ĐỌC SÁCH CỔ

Chủ nhật - 08/11/2020 03:57 |   636
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
đẽo bánh xe
đẽo bánh xe

ĐỌC SÁCH CỔ

Vua Hoàn Công đọc sách ở nhà trên. Có người thợ mộc đang đẽo bánh xe ở nhà dưới, nghe tiếng học, bỏ chàng, đục, chạy lên hỏi vua rằng:

Cả dám hỏi nhà vua học những câu gì thế?

- Hoàn Công đáp: Những câu của Thánh nhân.

- Thánh nhân hiện nay còn sống không?

- Đã chết rồi.

- Thế thì những câu nhà vua học chỉ là những tao phách của cổ nhân đấy thôi.

- À anh thợ xẻ! Ta đang đọc sách sao dám được nghị luận? Hễ nói có nhẽ thì ta tha, không có nhẽ thì ta bắt tội.

- Người thợ mộc nói: Tôi đây cứ lấy việc tôi làm mà xem, khi đẽo cái bánh xe, để rộng, thì mộng cho vào dễ, nhưng không chặt; để hẹp, thì mộng cho vào khó, nhưng không ăn. Còn làm không rộng, không hẹp, vừa vặn đúng mực, thì thật tự tâm tôi liệu mà nẩy ra tay tôi làm như đã có cái phép nhất định, chớ miệng tôi không có thể nói ra được. Cái khéo ấy tôi không có thể dạy được cho con tôi, con tôi cũng không thể học được tôi. Bởi thế tôi năm nay đã bảy mươi tuổi mà vẫn giữ nghề đẽo bánh xe.

Người đời cổ đã chết thì cái hay của người cổ không thể truyền lại được, cũng đã chết cả rồi. Thế thì những câu nhà vua học thật chỉ là những tao phách của cổ nhân mà thôi.

TRANG TỬ

GIẢI NGHĨA

- Hoàn Công: Vua giỏi nước Tề về đời Xuân Thu.

- Thánh nhân: bậc người cách rất cao làm khuôn phép cho người ta được.

- Tao phách: cặn bã rượu, vật thừa thãi bỏ không dùng nữa.

- Nghị luận: bàn bạc chê bai.

NHỜI BÀN

Đọc sách cũng như xem người, xem người mà cứ câu nệ hình, sắc, danh, thanh, thì không bao giờ biết rõ được “tình” người, mà có khi lại phải người ta làm cho ngu nữa. Ta học mà cứ bo bo ở như ngôn ngữ, văn tự thì bao giờ biết hết được ý sách vì cái hay nhiều khi miệng không thể nói ra được, bút không thể tỏ hết được. Ta đọc sách mà tâm ta không lĩnh hội được cái ý ở ngoài câu nói của cổ nhân, thì ta không thể tu kỷ, không thể trì nhân được, chẳng qua chỉ làm cho loạn cái tính của ta thôi. Những kẻ hay mượn bã giả của cổ nhân để buông những học thuyết dông dài làm ra sách vở để dạy đời, ta tưởng cũng nhầm lắm.

Trong bài này ý Trang Tử cũng như ý Tuân Tử, muốn phản kháng lại cái lối học của các cụ xưa chỉ biết lấy "cổ" làm cốt, mà quên bỏ mất "kim" chỉ biết cho thánh nhân những Nghiêu Thuấn tự đời nào là phải, chớ không cho người chính thời nay còn được địa vị nào nữa. Như thế thì không khỏi gọi là thiên vậy.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Sách cổ còn lưu truyền đến thời nay, ắt là sách quý. Đọc sách cổ để học những điều hay của người xưa mà vận vào đời mình. Ôn cố, tri tân là vậy!

Lê Quý Đôn

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” thì lúc sinh thời, Lê Quý Đôn (1726-1784) nổi tiếng là người thông thái, đọc và hiểu không biết bao nhiêu sách vở thời bấy giờ. Ông thi đỗ Khôi nguyên. Lẽ ở đời thì những người tuổi trẻ thông minh đĩnh ngộ, lại đỗ đạt sớm thường hay mắc tính kiêu ngạo.

Thời trẻ, Lê Quý Đôn cũng không tránh khỏi điều ấy. Chuyện kể, sau khi thi đỗ, ông liền cho treo ngay trước ngõ tấm biển với hàng chữ: Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn. Nghĩa là: Ai không hiểu chữ gì thì hãy đến đây mà hỏi. Nhưng chẳng thấy có ai tới. Mãi đến khi thân phụ ông qua đời, người đến viếng rất đông. Trong số đó có một cụ già mà Lê Quý Đôn không quen, cũng không biết. Cụ tự giới thiệu lai lịch:

- Cháu còn nhỏ, chứ lão là bạn thân với cha cháu từ xưa. Nhưng vì nhà nghèo, đường xa, lại tuổi già sức yếu nên ít đi lại thăm hỏi nhau. Nay nghe tin cha cháu qua đời, nghĩa tử là nghĩa tận nên lão đến để có câu đối viếng. Lão run tay, cháu hãy lấy giấy bút, lão đọc, nhờ cháu viết hộ.

Nghe vậy, Lê Quý Đôn liền đi lấy giấy bút rồi mang ra. Cũng lúc đó, ông cụ bèn đọc: “chi”. Khi đó, Lê Quý Đôn không biết nên viết chữ “chi” nào, bởi trong tiếng Hán có nhiều chữ “chi” viết khác nhau. Ông đành cầm bút chờ cụ già đọc tiếp xem sao. Nhưng ông cụ lại đọc “chi”. Lê Quý Đôn thấy lạ, liền hỏi:

- Bẩm, “chi” nào ạ?

Lê Quý Đôn vừa hỏi xong thì cũng là lúc ông cụ thở dài và than rằng:

- Đến chữ “chi” mà cũng không biết viết, thế mà treo bảng ngoài ngõ để cho người đến hỏi, thì sao trả lời được kia chứ?

Ngay lúc đó, Lê Quý Đôn ngượng chín cả người. Bây giờ cụ già mới đọc luôn một mạch hai vế đối:

Chi chi tam thập niên dư, xích huyện hồng châu kiên thượng tại. Tại tại số thiên lý ngoại, đào hoa lưu thủy tử hà chỉ. Nghĩa của hai câu đối này là: Cách hơn ba chục năm, xích huyện hồng châu nay vẫn đó. Xa ngoài mấy ngàn dặm, đào hoa lưu thủy bác về đâu?

Thấy câu đối hay, lạ, Lê Quý Đôn và cả các nho sĩ đến viếng đều kinh ngạc. Còn ông già thì khi đó đã phủ phục trước linh cữu của thân phụ Lê Quý Đôn mà khóc rằng: Ới anh ơi, anh bỏ đi đâu để con anh đỗ đến Bảng Nhãn mà chưa biết viết chữ “chi” anh ơi!.

Lạy xong, cụ già chống gậy ra về. Lê Quý Đôn mời mãi nhưng cụ không chịu ở lại. Vậy nên sau này không ai biết ông cụ hay chữ đó tên là gì. Và cũng từ đó, Lê Quý Đôn đã cho gỡ tấm bảng treo trước ngõ.

Cũng về chuyện này, còn có giai thoại kể rằng, một lần Lê Quý Đôn đến cầu siêu ở ngôi chùa làng. Nhà sư thấy ông thì mừng rỡ mà rằng:

- Quan bảng vừa tới, may mắn sao. Bần tăng có điều muốn nhờ quan chỉ giáo. Chả là đứa tiểu đồng của bần tăng nghe người nào đó nói rồi về hỏi, nhưng bần tăng nghĩ không ra, nên đành theo lời quan bảng dạy “Nghi nhất tự lai vấn”. Câu đố thế này, xin quan chỉ cho: Hạ bất khả hạ. Thượng bất khả thượng. Chỉ nghi tại hạ. Bất khả tại thượng. Nghĩa là: Dưới không thể dưới, trên không thể trên. Đúng nên ở dưới, không thể ở trên.

Lê Quý Đôn nghĩ mãi không ra. Đúng lúc ấy chú tiểu chạy từ ngoài vào thưa với sư phụ là cậu đã giải được. Lê Quý Đôn giục chú tiểu nói thử xem, thì mới hay đó là chữ “nhất” (tức là một). Đúng là trong chữ “hạ” (dưới), thì chữ “nhất” ở trên chứ không thể viết dưới. Trong chữ “thượng” (là trên) thì chữ “nhất” nằm dưới và chữ “bất” (là không), với chữ “khả” thì chữ “nhất” lại ngồi trên.

Lê Quý Đôn biết nhà sư đã lấy ngay chữ “Nhất tự lai vấn” ông treo trước ngõ để nhạo lại mình. Ông tự nhủ thì ra thiên hạ còn nhiều người giỏi hơn mình liền về nhà sai người cất tấm bảng. Từ đó ông bỏ tính kiêu ngạo, chăm chú nghiên cứu, học hành, giúp đời, trở thành một ông quan đa năng, một thiên tài khoa học lớn nhất Việt Nam thời phong kiến.



(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 
 Tags: Cổ Học, Tinh Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây