GHEN CŨNG PHẢI YÊU

Thứ năm - 10/09/2020 05:21 |   790
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
GHEN CŨNG PHẢI YÊU

GHEN CŨNG PHẢI YÊU

Hoàn Ôn trước đã có vợ là Nam Khang công chúa, con gái vua Minh Đế nhà Hán. Sau Hoàn Ôn sang đánh dẹp được nước Thục lại lấy con gái của Lý Thế là một nhà quyền quý nước Thục về làm thiếp.

Lúc về nhà, công chúa biết chuyện, nổi cơn ghen, liền cầm gươm và đem theo mấy người nàng hầu, xăm xăm đến, chực chém chết Lý thị. Lúc đến nơi, công chúa thấy Lý thị ngồi trước cửa sổ, chải đầu, tóc rũ chấm đất, dung nhan tư mạo đoan trang tươi đẹp, thong thả vấn tóc, lượm tay, đến trước công chúa, thưa rằng:

- Nước tôi mất, nhà tôi tan, tôi quả vô tâm mà hóa ra đến đây. Được bà chém cho, thật cũng thỏa lòng tôi mong mỏi.

Lý thị, khi nói, mặt trông nghiêm chính ung dung, tiếng nghe êm đềm thâm thúy.

Công chúa thấy vậy, ném gươm xuống đất, ôm lấy nàng mà nói rằng:

- Này em ơi! Chị đây thấy em cũng còn phải yêu, phải thương, huống chi là lão già nhà ta.

Rồi tự đây, công chúa rất trọng đãi Lý thị.

THẾ THUYẾT

GIẢI NGHĨA

- Hoàn Ôn: người đời nhà Tấn, làm quan đến chức Đại tư mã, uy quyền lừng lẫy, thường hay nói câu: "Tài giai chẳng có thể để tiếng thơm trăm đời cũng nên để tiếng xấu muôn năm."[1]

- Thục: nước ở vào vùng Thành đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay.

- Nhà quyền quý: người quyền thế, sang trọng.

- Dung nhan: dáng điệu vẻ mặt.

- Tư mạo: vẻ người, nét mặt.

- Đoan trang: ngay ngắn nghiêm trang.

- Nghiêm chính: nghiêm trang, đứng đắn.

- Trọng đãi: xử một cách rất tử tế hậu dĩ.

- Thế thuyết: pho sách của Lưu Nghĩa Khánh đời Tống soạn, nói những truyện vụn vặt tự đời Hậu Hán đến Đông Tấn.

NHỜI BÀN

Người hồng nhan số bạc mệnh đã phải cảnh nước phá, nhà tan, quân cừu địch bắt về làm tì thiếp, mà nào đã yên, lại còn nỗi gặp tay vợ cả phũ phàng, xăm xăm đến những chực mổ mề, móc gan, róc xương, lột xác. Đau đớn thay phận đàn bà thật! Thương thay! Lý thị nào phần thù riêng, nào phần nghĩa công, lo phiền uất ức, trăm mối bên lòng, sống cũng là thừa, người yêu ta xấu, thì thà rằng chết trẻ còn hơn. Cho nên câu Lý thị thưa công chúa khí khái tràn ra ngoài nhời nói, tưởng một liều, ba bẩy cũng liều cho xong. Nào ngờ, vì chính câu nói có khí khái ấy lại thêm được cái vẻ nghiêm nghị mà khiến cho người đang giận dữ phải dẹp ngay nỗi bất bình, đang ghen ghét lại hóa ngay ra chiều thân ái.

Ta chắc xem câu chuyện này, chẳng những các bà có tính ghen với cây, hờn cùng bóng, thành ra có lượng bao dong rộng rãi, mà nam nhi ta, những phường giá áo túi cơm, bội gốc, quên nguồn cũng phải sinh lòng khảng khái vậy.

Chú thích

Câu chữ Hán là:
Nam tử bất năng lưu phương bách thế,
diệc đương di khứu vạn niên.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Thời xưa, nước nhớn thường hay xâm lấn nước bé để bắt phải cống nạp.

Công chúa Huyền Trân cũng là một cống vật ngoại giao, giúp nước ta lấy được hàng ngàn dặm đất, làm bàn đạp cho sự nghiệp Nam tiến về sau.

Thế kỷ XI, vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, vua Chế Củ bị bắt, đem đất Quảng Bình ra đổi lấy tự do. Mảnh đất này bị giành giật giữa người Việt và người Chăm, nên có khi hòa khi chiến.

Năm 1301, đời vua Trần Anh Tông, vua Chăm là Chế Mân (Simahavarman III) cho một sứ bộ sang giao hảo. Vua Trần Nhân Tông là Thái Thượng Hoàng đáp lễ, theo sứ bộ ấy đi thăm Chiêm Thành; nhân đó hứa gả một công chúa cho vua Chế Mân.

Năm 1306, vua Chăm dâng Châu Ô và Châu Rí làm sính lễ để lấy em gái Trần Anh Tông là công chúa Huyền Trân.

Trần Anh Tông đặt tên Châu Ô là Thuận Châu (nay là một phần Quảng Trị), Châu Rý là Hóa Châu (nay là Thừa Thiên). Năm 1404, hai châu sáp nhập thành phủ Thuận Hóa.

Cưới chưa đầy một năm thì Chế Mân chết. Chiêm Thành chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ: người vợ tiết hạnh (Sati) tự thiêu chết theo chồng (tục Sutti). Trần Anh Tông sợ em gái phải lên hỏa đàn, nên cử một phái đoàn sang viếng tang để tìm cách giải thoát cho Huyền Trân.

Sự việc xảy ra vào tháng Mười, năm 1307, Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung được giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch. Ông thuyết phục phía chủ tang đưa Huyền Trân từ kinh đô Đồ Bàn (Vijaya) ra cửa bể là cảng Thị Nại (Sri Vinaya) (vịnh Qui Nhơn ngày nay), lấy cớ là để đón linh hồn Chế Mân về chiêu hồn. Thủy quân của ta chở sứ bộ, bất ngờ đánh cướp công chúa Huyền Trân rồi dong buồm ra khơi về thẳng Đại Việt.

Dân gian vẫn còn truyền tụng câu ca xót xa cho thân phận công chúa Huyền Trân:

Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mèo nó leo.

 

(xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây