KHÓ ĐƯỢC YẾT KIẾN

Thứ sáu - 02/10/2020 05:44 |   807
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
Tô Tần
Tô Tần

KHÓ ĐƯỢC YẾT KIẾN

Tô Tần sang nước Sở, chầu trực suốt ba ngày mới được vào yết kiến vua Sở.

Đến khi được yết kiến, nói xong câu chuyện là xin cáo biệt ngay.

Vua bảo: Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quí như nghe tiếng một bậc cổ nhân. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao?

- Tô Tần thưa: Tôi xem ra bên nước Sở ta đồ ăn đắt hơn ngọc, củi thổi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như giời. Nhà vua nay muốn bắt tôi ở lại ăn ngọc, thổi quế, nhờ ma để thấy giời hay sao?

- Vua nói: Xin mời tiên sinh cứ ở lại. Quả nhân nghe đã hiểu ra rồi.

CHIẾN QUỐC SÁCH

GIẢI NGHĨA

- Tô Tần: một nhà du thuyết giỏi thời Chiến quốc đi nói sáu nước đồng minh để cự lại nước Tần.

- Yết kiến: xin vào hầu, vào ra mắt.

- Cáo biệt: nói để từ biệt về.

- Tiên sinh: tiếng dùng để gọi thầy hay người đáng tôn kính.

- Quả nhân: người ít đức, tiếng vua tự khiêm để gọi mình.

- Cổ nhân: đây là nói người hiền tài đời cổ.

NHỜI BÀN

Lắm người có được chút quyền chức khiến cho người khác phải cầu đến mình, thì tự làm ra khó khăn hình như không muốn cùng ai xúc tiếp nữa. - Họ làm như thế, tưởng là nâng giá mình cho cao lên, có biết đâu lại là làm cho chức quyền mình kém đi vậy. Vì khi đã làm khó, ít cho người đến gần, tức là lấp đường không cho chân lý, không cho điều khuyết điểm của chức vụ mình đạt được đến mình nữa. Ôi! Như Tô Tần là bậc tài giỏi mà vua Sở làm cho khó yết kiến thì chỉ có phần thiệt cho vua, chớ có hại gì cho Tô Tần.
 

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Triều Nguyễn, dưới thời Minh Mạng, nhà vua đã lập ra một cơ quan xử án tối cao của triều đình, gọi là Tam Pháp ty. Đây là trụ sở phối hợp giữa ba cơ quan tư pháp là Bộ Hình (Tư pháp), Đô Sát viện (viện Giám sát) và Đại Lý tự (toà Phá án) để giải quyết thỏa đáng những điều khiếu nại của nhân dân.

Người dân có thể tới đây để đánh trống kêu oan, nộp đơn và xin được cứu xét theo thủ tục khẩn cấp.

Thời nay văn minh hơn, người dân có nhiều hơn những diễn đàn để bày tỏ với cửa quan, đó là việc tiếp xúc với đại biểu dân cử, gửi đơn thư khiếu nại tố cáo đến cơ quan chức năng, thậm chí đến thẳng nhà quan để kêu cứu…

Tuy nhiên, thời nào cũng vậy, tìm đến cơ quan công quyền là chuyện vạn bất đắc dĩ.

Các quan được giao chức vụ quyền hạn là để làm việc cho dân và được nuôi bằng tiền do người dân đóng góp thì phải biết phục vụ dân, phải biết xấu hổ khi không làm tròn chức năng, nhiệm vụ. 


Đừng quen thói “hành” dân là chính. Nên nhớ, mọi sự thành - bại, thịnh - suy đều nhờ dân và do dân.

Ôi! Như Tô Tần là bậc tài giỏi mà vua Sở làm cho khó yết kiến thì chỉ có phần thiệt cho vua, chớ có hại gì cho Tô Tần.
 



(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây