THẦY TRÒ DẠY NHAU
Thường Tung yếu, Lão Tử đến thăm, hỏi rằng:
- Tôi xem ra tiên sinh mệt nặng. Dám hỏi tiên sinh còn có câu gì để dạy đệ tử chúng con nữa không?
Thường Tung nói: Qua chỗ cố hương mà xuống xe, ngươi đã biết điều ấy chưa?
- Lão Tử thưa: Qua chỗ cố hương mà xuống xe, có phải nghĩa là không quên nơi quê cha đất tổ không?
- Ừ phải đấy. - Thế qua chỗ có cây cao mà bước rảo chân, ngươi đã biết điều ấy chưa?
- Qua chỗ cây cao mà bước rảo chân, có phải là kính những bậc già cả không?
- Ừ phải đấy.
Thường Tung há miệng ra cho Lão Tử coi và hỏi rằng:
- Lưỡi ta còn không?
- Lão Tử thưa: Còn.
Thường Tung lại há miệng cho Lão Tử coi nữa và hỏi rằng:
- Răng ta có còn không?
- Lão Tử thưa: Rụng hết cả.
- Thế ngươi có rõ điều ấy không?
- Ôi! Lưỡi mà còn lại có phải tại nó mềm không? Răng mà rụng hết có phải tại nó cứng không?
- Ừ phải đấy. Việc đời đại để như thế cả. Ta không còn gì để nói cùng các ngươi nữa.
THUYẾT UYỂN
- Tiên sinh: tiếng học trò gọi thầy.
- Đệ tử: học trò.
- Cố hương: chỗ làng mình sinh trưởng ở đấy.
- Cây cao: đời cổ, lúc một nước mới lập thành, thì phàm những miếu, xã, đường, đàn đều có giồng những cây quý cả. Nước càng lâu dài, thì cây càng cao và cổ, bởi thế nên quý cây cao.
- Bước rảo: bước đi mau.
- Đại để: tóm tại, như nghĩa chữ đại khái.
- Quê hương là nơi ông cha mình ở đấy, chính mình cũng sinh trưởng ở đấy. Biết kính quê hương, tức là biết xứ sở mình mà không quên nguồn gốc.
- Cây cao tất là cây mọc đã lâu năm, trông thấy cây cao, bóng cả mà đem lòng kính trọng, tức là biết quý bậc lão thành mà không quên công đức. Người đã biết hai điều ấy tất là người có bản lĩnh, có thể trông cậy được rồi.
Tuy vậy, mà còn chưa đủ. Người ta ở đời không phải chỉ quay mắt nhìn về trước là xong, cốt lại phải liên can với những người hiện thời nữa. Mà trong cách liên can ấy, thì không gì bằng khiêm nhượng là hơn. Xưa nay luân lý đâu đâu cũng dạy như thế: "Dịu hơn là xẵng", “Lạt mềm buộc chặt". Đến như bài này, lấy cái răng, cái lưỡi làm thí dụ, lại đặt vào lúc người hấp hối dặn lại, thực là một bài dạy ta thấm thía đến nơi, khiến ta phải cảm động mà biết thực hành vậy.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928
NHỜI BÌNH
(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn