CHẾT ĐÓI ĐẦU NÚI

Thứ ba - 28/07/2020 04:32 |   580
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
CHẾT ĐÓI ĐẦU NÚI

CHẾT ĐÓI ĐẦU NÚI

Khi Vũ Vương đem quân đi đánh vua Trụ, Bá Di, Thúc Tề, nghe thấy ra nắm dây cương ngựa, cản lại và nói rằng:

"Cha chết chưa chôn, mà đã chăm việc chinh chiến thế có gọi là “hiếu” được không? Bầy tôi giết vua để cướp nước, thế có gọi là “nhân” được không?

Những người thân cận của Vũ Vương, tức giận, toan giết Bá Di và Thúc Tề. Thái Công can, nói rằng:

Không nên, hai ông là “người nghĩa”. Rồi bảo quân lính ôm hai ông mà đẩy ra.

Đến khi Vũ Vương đã lấy được thiên hạ của vua Trụ, thiên hạ ai cũng tôn nhà Chu. Bá Di, và Thúc Tề, lấy việc nước mất làm xấu hổ, đến nỗi coi thóc gạo cũng là của nhà Chu, buồn bực không ăn nữa.

Hai ông lên ẩn ở núi Thú Dương làm bài ca Thái vi rằng:

"Ta lên núi Tây Sơn,

Ta hát khóm rau vi.

Kẻ bạo thay kẻ bạo,

Còn biết phải trái gì!

Đời cổ thoáng qua rồi,

Biết đâu mà quy y,

Than ôi! Đành chịu vậy

Thật vận mệnh ta suy (1)".

Rồi hai ông không ăn, đành chết đói ở trên ngọn núi.

CHU SỬ

GIẢI NGHĨA

- Bá Di, Thúc Tề: hai con vua Cõ Trúc đời nhà Thương.

- Hiếu: ăn ở hết lòng với cha mẹ khi người mất cũng như khi người còn.

- Nhân: thương yêu người mà không có chút gì tư tâm.

- Thân cận: người thân thiết gần gụi luôn bên mình.

- Thái công: tức là Lã Vọng, một người hiền thần nhà Chu, trước câu cá ở sông Vy, sau gặp vua Vũ Vương đón về, vua Vũ Vương dùng làm tướng.

- Người nghĩa: người chính trực khí khái.

- Vi: thứ cỏ sống hàng năm, dọc cao và thẳng, ngọn lá cuộn lại lúc còn non ăn được.

- Thái vi: hái rau vi.

- Thú dương: tức cũng là Tây Sơn tên núi ở về huyện Vĩnh Thanh tỉnh Sơn Tây bây giờ.

- Kẻ bạo thay kẻ bạo: đây nói vua Trụ đã bạo ngược, vua Vũ thay vua Trụ cũng là bạo ngược.

- Quy y: nương nhờ.

NHỜI BÀN

Xem bài này, hoặc có nói: "Bá Di, Thúc Tề nắm ngựa mà can Vũ Vương là phải. Song can, mà người ta không nghe, sao không thí thân chết theo với nước, lại đi lên núi Thú Dương hái rau vi. Than ÔI! Sau ngày giáp tý (là ngày vua Trụ mất thiên hạ) Vũ Vương đã đánh được nhà Thương, núi Thú Dương có còn là đất của nhà Thương, rau vi ở núi Thú Dương có còn là đồ ăn của nhà Thương nữa hay không? Bá Di, Thúc Tề nhầm lắm rồi !" Nói như thế kể cũng có lý, nhưng có phần quá nghiêm khắc. Ta chỉ biết Bá Di, Thúc Tề thân cô mà dám ngăn cản thiên binh vạn mã, thế là trong lòng rất can đảm, biết vua Trụ là người tàn bạo, mà cũng giữ một niềm thuỷ chung, thế là trung ái, bắt sự nhị quân, đáng tôn trọng quý báu biết chừng nào. Vả chăng hăng hái mà liều chết, việc ấy còn dễ; chớ thung dung mà làm điều nghĩa, việc ấy mới là khó. Bá Di, Thúc Tề lên ẩn trên núi mà còn để lại bài ca Thái vi, còn lưu lại hai tiếng "Hiếu, Nhân“ lúc ra can Vũ Vương; thật là những bậc có thể phù thực được cương thường muôn đời khiến cho người sau ai xem đến truyện ngu ngoan cũng thành có trí thức, liệt nhược cũng hoá ra cương cường mà có chí tự lập vậy.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Không phải chỉ có Bá Di, Thúc Tề lên núi Thú Dương ở ẩn, chết đói ở trên ngọn núi để lại bài ca Thái vi lưu lại hai tiếng "Hiếu, Nhân"cho hậu thế.
Ấn Độ, truyền thống nhịn ăn để phản đối, để đòi quyền công bằng bắt nguồn từ khoảng năm 750 tới 400 trước công nguyên. Nó được tài liệu nhắc tới qua cuốn thơ Valmiki Ramayana, và được nhắc tới một cách rõ ràng hơn trong cuốn Ayodhya Kanda.

Ở Việt Nam, phong trào tuyệt thực đấu tranh nổi tiếng qua bài thơ “Con cá, chột nưa” của Tố Hữu:

Năm sáu ngày mệt xỉu
Thuốc làm khuây mấy điếu
Vài ba hớp nước trong
Suy nghĩ chuyện bao đồng
Vẫn không ngoài chuyện đói.
Đầu sân, canh bốc khói
Chén cá nức mùi thơm
Lên họa với mùi cơm
Sao mà như cám dỗ!
Muốn ngủ mà không ngủ
Cái bụng cứ nằn nì:
“Ăn đi thôi, ăn đi”
Chết làm chi cho khổ!”
Nghe hắn thầm quyến rũ
Tôi đỏ mặt bừng tai:
“Im đi cái giọng mày
Tao thà cam chịu chết!”
Hắn nằm im đỡ mệt
Rồi tha thiết van lơn:
“Đời mới hai mươi xuân
Chết làm chi cho khổ!”
Hắn nói to nói nhỏ
Kể lể chuyện đê hèn
Tôi vẫn cứ nằm yên
Hắn liền thay chiến thuật:
“Thôi thì thôi: cứ vật
Nhưng phải ráng cầm hơi
Theo với bạn với đời
Cho đến ngày kết quả.
Ăn đi vài con cá
Năm bảy cái chột nưa
Có ai biết ai ngờ?
Thế vẫn tròn danh dự
Không can chi mà sợ
Có hôi miệng hôi mồm
Còn có nước khi hôm
Uống vô là sạch hết!”
Lần này tôi thú thiệt:
Lời hắn cũng hay hay
Lý sự cũng đủ đầy
Nghe ra chừng phải quá!
Ăn đi vài con cá
Năm bảy cái chột nưa
Có ai biết, ai ngờ
Thế vẫn tròn danh dự
Nhưng mà tôi lưỡng lự
Suy nghĩ rồi lắc đầu
Đành không ai biết đâu
Vẫn không làm thế được!
Từ khi chân dấn bước
Trên con đường đấu tranh
Tôi sẵn có trong mình
Đôi mắt thần: chủ nghĩa.
Đã đứng trong đoàn thể
Bênh vực lợi quyền chung
Sống chết có nhau cùng
Không được xa hàng ngũ
Không thể gì quyến rũ
Mua bán được lương tâm
Danh dự của riêng thân
Là của chung đồng chí
Phải giữ gìn tỉ mỉ
Như tròng mắt con ngươi
Đến cạn máu tàn hơi
Không xa rời kỉ luật
Phải trải lòng chân thật
Không một nét quanh co
Không một bóng lờ mờ
Không một nhăn ám muội!
Bụng nghe chừng biết tội
Từ đó hết nằn nì
Không dám thở than chi
Và tôi cười đắc thắng.

(xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

THẮC MẮC
“Con cá, chột nưa” nghĩa là gì?

GIẢ NHỜI

“Con cá, chột nưa”: tiếng địa phương gọi chung là cá cù. Đó là một món ăn rất bình dân nhưng đậm chất Huế. Món “con cá chột nưa” được người Huế nghĩ ra một cách sáng tạo để ăn với cơm nóng hổi trong cái ẩm lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông. (chị google)

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây