi mãi không bao giờ quên.

Như tôi có nói qua trong phần trước, chiều ngày thứ 3 sau khi đi tránh đạn về phía Phước An không được, tất cả mọi người trở về quây quần bên nhau trong tiếng gào thét của bom đạn, tiếng ầm ầm của các loại chất nổ, cộng với bụi bặm và khói thuốc súng bao phủ, mọi sự như đắm chìm trong một bầu khí ngột ngạt, lo âu. Đêm về với giấc ngủ chập chờn, hoang mang. Ngoài trời tiếng nổ hầu như liên tục không dứt, nhất là phía sân bay Hòa Bình. Ánh sáng hỏa châu le lói càng làm tăng thêm nỗi bồn chồn, sợ hãi. Sáng mai thức giấc, nhìn ai cũng thấy nét phờ phạc hằn ghi trên khuôn mặt, như linh tính báo trước một ngày đầy rẫy hiểm nguy.

Nhét vội chút cơm vào bụng, tất cả mọi người, từ các Cha đến anh em chủng sinh tập trung vào một số phòng tương đối là kín đáo và an toàn hơn. Tính tổng cộng cũng gần 300 người chen chúc trong 3 phòng: Cha Đạo, Cha Hân, Cha Toàn. Tôi ở trong phòng Cha Đạo, chật kín người - không còn một chỗ len chân, phía ngoài xảy ra những gì, chúng tôi chỉ biết mù mờ qua những tiếng hét, tiếng hô to. Bộ đội đang đánh vào các trại lính chung quanh chủng viện: trung đoàn 45, tiểu đoàn pháo binh 230, tiểu đoàn công binh... Phòng Cha Toàn vì nằm ở phía ngoài, nên mọi người di tản vào phòng vệ sinh và cầu thang. Trong phòng không ai nói một lời nào, chỉ biết thầm thì cầu nguyện xin Chúa ban sự bình an. Ngoài kia bom đạn nổ tứ phía, tiếng đạn đi xé tai, rồi thì... chúng tôi bắt đầu nhận ra tiếng xích sắt của xe tăng nghiến trên mặt đường, hồi hộp, lo lắng khôn tả, cuộc chiến đã đến quá gần... nhiều người hầu như cầm chắc cái chết, đang đọc kinh ăn năn tội.

Đột nhiên, một tiếng hô dõng dạc vang lên:

Xin đừng bắn, tất cả chúng tôi là học sinh”

Trời! Giọng Cha giáo Trịnh Văn Hân. Tất cả chúng tôi đều hô to theo. Cha Hân bình thường có nét đẹp thư sinh, nho nhã, thế mà giờ này Cha bỗng vươn vai đứng dậy như một anh hùng, tiếng Ngài đôi lúc át cả tiếng đạn bom. Cứ Ngài xướng, còn toàn bộ gia đình Lê Bảo Tịnh đáp. Có lẽ trong cuộc đời làm ca trưởng (Cha Hân là Cha giáo dạy nhạc) chưa bao giờ Ngài điều khiển một ca đoàn hát hợp xướng hay ho đến như vậy, tất cả đều răm rắp, đúng nhịp và diễn tả hết tâm hồn, chỉ tiếc là thay vì tiếng đệm của đàn phong cầm, là tiếng ầm ầm của các loại súng đạn... Đây là lúc nói lên sự gắn bó của Cha con, sinh mạng liền kề nhau, cùng sống cùng chết . Đang lúc Cha con đang gào thét... thì “Ầm” một tiếng nổ long trời lở đất, tai chúng tôi ù đi, mắt mở ra không nổi vì bụi dày đặc. Cửa phòng bật tung, có nhiều tiếng la hét: Cha Đậu bị thương rồi anh em ơi! Còn mấy người nữa rờ vào chỉ biết máu là máu. Thật khủng khiếp! Bỗng dưng một cái đầu tóc xoăn thò vào. Ôi! San Chồ (sau này là Cha Nguyễn Đình San) nguyên cái đầu của San Chồ vàng khè do bụi gạch trùm xuống. Đó là kết quả của một trái đạn pháo do xe tăng bắn... May mà nó đúng vào dầm ê ke bê tông, nếu đúng tường thì chắc là Cha con đi đứt một nửa.

