CƠ TÂM

Thứ tư - 23/12/2020 04:01 |   847
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
CƠ TÂM

CƠ TÂM

Thầy Tử Cống đi qua đất Hán Âm thấy một ông lão làm vườn đang xuống giếng ghính từng hũ nước, đem lên tưới rau.

- Thầy Tử Cống nói: Kia có cái máy một ngày tưới được hàng trăm khu đất, sức dùng ít, mà công hiệu nhiều. Cái máy ấy đằng sau nặng, đằng trước nhẹ, đem nước lên rất dễ và tên gọi là "Máy lấy nước".

- Ông lão làm vườn nói: Máy tức là cơ giới, kẻ có cơ giới tất có cơ sự, kẻ có cơ sự tất có cơ tâm. Ta đây có phải không biết cái máy ấy đâu, chỉ nghĩ xấu hổ mà không muốn dùng vậy.

TRANG TỬ

GIẢI NGHĨA

- Tử Cống: học trò đức Khổng Tử giỏi về khoa ngôn ngữ.

- Hán Âm: tên đất hiện ở vào phủ Hưng An, tỉnh Thiểm Tây bây giờ.

- Công hiệu: nói dùng làm được nhiều việc.

- Cơ giới: đồ dùng có máy móc.

- Cơ sự: những việc dối giá, tai quái bầy ra để lừa hại người ta.

- Cơ tâm: lòng gian trá bí mật nghĩ để hãm hại người ta.

NHỜI BÀN

Cái đời gọi là văn minh. Âu Mỹ bây giờ chính là nhờ ở máy móc cả. Bao nhiêu đồ vật cần dùng từ cốc rượu uống, cái kim may áo cho đến cái súng trái phá, máy bay trên không, tầu ngầm dưới bể, nghĩa là tự cái đồ gây dựng cho đến cái đồ phá hoại cũng là tự máy móc chế ra rất là tinh xảo, thiên hạ đua nhau khen cho là thần diệu, thiên hạ xô nhau dùng cho là tiện lợi, tưởng như chỉ có thế, loài người mới được gọi là sung sướng.

Cái nhẽ đang nhiên. Nhưng xét lại phàm người đã đặt ra máy móc, tất là người phải có cơ tâm, mà khi đã có cơ tâm, ngờ nhau từng ly, lừa nhau từng miếng, thì còn đời nào mà hoà thuận, tin yêu nhau được. Ôi! Trang Tử đây thác vào kẻ làm vườn mà nói lấy “cơ tâm” làm xấu hổ cũng là có nghĩa vậy. Người ta quí nhất là giữ được thiên chân, toàn được bản tính. Nếu không, thì tư tưởng, hành vi làm sao cho tránh khởi được điều trí trá, kiểu sức, quỉ quyệt, nham hiểm, gian mà giống như ngay, nịnh mà giống như trung, giả mà giống như thật, trái mà giống như phải, thực là tai hại cho người mà tai hại cho chính cả mình nữa. Cơ tâm mình tự dối mình trước để sau dối người, hay trái lại mình đã dối người quen, sau thành dối cả mình, thì còn đâu là lương tâm để làm lành, làm phúc nữa?
 

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống.

Chỉ lạ một điều: Ðó là trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tóc” không biết làm sao có thể tạo ra một con chip “tình cảm” để khiến “những cỗ máy vô tình” biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh.

Ðó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội - bệnh vô cảm.

Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú.

Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?

(trích Bài tập làm văn của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An, Hà Nội: BỆNH VÔ CẢM)



(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây