VỢ XẤU
Vợ Hứa Doãn là Nguyễn thị nhan sắc kém lắm. Khi Hứa Doãn mới lấy về, làm lễ cưới xong, trông thấy vợ xấu, muốn lập tức bỏ đi thẳng, bèn hỏi Nguyễn thị rằng:
- Đàn bà có "tứ đức", nàng được mấy đức?
Nguyễn thị thưa: Thiếp đây chỉ kém có "Dung" mà thôi. Rồi liền hỏi:
- Kẻ sĩ có "bách hạnh", dám hỏi chàng được mấy hạnh?
- Hứa Doãn đáp: Ta đây đủ cả bách hạnh.
- Nguyễn thị nói: Bách hạnh thì "Đức" là đầu, chàng là người hiếu sắc, không hiếu đức, sao lại bảo là có đủ bách hạnh được?
Hứa Doãn nghe nói, có sắc thẹn. Tự bấy giờ, hai vợ chồng bèn yêu mến, kính trọng nhau suốt đời.
THẾ THUYẾT
GIẢI NGHĨA
- Hứa Doãn: Người đời nhà Tống có tài văn chương thi đỗ Tiến sĩ, làm quan, chính sách rất hay, lòng dân cảm phục.
- Nhan sắc: sắc đẹp ngoài mặt.
- Tứ đức: bốn đức của đàn bà: 1) hạnh (tính hạnh), 2) ngôn (nhời ăn cách nói), 3) dung (dáng điệu vẻ người), 4) công (việc làm ăn).
- Kẻ sĩ: nói người có học thức.
- Bách hạnh: trăm nết hay.
- Đức: việc làm mà trong lương tâm được yên thỏa sung sướng.
- Hiếu sắc: ưa thích say mê gái đẹp.
NHỜI BÀN
Thường tình người ta, tự xưa đến nay, ai cũng thích đẹp, chuộng đẹp. Xem như câu đức Khổng Tử nói: “Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc" thì đủ rõ. Tuy vậy, cái đẹp có hạn, cái nết vô cùng. Thế gian, những kẻ đem cái đẹp mà thờ người, mua chuộc lòng người, đến khi cái đẹp kém xuân, thường phải người ta cư xử ra tình phụ bạc. Đến như cái nết thì êm đềm thấm thía, cảm hóa được người, khả dĩ làm cho người ta càng biết, càng thân yêu, càng kính phục, vì thế mà thường được trọn vẹn suốt đời.
Vợ Hứa Doãn đây nhanh trí khôn ngoan lắm thật. Chỉ một câu nói mà làm cho tan hết được nỗi bất tình của chồng và khiến cho chồng suốt đời phải yêu vì cái duyên lặn vào bên trong. Thế chẳng phải là "cái nết đánh chết được cái đẹp" hay sao.
Nhưng được những người như vợ Hứa Doãn rất là hiếm vậy. Ở đời kể đã được mấy tay có thể lấy đức mà thay sắc hay thường khi đã xấu người lại thêm xấu cả nết nữa.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928
NHỜI BÌNH
Xấu đánh trấu ra vàng. Cái nết đánh chết cái đẹp. Con người sống với nhau phải có nghĩa tình. Câu chuyện sau đây rất hay, rất cảm động:
Nghĩa tình
Khi gả về nhà anh, chị mới vừa tròn mười sáu, anh thì mới lên năm. Vì chỉ có mình anh nên ông bà cha mẹ quý anh hơn vàng, chỉ tiếc anh quá nhiều bệnh tật.
Ông nội nhờ buôn bán, gom góp dành dụm được ít tiền. Bà nội tin Phật, một lòng thành kính. Một hôm bà đi chùa lễ Phật và xin được một quẻ xăm giữa miếu nghi ngút khói hương, quẻ dịch ra, nói là phải cưới vợ lớn tuổi cho thằng cháu đích tôn thì nó mới qua được vận hạn.
Bà nội tin vào lời Phật dạy chúng sinh, nơi khói hương tỏa ngát vây quanh tiếng chuông chùa ngân vang, bởi thế ông bà nội bàn tính, đưa lễ hậu, kháo tin quanh vùng tìm mối nhân duyên cho anh...
Cảnh nghèo
Nhà chị năm miệng ăn, trông vào mấy sào ruộng bạc màu khô cằn sỏi đá, chỉ đủ bát cháo cho mùa đông, cha chị đi xa để may ra kiếm được đồng nào đỡ đần cho vợ con. Ông theo người lên núi đập đá, nhưng... tiền chưa kiếm được đã bị đá vỡ dập lưng, tiêu hết cả gia sản, bán sạch cả lương khô mà thương tích vẫn cứ trơ trơ.
Ngày ngày ông chỉ có thể nằm trên giường thở dài ngán ngẩm, muốn chết mà chẳng chết được. Mấy em trai còn bé dại. Nỗi khổ sở của gia đình, nỗi ai oán của mẹ, làm thời con gái của chị mang trĩu nặng một gánh tâm tư.
Bà mối cứ đến, rỉ tai:
“Gả cô nhà đi, có tiền dưỡng bệnh cho cha, rồi còn đỡ đần cho việc túng quẫn trong nhà”.
Mẹ chị khổ sở lắc đầu, bà không muốn gả bán con như thế, đứa con gái thơ dại yêu quý nhất của mình. Nhưng chị van xin: “Mẹ, cho con đi, với chỗ tiền ấy ta sẽ chữa khỏi cho cha!”.
Tiếng pháo vu quy vang lên ngoài ngõ, bố chị nằm trên giường tần ngần sửng sốt. Con gái tôi phải đem đổi tuổi thanh xuân, chấp nhận lấy một người chả xứng với mình để cứu tôi và cứu gia đình này, thật oái oăm làm sao...
Mẹ rưng rưng với hai hàng nước mắt, tay run run vuốt mái tóc của con và cài chiếc trâm lên mái tóc cho con lần cuối... Chị mặc áo đỏ đi giày thêu cúi lạy cha mẹ, tự buông tấm khăn đỏ che đầu mình, nước mắt lúc đó mới tràn ra.. Từ đó, cuộc đời chị về tay một đứa bé lên năm...
Xót xa
May thay bà mẹ chồng còn trẻ không phải là người khắt khe khó tính, bố chồng ở xa cũng chẳng cần chị tam khấu cửu bái, lạy chào dạ vâng, anh vâng lời mẹ gọi chị là chị gái. Hằng ngày ngoài việc giúp mẹ chồng chăm ruộng rau và làm xong việc nhà, thì hầu hạ anh, sắc thuốc, may áo cho chồng, giặt giũ cho chồng, ru chồng ngủ, nhiều khi anh ốm anh ho suốt đêm, nóng sốt, chị thức cả đêm chườm khăn hạ sốt, cho anh uống nước, uống thuốc.
Trong tim chị, chị coi anh như một đứa em trai.
Hàng xóm láng giềng gặp chị, chị thường cúi đầu lặng lẽ không nói, vội vã đi nhanh. Không biết là có ứng với quẻ xăm của Phật, hay nhờ chính sức mình mà anh vượt qua được bệnh tật, dưới sự chăm sóc của chị, anh lần lượt thoát khỏi mọi cơn bệnh tật hiểm nghèo: Ho gà, viêm màng não, lở loét v.v...
Dần dà, những tình cảm anh dành cho chị vượt trội hơn tình cảm dành cho chính mẹ mình. Ngoài những lúc bận rộn, hoặc khi đêm về anh đã ngủ say, chị thường khóc thầm với chính thân phận của mình, nước mắt lăn dài trên hai bên gò má để rồi thờ thẫn tự hỏi mình: “Đây là hôn nhân của mình ư, chồng của mình đây ư?”.
Đến tuổi đi học, chị may cho anh một chiếc túi xách, dắt tay anh đến lớp. Những đứa trẻ trong và ngoài thôn thường vây quanh nhìn anh rồi nhìn chị soi mói...
Chị cố nén nỗi đau trong lòng, cúi gằm mặt xuống. Một tối, anh nằm trong chăn nói:
“Chị ơi, em yêu chị!”.
Chị lại là vợ. Vợ lại là chị. Chị nhìn gương mặt ngây thơ non nớt của anh, im lặng. Lần đầu tiên chị mỉm cười, một nụ cười đau khổ.
An ủi
Cha anh ở ngoài buôn bán nhiễm phải thói cờ bạc, chỉ vài canh bạc mà thua sạch bao gia sản đã khổ sở tích lũy bấy lâu nay. Sau khi bố mẹ chồng cãi vã ầm trời, bố chồng chị bỏ nhà ra đi, từ đó không ai gặp lại ông nữa. Nghe đâu người ta thầm thì với nhau, ông bị lính bắt đi làm phu nơi góc bể chân trời nào đó. Lúc đó trên người mẹ chồng chị còn vài thứ trang sức, Mẹ cầm đi đổi lấy tiền.
Mẹ và chị bàn nhau mua lấy vài sào đất. Không thể mượn người phụ làm được nữa rồi, mẹ chồng con dâu xắn ống quần lên lội ruộng. Nhớ ngày còn ở nhà, chị đã từng giúp cha mẹ mình một tay đắc lực, khổ sở gì chị cũng đã trải qua, chỉ khổ cho bà mẹ chồng xưa nay chưa từng phải chân lấm tay bùn.
Vốn giàu có, bỗng chốc bần cùng, đàn ông cột trụ thì đã bỏ đi biệt tích, bà mẹ chồng vừa đau vừa hận, lại thêm việc ruộng vườn không quen nặng nhọc, bà kiệt sức nhuỗm bịnh không dậy nổi. Trước phút lâm chung, bà kéo tay chị, thều thào van xin:
“Nó hãy còn nhỏ dại, xin cô chăm sóc nó, nếu cô muốn ra đi, xin hãy đợi lúc nó trưởng thành...”
Chị nắm chặt bàn tay gầy guộc của mẹ chồng để trấn an bà, rồi nắm chặt lấy tay anh như thầm hứa sẽ bảo bọc anh mãi mãi. Và từ đó số mệnh của chị và anh hình như lại dán chặt thêm vào nhau...
Chị là người phụ nữ trọng tình nghĩa, chưa từng hứa gì, chị như bị cuốn theo chiều gió. Từ đó về sau, ngay cả chính chị cũng không nhận được ra mình là vợ, là chị hay là mẹ của anh?
Chị làm việc quần quật ngày cũng như đêm, để anh tiếp tục đi học. Cuộc sống của họ trôi qua khổ nhọc nhưng bình lặng giữa tình chị em sâu nặng, tình yêu bao la như tình mẫu tử thiêng liêng.
Sau khi anh học xong trung học và thi đỗ vào Đại Học Sư Phạm, chị thu xếp hành lý cho anh. Lại một lần nữa chị đưa anh tới trường.
Chị nhìn cậu con trai trẻ măng vừa qua tuổi dậy thì, do chính tay mình nuôi từ bé đến giờ, chị dặn anh hãy cố mà học hành, ngoài ra không nói thêm một điều gì nữa.
Nhưng anh cầm lấy tay chị siết nhẹ rồi nói:
“Chị... chờ tôi quay về nhé!”.
Lần đầu tiên trong đời tim chị đập liên hồi những nhịp tim khó tả, chị cố giữ vẻ mặt bình thường, môi chị tiềm ẩn một nụ cười hân hoan nhè nhẹ mà người đối diện khó nhìn thấy. Nụ cười ấy không biết có phải vì câu nói của anh, hay vì những công lao bấy lâu chị vun sới, đã được đáp đền?
Hy sinh
Chị vẫn lam lũ với ruộng vườn, nhịn ăn nhịn mặc dành dụm gửi cho anh. Hai năm đầu, những ngày hè và ngày Tết anh về quê giúp chị một tay. Nhưng những năm sau anh viết thư về nói:
“Chị đừng gửi tiền nữa, những kỳ nghỉ tới tôi cũng không về đâu. Tôi muốn ra ngoài kiếm việc làm thêm, đỡ gánh nặng cho chị.
Giờ chị đã 32 tuổi, ở quê, người như chị đã là mẹ của một bầy con. Người trong làng bảo: chị nuôi anh lớn khôn, lại còn lo cho anh ra tỉnh đi học, thế coi như là đã quá tốt với anh rồi, chị hơn anh mười một tuổi, thôi đừng chờ nữa. Bây giờ anh đã đi xa, thế giới bao la, muôn màu rực rỡ, hư thực khó phân, biết chồng có về nữa hay không mà đợi?
Đêm đêm chị tự hỏi lòng mình có phải là mình đang thủ tiết, giữ đạo phu thê chăng? Dù sao thì mười mấy năm trước đây chị cũng là một cô dâu gả cưới đàng hoàng về nhà anh kia mà, hay là mình đang vì câu nói ngày ấy của anh trước khi lên đường:
“Chị... chờ tôi quay về nhé!”
Hay là chị đang âu lo như cái âu lo của người mẹ không yên tâm về đứa con nhỏ của mình đang ở xa, và chị phải cứ chờ, mặc cho miệng đời dị nghị, bàn tán.
Chị vẫn cứ câm nín như đã từng câm nín hơn chục năm nay.
Ngày anh tốt nghiệp đã đến, và anh quay về, anh đã là một người đàn ông trưởng thành có phong cách dáng dấp một người đàn ông già dặn trường đời.
Còn chị, dãi nắng dầm sương, gương mặt nhọc nhằn lao khổ đã sớm mất đi những nét đẹp thời son trẻ, chị bây giờ là một người đàn bà nhà quê đích thực.
Trong lòng chị chỉ còn coi anh là một đứa em trai thân yêu. Chị không ngờ anh cầm lấy hai tay của chị và nói:
“Mình, tôi đã trưởng thành, giờ chúng ta có thể thành thân!”
Chị nhìn anh, như đang mơ, chị sợ mình đã nghe nhầm. Anh cũng là một người đàn ông trọng tình, trọng nghĩa.
Hai hàng lệ rươm rướm trong khóe mắt của chị, nụ cười tự đáy lòng dâng lên làm rơi xuống hai gò má xạm nắng những giọt nước mắt sung sướng nhất đời chị.
Xin lỗi
Anh ở lại thị trấn dạy học, chị ở nhà làm ruộng. Họ có với nhau bầy con hai đứa. Anh được thuyên chuyển đến làng này dạy học, rồi nhậm chức hiệu trưởng của một trường trung học, nhờ bằng cấp và kinh nghiệm của mình. Vì phương tiện và nhà cửa ruộng vườn nên chị và các con vẫn ở lại quê nhà. Sau khi yên nơi yên chỗ anh về quê đưa vợ con lên.
Các giáo chức trong trường xúm nhau đến giúp ông Hiệu Trưởng dọn nhà. Một người nhanh nhẩu chạy ra hỏi:
“Anh đón bác lên, rồi bao giờ thì mới đón chị?”.
Một sự im lặng bao trùm, mọi người đều ngoái đầu nhìn chị, chị sượng cứng người, với nụ cười gượng gạo, nhìn anh như kẻ có trọng tội, anh nhìn mọi người rồi tay anh tìm tay chị và dõng dạc nói:
“Chị của các chú đây! Nhờ cô ấy tôi mới có ngày hôm nay, thậm chí cô ấy cứu cả tính mạng của tôi”.
Chị nghe anh nói xong, hai khóe mắt chị ướt đẫm nước mắt...
Thủy chung...
Bây giờ chị đã bảy hai, vì làm việc quá nặng nhọc, sức khoẻ suy yếu đi nhiều, bệnh phong thấp làm bước đi của chị đi khập khễnh. Anh sáu mươi mốt và đã về hưu.
Hơn năm nay dọn về khu này, những hôm tốt trời không mưa ít gió, xóm giềng qua lại trong công viên này đều có thể thấy bóng dáng của anh chị quanh những bồn hoa. Chị chống gậy, anh đỡ một bên, đi chậm chạp từng bước, như đang dìu một đứa trẻ tập đi, chăm sóc thật ân cần.
Những người biết chuyện nhìn theo, cảm động bởi mối tình sâu nặng và bền chặt của anh và chị, mang nghĩa đủ, tình đầy suốt một kiếp người, anh thường hay nói:
“Cô ấy đã cho tôi sự sống, cho mẹ tôi sự ấm áp, cho tôi một mái nhà, bây giờ, tôi dành cuối đời tôi để chăm sóc cô ấy”
Anh dắt tay chị đi, như ngày đó chị dắt tay đứa bé năm tuổi, họ cùng mỉm cười toại nguyện, một mối tình đẹp như những áng mây chiều êm ả trôi lờ lững ở cuối lưng trời…
(xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)