Ngoài hành lang và phòng vệ sinh (nơi bị trúng đạn) tiếng Cha Đạo nói: “Ra đầu hàng đi các con, nếu không sẽ chết”. Quay đi quay lại không có miếng vải trắng để làm dấu hiệu, Nguyễn Văn Kim nhanh trí cởi ngay chiếc áo trắng đang mặc, cầm bằng cả 2 tay giơ lên cao chạy ra trước, sau đó là Cha Hân… Bộ đội chỉa ngay súng vào Kim, đang phơi nguyên bộ sườn: “Thằng kia, mặc áo vào”. Kim điếng hồn, quay trở lại vừa kịp lúc anh em khiêng Đỗ Kim Châu đang dở sống dở chết. Còn Cha Đậu tội nghiệp quá sức! Ngài bị trúng đạn bể giò không thể đi được, may có Thành Gồ to con cõng Cha đi. Bây giờ nhớ lại dù bị thương nặng nhưng nét mặt Cha vẫn toát lên một sự bình tĩnh, chịu đựng. Còn Hoàng Mạnh Trung (lớp Phanxico) bị nát gần hết cánh tay, vốn đã gầy còm giờ này đứng đó run rẩy, nhìn vào ai cũng rụng rời, chắc phải dùng từ ngữ này mới đúng về vết thương của Trung: “te tua xơ mướp”.

Lần đầu tiên trong đời tôi thấy bộ đội. Họ lùa tất cả mọi người ra sân banh, nằm hết toàn bộ. Ai nhát gan thì nằm sấp úp đầu xuống, ai lì lợm như tụi tôi thì nằm ngửa mặt nhìn lên bầu trời xem mấy chiếc máy bay A-37 thả bom, rượt bắn xe tăng. Tôi nghĩ đến cái chết, tôi thấy bầu trời trong xanh lạ lùng, thôi cứ nhìn một lần cuối để rồi nhắm mắt xuôi tay. Tôi nằm sát Châu be, một số anh em ôm hôn Châu và khóc, trong số đó Định còm khóc to nhất: “Châu ơi! Từ nay ta không còn gặp nhau nữa, không được chơi với nhau nữa… sao nỡ bỏ các Cha, bỏ anh em, Châu ơi!”. Tôi khẽ nhắc Định còm: “Đừng khóc nữa, chết cả đoàn đây này”. Định còm càng hét to: “Châu nó trúng đạn lòi phổi đây này, không thể sống được…” Tôi nhìn vào vết thương ngay vai phải của Châu, một lỗ tròn đỏ lửng, to bằng miệng ly uống nước, tôi không thấy máu chảy, nhưng sau này nghe Châu kể lại là chiếc áo veste Châu mặc, anh em vắt ra máu chảy như thác! Sao hồi đó lại quýnh quáng tưởng phổi nằm ở vai?! Tiếng khóc của anh em cộng với tiếng bom, đạn pháo cao xạ ì ùng, tự nhiên tôi chợt nghĩ: “Giống như đến giờ động quan”, nhưng không dám nói vì lỡ Châu be nghe được chắc chết vì khiếp.

Bỗng dưng cả sân banh “Ồ” lên một tiếng lớn (lúc này có thêm một số dân khá đông nhập bọn nữa) ai cũng chong mắt lên thấy một quả bom lớn, tách từ chiếc máy bay và rơi thẳng trên đầu mọi người. Chúa ơi! Xin cho con chết trong ơn nghĩa Chúa… Chờ mãi không thấy gì, mở mắt nhìn hóa ra là trái bom rơi khá xa. Thế là, không ai bảo ai, tất cả vùng chạy, tôi cũng vậy như một phản xạ tự nhiên, chạy dọc theo hành lang chủng viện. Ái! Đau quá, tôi nhìn xuống: một trái lựu đạn chưa nổ lăn lốc cốc, nhìn đằng sau người đông nghịt, nhìn ra trước người ít hơn, tôi cúi xuống cầm trái lựu đạn ném ra phía trước (vì đường hành lang hẹp, kín, chỗ phòng các Cha) khi đó tôi chỉ nghĩ: Lựu đạn nổ phía trước thì chết ít hơn, may thay không nghe tiếng nổ (sau này, nghe Thành gồ kể là có 2 trái lựu đạn được ném vào trước phòng hội, không hiểu tại sao cả hai đều không nổ. Chạy một mạch đến phòng Cha Lan để ra rừng cao su, tự nhiên tôi chợt nhớ: “Chết mẹ! bỏ quên Châu be đang nằm lại ở sân banh”. Quay lại thì không thể, tôi đành đứng chờ… Đây rồi, Thành gồ cõng Cha Đậu, một số anh em khiêng Châu be, Trung ròm.

Cuộc đời bắt đầu sang trang, khoảng trên dưới 10 anh em ở lại săn sóc người bị thương, có Cha Phạm Ngọc Lan, Soeur Anre và Nguyễn Đình Hảo (lớp Giuse), mặc dù thiếu thốn mọi sự mà vẫn chữa trị, săn sóc Cha Đậu, Châu be và Trung ròm lành lặn được.

Lâu lắm rồi không gặp Trung, còn Cha Đậu, Châu be vẫn mang theo suốt đời mình dấu ấn của một lần gần đất xa trời.

Xin tạ ơn Chúa. Xin cảm ơn mọi người đã sống và dành cho nhau những điều tốt đẹp.

TK.Điệp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây